Quản trị nhà nước tốt là một vấn đề mới trong nghiên cứu về quản lý công ở Việt Nam. Đây không phải là mô hình tổ chức, hoạt động của một nhà nước mà là các nguyên tắc định hướng cho việc thiết kế và vận hành bộ máy nhà nước trong tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước để quản lý tốt mọi vấn đề của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa… ở mỗi quốc gia. Bài viết khái quát lịch sử hình thành và những đặc trưng cơ bản của quản trị nhà nước tốt, qua đó rút ra một số kinh nghiệm có thể vạn dụng trong quản lý nhà nước ở Việt Nam.
1. Quản trị nhà nước tốt
1.1. Sự ra đời của mô hình quản trị nhà nước tốt
Thứ nhất, do những hạn chế, bất cập của mô hình hành chính công – quản trị công truyền thống được xây dựng trên cơ sở lý thuyết về mối quan hệ giữa chính trị và hành chính của T.W.Wilson, nguyên tắc thiết lập bộ máy quan liêu của M.Weber và các nguyên tắc quản lý theo khoa học của F.W.Taylor, là mô hình hành chính lâu đời nhất, cũng là lý thuyết quản trị khu vực công thành công nhất. Nhưng do tình hình kinh tế – xã hội, khoa học công nghệ, trình độ dân trí phát triển, mô hình quản trị công truyền thống đã bộc lộ các hạn chế, bất cập, buộc phải thay đổi, nhường chỗ cho mô hình quản trị công mới.
Thứ hai, do sự cồng kềnh, kém hiệu quả của khu vực công (khu vực nhà nước). Trong các thập niên 80 và 90 của thế kỷ XX, nhiều nước đã đặt vấn đề xem xét lại khu vực công về quy mô và khả năng quản trị, điều hành đất nước, đặc biệt ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Đức. Đã có nhiều cuộc cải cách làm thay đổi cơ bản nhận thức của xã hội và người dân về vai trò của khu vực công và cách thức quản trị, điều hành khu vực công. Theo đó, nhà nước không nên ôm đồm làm hết mọi dịch vụ mà nên tập trung nguồn lực vào quản lý vĩ mô thông qua các chính sách hiệu quả, đẩy mạnh dân chủ hóa, gắn liền với phân quyền và xã hội hóa nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị đất nước và phục vụ nhân dân.
Nhà nước cần phải đổi mới việc cung ứng và nâng cao chất lượng các dịch vụ công. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã tìm cách thay đổi cách thức cung cấp và quản lý việc cung cấp các loại hình dịch vụ công cho người dân thông qua các biện pháp khác nhau để huy động các nguồn lực xã hội và lực lượng khác của thị trường, nhằm tăng cường sự lựa chọn, tạo khả năng cạnh tranh.
Thứ ba, kinh tế thị trường mở rộng, mang tính quốc tế hóa cao và cạnh tranh giữa các nước trong khu vực và trên thế giới gia tăng. Vấn đề này đặt ra những yêu cầu mới về thể chế quản lý (quản trị), đặc biệt là quản lý kinh tế, tổ chức bộ máy và chất lượng đội ngũ công chức. Nguyên tắc kinh tế của toàn cầu hóa đòi hỏi các chính phủ phải chuyển đổi từ chú trọng đầu vào và kiểm soát quá trình sang chú trọng đến kết quả cuối cùng và tiết kiệm chi phí. Nhiều nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật… đã áp dụng các biện pháp được rút ra từ thực tiễn kinh doanh và được kiểm chứng qua thị trường. Tại Mỹ, năm 1992 David Osborn và Ted Gaebler đã đề ra 14 nguyên tắc “Sáng tạo lại chính phủ – Reinventing Government”. Đây là mô hình quản trị mới với phong cách lãnh đạo hành pháp thiết thực; phân quyền mạnh, hướng tới thị trường, theo khách hàng với tinh thần kinh doanh; hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư để giải quyết các nhu cầu của cộng đồng. Tại Mỹ, sự giao thoa ngày càng sâu sắc giữa kinh tế và hành chính thể hiện rõ trong việc xây dựng “chính phủ mang tinh thần kinh doanh” để đáp ứng nhu cầu của người dân. Ở Vương quốc Anh và Cộng hòa Pháp, các dịch vụ công cộng được đưa ra đấu thầu; chuyển một phần lớn lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế… sang ký hợp đồng để tư nhân thực hiện. Mặt khác, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực, từ ngoại giao, kinh tế đến văn hóa – xã hội đòi hỏi phải dần dần xóa bỏ sự ngăn cách của các mô hình hành chính khác biệt. Đồng thời, toàn cầu hóa và quốc tế hóa cũng dẫn đến cạnh tranh giữa các nước, giữa khu vực công và khu vực tư đòi hỏi phải xây dựng một mô hình quản trị phù hợp với sự phát triển của thời đại.
Thứ tư, trình độ dân trí ngày càng cao và yêu cầu dân chủ hóa đời sống xã hội được mở rộng. Trong bối cảnh đó, hành chính công truyền thống ngày càng tỏ ra không thích hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện đại, thậm chí trở thành lực cản sự phát triển. Vì vậy, xây dựng mô hình hành chính hiện đại hỗ trợ cho phát triển, trong đó quyền hợp pháp của con người và của công dân phải được đặt ở vị trí trung tâm là mục tiêu chung của hầu hết các cuộc cải cách hành chính đang diễn ra trên thế giới.
Thứ năm, sự khủng hoảng kinh tế và xuất hiện các học thuyết mới. Từ hậu quả nặng nề của hai cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 và 1979 đã làm xuất hiện một học thuyết mới về phát triển, có tên gọi là Neo-liberalism (chủ nghĩa tự do mới) có cơ sở từ lý thuyết tân cổ điển của Keynes (Keynesian – Neo – Classical Economics), đã làm nảy sinh các cuộc tranh luận kéo dài về nhà nước và thị trường dẫn đến việc xác định lại vai trò của nhà nước nói chung, của chính phủ nói riêng.
Theo học thuyết mới này, nhà nước cần hạn chế sự can thiệp vào hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp, để cho các lực lượng của thị trường quyết định. Mặt khác, hoạt động của nhà nước chỉ nên tập trung vào các công việc mang tính chiến lược như: hoạch định chính sách; xây dựng khuôn khổ pháp lý và môi trường lành mạnh để hỗ trợ cho hoạt động của thị trường. Như vậy, phạm vi và vai trò của nhà nước được thu hẹp lại để phù hợp với yêu cầu mới. Đồng thời, để khắc phục các hạn chế của thị trường đòi hỏi phải có sự can thiệp của nhà nước thông qua các chính sách đảm bảo công bằng xã hội và phát triển bền vững.
Ngoài ra, trào lưu phê phán hành chính công truyền thống cũng dẫn đến sự ra đời của một lý thuyết mới có tên gọi “Sự lựa chọn của công chúng” do các nhà kinh tế thế giới trường phái bảo thủ giới thiệu (Friedmanand, 1980; Dunleavy, 1986). Lý thuyết này yêu cầu giảm quy mô và phạm vi hoạt động của chính phủ, bộ máy hành chính cần phải giảm đi theo yêu cầu của sự “lựa chọn”. Ý tưởng ủng hộ sự tự do cho rằng sự lựa chọn của khách hàng tốt hơn mệnh lệnh hành chính trong việc đảm bảo cho chính phủ hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thứ sáu, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ tạo điều kiện thuận lợi xây dựng các phương pháp quản lý, quản trị hiện đại. Đồng thời, các thành tựu và tiến bộ của khoa học và công nghệ cũng làm thay đổi nhận thức của các chính phủ về vai trò và trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu như chiến tranh, hòa bình, bảo vệ môi trường, chống đói nghèo và các thảm họa thiên nhiên.v.v.
Thứ bảy, tư duy lại quan niệm cai trị và đổi mới mô hình cai trị sang quản trị, quản trị tốt. Do ảnh hưởng của xu hướng toàn cầu hóa về kinh tế, khoa học và công nghệ, sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nước trong khu vực và trên thế giới, giữa khu vực công và khu vực tư về thị trường, chất lượng sản phẩm và nguồn nhân lực; sự cồng kềnh, kém hiệu quả của bộ máy quản lý khu vực công (khu vực nhà nước); kinh tế thị trường ngày càng mở rộng và mang tính quốc tế cao; trình độ dân trí ngày càng nâng cao và yêu cầu dân chủ hóa đời sống xã hội ngày càng phát triển; khủng hoảng kinh tế và sự xuất hiện các lý thuyết mới về phát triển làm nảy sinh các cuộc tranh luận kéo dài về nhà nước và thị trường dẫn đến yêu cầu phải xác định lại chức năng, vai trò của nhà nước, mối quan hệ giữa nhà nước với người dân… buộc hành chính công truyền thống phải chuyển đổi sang quản lý công, quản lý công mới và cuối cùng chuyển sang quản trị nhà nước tốt.
Hành chính công hiện đại không chỉ nhấn mạnh tính hiệu quả mà bao hàm cả những ý tưởng và trách nhiệm, sự tham gia và sự trao quyền lực hợp pháp. Hiệu quả hành chính công sẽ cao hơn nếu các nhà quản lý sẵn sàng đáp ứng nhu cầu và sự lựa chọn của người dân; các cơ quan, những người có vai trò trong quản lý nhà nước chịu trách nhiệm về sự đúng đắn các quyết định của mình. Mục đích của hành chính công hiện đại là thiết lập một khuôn khổ trong đó hoạt động của chính phủ được cải thiện cả hiệu quả và trách nhiệm. Nội dung, yêu cầu quản lý như vậy được quan niệm là quản trị nhà nước. Đây là khái niệm với nội hàm rộng, gồm các mối quan hệ của các thể chế, thiết chế: nhà nước và thị trường, khu vực công và khu vực tư, chính phủ và công dân; chính trị, xã hội, quản trị nhà nước xem là một chiến lược trong hành chính công hiện đại. Đó là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực của nhà nước đối với các quá trình xã hội và hành vi của công dân thông qua các hoạt động hoạch định, tổ chức, lãnh đạo, kiểm tra nhằm đạt được mục tiêu của nhà nước. Quản lý, quản trị nhà nước không phải là cai trị, cấm đoán mà là quản trị bằng dân chủ, sự mở rộng tham gia của người dân vào quản trị nhà nước, sử dụng có hiệu quả cao các công cụ thể chế, chính sách và các phương pháp, kỹ năng, kỹ trị hiện đại nhằm tạo điều kiện cho kinh tế – xã hội phát triển, tạo thuận lợi cho các hoạt động của người dân và doanh nghiệp cho sự phát triển bền vững của đất nước.
1.2. Những đặc trưng cơ bản của quản trị nhà nước tốt
Các đặc trưng cơ bản của quản trị nhà nước tốt được phản ánh trong quan niệm của các tổ chức quốc tế như:
– Quan niệm của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP): đảm bảo sự tham gia; sự công bằng của luật pháp; tính minh bạch; đáp ứng mọi bên liên quan; hướng tới sự đồng thuận; bình đẳng; hiệu lực và hiệu quả; trách nhiệm giải trình; tầm nhìn chiến lược.
– Quan niệm của Ngân hàng Thế giới: tiến trình hoạch định chính sách công khai và có dự đoán trước; hành chính công chuyên nghiệp; bộ máy hành pháp có trách nhiệm giải trình; sự tham gia tích cực của người dân vào hoạt động công; luật pháp công bằng.
– Quan niệm của Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA): trách nhiệm giải trình về mặt tài chính ở cấp độ vĩ mô và đối với hoạt động của tổ chức ở cấp vi mô; tính minh bạch, đặc biệt là trong tiến trình phân bổ ngân sách, mua sắm công; luật pháp công bằng, trong đó có một khuôn khổ pháp lý công bằng, ổn định, có thể dự đoán được và được công chúng biết đến; sự tham gia của người dân vào việc hình thành các chiến lược phát triển có ảnh hưởng đến cộng đồng.
– Quan niệm của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB): trách nhiệm giải trình; đảm bảo sự tham gia (của các bên liên quan trong quá trình hoạch định chính sách); có thể dự đoán được; minh bạch.
Tóm lại, quản trị nhà nước tốt là việc thực hiện các công việc của nhà nước có hiệu quả với sự tham gia của nhiều chủ thể trong xã hội, thỏa mãn nhu cầu và bảo đảm quyền của công dân, tổ chức.
Từ quan niệm trên có thể rút ra các đặc trưng cơ bản của quản trị nhà nước tốt như sau:
Thứ nhất, huy động, bảo đảm sự tham gia của các chủ thể trong xã hội, nhất là người dân vào quản trị nhà nước. Đặc trưng tiêu biểu nhất của mô hình này là tăng cường sự tham gia của người dân và các tổ chức xã hội đối với hoạt động của hệ thống hành chính từ trung ương đến địa phương. Các cá nhân, tổ chức trong xã hội có thể tham gia vào hoạt động của chính phủ (cụ thể, tham gia vào việc ban hành các quyết định hành chính, các chính sách, biện pháp hành động) một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua người đại diện hoặc các tổ chức hợp pháp.
Thứ hai, quản trị theo tinh thần nhà nước pháp quyền: quản trị nhà nước tốt đòi hỏi các quy định pháp luật không chỉ đầy đủ mà còn đảm bảo tính khách quan và công bằng. Pháp luật phải tạo thành khung pháp lý an toàn để bảo vệ quyền con người, đặc biệt là bảo vệ quyền lợi của các dân tộc thiểu số, những đối tượng yếu thế. Đòi hỏi có hệ thống tòa án xét xử độc lập, nghiêm minh, công bằng và khách quan đối với các vi phạm pháp luật, không loại trừ bất cứ trường hợp nào.
Thứ ba, tính công bằng, minh bạch: chính phủ quản trị tốt là chính phủ phục vụ công bằng, bình đẳng đối với mọi đối tượng khác nhau trong xã hội, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo, giới tính… Tính minh bạch trong quản trị nhà nước tốt thể hiện ở việc các hoạt động của chính phủ phải liên tục được thông tin chính xác, kịp thời tới mọi cá nhân và tổ chức trong xã hội một cách đầy đủ, dễ truy cập, dễ hiểu. Quyền được thông tin là quyền chính đáng của người dân.
Thứ tư, thích ứng linh hoạt đối với sự thay đổi của môi trường quản trị: một chính phủ quản trị tốt là có thể đối mặt và giải quyết tốt mọi thay đổi. Những thay đổi đó có thể diễn ra bên trong hệ thống chính phủ của mỗi quốc gia, cũng có thể do sự tác động của môi trường quốc tế trước xu hướng quốc tế hóa, toàn cầu hóa. Sự thích ứng của chính phủ không chỉ thể hiện ở sự kịp thời, đúng đắn của các quy định pháp luật mà còn biểu hiện rõ nét ở sự sáng tạo, linh hoạt đưa ra các quyết định quản trị đáp ứng yêu cầu của sự thay đổi và mong đợi của người dân.
Thứ năm, sự định hướng và đồng thuận: quản trị tốt phải chỉ ra được cách thức để tìm được sự đồng thuận của xã hội đối với chính phủ thông qua những hoạt động nhằm điều hòa lợi ích của công dân, của các tổ chức và của nhà nước, để thiết lập một xã hội đồng thuận và bảo đảm lợi ích của cả cộng đồng.Đồng thời, chính phủ cần quan tâm đến những chính sách mang tầm chiến lược để hướng tới sự phát triển bền vững, vừa giữ được ổn định xã hội, tăng trưởng kinh tế, vừa giữ gìn môi trường trong sạch cho thế hệ tương lai. Điều này đòi hỏi các nhà quản trị cần hiểu rõ những đặc trưng về lịch sử, văn hóa, con người, các nguồn lực của một xã hội hoặc của cộng đồng.
Thứ sáu, trách nhiệm báo cáo và giải trình: đây là một yêu cầu thiết yếu đối với một chính phủ quản trị tốt. Các chủ thể ban hành và thực hiện quy định pháp luật, chính sách không chỉ có trách nhiệm giải trình đối với cơ quan cấp trên, đối với cơ quan dân cử mà còn có trách nhiệm giải trình đối với khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội, công chúng và các bên liên quan về các quy định của chính sách, pháp luật. Tuy nhiên, trách nhiệm giải trình phải đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng và hệ thống các quy định pháp luật, chính sách đầy đủ, chính xác.
Thứ bảy, hiệu lực và hiệu quả: quản trị tốt có nghĩa là kết quả của quá trình ban hành và thực hiện các quy định pháp luật, chính sách phải đảm bảo sự tuân thủ đối với các đối tượng chịu sự điều chỉnh. Đồng thời, kết quả đạt được phải đáp ứng được nhu cầu của xã hội trong việc sử dụng hợp lý và tiết kiệm các nguồn lực, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường sinh thái. Quản trị có hiệu lực, hiệu quả nghĩa là tạo ra lợi thế cạnh tranh cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Với những đặc trưng trên, có thể khẳng định quản trị tốt là một mô hình lý tưởng nhưng rất khó đảm bảo thực hiện một cách tuyệt đối với bất kỳ chính phủ nào. Tuy nhiên, để đạt được sự phát triển bền vững, việc nghiên cứu và áp dụng mô hình này vào thực tiễn là một yêu cầu cần thiết đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay.
2. Những vấn đề đối với quản lý nhà nước ở Việt Nam
Quá trình phát triển từ hành chính công truyền thống sang quản lý công, quản lý công mới và quản trị nhà nước tốt với mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị nhà nước, tạo điều kiện cho kinh tế – xã hội phát triển và phục vụ người dân trở thành tất yếu khách quan và không có một lĩnh vực hoạt động nào của con người quan trọng hơn là công việc quản trị, sự hưng thịnh hay suy vong của một quốc gia đều liên quan chặt chẽ tới hoạt động quản trị. Tuy nhiên, sự phát triển và thay đổi về tên gọi từ mô hình hành chính công truyền thống sang mô hình quản lý công, quản lý công mới và quản trị nhà nước tốt về bản chất không có sự thay đổi nhiều ở phương diện chức năng quản lý, quản trị.
Cả hành chính công, quản lý công, quản lý công mới và quản trị nhà nước đều có các chức năng cơ bản là: hoạch định, tổ chức lãnh đạo (chỉ đạo) và kiểm tra đều có mục tiêu hướng tới xây dựng một nền hành chính năng động, tinh gọn, minh bạch, hiệu quả cao và thể hiện chức năng phục vụ của nhà nước đối với công dân thay cho chức năng cai trị trong hành chính công truyền thống. Sự phát triển và chuyển đổi căn bản đó chính là sự đổi mới cách thức quản lý dân chủ, áp dụng mạnh mẽ các phương pháp, kỹ năng và kỹ trị của quản lý, quản trị của khu vực tư vào khu vực công; sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công và khu vực tư vào giải quyết các vấn đề mang tính quốc gia. Do đó, quản lý nhà nước hay quản lý công ở Việt Nam cần nghiên cứu vận dụng mô hình quản lý công mới và mô hình quản trị nhà nước tốt vào thực tiễn quản lý nhà nước ở Việt Nam theo hướng:
Một là, cân nhắc sửa thuật ngữ (khái niệm) “quản lý nhà nước” thành “quản trị nhà nước”. Bởi hiện nay thuật ngữ quản trị được sử dụng phổ biến ở các nước trên thế giới như: quản trị nhà nước, quản trị doanh nghiệp, quản trị tổ chức, quản trị văn phòng, quản trị kinh doanh, quản trị các lĩnh vực hoạt động của nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội… và trở thành chức năng quan trọng của mọi tổ chức và mọi hoạt động, do phát sinh từ sự phân công lao động xã hội, từ sự cần thiết phải phối hợp hành động và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cá nhân và tổ chức dưới sự điều khiển của các nhà quản trị nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu chung của tổ chức.
Mặt khác, để phù hợp với thông lệ quốc tế và quá trình hội nhập quốc tế cần sử dụng thuật ngữ quản trị nhà nước thay cho thuật ngữ quản lý nhà nước đang sử dụng ở nước ta. Điều này cũng phù hợp với tinh thần Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Xây dựng và hoàn thiện nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả”. Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030 cũng xác định: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội. Xây dựng bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền bảo đảm quản lý thống nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành”.
Hai là, cần vận dụng các đặc trưng, đặc điểm của mô hình quản lý công mới và mô hình quản trị nhà nước tốt vào quản trị nhà nước như: mở rộng, huy động sự tham gia rộng rãi của các chủ thể trong xã hội vào quản trị nhà nước; quản trị theo tinh thần nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, các quy định của pháp luật phải rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, tránh các quy định gây phiền hà, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong quản trị nhà nước; cần có sự thích ứng, linh hoạt đối với những thay đổi của môi trường quản trị.
Quản trị nhà nước trên cơ sở định hướng rõ ràng và sự đồng thuận cao; đề cao trách nhiệm báo cáo và giải trình; phải đặc biệt chú ý đến hiệu lực, hiệu quả trong quản trị nhà nước; thực hiện sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ giữa Trung ương và chính quyền địa phương; đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập, các hoạt động dịch vụ công.
Ba là, quản trị nhà nước phải dựa trên các quy luật, các quan điểm, các nguyên tắc và phương pháp của các lĩnh vực khoa học liên quan trực tiếp đến quản trị nhà nước như: khoa học quản lý (quản trị học), khoa học hành chính, khoa học tổ chức, khoa học pháp lý, chính sách công, các thành tựu khoa học và công nghệ.
Bốn là, để quản trị nhà nước có hiệu quả cần đặc biệt chú ý đến các công cụ quản lý hiệu quả như: thể chế, chính sách, tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực chất lượng cao, công cụ tài chính và các nguồn lực khác.
Năm là, quản trị nhà nước phải có sự lựa chọn, áp dụng hợp lý các phương pháp giáo dục; phương pháp tâm lý; phương pháp tổ chức; phương pháp kinh tế; phương pháp hành chính và các phương pháp quản trị hiện đại như: quản lý theo mục tiêu (MBO); phương pháp quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn (ISO); phương pháp quản lý chất lượng toàn diện (TMQ) và phương pháp quản lý theo kết quả.
Sáu là, cần vận dụng các nghệ thuật trong quản trị như: nghệ thuật dùng người, nhất là người có tài năng; nghệ thuật tận dụng cơ hội; nghệ thuật vượt qua thách thức và sự thay đổi; nghệ thuật quản trị rủi ro; nghệ thuật ra quyết định; nghệ thuật xử lý, phân tích thông tin; nghệ thuật đàm phán; nghệ thuật giao tiếp; nghệ thuật quan hệ công chúng (PR) trong quản lý nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước nói chung và Chính phủ nói riêng./.
–
Tài liệu tham khảo:
1. Giáo trình Quản lý học đại cương, Nxb Khoa học kỹ thuật, H.2010.
2. Giáo trình Quản lý công, Nxb Bách khoa Hà Nội, H.2015.
3. Nguyễn Hữu Tri, Quản trị học, Nxb Khoa học xã hội, H.2013.
4. Devit Auxbot và Tet Gheblo, Đổi mới hoạt động của Chính phủ (sách tham khảo) Nxb CTQG, H.1997.
5. Văn Tất Thu, Cải cách bộ máy hành chính nhà nước – thực trạng và các nhiệm vụ đặt ra hiện nay, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 5/2018.
6. Văn Tất Thu, Vai trò của nhà nước trong cung ứng dịch vụ công, Tạp chí Tổ chức nhà nước, số 2/2018.
7. Văn Tất Thu, Quá trình phát triển hành chính công-những vấn đề đặt ra hiện nay, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 5/2020.
PGS.TS Văn Tất Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ
Theo: https://tcnn.vn/
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!