Bàn luận
Nghê hay là Toan Nghê? 30. 07. 15 – 11:25 pm
Đặng Thái
Trong phần thảo luận của bài “Cửu và Long và một bầy linh vật“, Candid lại hỏi: “Các bác cho em hỏi toan nghê với nghê nhà mình có phải là một con? Nếu là một hoá ra con nghê thuần Việt cũng gốc Tàu ạ? Nhân tiện nhớ chuyện thay sư tử Tàu bằng nghê năm nọ…”.Sau đây là phần trả lời:
*
Về sư tử Trung Quốc và con nghê đã gây nhiều tranh cãi dẫn đến việc loại bỏ một loạt tượng khỏi đền chùa thời gian vừa qua thì khá là phức tạp. Các nhà nghiên cứu ở ta nói rằng nghê là biểu tượng thuần Việt, tuy nhiên phát biểu trên báo chí thì cũng chịu sự ảnh hưởng của dư luận và tình hình chính trị lúc bấy giờ nên không thể nói rõ ngọn ngành được.
Ta bắt đầu từ chữ “nghê” (猊) chính là xuất phát ở chữ “toan nghê” (狻猊) nghĩa là sư tử (Trung Quốc). Vì vậy có thể nói con nghê Ta xuất xứ từ con sư tử bên Tàu. Trong chữ “nghê” có bộ khuyển (犭) nghĩa là con chó, vì vậy con nghê Ta là sự kết hợp của sư tử và con chó, tuy nhiên phần chó nhiều hơn. Mượn hình ảnh con sư tử của người Hoa nhưng các cụ nhà ta đã “chế biến” lại cho phù hợp với văn hóa người mình.
Những đặc điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất của con nghê là gầy gò, chân nhỏ, mõm dài, đuôi dài, không có sừng mà có kỳ (là cái vây), nếu là nghê ngồi canh cửa thì hai chân trước thường đặt song song nhau chạm lên mặt đất. Sư tử Trung Quốc thì béo tròn, cơ bắp, mặt dữ tợn, mõm ngắn, đuôi ngắn, lông đầu xoăn tít, con đực đặt chân lên tú cầu, con cái đặt chân lên con con. Con nghê xuất hiện bắt đầu từ khi nước ta giành độc lập sau thời Bắc thuộc và biến mất ở đầu thời Nguyễn khi mà nhà Nguyễn sùng bái văn hóa Trung Hoa nên con nghê dần biến thành con sư tử Tàu. Vì thế sư tử Tàu không hẳn là không phải văn hóa Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế có đề tài nghiên cứu khoa học về hình tượng con nghê và chứng minh nó thuần Việt, tương phản với hình ảnh con sư tử Trung Quốc. Tuy nhiên những đánh giá này theo mình là chưa hoàn thiện. Bản thân con sư tử cũng không bắt nguồn từ Trung Quốc. Thư tịch cổ nhất Trung Quốc nói về con sư tử chính là tập “Đại Đường Tây vực ký” của phượt thủ huyền thoại Tam tạng pháp sư Đường Huyền Trang. Tập bút ký có câu: “Toan nghê tức sư tử dã, xuất Tây vực” nghĩa là toan nghê hay con sư tử có nguồn gốc từ phía Tây ( gần Ấn Độ) mà bác Yên Thế cũng có nhắc tới. Nhưng nếu chỉ so sánh với Trung Quốc thì rõ ràng cái nhìn chưa được toàn cảnh. Không đi đâu xa, ở Thái Lan, một nơi mà văn hóa Ấn Độ có ảnh hưởng rất mạnh, ta sẽ dễ dàng bắt gặp những con sư tử rất “thuần Tàu” và những con nghê rất “thuần Việt”.
Thái Lan là một nước không hề bị tàn phá bởi chiến tranh, không có cách mạng văn hóa, hoàng gia vẫn duy trì nên những di tích đang tồn tại hoàn toàn là đồ cổ từ xưa truyền lại. Nhìn những hình ảnh trên, ta đâu thể nói con nào thuần Thái con nào thuần Ấn hay thuần Tàu. Rõ ràng người Thái chấp nhận sự giao lưu văn hóa và bảo tồn tất cả. Điều tương tự xảy ra tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngay tại Trung Quốc, qua mỗi triều đại con sư tử lại khác nhau.
Quan điểm thẩm mỹ cá nhân của mình thì mình thích con nghê hơn, đơn thuần về mặt mỹ thuật với lại mình thích chó chứ chẳng phải do bài trừ văn hóa Tàu. Con sư tử Tàu do nghệ nhân ta tạc theo mẫu toan nghê canh cổng thời Minh Thanh nhưng không đủ trình độ thẩm mỹ nên vừa thô kệch xấu xí lại vừa cứng nhắc vô hồn vì sản xuất hàng loạt nên bắt dừng chế tác lại là đúng, đấy là chưa kể sư tử kiểu Tây nữa.
Tuy nhiên dọn dẹp đập bỏ những tượng đã có thì cũng không phải là đúng, chỉ giống như “cách mạng văn hóa” mà thôi. Bốn chữ “linh vật ngoại lai” mà báo chí thi nhau sử dụng, không thuần Tàu thì thuần gì? Nên đôi khi chúng ta phải tỉnh táo, đừng vì chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi mà bỏ qua biện chứng khoa học và giá trị nghệ thuật. Càng cố chứng minh khác Tàu chỉ càng thể hiện sự phụ thuộc. Khi mà các giá trị dân tộc được các nhà nghiên cứu chỉ ra, tôn vinh, phổ biến rộng rãi cho quần chúng, không chỉ dừng ở việc dấm dúi nghiên cứu cho nhau xem, thì những yếu tố nước ngoài kệch cỡm sẽ tự nhiên tàn lụi.
Các bạn có thể tìm trên mạng hoặc tham khảo thêm hình ảnh con nghê ở bài này.
*
Về linh vật Việt:
– Triển lãm linh vật Việt “xịn”: sư tử và nghê trong điêu khắc cổ Việt Nam
– Cửu và Long và một bầy linh vật
– Nghê hay là Toan Nghê?
– Nhân nói chuyện Nghê, khoe luôn hình “Chuẩn Nghê”
– Nghê: lân hay chó?
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!