Với nhiều ông bố bà mẹ Việt Nam, “Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” hiện nay vẫn còn nguyên giá trị của nó. Nhưng với một bộ phận con cái, nhất là các bạn trẻ có dịp đi du học và làm việc ở các nước phương Tây, được hấp thu nền giáo dục hiện đại, ở đó trẻ con được giáo dục tính độc lập rất cao, họ không còn chấp nhận quan điểm này. Thậm chí nhiều bạn trẻ phản biện lại một cách gay gắt, gây ra những cuộc xung đột thế hệ rất căng thẳng.
Con cái hiểu để thông cảm
“Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” là một câu nói dân gian có vần, có điệu, có hình tượng, rất dễ nghe, dễ thuộc đã có từ rất lâu đời. Có thể nói đây là một trong số ít câu ca dao không có dị bản. Tức là nó đã trở thành “chân lý” và được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Từ người già đến trẻ con đều thuộc nằm lòng.
Nước ta vốn thuộc nền văn minh lúa nước, sống quần cư thành làng xã. Lấy tư tưởng Nho giáo làm chủ đạo trong nền giáo dục với tứ thư ngũ kinh. Lấy “Phu xử thần tử thần bất tử bất trung/Phụ xử tử vong tử bất vong bất hiếu” (Vua bắt bề tôi chết, bề tôi không chịu chết là bất trung/Cha bắt con chết, con không chịu chết là bất hiếu), là thước đo sự trung thành với vua và lòng hiếu thảo với cha mẹ. Theo thời gian, Nho giáo suy yếu đồng thời với sự ra đời của chữ quốc ngữ cùng sự du nhập của văn minh phương Tây vào nước ta. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện đi học, hơn nữa, “lấy giạ đong lúa chứ không ai lấy giạ đong chữ”, suy nghĩ này thêm rào cản trong việc cho con đi học chữ.
Cho nên sự giáo dục con cái thời đó chủ yếu là “truyền miệng” dựa theo quan điểm Nho giáo và kinh nghiệm sống từng trải là chính. Việc “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” trở thành đạo lý, cãi lời cha mẹ được ghép vào tội bất hiếu.
Tất nhiên một giá trị sống, một tư tưởng giáo dục đã sâu rễ bền gốc qua nhiều thế hệ như thế thì việc “gỡ bỏ” nó không phải là một chuyện dễ dàng.
Hiểu như vậy để con cái thông cảm và có cách cư xử khéo léo, mềm mỏng nhưng quyết đoán, sao cho không làm tổn thương cha mẹ mình mà vẫn khẳng định được tính cách độc lập tự chủ, năng động sáng tạo, phát huy hiệu quả tài năng và trí tuệ của mỗi cá nhân.
Bố mẹ hiểu để thay đổi cách giáo dục con cái cho phù hợp
Ngược lại, bố mẹ cũng nên tiếp cận một cách cầu thị cách giáo dục con cái phù hợp với xu thế phát triển và hòa nhập của thế giới, phù hợp với thời đại và đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.
Không áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái, tôn trọng sự độc lập suy nghĩ, lắng nghe lời giải thích của con trẻ, tin vào những điều trẻ nói, rèn luyện tính tự lập, giáo dục kỹ năng sống cho con trẻ… đó là những nội dung cốt lõi trong phương pháp giáo dục con trẻ hiện nay mà bố mẹ nên quan tâm.
Có lẽ câu chuyện sau đây đưa ra một tình huống đã từng xảy ra trong gia đình bạn hoặc là bạn đã từng chứng kiến ở đâu đó: Một đứa trẻ không được phép cãi lời ba mẹ và một người lớn xem sự đổ oan của mình là chuyện bình thường. Hai đứa trẻ con khoảng 2 – 5 tuổi đang chơi chung với nhau, bố chúng đang lui cui sửa món gì đó ở ngoài sân. Bỗng có tiếng cậu em khóc ré lên. Ông bố giật mình lao vào vừa đỡ cậu em dậy vừa quát cậu anh: “Sao ba nói không nghe cứ rượt đuổi làm em té?”. Ấm ức, cậu anh giải thích: “Em tự chạy té chứ con không đuổi”. “Còn cãi nữa hả, không đuổi sao em té?”. May có bà nội đang ngồi gần đó chứng kiến mọi việc, cậu anh mới được “giải oan nhưng vẫn ấm ức khóc.
Không ít ông bố bà mẹ Việt hiện nay còn áp đảo con cái bằng những câu nói quen thuộc: “Nhà này không có thứ con cái cãi lời cha mẹ”, hoặc “Cha mẹ nói trời là phải hay trời, nói đất là phải hay đất”… một phần vấn đề cũng xuất phát từ tính gia trưởng còn ảnh hưởng ít nhiều.
Trường hợp cha mẹ không cho con ý kiến hoặc tranh luận với mình không phải là chuyện hiếm trong xã hội Việt Nam. Quan điểm này thường tỏ ra rất bất cập, thậm chí “nguy hiểm” khi áp vào những đứa trẻ sắp sửa hoặc đã trưởng thành trong quyết định lựa chọn trường học, ngành học, lựa chọn nghề nghiệp hoặc lựa chọn người bạn đời…
Trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp vì bị cha mẹ cấm cản tình duyên dẫn đến đôi trẻ bỏ nhà ra đi, thậm chí tự tử. Nhiều bạn trẻ vì không dám cãi lời cha mẹ nên miễn cưỡng thi vào trường do cha mẹ chỉ định, có bạn rớt ngay từ ban đầu, có bạn vào được thì học không nổi buộc phải chuyển sang chuyên ngành khác hoặc trường khác, có bạn lén bố mẹ bỏ học…
Bất kỳ bố mẹ nào cũng mong muốn con cái nối tiếp sự nghiệp hoặc đi theo ngành nghề truyền thống của gia đình. Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng thích điều này. Vì vậy việc buộc con cái phải chọn nghề theo ý bố mẹ trong nhiều trường hợp làm hỏng cả tương lai của con.
Cho nên trao cho con cơ hội để “lý luận” lại với mình vừa thể hiện sự bình đẳng trong các mối quan hệ cha mẹ và con cái, vừa khiến chúng ta gần gũi và thấu hiểu con hơn, giúp bố mẹ dễ dàng phát hiện, tiếp cận và giải quyết sớm những tình huống phát sinh trong đời sống gia đình.
Không ít trường hợp khi còn nhỏ, trẻ không thể phản kháng lại sự áp đặt của cha mẹ, đến khi khi lớn lên, trẻ dễ có phản kháng tiêu cực. Điều này được TS. Peter Segal, chuyên ngành Tâm lý học đường, Đại học Hofstra (New York, Hoa Kỳ), khẳng định trong một cuộc hội thảo với các phụ huynh Việt Nam. Peter Segal cho rằng, những sự ép buộc thiếu tôn trọng này gây căng thẳng, stress cho trẻ, lâu dần sẽ dẫn đến việc trẻ luôn có thái độ chống đối, thậm chí là thù nghịch.
Tuy nhiên, tranh luận với cha mẹ để bảo vệ chính kiến của mình hoàn toàn khác với việc “trả treo” hỗn láo. Trẻ nên tỏ thái độ lễ phép, dùng lời nói nhã nhặn, ôn hòa, từ tốn trình bày và phân tích vấn đề để bố mẹ thấu hiểu.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!