2 sai lầm phổ biến nhất thời nay: Đặt lòng tốt sai chỗ, trao niềm tin nhầm người

Vì sao có người làm việc thiện lại được khen ngợi, nhưng người khác lại bị phê phán, chê cười? Bạn cho đi lòng tốt không có nghĩa là bạn sẽ nhận lại sự nhẹ nhõm nếu bạn đang ban tặng lòng tốt một cách mù quáng. Nếu tình cảm và niềm tin đặt không đúng chỗ thì nó sẽ biến thành thuốc độc cho cả đôi bên!

Đừng tốt với ai quá?

Nói như vậy quả là hơi chạnh lòng. Người đối tốt với người là chuyện đương nhiên, sao phải đừng? Ý muốn nói ở đây là lòng tốt đặt không đúng người, đúng chỗ. Hãy đối tốt thôi, còn đối tốt quá thì hãy để dành cho với ba mẹ mình. Đối tốt với người không xứng, chẳng khác nào làm chuyện có lỗi với bản thân. Đừng để lòng tốt của mình bị lợi dụng.

2 sai lầm phổ biến nhất thời nay: Đặt lòng tốt sai chỗ, trao niềm tin nhầm người - 1

(Ảnh: Shutterstock)

Một sự thật đau lòng khác nữa là một số người không tin tưởng bạn và họ cho rằng thương người chỉ là biểu hiện của thói đạo đức giả. Vì trong cuộc sống đầy toan tính này, trong mắt một số người thì những ai hết mình làm việc thiện cũng chỉ là kẻ đóng kịch giỏi để mua danh mà thôi.

Lương thiện nên đi cùng lý trí. Khi nào nên làm người tốt, và tốt với ai? Hiền lành tử tế mà không đúng người, đúng lúc chỉ nhận lại sự coi thường thay vì lòng biết ơn. Đôi khi có vài người cứ tưởng rằng mình đem tình cảm thật sự của mình đối tốt với người khác, người khác sẽ đối xử chân thành với mình, cuối cùng mới pнát hiện ra rằng mình quá ngốc nghếch. Nếu lý trí không tồn tại thì lòng tốt là vô nghĩa. Vì vậy, hãy quan tâm đến sự tử tế của bạn, và tốt nhất là lương thiện phải có đầu óc và giữ lại lòng tự tôn cho chính mình.

Đừng đùa với lòng tin

2 sai lầm phổ biến nhất thời nay: Đặt lòng tốt sai chỗ, trao niềm tin nhầm người - 2

(Ảnh: Artem Legere)

Như vậy, để đặt lòng tốt của mình đúng nơi thì trước hết bạn phải đặt lòng tin của mình đúng chỗ. Để mà có được lòng tin của mình với đối phương thì tất nhiên bản thân của mình phải hiểu con người họ. Cần phải biết động cơ, tính cách, bản chất của họ như thế nào thì mới tin được và đối xử cho phù hợp. Nhưng trước hết, bản thân mỗi người hãy làm một người đáng tin và một người tốt đã.

Vậy làm sao trao niềm tin đúng người để lòng tốt trở nên có ý nghĩa?

Đừng quá dễ dãi

Làm người đừng dễ tính quá, ai muốn gì cũng cho, ai nói gì cũng tin, về lâu về dài sẽ chẳng có ai còn để ý đến cảm nhận của bạn, luôn luôn muốn bạn đáp ứng yêu cầu của họ.

2 sai lầm phổ biến nhất thời nay: Đặt lòng tốt sai chỗ, trao niềm tin nhầm người - 3

(Ảnh: Issuu)

Trong cuộc sống đời thường, không ít người bị lừa dối tiền bạc, thậm chí bị lừa bởi chính bạn bè, người thân thiết. Con người ai cũng có điểm yếu, và với những người tốt bụng, IQ và lý trí của họ sẽ bị giảm đi bởi chính lòng tốt, sự tin tưởng của họ. Kết quả là, trong khi hết lòng hết sức giúp đỡ người khác, họ lại tự chuốc khổ và thất vọng về mình.

Đương nhiên khi bạn bè, người thân gặp khó khăn, việc giúp đỡ là điều bình thường. Nhưng đừng quên câu của người xưa nói: “Không nên có tâm hại người, nhưng cần phải có tâm phòng người”. Đừng bao giờ tin tưởng một người trọn vẹn, bởi trái tim con người có thể thay đổi, mọi thứ đều không thể đoán trước được.

Của cho không bằng cách cho

Giúp đỡ người khác là điều rất đáng trân trọng nhưng nếu bạn không giúp đúng người, đúng việc thì hóa ra tấm lòng rộng lượng chỉ là trò cười không hơn không kém. Có câu hãy cho người khác cần câu chứ đừng tặng họ con cá. Bạn phải là người tạo cơ hội chứ đừng làm người dọn cỗ sẵn.

2 sai lầm phổ biến nhất thời nay: Đặt lòng tốt sai chỗ, trao niềm tin nhầm người - 4

(Ảnh: Synergyart)

Ví như việc làm từ thiện nghĩa là bạn đang trao đi yêu thương và cơ hội cho những người khó khăn hơn. Cách chúng ta cho đi ngày hôm nay có thể ảnh hưởng đến tương lai của rất nhiều người, vì vậy, hãy thực hiện sứ mệnh đó với một tinh thần trách nhiệm cao. Đừng gửi những món đồ và quyên góp tiền bạc cho có mà chẳng cần biết chúng đi về đâu. Hãy lập những kế hoạch thiện nguyện cụ thể và xây dựng những tiêu chuẩn để kiểm tra xem tiền có được chi tiêu hợp lý hay không và kết quả mang lại có tích cực không.

Hiểu rõ khả năng của bản thân

Đừng cố làm những việc ngoài khả năng của bạn. Khi bạn thấy mình thực sự có thể giúp đỡ mọi người việc gì đó thì hãy làm. Trong trường hợp nó vượt quá năng lực của bạn, tốt nhất là nên từ chối. Nếu năng lực chỉ có giới hạn mà cứ cố làm, đến lúc kết quả nhận được không tốt, bạn sẽ khiến mọi người mất niềm tin vào mình.

Thế nên, biết cách từ chối người khác cũng là một trong những dấu hiệu chứng tỏ sự trưởng thành. Việc từ chối giúp đỡ cũng đồng nghĩa với việc đưa ra phương án tốt nhất cho bản thân lẫn đối phương, cho người đó có cơ hội tìm kiếm một lựa chọn tốt hơn.