Gợi ý Top cách nào hiểu đúng nghĩa của từ ba quân [Hot Nhất 2023]

Nhưng tại sao “ba quân” lại là từ được dân gian dùng để gọi quân đội? Nguyên do đến từ nguyên tắc “tam tam chế” trong tổ chức quân đội ở các triều đại phong kiến trước đây. Theo đó, quân đội của triều đình trung ương thường chia làm 3 lực lượng: Tả quân, trung quân, hữu quân. Khi quân đội triều đình hành quân đường xa, lại thường đi theo đội hình tiền quân, trung quân và hậu quân. Như vậy, cả trong tổ chức và trong hành tiến đều theo nguyên tắc “ba quân”. Vì lẽ đó mà “ba quân” trở thành từ dùng để chỉ quân đội. Còn vì sao từ “quân” lại được dùng để chỉ quân đội-lực lượng vũ trang? Theo cách viết chữ Hán thì chữ “quân” được hình thành từ hai chữ là “mịch” và “xa”. “Xa” là xe, tức là cỗ xe chiến, phương tiện chiến đấu chủ lực của quân đội các triều đình thời cổ. “Mịch” có nghĩa là “trùm lên”. Vì thế, “quân” nghĩa gốc là công việc bao trùm lên các cỗ xe chiến, tức là tất cả những việc của quân đội-lực lượng vũ trang.

“Tam tam chế” không chỉ được áp dụng trong quân đội các nước phương Đông mà quân đội các nước phương Tây cũng tuân thủ nguyên tắc này. Đối với Quân đội ta, trong quá trình ra đời và phát triển, về cơ bản cũng áp dụng nguyên tắc “tam tam chế”. Đơn vị nhỏ nhất mà bất kỳ người lính nào cũng thấy gần gũi và thân thiết là tổ “tam tam”-tức là tổ 3 người. Ở bộ binh, 3 tổ thì hình thành một tiểu đội; 3 tiểu đội thì hình thành một trung đội… Tất nhiên, quá trình hiện đại hóa quân sự đã tạo nên sự thay đổi lớn về biên chế, tổ chức trong quân đội tất cả các quốc gia trên thế giới, mà Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Tuy vậy, dấu ấn của nguyên tắc “tam tam chế” (ba quân) vẫn rất rõ ràng trong cách tổ chức các loại hình đơn vị quân sự trên toàn thế giới. Thậm chí, ảnh hưởng của nguyên tắc này trong thể thao cũng rất rõ ràng. Bóng đá là một ví dụ. Đội hình thi đấu dù có biến ảo thế nào thì tóm lại vẫn gồm 3 tuyến (tiền đạo, tiền vệ và hậu vệ), trong mỗi tuyến thì bố trí số lượng cầu thủ khác nhau, nhưng đều phải có người bảo đảm cánh trái, cánh phải và ở giữa…

Trong bài thơ “Thuật hoài” (Tỏ lòng), Phạm Ngũ Lão-danh tướng nhà Trần-đã viết: “Tam quân tì hổ khí thôn ngưu” (tạm dịch: Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu) để miêu tả khí thế mạnh mẽ của quân đội triều đình nhà Trần. Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du tả về đội quân khởi nghĩa của Từ Hải: “Ba quân chỉ ngọn cờ đào”. Có thể thấy, từ xưa đến nay, dù ở thời nào thì “ba quân” cũng là từ dùng để chỉ một đội quân chính nghĩa và mạnh mẽ, đó là nơi tụ hội những chàng trai ưu tú của đất nước để thực thi nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng: Bảo vệ quê hương, bảo vệ cuộc sống yên bình của nhân dân. Vì lẽ đó, ở bất kỳ thời nào, chốn “ba quân” vẫn là chốn để các cô gái tìm ra người anh hùng của riêng mình.

NGUYỄN HỒNG