Tất tần tật phân loại, nguồn gốc, thành phần về các loại son môi !!!
Son môi là một vật dụng không còn xa lạ, thậm chí phải nói là hết sức quen thuộc với phái nữ khi mà bất kỳ cô nàng nào cũng có sơ sơ vài ba cây son môi, cây cũ chẳng bao giờ đợi hết đã chuyển qua cây mới xài, và có những cây mua về quẹt được một lần đã bị rơi vào quên lãng.
Nhưng không phải ai cũng có thể hiểu hết tính chất của các loại son môi phổ biến trên thị trường.
Nên bây giờ hãy cùng Review Chuẩn tìm hiểu vễ những điều thú vị xoay quanh thỏi son môi và hệ thống hóa lại thông tin các loại son môi trên thị trường nhé!
Son môi là gì?
Son môi là một loại mỹ phẩm có tác dụng thoa lên môi để tạo màu sắc, tạo bề mặt (mịn màng hơn, che đi các khuyết điểm của môi) hoặc để chăm sóc, bảo vệ cho đôi môi của bạn. Các loại son thường chứa chủ yếu sắc tố tạo màu, dầu, sáp, chất là mềm da.
Nguồn gốc các loại son môi
Ngày nay thì các loại son môi đã trở nên rất quen thuộc với chúng ta, nhưng ít ai biết rằng sản phẩm này có một lịch sử hình thành rất thú vị và trải qua một chặng đường dài với rất nhiều thay đổi để trở thành thỏi son môi mà chúng ta vẫn dùng ngày nay.
Son môi được sử dụng từ… 5000 năm trước. Vâng, bạn không đọc nhầm đâu. Từ 5000 năm trước thì người Sumer đã nghiền đá quý để trang trí môi, viền mắt. Sau đó khoảng 1500 năm, tức là 3500 năm trước, thì nữ hoàng của Sumer là Schub-ad đã bắt đầu sử dụng chì trắng và đá đỏ nghiền vụn để trang trí cho môi và mở ra trào lưu sử dụng các loại son môi trong dân chúng dù cách làm đẹp này vô cùng nguy hại cho sức khỏe.
Ở Hi Lạp thì son môi có lịch sử từ những năm 1000 TCN (Trước công nguyên) và được làm ra từ những thành phần rất… lạ, như: rong biển, một số loại hoa, quả berry nghiền, đất hoàng thổ đỏ, nhựa thông và… phân cá sấu.
Ở Ai Cập cổ đại thì sử dụng đất hoàng thổ đỏ, màu đỏ son chiết suất từ fucus Algin, 0.01% iốt, Mannite Brom… Những chất nhuộm có nguồn gốc từ các loại kim loại nặng này rất độc, có thể gây ra bệnh tật thậm chí dẫn đến cái chết, chính vì vậy mà ở Ai Cập họ gọi son môi là “nụ hôn thần chết”. Người duy nhất có được loại son an toàn Nữ hoàng Cleopatra bằng cách sử dụng sáp ong, bọ cánh cứng (hoặc kiến) nghiền và kết hợp với vảy cá để tạo vẻ óng ánh.
Ở các nước Phương Tây thì son môi được phát triển nhiều vào thế kỷ 16, ở đất nước giàu có và đông đảo tầng lớp quý tộc nhất thời bấy giờ, đó là Vương quốc Anh. Son môi thời kì này cũng là công cụ phân chia giai cấp, tầng lớp thông thường thì dùng các loại son môi từ sáp ong trộn với chất nhuộm đỏ từ thực vật, quý tộc thì dùng son dưới dạng chì kẻ môi được làm bằng cách trộn thạch cao Paris với sắc tố đỏ rồi cuộn thành dạng cây bút chì, sau đó đem phơi khô. Riêng son của nữ hoàng thì bao gồm phẩm son, cao su Ả Rập, lòng trắng trứng và sữa quả sung.
Rồi đến Châu Mỹ dần phát triển dưới bàn tay người Phương Tây, ở đây họ phát hiện lục địa này có một loại bọ đặc biệt tên là rệp son, loài côn trùng này sản sinh ra axit carminic. Lượng axit carminic rất lớn và chiếm đến 17-24% trọng lượng cơ thể con bọ, khi trộn lượng chất này với muối nhôm hoặc canxi sẽ làm nên thuốc nhuộm màu đỏ yên chi và trở thành loại son môi mới được sử dụng nhiều ở Tân Thế Giới. Trải qua rất nhiều cột mốc lịch sử khác, son môi dần dần thay đổi thành phần, sau đó được nghiên cứu kĩ càng và tâm huyết trong phòng thí nghiệm để có thể thương mại hóa. Nhiều công ty mỹ phẩm mua các công thức này từ các phòng thí nghiệm, sau đó cho ra thị trường những dòng son môi đầu tiên trên thế giới, sau đó lại tiếp tục phát triển để có được các loại son môi đa dạng như ngày nay.
Tuy có lịch sử từ thời cổ đại và trải dài khắp các nền văn minh, đúng là phụ nữ chúng ta dù ở thời kì nào thì nhu cầu làm đẹp cũng rất lớn phải không nào! Thế nhưng son môi lại có một giai đoạn nhận phải rất nhiều chỉ trích và phản đối. Ở Anh là giai đoạn thế kỉ 19, người ta có định kiến không tốt với những người dùng son môi, coi họ là rẻ tiền hoặc gán cho họ một vị trí xã hội thấp, báo chí thì không ngừng gửi đi những thông điệp rằng son môi là có hại, vẻ đẹp tự nhiên mới là trên hết hoặc các thông điệp nói rằng đàn ông không thích phụ nữ dùng son môi. Thậm chí nữ hoàng Anh Victoria (1837-1901) cũng đã đưa ra nhiều quy định cấm việc sử dụng son môi. Tương tự như vậy, ở Mỹ giai đoạn đầu thế kỷ 20 cũng có nhiều cách thức để hạn chế sử dụng son môi, mà chủ yếu là thông qua các biện pháp truyền thông trên báo chí, truyền đi các thông điệp sức khỏe, thậm chí dọa nạt rằng dùng son môi sẽ gây ra sự khiêu khích nam giới…
Song hành với sự phát triển của các loại son môi về chất lượng, kiểu dáng, độ bền, mức độ an toàn, sự đa dạng trong màu sắc thì tư duy của xã hội cũng thay đổi và trở nên cởi mở hơn với son môi. Đến nay, son môi đã trở nên quá phổ biến và gần như đã trở thành một phần không thể thiếu với mỗi cô gái.
Thành phần cấu tạo nên các loại son môi.
Thường thì người ta chia các thành phần này ra làm nhóm có hại và nhóm không gây hại, nhưng ở góc độ cá nhân thì mình thấy những thông điệp đó chủ yếu là sự thổi phòng của truyền thông, vì các thành phần mà mình nêu sau đây dù về bản chất có thể gây hại, nhưng chỉ là khi dùng một liều lượng quá lớn, mà bản thân son môi thì đều phải được sản xuất theo quy định của các tổ chức quốc tế để đảm bảo sức khỏe cho người dùng.
Ví dụ như Chì, một thành phần gây tranh cãi không ít và cũng là chất khiến chị em lăn tăn nhất khi dùng son môi. Thì thật ra chì trong son môi luôn được sản xuất trong ngưỡng an toàn.
Hơn thế nữa, lượng chì mà chúng ta dùng son môi, dù có lỡ nuốt vào thì cũng chỉ bằng 1/1000 lượng chì mà chúng ta đã và đang hấp thụ trong ăn uống, sinh hoạt, hít thở tại những thành phố lớn đã tỉ lệ ô nhiễm nhất định. Vậy thì rõ ràng là sự ảnh hưởng của chì trong son môi là tương đối nhỏ.
Tiếp theo là Paraben – chất bảo quản công nghiệp cũng tương tự như vậy. Lượng Paraben cảnh báo ảnh hưởng đến sức khỏe là 25%, trong khi lượng trong son môi là rất nhỏ, chỉ từ 0,01 đến 0,3% thì cũng không gây hại cho môi của bạn được.
Chất tạo màu tổng hợp – Tar Colors giúp cho môi có màu sắc bắt mắt hơn là màu của các loại son có gốc thiên nhiên. Riêng cái này thì thực sự có hại cho phụ nữ mang thai hay cho con bú.
Cồn để tạo nên dung môi giữa sáp và dầu, cồn có thể khiến môi bạn trở nên khô hơn vì nó khiến da môi mất đi một lượng dầu trên bề mặt.
Các chất tạo hương nhân tạo để che lấp đi mùi khó chịu của các loại hóa chất trong son cũng có thể gây kích cho những làn da nhạy cảm.
Ngoài ra trong son môi còn có nhiều chất được xếp vào nhóm an toàn khác, như:
- Sáp (Wax) giúp tạo khuôn cho son, tạo độ bóng, trơn và độ bám dính. Ba loại sáp phổ biến được dùng là Sáp Ong – Bee Wax, Sáp Candellila, Sáp Carnauba (hay còn gọi là sáp Brazil).
- Dầu giúp làm mềm thỏi son, mềm môi và tạo ra độ bóng. Đây còn là chất giúp hòa tan những chất tạo màu có trong son. Các loại dầu thường được dùng là thầu dầu (Castor Oil), dầu Olive, dầu khoáng, một số loại dầu thực vật, Lanonin, Coca Butter.
- Chất tạo màu chất nhuộm có nguồn gốc thiên nhiên.
Trên thị trường còn có một số loại son nhũ có chứa Pearl Essence để tạo hiệu ứng nhũ và thường có nguyên liệu từ các loại vảy cá. Tác dụng thì có lẽ các bạn cũng không còn xa lạ, thành phần này giúp son có độ nhũ, trở nên long lanh hơn – đặc biệt là dưới ánh đèn trong các buổi tiệc, lễ hội.
Các loại son môi đang được bán trên thị trường.
1. Son lì – Matte Lipstick
Son lì là loại son với thành phần chính là cao lanh – một loại đất sét chứa nhiều dưỡng chất, khoáng chất. Cao lanh giúp cho tạo cho son lì 2 đặc tính cơ bản, đó là:
- Không có hiệu ứng bóng, bền màu và lâu trôi. Điều này đồng nghĩa với việc màu sắc của son môi khi đã tô và khi chưa tô gần như hoàn toàn giống nhau.
- Hút dầu, hút ẩm nên sẽ dễ gây ra tình trạng khô môi. Đồng thời, khả năng hút ẩm đó khiến son lì không thể có chứa dung môi nên không thể có thêm các dưỡng chất chăm sóc môi.
Son lì rất bền màu, lên màu chuẩn và đậm là loại son môi phù hợp với phong cách trẻ trung, quyến rũ, mạnh mẽ. Đồng thời cũng là công cụ đắc lực để che đi các khuyết điểm của môi như môi đậm, thâm chẳng hạn. Nhưng vì rất dễ dây khô môi nên các bạn trước khi đánh son lì thì đừng quên dùng son dưỡng để làm son lót nhé!
Xem chi tiết: Son lì
2. Son tint – Lip Tint
Son tint là dạng son lỏng, nhẹ như nước nên sẽ không ở dạng thỏi rắn mà được đựng trong hũ và dùng cọ để đánh son, có lẽ vì vậy mà đôi khi người ta còn gọi son tint là son nước. Tuy kết cấu lỏng nhẹ nhưng son tint lại bám màu cực tốt, lâu trôi, thậm chí gần như là loại son lâu trôi nhất nên bạn hoàn toàn yên tâm về màu son dù có phải ăn uống gì đó.
Son tint và son lì đều là những loại son có độ bám màu tốt, nhưng kết cấu dạng lỏng của son tint giúp nó có trở nên mỏng nhẹ hơn, không có cảm giác nặng nề khi dùng như son lì. Bù lại son tint lại có nhược điểm khác thua kém son lì, đó là chất kem lỏng nhẹ sẽ rất khó để che đi khuyết điểm của môi, như thâm môi chẳng hạn.
Trong các loại son môi, son tint được mệnh danh là có độ bám cao nhất, vì vậy nên son tint rất khó tẩy trang, nếu dùng son tint thì các bạn cứ xác định mua thêm chai nước và bông tẩy trang để lau cho sạch son, đảm bảo vệ sinh cho môi.
Xem chi tiết: Son tint
3. Son bóng – Lip Gloss
Son bóng là son khi dùng sẽ tạo độ bóng cho môi, tạo cảm giác ngọt ngào, đáng yêu và quan trọng nhất là nét thu hút với người xung quanh. Đa phần các loại son bóng trên thị trường đều ở dạng gel, đi kèm với cọ tô, có một số loại son bóng ở dạng tuýp.
Khi dùng son bóng các bạn không nên bặm môi mà đánh một chút ở chính giữa, sau đó dùng cọ để tán đều để giữ được độ bóng mượt chuẩn nhất.
Trong các loại son môi, dòng son này có độ bền màu khá kém, dễ trôi và đương nhiên đi kèm với đó là độ lên màu sẽ không thể chính xác như son lì. Ngoài ra, những người lần đầu dùng son bóng sẽ cảm thấy hơi chút khó chịu vì dính nhớp trên môi, khi dùng lâu thì sẽ dần thấy quen. Ngoài ra các bạn tóc dài nếu không cột tóc sẽ dễ bị loại son này dính vào tóc.
Xem chi tiết: Son bóng
4. Son kem – Creame Liptint
Giống như son nước, thì son kem cũng có kết cấu dạng lỏng, cũng được đựng trong lọ và sử dụng cọ để tô son. Đặc trưng của dạng son kem là thành phần sáp nhiều hơn dầu, nên loại son này có độ lì màu cao, độ bền màu và chống trôi cực tốt đảm bao không mất màu son sau khi ăn uống.
Nhưng vì lượng sáp nhiều thì son kem cũng sẽ khiến bạn có cảm giác khô môi, ban đầu khi mới tô thì rất mượt nhưng sau một lúc thì sẽ lì lại, một số bạn thì sẽ thấy mịn như nhung, nhưng đôi khi thì sẽ là cảm giác nặng nề khó chịu.
Xem chi tiết: Son kem lì
5. Son nhũ – Pearly and Frosted Lipstick
Son nhũ là loại son có độ bóng cao, khi tô lên môi sẽ tạo ra hiệu ứng lấp lánh, ánh kim.
Son nhũ tuy có tên là “ngọc trai” – pearl, nhưng các bạn đừng nhầm lẫn, trong son nhũ không có thành phần từ ngọc trai, mà chủ yếu là từ vảy cá (như mình giới thiệu trong phần đầu bài viết), trong đó có các tinh thể mica hoặc silica để tạo ra hiệu ứng lấp lánh.
Chính vì hiệu ứng lấp lánh đó mà son nhũ thường được các nàng sử dụng đến các buổi tiệc, sự kiện vì nó khiến cho chúng ta trở nên nổi bật, ấn tượng với một đôi môi lấp lánh, rạng ngời dưới ánh đèn.
Nhược điểm của son nhũ là nó dễ gây ra tình trạng khô, nứt nẻ cho da môi nên các bạn khi dùng loại son này đừng bao giờ quên dùng son dưỡng trước.
Link Son Nhũ tại Lazada
Link Son Nhũ tại Shopee
6. Son đổi màu – Color Changing Lipstick
Ở Việt Nam, loại son này còn được là son gió, một loại son có khả năng thay đổi màu sắc dựa vào tình trạng cơ thể của người dùng.
Sự thay đổi “ảo diệu” này nhờ vào thành phần chất nhuộm màu đặc biệt có khả năng phản ứng với độ pH và nhiệt độ cơ thể. Mà độ pH và nhiệt độ cơ thể của mỗi người là khác nhau, thậm chí bản thân mỗi người trong từng môi trường, từng tình trạng sức khỏe hay cảm xúc cũng sẽ khác nhau và kết quả là có một màu son khác. Chính điều này tạo nên sự thú vị nên son gió từng tạo nên một cơn sốt không hề nhỏ trong lòng giới trẻ.
Tuy nhiên sau đó phong trào xài son gió lại lắng xuống, vì dù có khả năng đổi màu thì lượng màu sắc đó cũng không quá đa dạng, mãi đến gần đây thì son gió mới được ưa chuộng trở lại
Link Son Đổi Màu tại Lazada
Link Son Đổi Màu tại Shopee
7. Son lâu trôi – Long Wearing and Transferresistant Lipsticks
Trong danh sách này mình đã liệt kê các loại son có độ bám tốt, chống trôi, bền màu tốt thì ngay giờ đây sẽ là dòng son tập trung hoàn toàn vào khả năng đó.
Son lâu trôi là loại son có chứa các hợp chất cao phân tử để chống trôi, đồng thời sử dụng nhiều chất màu tổng hợp tạo nên ưu điểm là khả năng chống trôi vượt trội hơn hẳn so với các loại son trên thị trường, màu sắc đẹp, quyến rũ. Tuy nhiên cả 2 thành phần này đều khiến cho môi dễ thương tổn, khô ráp. Tổn thương đó càng nặng hơn khi bạn phải sử dụng các loại nước tẩy trang mạnh để tẩy sạch lượng son bám rất chặt trên môi.
Đặc biệt, vì lượng chất tạo màu – tar colors – dính ở trên môi lâu, khó rửa sạch khiến môi bị lắng đọng sắc tố và trở nên thâm hơn sau thời gian dài sử dụng.
Lợi bất cập hại nên có lẽ ngày nay son lâu trôi ngày càng trở nên ít được chọn lựa.
8. Son dưỡng môi – Lip Balm
Môi cũng là da, và nếu như da có các sản phẩm để chăm sóc bằng cách dưỡng ẩm, bổ sung dưỡng chất thì môi cũng vậy. Sản phẩm giúp chăm sóc cho môi không gì khác chính là những dòng son dưỡng giúp cho môi căng mịn, khỏe mạnh, đầy sức sống.
Các thành phần chủ yếu trong son dưỡng thường là những thành phần tự nhiên có tác dụng lớn trong việc dưỡng ẩm và cung cấp dưỡng chất như vitamin E, Glycerin, nha đam, tinh dầu (thường là dầu dừa), bơ…
Chúng ta có thể sử dụng nhiều loại son khác nhau, theo nhiều phong cách make up hoặc theo sở thích cá nhân của mỗi người nhưng son dưỡng thì là sản phẩm không thể thiếu.
Xem chi tiết: Son dưỡng môi
9. Chì kẻ môi – Lip Liner Pencil
Đây là dòng sản phẩm không kém phần quan trọng so với son màu, son dưỡng vì nó sẽ giúp bạn hoàn thiện việc trang điểm cho đôi môi của mình đấy.
Trước khi tô son, bạn dùng chì kẻ môi để kẻ kín vào các vùng không đều trên cạnh ngoài môi để tạo hình, không tô lem, dáng chuẩn hơn. Mình tạm gọi đây là bước “phác thảo”, để định hình cho việc tô son, ngăn không cho son trôi ra ngoài.
Không chỉ để vẽ viền phác thảo, chì kẻ môi còn có thể dùng để tô kín môi rồi dùng các loại son môi khác để có được độ đậm, màu sắc quyến rũ và đặc biệt là giúp son lâu trôi hơn. Thậm chí bạn có thể kẻ kín môi như son môi thông thường.
Vì mục tiêu là để kẻ môi, nên kết cấu của chì của môi cũng ở dạng rắn hơn, thành phần nhiều sáp, ít dầu, màu sắc đậm nhiều sắc tố.
Xem chi tiết: Chì kẻ môi
Lời kết
Các loại son đã chứng minh được là một item không thể thiếu với phụ nữ. Để làm đẹp cho bản thân, cô gái nào chắc hẳn cũng có rất nhiều son, đa dạng từ chủng loại đến màu sắc để dùng cho nhiều trường hợp khác nhau.
Mong rằng qua bài viết mình đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về việc phân biệt các loại son môi để có thể dễ dàng tìm mua loại son phù hợp nhất, đẹp nhất trên thị trường son bao la hiện nay.
Nguồn: Review Chuẩn
Xem thêm:
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!