Vi phạm hợp đồng là gì? các dạng vi phạm hợp đồng thường gặp

Vi phạm hợp đồng là gì? trên thực tế có rất nhiều trường hợp vi phạm hợp đồng mà chủ thể tham gia hợp đồng không nhận biết hết dẫn đến lợi ích bị xâm phạm. Những thông tin được chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn.

vi phạm hợp đồng 1

Tìm hiểu vi phạm hợp đồng là gì.

1. Vi phạm hợp đồng là gì

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Các bên khi đạt được thỏa thuận sẽ tiến hành giao kết hợp đồng nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của mình tránh việc vi phạm thỏa thuận.

Thực tế có không ít trường hợp vi phạm hợp đồng. Vi phạm hợp đồng có thể chủ quan hoặc khách quan, làm ảnh hưởng đến lợi ích của một bên hoặc các bên tham gia giao kết hợp đồng.

Vậy vi phạm hợp đồng là gì? Theo quy định tại Khoản 12, Điều 3, Luật Thương mại 2005 quy định:

“Vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của Luật này”.

Mặc dù khái niệm vi phạm hợp đồng này chỉ áp dụng cho lĩnh vực thương mại, tuy nhiên đối với các lĩnh vực khác thì khái niệm vi phạm hợp đồng cũng được hiểu tương tự. Có thể hiểu vi phạm hợp đồng nói chung là hành vi của bên có nghĩa vụ theo hợp đồng đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nghĩa vụ của mình.

Lưu ý: Hành vi vi phạm hợp đồng chỉ xảy ra khi hợp đồng được giao kết là hợp đồng hợp pháp và không bị vô hiệu.

2. Các dạng vi phạm hợp đồng thường gặp

Để hiểu rõ hơn về vi phạm hợp đồng là gì các bên tham gia giao kết cần nắm rõ các dạng vi phạm hợp đồng thường gặp. Có rất nhiều hành vi dẫn đến vi phạm hợp đồng. Căn cứ theo nguyên nhân vi phạm người ta phân loại thành 2 dạng vi phạm hợp đồng như sau.

vi phạm hợp đồng 2

Ép buộc giao kết hợp đồng là hành vi vi phạm quy định của pháp luật.

2.1 Do hành vi của chủ thể giao kết hợp đồng

Vi phạm hợp đồng do hành vi của chủ thể giao kết hợp đồng chiếm phần lớn trong số các nguyên nhân vi phạm hợp đồng. Biểu hiện của vi phạm hợp đồng do hành vi của chủ thể giao kết như sau:

  • Chủ thể không thực hiện hợp đồng hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không có lý do chính đáng. Hoặc nhận thấy hợp đồng không khả thi, không có lợi cho mình trong thời điểm giao kết.

  • Chủ thể không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng mặc dù đã hưởng các quyền lợi từ hợp đồng.

  • Không thực hiện đúng, hoặc chi thực hiện một phần nghĩa vụ của mình được ghi nhận trong hợp đồng.

2.2 Vi phạm quy định của pháp luật khi giao kết, thực hiện hợp đồng

Rất ít chủ thể giao kết hợp đồng có thể nhận ra dạng vi phạm này ngay sau khi ký. Dạng vi phạm này thường được phát hiện sau 1 thời gian thực hiện hợp đồng hoặc khi phát sinh các tranh chấp.

Vi phạm quy định của pháp luật khi giao kết, thực hiện hợp đồng có biểu hiện thường là:

  • Chủ thể giao kết hợp đồng không đủ năng lực hành vi hoặc không đủ thẩm quyền giao kết hợp đồng;

  • Vi phạm hình thức của hợp đồng được giao kết (VD: hợp đồng không được giao kết bằng văn bản, hợp đồng buộc phải giao kết dưới dạng hợp đồng giấy tuy nhiên lại giao kết bằng hợp đồng điện tử)

  • Đối tượng giao kết hợp đồng bị pháp luật cấm (VD: đối tượng giao kết là mua bán động vật quý hiếm/ ma túy/ thuốc cấm/ súng mà không được pháp luật cho phép)

  • Bị ép buộc, lũa dối giao kết hợp đồng và không bảo đảm các nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, trung thực.

  • Hợp đồng thiếu nội dung cơ bản được quy định bởi Pháp luật về loại hợp đồng giao kết.

Có rất nhiều các vi phạm hợp đồng do vi phạm quy định của pháp luật khi giao kết thực hiện hợp đồng. Để nắm rõ các bên cần nắm rõ Pháp luật về hợp đồng và Luật giao kết hợp đồng điện tử, các quy định khi thực hiện giao dịch điện tử.

3. Xử phạt khi vi phạm hợp đồng

Trên thực tế vi phạm hợp đồng dẫn đến tranh chấp Pháp lý. Theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

vi phạm hợp đồng 3

Xử phạt vi phạm hợp đồng.

Đối với hợp đồng thương mại việc phạt vi phạm hợp đồng sẽ do các bên tự thỏa thuận. Tuy nhiên mức phạt hợp đồng tối đa không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm hoặc không cao hơn gấp 10 lần thù lao dịch vụ giám định. Đối với hợp đồng trong lĩnh vực xây dựng thì mức phạt vi phạm không quá 12% phần giá trị hợp đồng bị vi phạm.

Bên cạnh việc phạt vi phạm hợp đồng, bên vi phạm có thể phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra theo quy định tại Điều 419, Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng được quy định như sau:

  • Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại.

  • Người có quyền có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.

  • Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền nếu người có quyền yêu cầu. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc vi phạm.

Vi phạm hợp đồng có thể khiến cá nhân hoặc doanh nghiệp phải chịu phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại gây tổn thất lớn về tài chính. Qua tìm hiểu thông tin về vi phạm hợp đồng là gì, các dạng vi phạm hợp đồng thường gặp hy vọng sẽ giúp các cá nhân doanh nghiệp tránh được các vi phạm hợp đồng và phòng ngừa rủi ro tốt hơn.

Các tin tức liên quan:

  • Luật hợp đồng điện tử – những điều bạn có thể bạn chưa biết
  • Hợp đồng kinh tế là gì? những lưu ý khi giao kết hợp đồng kinh tế