Cảo thơm lần giở trước đèn. – Báo Cần Thơ Online

Đại thi hào Nguyễn Du đã chọn kết thúc danh tác Truyện Kiều bằng hai câu thơ giản dị, khiêm nhường:

“Lời quê góp nhặt dông dài

Mua vui cũng được một vài trống canh”

Thế nhưng hơn 200 năm kể từ khi Truyện Kiều ra đời, “lời quê góp nhặt” ấy vẫn là “lời vàng ý ngọc”, có sức sống lâu bền trong nhân gian. Nhân vật và cốt truyện trong Truyện Kiều của Nguyễn Du đã bước ra khỏi ranh giới của một tác phẩm văn chương, ăn sâu vào tâm thức của người Việt xưa và nay.

Nhân gian còn có Truyện Kiều

Có thể nói, Truyện Kiều đã trở tác phẩm văn học có ảnh hưởng nhất trong đời sống, tâm tư người Việt nhiều thế kỷ qua. Từ những câu Kiều “động đất trời” của Nguyễn Du, dân gian đã ứng dụng vào đời sống với những triết lý, nhân sinh quan khác nhau.

Đầu tiên, những nhân vật trong Truyện Kiều trở thành những kiểu mẫu người trong xã hội xưa và nay. Ví dụ, nhắc đến nhân vật Sở Khanh, người ta không chỉ nghĩ đó là gã đã hại và phụ tình nàng Kiều mà là chỉ chung mẫu đàn ông phụ bạc, lừa lọc tình cảm phụ nữ. Tú Bà là cách gọi những người phụ nữ môi giới cho nghề “buôn phấn bán hương”. Và, dường như nhắc đến những người phụ nữ ghen tuông, không ai lại không nhắc nhân vật Hoạn Thư như một “bậc thầy”!…

Một số ấn bản Truyện Kiều (từ trái qua): song ngữ Việt – Pháp, bản dịch của học giả Nguyễn Văn Vĩnh; ấn bản của NXB Giáo Dục năm 1972; và “Histoire de Thúy Kiều” song ngữ Pháp Việt của dịch giả Lưu Hoài. Ảnh: DUY KHÔI

Từ cảm hứng Truyện Kiều, nhiều hình thức sinh hoạt dân gian như lẩy Kiều, bói Kiều, đố Kiều, tập Kiều đã ra đời, có mặt khắp mọi miền đất nước. Bói Kiều là tục xem bói bằng Truyện Kiều. Người xem bói sau khi khấn: “Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều, lạy chàng Kim Trọng, con tên là., cho con xin một quẻ hôm nay”- nam dùng tay trái, nữ dùng tay phải- mở cuốn Truyện Kiều, chỉ vào bất kỳ một câu Kiều nào thì sẽ được giải mã. Người Việt mê Kiều đến độ có tục “đếm Kiều” nghĩa là thay vì khi đếm vật dụng, họ không đếm số mà đọc Truyện Kiều, mỗi câu tương ứng với một số.

Trong quá trình nghiên cứu sức ảnh hưởng của Truyện Kiều, chúng tôi đã tìm ra một số bài dân ca lấy Truyện Kiều làm cảm hứng, chủ yếu là Ví Giặm Nghệ Tĩnh, dân ca Bình Trị Thiên và dân ca Khu 5. Tiêu biểu là điệu hò đối đáp kiểu đố Kiều. Có những câu đáp bê nguyên xi Truyện Kiều như:

“Truyện Kiều anh thuộc đã làu

Đố anh kể được một câu năm người?”

Đáp:

“Này chồng, này mẹ, này cha

Này là em ruột, này là em dâu”

Nhưng cũng có những câu đáp chiết tự, trào lộng hoặc tổng hợp nhiều câu Kiều khác nhau tạo nên tiếng cười ý vị:

“Nổi danh tài sắc đủ điều

Tại sao lại bảo nàng Kiều sứt răng?”

Đáp:

“Hở môi ra cũng thẹn thùng

Sứt răng nàng sợ, chúng trông, bạn cười”

Hay:

“Đến đây hỏi khách cựu giao

Chàng Kim đau bụng thế nào chàng ơi?”

Đáp:

“Khi tựa gối, khi cúi đầu

Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày”

Dân ca Quan họ Bắc Ninh có điệu hát Kiều rất hay theo kiểu “mượn cảnh mượn tình”: “Bây giờ tôi mới gặp tình. Khác gì Kim Trọng thanh minh gặp Kiều. Tiện đây tôi hỏi một điều. Đài gương soi đến dấu bèo cho nhau? Từ khi ăn một miếng trầu. Miệng ăn môi đỏ, dạ sầu tương tư”. Còn điệu hò Huế thì lại là lời tâm sự của chàng trai với người yêu thật tình tứ, lãng mạn, nghe nhặt khoan, trầm bổng trên dòng Hương Giang:

“Sen xa hồ sen khô hồ cạn

Lựu xa đào lựu ngã đào nghiêng

Xa em ngày tháng gieo phiền

Khác nào như Thúy Kiều xa Kim Trọng biết mấy niên cho hết sầu”.

Ở Nam bộ, Truyện Kiều vẫn có một sức hút đặc biệt trong dân gian. Chúng tôi có dịp sưu tầm và tìm hiểu một số câu ca dao mượn tích Kiều ở ĐBSCL. Điểm chung là đều mượn sự chia ly của nàng Thúy chàng Kim để nói lên nỗi lòng của mình. Ca dao Cần Thơ có câu:

“Em như nút, anh như khuy

Như Thúy Kiều với Kim Trọng, biệt ly sao đành”

Và đây là tiếng lòng của người con gái miệt Ba Tri- Bến Tre gởi đến người thương:

“Sông Tiền cá lội xòe vi

Chị Thúy Kiều sầu anh Kim Trọng tỷ như em sầu chàng”

Vùng sơn cước Thoại Sơn, An Giang còn truyền tụng câu ca dao về tình yêu:

“Anh xa em như bướm xa hoa

Như Thúy Kiều xa Kim Trọng, Bá Nha xa Tử Kỳ”

Như vậy, từ mảnh đất Nghệ Tĩnh nắng gió, Truyện Kiều ăn sâu vào tiềm thức của người dân khắp mọi vùng miền Tổ quốc, trở thành áng văn tuyệt mỹ về ngôn từ, nhạc điệu và nội dung, là niềm tự hào của văn chương Việt xưa- nay.

Cảm hứng thi ca

Trong bài thơ: “Tổ Quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”, nhà thơ Chế Lan Viên đã phải thốt lên rằng: “Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn”. Danh tác của đại thi hào Nguyễn Du trở thành cảm hứng thi ca cho biết bao nhà thơ ở mọi thời đại.

Trong một lần “nửa đêm qua huyện Nghi Xuân”, nhà thơ Tố Hữu đã “Kính gửi cụ Nguyễn Du” những câu thơ đầy khí khái, đồng cảm và cả sự khâm phục:

“Tiếng thơ ai động đất trời

Nghe như non nước vọng lời ngàn thu

Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du

Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày”

Và trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, những câu Kiều đã trở thành vũ khí hun đúc tinh thần yêu nước, sự lạc quan, tin tưởng. Với riêng nhà thơ Chế Lan Viên, “câu thơ Nguyễn cũng góp phần chống Mỹ” khi ông viết trong bài thơ “Gửi Kiều cho em năm đánh Mỹ”:

“Thơ dân tộc lẫn màu nâu dân dã

Nên câu Kiều đồng vọng, họ còn nghe”

Ở Cần Thơ, dấu ấn Truyện Kiều ghi khắc trong cuộc bút chiến nổi tiếng của cụ Cử nhân Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường. Gã bán nước họ Tôn đã mượn tích Kiều bán mình chuộc cha để giải thích cho hành vi “mãi quốc cầu vinh” của hắn:

“Chữ hiếu ít nhiều: Trời đất biết, Gánh tình nặng nhẹ chị em chung. Soi gương kim cổ thương mà trách, Chẳng trách chi Kiều, trách hóa công”

Vốn là người thông thạo Truyện Kiều, cụ Cử đã nhanh chóng họa lại bài vịnh của Tôn Thọ Tường, cũng trích từ các tích truyện của Truyện Kiều:

“Ví dù Viên ngoại oan vu lắm, Sao chẳng Đề Oanh sớ sách kêu? Cái nghĩa chàng Kim tình đáng mấy, Lượng vàng họ Mã đáng bao nhiêu!”

Ở đây, nên hiểu rằng, cụ Cử không trách và cũng không đả phá hành động của nàng Kiều, mà bởi thể loại “xướng- họa” tức cảnh sinh tình, “mượn ong nói bướm”. Cụ Cử đã đưa ra những luận cứ rằng nàng Kiều còn có những cách lựa chọn khác, không nhất thiết phải bán mình- như một người có tài như Tường sao lại làm tay sai cho giặc. Việc cụ Cử đem lên bàn cân “cái nghĩa chàng Kim” và “lượng vàng họ Mã” là rất độc đáo, ý nghĩa.

Cảnh Hoạn Thư đánh ghen trong vở “Kim Vân Kiều” trên sân khấu “Hạt ngọc mùa vàng”. Ảnh: BTC

Lịch sử cải lương Nam bộ ghi nhận, rạp hát cải lương đầu tiên của Việt Nam là rạp Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho, ra mắt vào ngày 13-5-1918, đúng ngày sinh nhật của Thầy Năm. Vở diễn ngày ra mắt ấy chính là vở “Kim Vân Kiều” được soạn giả Trương Duy Toản sáng tác từ cảm hứng Truyện Kiều. Đáng chú ý hơn, đây là vở thứ 2 của Trương Duy Toản và cũng là kịch bản thứ 2 của sân khấu cải lương (kịch bản đầu tiên là “Lục Vân Tiên” cũng của soạn giả Trương Duy Toản).

Và, một hiện tượng chưa từng có trong văn chương Việt là một tác phẩm văn học đã trở thành phương tiện đắc dụng trong quan hệ ngoại giao của các vị nguyên thủ quốc gia. Năm 2000, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã lẩy Kiều: “Sen tàn cúc lại nở hoa. Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân” trước khi có những lời phát biểu trang trọng: “Những ký ức băng giá về quá khứ bắt đầu tan. Những phác thảo của một tương lai ấm áp chung đã bắt đầu hình thành…”. 15 năm sau, năm 2015, trong chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden lại lẩy Kiều để nói về quan hệ Việt- Mỹ hiện nay: “Trời còn có buổi hôm nay. Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”. Lần lẩy Kiều của Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã được đưa vào hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận Đại thi hào Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới (đã được công nhận năm 2013) như một điển hình về sức ảnh hưởng thế giới của Truyện Kiều.

* * *

Sinh thời, trong bài thơ “Độc Tiểu Thanh ký”, Nguyễn Du từng đặt trăn trở: “Bất tri tam bách dư niên hậu. Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?” (“Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa. Người đời ai khóc Tố Như chăng?” Nhưng không đợi đến 300 năm, tên tuổi của Nguyễn Du đã làm rạng rỡ dân tộc Việt Nam; người đời đã đồng điệu, sẻ chia với ông. Truyện Kiều không chỉ để “mua vui cũng được một vài trống canh” mà đã trở thành di sản vô giá của dân tộc Việt Nam.

Đăng Huỳnh

Tác phẩm của những kỷ lục

Tổ chức Liên minh Kỷ lục thế giới đã chính thức xác nhận kỷ lục thế giới mới dành cho tác phẩm “Truyện Kiều” ở đề mục “Tác phẩm văn học tạo nên nhiều kỷ lục quốc gia nhất”. Theo thống kê, hiện Truyện Kiều giữ đến 27 kỷ lục Việt Nam, được dịch ra 20 thứ tiếng trên thế giới và 35 bản dịch.