Xã hội hiện nay mấy ai làm nhà mà lại không đi hỏi các thầy. Từ thầy cúng, thầy bói cho tới thầy phong thủy. Nhiều gia chủ sau khi tham khảo ý kiến của các thầy thì không biết nghe ai, không biết xây thế nào. Nhiều căn nhà để hợp kiến trúc phong thủy mà xấu đến không tả nổi. Thiên hạ cũng đồn rằng phong thủy sư là kẻ thù của kiến trúc sư
Chuyện làm nhà phải thuê thầy phong thủy
Chuyện làm nhà nên thăm hỏi ý kiến thầy phong thủy trong kiến trúc Việt Nam không phải là mới, từ xưa vấn đề phong thuỷ trong xây dựng công trình, nhà ở đã được quan tâm, ở cả tầng lớp vua quan, nhà giàu quyền quý cho đến thường dân, và mức độ quan tâm cũng phân theo đẳng cấp công trình và vị thế chủ nhân. Tuy nhiên hiện nay, mối quan tâm tới phong thuỷ, và yêu cầu chặt chẽ về phong thuỷ đã phổ biến hơn nhiều trong đại chúng.
Thầy cứ phán còn hậu quả gia chủ gánh
Đa số những người làm nhà chưa hiểu bản chất của phong thuỷ trong kiến trúc là gì, nhưng cũng cứ phải tới thầy để thầy coi, để thầy phán; và mang tâm thế thụ động, tin tuởng, chịu đựng tới mức nhẫn nhịn, mù quáng.
Trước hết, theo tôi, phong thuỷ là một bộ môn không được giới khoa học chính thống công nhận, nhưng sự tồn tại của nó trong nhân dân hàng ngàn năm là sự công nhận và khẳng định giá trị tốt nhất về nó.
Có thể nói có bao nhiêu trường phái Phong Thủy, thậm chí có bao nhiêu Nhà Phong Thủy thì có bấy nhiêu định nghĩa khác nhau.
Lần theo lịch sử xuất hiện và phát triển của phong thuỷ cũng là những dữ liệu dân gian truyền miệng mù mờ, nhưng có thể khẳng định cũng như võ công, phong thuỷ chia ra làm vô cùng nhiều “phái” với cách tính toán, “chiêu thức” và kết quả nghiên cứu hoàn toàn khác nhau dựa trên những nền tảng luận điểm khác nhau.
Để rối rắm, loạn đầu khi nói về phong thủy và thần thánh nó thì người ta cho rằng: Phong Thủy là một môn khoa học tổng hợp rất nhiều kiến thức của các môn khoa học như: Kinh dịch, địa lí, vũ trụ, toán học, vật lí, hóa học, lịch sử, sinh học bây giờ thì gồm cả tin học…vân vân và mây mây. với mục đích để nghiên cứu về môi trường sinh thái và môi trường tâm linh phục vụ cho đời sống của con người trên trái đất, chiêu tài, hóa sát….
Học tư vấn và thiết kế phong thủy
Tuy nhiên nếu giản lược dễ hiểu về phong thủy là gì để đỡ trìu tượng thì: Phong Thủy là một trường phái chuyên nghiên cứu, các ảnh hưởng của môi trường xung quanh ( Tự nhiên và nhân tạo ) tới đời sống con người với hai yếu tố chính là gió (khí) và nước với mục đích làm cho cuộc sống của mỗi người trong môi trường đó được thoải mái nhất.
Lấy điều kiện tự nhiên xung quanh làm cơ sở để xác lập các tính toán bố trí cho căn nhà, dựa trên khái niệm về “khí”, khái niệm cơ bản của từ “phong” trong chữ phong thuỷ. Khí tốt (sinh khí) sẽ làm cuộc cống trong căn nhà vừa khoẻ vừa tốt. Căn nhà hướng nào đón gió tự nhiên mát mẻ thì mở, hướng nắng nóng thì che chắn, đường xá xung quanh, sông ngòi sẽ quyết định cửa giả, góc view, bố cục căn nhà dựa vào những điều kiện sống tốt nhất tự thân của khu đất sẽ là cơ sở thiết kế cho căn nhà. Đây chính là những quy tắc thiết kế của chính kiến trúc hiện đại, kiến trúc bền vững, là quy hoạch tốt chứ không có gì xa lạ, mê tín.
Xưa ăn không đủ no thì tiền đâu mà thuê thầy phong thủy, dân Việt cũng có câu ca” “lấy vợ hiền hoà, làm nhà hướng nam”. Căn nhà lá đắp đất Việt đơn sơ qua ngàn năm thường chọn hướng nam để cất, chính là hướng đón gió mát lành mùa hè, ngược với hướng gió lạnh mùa đông, tránh nắng gắt trực tiếp Đông – Tây.
Nhưng trong thời hiện đại này, khi đời sống ngày càng tăng, đất chật người đông do sự xuất hiện của đô thị hoá, những toà nhà cao tầng bắt đầu mọc lên. Những khái niệm xây dựng hoàn toàn mới xuất hiện, mà phong thuỷ cổ đại không hề biết đến.
Phong thủy trong kiến trúc nhà ở
Những nhà xây dựng nhận ra là khi xây một toà nhà căn hộ cao tầng lên, những căn nhà quay về hướng tránh được nắng và đón gió mát vẫn là những căn hộ tốt nhất. Vậy những căn hộ còn lại, làm sao mà bán được khi mà một toà nhà chung cư quay tới đủ 8 hướng.
Vậy là những chủ đầu tư xây dựng bắt đầu tìm kiếm và lục lại những thứ lưu truyền trong quá khứ để tìm một lời giải “tâm linh” cho việc marketing bán hàng. Và “phong thuỷ bát trạch” là sự cứu cánh cho họ. Từ đó mỗi tòa, mỗi căn sẽ được luận theo một trường phái, cũng giống như số điện thoại hay biển số xe, kẻ chê xấu, kẻ khen đẹp
Vậy là hướng nhà nào cũng có người “hướng tốt”. Ngay cả những căn chung cư cao tầng quay ra hướng chính Tây, nắng nóng chói chang nay cũng trở thành những căn nhà bán chạy với những người “mệnh Tây”.
Chỉ vài chục năm ngắn ngủi vừa qua, dưới sự cổ xuý của giới bất động sản Hongkong, Đài Loan, Trung quốc, Singapore, Bát trạch đột ngột trở thành một phái phong thuỷ nổi tiếng và phổ biến hơn cả.
Điều này cũng lan sang Việt Nam trong quá trình đô thị hoá tấp nập. Cũng nảy ra nhiều thầy phong thủy danh to ngất, quá đơn giản để ai cũng có thể thao thao phán về phong thuỷ (trong khi các lý thuyết về lý khí thực sự phức tạp hơn, cần kiến thức chuyên môn của kinh dịch hoặc am hiểu về khoa học, đời sống hoặc kiến thức về kiến trúc) nên sinh ra một thế hệ các “thầy phong thuỷ” tự phong phục vụ cho các “khách hàng mới”.
Phong thuỷ rởm là kẻ thù của kiến trúc sư
Trong giới hành nghề hiện nay, có người thậm chí chỉ cần mua sách phong thủy trong kiến trúc về đọc cũng có thể trở thành thầy phong thủy, chỉ với kiến thức vững về hai thông số duy nhất là Tuổi & Hướng nhà cũng đủ để dọa cho nhiều gia chủ hết hồn.
Ẵm thêm cái la bàn thật to là đường hoàng đi kiếm tiền thiên hạ. Ôm thêm món bán đồ phong thủy, thuộc thêm vài bài khấn khai quang, điểm nhãn là phát tài nhanh lắm.
Trong quá trình hành nghề thiết kế, tôi và nhiều anh em kiến trúc sư đã chứng kiến cảnh nhà đang vuông vắn phải quay ngẹo nhiều đồ đạc trong nhà, đặc biệt là còn làm bếp nấu lệch khỏi bàn bếp để “đúng góc tốt hướng tốt trong la kinh” tạo ra những thứ biến dị quái thai trong kiến trúc & cả đời sống.
Khi thầy tư vấn phong thủy trong kiến trúc xây dựng nhà
Nhiều “thầy” cũng “võ vẽ” mặt bằng, mặt đứng… để đáp ứng luôn yêu cầu cho chủ nhà trên cơ sở phong thủy mình đưa ra, nhằm đưa tới một dịch vụ từ A đến Z; còn nhiều kiến trúc sư cũng phải tìm đến những tài liệu phong thủy để nghiên cứu tìm hiểu, với mong muốn chủ động hơn trong công việc thiết kế của mình và còn đấu với phong thủy.
Bởi, những tiêu chí của công trình xây dựng được ghi trong sách, trên lý thuyết thiết kế xây dựng chỉ có: bền vững, công năng, kinh tế, thẩm mỹ, hoàn toàn không đề cập tới phong thủy và các vấn đề liên quan tới phong thủy.
Xem ra, với những vấn đề cần quan tâm và các “kiểu” quan tâm như ở trên thì phong thủy quả thật là một trở ngại lớn với người thiết kế, là sự thách đố với kiến trúc sư – nếu phải giải quyết toàn diện.
Gần như mọi ngóc ngách trong ngôi nhà, mọi bộ phận kiến trúc đều có những yêu cầu về phong thủy, thì việc xâu chuỗi dữ kiện để đưa ra một giải pháp khoa học kiến trúc đã là quá khó, nói gì đến sự sáng tạo? Đấy mới là mảnh ghép rời rạc, chưa kể những vô lý và mâu thuẫn giữa phong thủy với… phong thủy, giữa phong thủy với kiến trúc hay các yếu tố xã hội khác.
Phong thủy trong kiến trúc hiện đại
Có nhiều chuyện thật mà nghe không biết cười hay mếu. Có chuyện “thầy” bắt chủ nhà phải mở cửa chính ở hông nhà chứ không được mở ra ngõ (vì không được hướng), mà nhà mặt tiền có hơn 3m và chỉ có một mặt thoáng ra ngõ; có chuyện thầy bảo phải xây 5 tầng, chứ không được xây 4 tầng vì số 4 là xấu (mà nhu cầu và tài chính của chủ nhà chỉ đủ xây 4 tầng).
Chuyện thầy đặt họa đồ bát quái, tính cửu cung và yêu cầu phòng này phải chỗ này, phòng kia phải chỗ kia… mà phòng vệ sinh thì đẩy ra mặt tiền, phòng khách thì sâu tít vào trong; rồi có chuyện thầy bắt tất cả nước thải phải thoát về… đằng sau nhà, mà sau nhà không có cống… Chả biết thầy “cứu giúp” như thế nào nhưng kiến trúc sư thì ngán ngẩm lắc đầu, bó tay!
Căn nhà truyền thống là nơi cư ngụ cho nhiều thế hệ gia đình, an cư từ đời này sang đời khác. Vậy nếu ngày trước theo bát trạch, cứ mỗi khi cha mất con lên thành “chủ nhà”, căn nhà lại phải dời cửa, đổi bàn thờ, bố trí lại hết nhà cửa cho thuận theo “tuổi” hay sao.
Việc của thầy phong thủy không hiểu biết toàn diện là cứ vẽ ra các mô hình độc nhất, áp la bàn vào mọi ngóc ngách, đo Lỗ Ban vào mọi kích thước còn thiết kế công năng ra sao thì mặc ông kiến trúc.
Đi tìm tiếng nói chung giữa phong thủy sư và kiến trúc sư
Đi tìm một tiếng nói chung giữa phong thủy và chuyên môn thiết kế kiến trúc quả là khó! Ở góc độ tâm lý, ai đưa ra ý kiến, quan điểm thế nào đều cố gắng minh chứng là mình đúng; nếu bị thuyết phục hay phủ nhận đồng nghĩa với việc thừa nhận trình độ hạn chế của mình.
Để có một tiếng nói chung trên tinh thần tích cực, hòa hợp, người làm phong thủy cần phải hiểu các nguyên tắc khoa học của kiến trúc – xây dựng, các nhu cầu thực tiễn của người sử dụng, kể cả các vấn đề kỹ thuật hay pháp lý xây dựng liên quan. Và người làm kiến trúc không thể đặt phong thủy sang một bên mà cũng phải hiểu nó để vận dụng vào kiến trúc.
Đơn giản hóa phong thủy để dung hòa với kiến trúc
Phong thuỷ, một tinh hoa của văn hoá Á Đông, cuối cùng cũng chung một mục đích như các thuật làm nhà phương Tây, cũng là để tạo một môi trường sống tốt nhất cho con người.
Và cuối cùng, nên nhớ rằng Phong thuỷ Dương trạch chỉ là 1 trong 5 yếu tố ảnh hưởng đến Sự thịnh vượng hạnh phúc của một con người (theo quan điểm của Kinh Dịch), và xếp thứ yếu cuối cùng. Đó là Phúc đức, chân Mệnh, Đức hạnh, Âm trạch (mồ mả) và Dương trạch. Nhà có “hướng đẹp” mà gia đạo vô phúc, bản thân kém cỏi làm điều xấu, đạo đức thấp kém, mồ mả không chăm lo thì kết quả cũng chẳng ra sao.
Về mặt khoa học, không ai, không kiến trúc sư nào dám khẳng định phong thủy là vô lý, vô căn cứ. Về mặt xã hội thì ai cũng có một niềm tin, một tín ngưỡng của riêng mình ở mức độ nào đó. Và nhu cầu phong thủy trên thực tế cũng là mơ ước chính đáng về những điều tốt lành, cuộc sống tốt lành
Kết luận
Hơn ai hết, gia chủ phải là người có kiến thức đúng, hiểu rõ về nguyên lý ứng dụng phong thủy trong kiến trúc nội thất. Biết chắt lọc, áp dụng phong thủy đúng cách
Nên thuê những thầy phong thủy thực thụ, và phải am hiểu cả phong thủy lần kiến trúc để tư vấn hợp lý nhất
Đôi khi sẽ phải hi sinh hay dung hòa giữa phong thủy và kiến trúc để cho căn nhà mềm mại hơn, dễ thở hơn
Kết lại là một câu nói của người thầy phong thuỷ rất ý nghĩa: ” Người làm phong thuỷ thật sự là người biết cách khắc chế, hoá giải được mọi trường hợp hình thế “xấu” của ngôi nhà để đem lại sự an bình cho chủ nhà, chứ không phải là chê bai, hù doạ, đem lại tâm lý lo lắng bất an cho chủ nhà”.
Còn theo tôi: ” Người kỹ sư thiết kế là người biết làm cho căn nhà trở nên đẹp nhất, tiện lợi nhất cho người sử dụng, đồng thời tối ưu hóa nhất các yếu tốt phong thủy trong phạm vi cho phép”.
Sưu tầm & Tổng hợp
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!