Khi mùa Trung Thu tới là các bà nội trợ lại có dịp vào bếp trổ tài làm những chiếc bánh Trung Thu thơm ngon hấp dẫn chiêu đãi cả nhà mình. Để làm được những chiếc bánh ngon và hấp dẫn thì cần phải có những công thức chuẩn sau đây.
Chọn đúng loại bột để làm vỏ bánh
Độ ngon của bánh phụ thuộc rất nhiều vào loại bột mà bạn sử dụng để làm vỏ bánh. Trên thị trường có rất nhiều loại bột gây hoang mang cho các bà nội trợ không biết chọn loại bột nào: từ bột mì số 8, bột mì số 11, số 13… bột bánh Trung Thu pha sẵn, bột bánh ngọt…
Bột bánh mì (bột mì số 13) sẽ cho ra vỏ bánh chắc tay, cứng cáp nhưng khá khô. Bột bánh ngọt (bột mì số 8) và bột mì đa dụng (bột mì số 11) lại cho ra vỏ bánh có độ mềm dẻo hơn.
2 Công thức vỏ bánh Trung Thu đơn giản mà bạn có thể tham khảo
Công thức số 1:
- 120 gr bột bánh ngọt (số 8).
- 120 gr bột bánh mì.
- 160 gr nước đường bánh nướng.
- 1 lòng đỏ trứng gà.
- 30 gr dầu ăn.
- 10 gr bơ đậu phộng.
Công thức số 2:
- 500 gr bột mì đa dụng.
- 370 gr nước đường.
- 90 gr dầu ăn.
- 1/3 muỗng cafe baking soda.
- muỗng canh bơ đậu phộng (hoặc 2 lòng đỏ trứng gà).
- muỗng canh rượu Mai Quế Lộ (đối với bánh thập cẩm).
Chọn nước đường nướng bánh đúng chuẩn
Nước đường là thành phần quan trọng nhất trong bánh Trung Thu nướng. Nước đường nướng bánh phải được nấu trước tầm 3 – 4 tuần mới đem ra sử dụng. Việc dùng nước đường mới nấu làm bánh sẽ rất dễ làm bánh hỏng, màu sắc không đẹp… Tuy nhiên nếu thời gian gấp rút chưa chuẩn bị kịp thì bạn vẫn có thể áp dụng bí quyết nấu nước đường sau đây có thể dùng sau 2 tuần nấu.
Thành phần không thể thiếu của nước đường:
Có thể sử dụng đường trắng hoặc đường nâu để nấu nước đường nhưng không nên dùng đường thốt nốt để nấu vì mùi sẽ rất hăng, ảnh hưởng tới mùi vị của bánh.
Chanh hoặc dứa (thơm) cũng được sử dụng để nấu cùng nước đường để tăng hương vị cũng như giúp vỏ bánh thơm hơn. Tuy nhiên nếu sử dụng chanh thì bạn nên sử dụng chanh vàng để không bị đắng nước đường nhé.
Nhiều người có thể cho thêm nước tro tàu nhưng để đảm bảo an toàn thì trong nước đường các bạn không nên cho nước tro tàu cũng không ảnh hưởng tới mùi vị cũng như chất lượng của bánh.
Mạch nha cũng là một yếu tố giúp nước đường bánh nướng được thơm ngon. Mạch nha đóng vai trò làm mềm và sánh nước đường. Nếu sử dụng mạch nha, bạn nên mua mạch nha dạng sệt, trong suốt.
Bí quyết nấu nước đường sau 2 tuần là có thể sử dụng
Nguyên liệu:
- 500g đường nâu (nên sử dụng đường nâu Hàn Quốc sẽ thơm hơn).
- 500g đường cát trắng.
- 600 ml nước lọc.
- 1 trái chanh vàng hoặc 500g dứa (thơm).
- 30 ml mạch nha.
Cách nấu nước đường chuẩn:
Bước 1: Đun sôi 600 ml nước trong 1 cái nồi tới khi sôi. Lấy 1 cái nồi khác trộn đều 2 loại đường lại với nhau. Sau đó từ từ chế nước sôi vào nồi đường và khuấy đều cho đường tan hết.
Bước 2: Bắt nồi nước đường lên bếp nấu ở lửa lớn tới khi sôi lăn tăn, tạo bọt trắng thì hạ lửa xuống vừa, hớt bọt.
Bước 3: Cho nước cốt chanh vàng vào (khoảng 70 ml), nếu dùng thơm thì bạn cũng nên cho khoảng 15 ml nước chanh vào nấu liu riu trong khoảng 60 phút. Nước chanh sẽ giúp cho nước đường của bạn không bị kết tinh.
Bước 4: Tiếp đó mới cho vỏ chanh vàng (nếu nấu bằng chanh) hoặc thơm (nếu nấu bằng thơm) vào nấu thêm 30 phút nữa. Tuyệt đối không được khuấy, quậy nước đường trong giai đoạn này. Sau đó cho thêm mạch nha vào.
Cách thử nước đường đạt chuẩn
Thông thường với 600 ml nước và 1 kg đường nấu ra được 1.1 kg – 1.2 kg nước đường là đạt chuẩn.
Khoảng 15 phút sau khi cho mạch nha, bạn kiểm tra độ đạt của nước đường bằng cách nhỏ thử 1 giọt nước đường vào 1 chiếc đĩa phẳng, trong vài giây đầu tiên rồi ngưng hẳn, giọt nước vẫn giữ được hình tròn là đạt.
Một cách khác, chuẩn bị một chén nước, nhỏ vào giọt nước đường vào, nếu nước đường lắng xuống, loang nhẹ ra thành hình tròn một chút rồi ngưng, không hòa tan là đã đạt. Còn nếu nước đường nhỏ xuống lập tức tan vào nước là nấu chưa tới, cần nấu thêm. Nếu nước đường nhỏ xuống vón cục là đã nấu quá lâu, cách chữa là thêm một ít nước sôi vào và đun tiếp sau đó thử lại xem đạt chưa.
Cách sên nhân đúng chuẩn để bảo quản được lâu
Đối với nhân ngọt: nhân đậu, nhân sen, nhân khoai môn,…
Các loại đậu, hạt sen, khoai môn… trước khi sên phải được luộc cho chín thật nhừ. Bí quyết ở giai đoạn này là ngâm đậu cùng với 1/2 lượng đường chuẩn bị và nước sôi khoảng 2 tiếng cho đậu ngấm vị ngọt và mềm nhanh. Sau đó luộc đậu ngập nước đến khi mềm.
Xay đậu thật nhuyễn mịn với nhiều nước bằng máy xay sinh tố. Nếu nhà không có máy xay có thể dùng muỗng nghiền đậu thật nhuyễn rồi lọc qua rây cho thật mịn.
Sên nhân càng khô ráo bánh sẽ càng ngon và bảo quản được lâu hơn.
Sên nhân ở lửa nhỏ để tránh nhân bị cháy khét hoặc tách dầu.
Lượng dầu cho vào nhân khi sên không nên cho cùng một lúc, và nên chia nhỏ thành 2 – 3 phần rồi cho từ từ vào nhân khi sên.
Nên dùng chảo chống dính để sên nhân sẽ dễ dàng hơn.
Kiểm tra nhân đạt hay chưa bằng cách vo viên nhân lại, để trong lòng chảo chống dính, thấy nhân đứng vững không chảy xệ là đạt.
Đối với nhân thập cẩm
Mỡ dùng để làm nhân thập cẩm phải chọn loại mỡ tươi ngon, luộc sơ và ngâm qua đường cát để mỡ được trong và giòn. Tỉ lệ đường mỡ là đường bằng 1/2 lượng mỡ, ngâm ít nhất 6 tiếng trước khi chế biến. Tốt nhất là bạn nên chuẩn bị trước 1 ngày khi làm bánh.
Hạt sen trong nhân thập cẩm nên được luộc trước với đường để hạt sen thấm và ngon hơn.
Các loại hạt trong nhân như hạt điều, hạt dưa, mè… đều phải được rang chín.
Nguyên liệu trong nhân thập cẩm phải được thái cắt thật nhỏ nhưng không được xay nhuyễn. Việc cắt nhỏ nguyên liệu sẽ giúp cho nhân dễ kết dính với nhau hơn, khi bọc bánh không bị rơi rớt.
Không nên dùng muối để nêm nếm nhân thay vào đó có thể dùng dầu hào và nước đường bánh nướng để nêm.
Có thể thêm 1 ít bột bánh dẻo vào nhân để tạo sự kết dính.
Đối với trứng muối nên rửa sạch bằng vòi nước sau đó ngâm qua rượu Mai Quế Lộ để khử mùi rồi đem nướng với 1 ít dầu mè cho thơm.
Kỹ thuật bọc bánh và vào khuôn đúng cách
Có nhiều loại khuôn dùng để làm bánh Trung Thu: khuôn nhựa, khuôn gỗ, khuôn lò xo… Nhưng làm bánh tại nhà để sắc nét và dễ dàng nhất nên dùng khuôn lò xo để đóng bánh.
Lượng bột để làm vỏ bánh thường chỉ bằng 1/3 lượng nhân bánh.
Khi gói nhân và vỏ miết sát vỏ bánh và nhân, không cho không khí lọt vào gây tách nhân và vỏ, ép chặt tay bánh trong khuôn để họa tiết trên bánh được sắc nét.
Vỏ bánh Trung Thu nên cán mỏng tầm 0.3 – 0.5 mm là đạt, cán mỏng quá khi gói nhân sẽ dễ rách, còn nếu cán dày quá thì dễ ngán khi ăn.
Thời gian và cách nướng bánh đúng chuẩn
Thông thường trước khi nướng bánh bạn nên làm nóng lò nướng trước 10 phút. Nên dùng nhiệt kế để trong lò để canh chỉnh nhiệt độ cho chính xác.
Nhiệt độ nướng bánh Trung Thu phù hợp là từ 160 – 200 độ C.
Trong khi nướng bánh có thể dùng bình xịt để xịt nước làm ẩm bánh, giúp bánh mềm ngon hơn, tuy nhiên không nên xịt quá nhiều sẽ làm bánh mất nét.
Hỗn hợp để phết mặt bánh thường là lòng đỏ trứng gà, dầu ăn và 1 ít nước. Ngoài ra có thể pha thêm nước đường bánh nướng để tăng độ ngọt và màu sắc.
Quét trứng bằng cọ mềm, quét mỏng. Nếu quét trứng quá dày, bánh sẽ dễ khét mặt và nứt vỏ.
Sau mỗi lần nướng, cần mang bánh ra ngoài, xịt nước và để cho bánh nguội mới quét trứng.
Quét trứng từ 2 đến 3 lần trong lúc nướng và canh đúng nhiệt độ theo từng lần nướng để bánh vàng nhưng lại không bị nứt vỏ.
Thời gian nướng bánh trung thu:
- Lần 1: Nướng 180 – 190 độ C trong 5 đến 8 phút tùy theo kích thước bánh.
- Lần 2: Nướng 190 – 200 độ C trong 5 đến 7 phút.
- Lần 3: Nướng bánh ở khoảng 160 – 180 độ C đến khi bánh chín.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!