Tôi 26 tuổi và quen bạn trai bằng tuổi, cùng quê được 4 năm. Chúng tôi cùng làm ngành xuất nhập khẩu nhưng khác mảng và khác công ty. Anh rất yêu và thương tôi, quan tâm và chia sẻ, luôn cố gắng cho tôi bằng những người con gái khác, không muốn tôi thua thiệt. Nếu xuống nhà anh chị anh chơi, anh luôn sẵn sàng phụ tôi rửa chén, dọn dẹp. Nếu hôm đó tôi bệnh, anh sẵn sàng không cho tôi làm và tự làm hết mọi việc dù trước mặt anh chị. Anh là người hiền lành, tốt bụng và ít nói.
Tuy nhiên, tôi đang rất mệt mỏi và trăn trở một điều là 2 năm gần đây, mỗi lần chúng tôi bàn luận về bất cứ điều gì và bất đồng quan điểm thì anh ấy sẽ thấy mệt, không muốn nói chuyện, chặn điện thoại, không nhắn tin, không gặp, mặc kệ tôi lúc đó cảm thấy thế nào. Tôi nhanh giận nhưng rất dễ hòa, sau đó vài phút, nên khi anh im lặng vậy khiến tôi vô cùng khó chịu. Tôi sẽ tìm đủ mọi cách liên lạc, nhắn tin điện thoại, dù bị chặn, hoặc có thể tôi sẽ tới chỗ trọ anh ở để gặp mặt nói chuyện, bởi im lặng vậy tôi rất ức chế.
Anh bảo tính anh vậy, nếu nói chuyện có khi sẽ nặng lời với tôi, hoặc là sẽ không chịu nổi khi tôi khóc lóc. Tôi đồng ý lúc đó có thể vậy, nhưng nếu anh là đàn ông thì qua hôm sau phải là người nhắn tin, điện thoại, chủ động nói chuyện, phân tích cho tôi nghe chứ. Cả hai cùng chỉ ra điểm đúng sai cho nhau, chứ im lặng mãi, rồi xem như chưa từng có cuộc tranh cãi đó. Nhiều lần tôi thấy mình đang đóng vai nam, chủ động xin lỗi, làm hòa. Tôi tự ái và mệt mỏi quá, nhưng nếu không làm vậy, anh sẽ im lặng và tôi rất khó chịu. Chúng tôi đã tính tới chuyện tương lai, nhưng nếu cứ vậy mãi, tôi không biết nên làm sao? Xin chuyên gia và độc giả tư vấn giúp tôi.
Thúy
Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Minh Hoa gợi ý:
Chào bạn,
Khi xảy ra tranh cãi với phụ nữ, nam giới thường chọn im lặng là xu hướng phổ biến. Tâm lý đàn ông khác với phụ nữ khi có vấn đề cần giải quyết. Đàn ông thường chọn một chỗ yên tĩnh để tự mình tìm giải pháp. Nhưng nhiều phụ nữ không hiểu và không chịu được cách xử sự này của đàn ông, vì thế họ cảm thấy khó chịu và tức tối. Họ cho rằng sự im lặng của đàn ông đồng nghĩa với việc anh ta muốn bỏ trách nhiệm, nhu nhược, thiếu tôn trọng phụ nữ và có cảm giác bị bỏ rơi, cô lập. Nam giới càng rút lui thì phụ nữ càng rượt đuổi. Vì thế, người phụ nữ có thể tìm đủ mọi cách liên lạc để giải bày cho thỏa mãn. Những hành động ấy không những không giải quyết được vấn đề mà có khi phản tác dụng, làm người kia cảm giác như bị khủng bố. Vả lại anh ta cũng biết nếu nói chuyện tiếp sẽ lại tranh cãi, làm cho sự việc đi càng xa.
Bạn trai của bạn cũng thuộc mẫu người như vậy, trong khi bạn là người nhanh giận nhưng rất dễ hòa sau vài phút. Thông thường khi giận, chúng ta nghĩ người chủ động làm hòa trước phải là người có lỗi. Nhưng cũng có những giận hờn mà chẳng biết lý do vì sao. Hơn nữa, có sự khác nhau về quan điểm mà cứ tranh cãi để giành thắng thua thì không có hồi kết. Vì thế, không phải người chủ động làm hòa là có lỗi mà chính là người nhìn ra vấn đề, đủ bình tâm để tháo “nút thắt”, nói đúng vấn đề và đưa ra giải pháp. Bạn luôn là người chủ động làm hòa, nhưng dường như là do bạn không chịu nổi sự im lặng. Sau đó bạn lại muốn anh ấy cùng bạn phân định thắng thua, đúng sai. Việc này lặp đi lặp lại nhiều lần làm cho không chỉ bạn mà cả bạn trai đều mệt mỏi.
Nhũng gì anh ấy làm cho bạn là vì yêu bạn. Trong tình yêu, những lúc mâu thuẫn, tranh cãi, giận hờn cũng cần khoảng lặng. Khoảng lặng có lợi, vì giúp chúng ta bình tĩnh, có thời gian nhìn nhận vấn đề thấu đáo, hiểu nhau, không đẩy những mâu thuẫn đến xung đột hay hậu quả trầm trọng hơn. Điều này không dễ thực hiện, nhất là những ai nóng tính, bộc trực, bị cảm xúc chi phối. Nhưng nếu luyện tập được và sử dụng khoảng lặng phù hợp sẽ là một trong những phương pháp giải quyết mâu thuẫn hiệu quả.
Trường hợp bạn và bạn trai khi có những quan điểm khác nhau, hay những vấn đề cần trao đổi, thay vì tranh luận để xem ai thắng, ai đúng thì các bạn có thể chọn cách giải quyết là chỉ đưa ra giải pháp mà cả hai cùng chấp nhận được. Bạn cũng cần học cách lắng nghe và quản lý cảm xúc để giảm bớt những cảm xúc tiêu cực không có lợi cho bản thân. Không những vậy, quản lý cảm xúc còn giúp cho bạn đủ bình tĩnh chấp nhận khoảng lặng rồi sau đó có nhiều cách giải quyết vấn đề của mình.
Muốn được Thạc sĩ Lê Thị Minh Hoa tư vấn, mời bạn gửi tâm sự tại đây.
Độc giả gọi điện tâm sự với biên tập viên theo số 02873008899 – máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính). Các chia sẻ của bạn sẽ được đăng tải trên Tâm sự
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!