Kết thúc phiên giao dịch sáng ngày 28/01, chỉ số VN-Index giảm 70,72 điểm, tương ứng giảm 6,45% về còn 1.026,45 điểm. Trong đó, độ rộng thị trường nghiêng về mã giảm điểm, có tới 474 mã giảm điểm (286 mã sàn), 18 mã xanh và 8 mã tham chiếu. Như vậy, áp lực bán tháo đã diễn ra trên diện rộng.
Thị trường đang thiếu dòng cổ phiếu trụ dẫn dắt trước áp lực bán tháo hàng trên diện rộng. Trước đó các nhóm cổ phiếu công bố kết quả kinh doanh tích cực như ngân hàng, chứng khoán, thép… đều cho thấy áp lực bán mạnh.
Nhóm vốn hoá lớn là ngân hàng (VCB, BID, CTG, MBB, STB, HDB, TCB, VPB ….), VHM, VRE, HPG, GVR đều dư bán sàn với khối lượng lớn.
Diễn biến cổ phiếu trong phiên sáng ngày 28/01
Tâm lý bán tháo cộng ảnh hưởng thông tin tiêu cực từ Covid-19 vừa được công bố
Trước phiên bán tháo ngày 28/01, thị trường đã có dấu hiệu bán mạnh sau khi tiếp cận vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm, đặc biệt là phiên giao dịch ngày 19/01 đã xuất hiện nhiều cổ phiếu bị bán sàn.
Tới trước khi mở cửa phiên giao dịch ngày 28/01, thị trường liên tục đón nhận những thông tin xấu, đầu tiên là chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh phiên trước đó do lo ngại đại dịch lây lan và nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh đi xuống. Đóng cửa phiên giao dịch trước đó, chỉ số Dow Jones giảm tới 634 điểm, tương ứng giảm 2,1%; chỉ số S&P 500 giảm 99 điểm, tương ứng 2,6%.
Bên cạnh đó, trong nước sau 55 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới nào, Việt Nam đã có ca nhiễm ngoài cộng đồng, điều này làm cho nhà đầu tư lo lắng về những ca nhiễm mới này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đi lại trong dịp Tết sắp tới. Hơn nữa, thông tin xuất hiện ca nhiễm mới lại đúng thời điểm tâm lý nhà đầu tư hoang mang về thị trường nhất.
Nhịp điều chỉnh hiện tại là cơ hội để thị trường thanh lọc đi những nhà đầu tư mới với sự tự tin thái quá
Chính vì hai thông tin xấu kết hợp cùng với thị trường đang trong giai đoạn tâm lý yếu, dòng tiền suy giảm và mới vừa trải qua các phiên giảm điểm mạnh, tâm lý nhà đầu tư đang có dấu hiệu lung lay và hiện tượng bán tháo đã kích hoạt ngay từ đầu phiên ngày 28/01 dẫn đến hiện tượng nhiều rất cổ phiếu trắng bên mua sau khi kết thúc phiên sáng 28/1, làm gợi nhớ lại giai đoạn tháng 3/2020.
Ngoài ra, lo ngại từ áp lực giải chấp từ công ty chứng khoán đang cho thấy ngày một tăng lên, đặc biệt đối với các nhà đầu tư sử dụng margin cao trong những phiên giao dịch trước đó.
Kể từ thời điểm chạm 1.200 điểm, thị trường đã giảm tới gần 14,5%, nhiều cổ phiếu riêng lẻ còn giảm mạnh hơn nhiều so với thị trường, áp lực giải chấp hiện hữu và cũng là một yếu tố dẫn tới hiện tượng bán tháo vừa qua.
Liệu có nên bắt đáy?
Nhìn lại vào thời điểm 1.200 điểm của VN-Index, thị trường hầu như không xuất hiện tin xấu mà thay vào đó là các thông tin về hạ lãi suất, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế, kết quả kinh doanh nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột biến trong năm 2020, định giá chứng khoán Việt Nam vẫn rẻ theo P/E cùng những lời nhận định của các quỹ đầu tư, các chuyên gia về sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như chứng khoán là câu chuyện của kỳ vọng. Và hầu như các thời điểm trước cũng tương tự, đa phần thị trường không đón nhận tin xấu ở vùng đỉnh, mà là khi thị trường đang dò đáy.
Trong lịch sử, giai đoạn giảm điểm thường rất khốc liệt, đặc biệt nếu sau giai đoạn tăng quá nóng và nhà đầu tư đặt quá nhiều kỳ vọng vào thị trường trong giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, thông thường thị trường sẽ không luôn rơi thẳng đứng mà thường có những nhịp hồi phục kỹ thuật trong xu hướng giảm, đây cũng là cơ hội tận dụng để thoát hàng sẵn có trong những nhịp hồi phục này, bên cạnh đó đây cũng là lúc chiến lược đầu tư giá trị, cổ phiếu cơ bản tốt, cổ phiếu phòng thủ lên ngôi.
Nhịp điều chỉnh hiện tại là cơ hội để thị trường thanh lọc đi những nhà đầu tư mới với sự tự tin thái quá giai đoạn vừa qua, cũng như giúp thị trường loại bỏ những nhà đầu tư theo phong trào chỉ mua khi chứng kiến thị trường tăng nóng mà quên đi mức định giá và các chỉ số quá mua kéo dài.
Đây cũng là giai đoạn cổ phiếu thiết lập lại mặt bằng giá phù hợp hơn với định giá cổ phiếu và tăng tính hấp dẫn để mua vào.
Biểu đồ VN-Index (Nguồn: Fireant)
Xét theo chỉ số, VN-Index về vùng hỗ trợ 1.026-1.035 điểm, các chỉ báo RSI, MACD chuẩn bị về vùng quá bán. Mặc dù khi thị trường bán tháo nhiều vùng hỗ trợ thường có thể bị phá vỡ 1 cách dễ dàng nhưng cũng là cơ sở tham chiếu cho nhà đầu tư. Đây có thể là cơ hội cho nhà đầu tư giữ tiền giai đoạn trước có thể thực hiện giải ngân dần dần để đón sóng sắp tới.
Động lực tăng sau mùa báo cáo tài chính là tài liệu đại hội đồng cổ đông năm 2021, đây là tài liệu quan trọng giúp nhà đầu tư định hình và xem xét tính khả thi của doanh nghiệp trong năm tài chính.
Trong lịch sử từ giai đoạn 2016 tới nay, chỉ khi thị trường có một biến cố bất thường như chiến tranh thương mại, đại dịch Covid-19, thị trường mới có nhịp giảm điểm giai đoạn bốn tháng đầu năm, còn lại đều thể hiện sức nóng. Giai đoạn mùa đại hội cổ đông có thể là cơ hội cho cổ phiếu riêng lẻ hút dòng tiền.
Ví dụ tại Tập đoàn FPT, doanh nghiệp lên kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 18% trong năm 2021 và đạt 6.210 tỷ đồng; tại Hoá Chất Đức Giang (DGC), Phú Tài (PTB)… đều lên kế hoạch phát triển thêm lĩnh vực bất động sản nhờ quỹ đất hiện hữu, điều này tiếp tục kỳ vọng sẽ có lợi nhuận đột biến. Hay tại Bất động sản Thế Kỷ (CRE), doanh nghiệp đang cho thấy ngoài việc môi giới bất động sản, thực hiện kế hoạch mua sỉ các dự án và phân phối lại, điều này tiếp tục kỳ vọng có thêm lợi nhuận.
Có thể thấy, mùa Đại hội đồng cổ đông năm 2021 sẽ có nhiều cổ phiếu có thêm câu chuyện về năm tài chính, điều này giúp nhà đầu tư có thể lựa chọn và kỳ vọng để đầu tư trong năm tài chính.
Điều này cũng dễ lý giải do thị trường chứng khoán là thị trường của tương lai, của kỳ vọng, việc doanh nghiệp công bố thông tin về kế hoạch năm tài chính giúp nhà đầu tư dần dần thể hiện kỳ vọng vào giá cổ phiếu từ đầu năm.
Có thể nói sau giai đoạn bán tháo vừa qua, chỉ số và cổ phiếu đã quay lại vùng hỗ trợ 1.026-1.035 điểm, với những kỳ vọng về năm tài chính mới, đây là cơ hội cho những nhà đầu tư lâu năm đã chốt lời sớm giai đoạn trước có thể lựa chọn được những hàng cơ bản có định giá hấp dẫn và kỳ vọng về một kế hoạch tăng trưởng năm 2021 thay vì tăng đồng loạt bất chấp thông tin của doanh nghiệp như giai đoạn vừa qua.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!