Tổng hợp các lỗi về in ấn thường gặp và cách khắc phục| An Lộc Việt

In ấn giấy tờ là công việc diễn ra hằng ngày, từ ở văn phòng công ty đến các tiệm photocopy, ở nhà và cả ở trường học. Hầu như tất cả mọi người tiếp xúc với máy in thì đa số đều có thể gặp phải những tình huống lỗi. Vậy khi gặp những tình huống đó phải làm cách nào để khắc phục và sửa chữa? Hãy cùng tham khảo bài viết sau đây nhé.

1. Giấy in bị kẹt trong máy

Đây có lẽ là tình huống bạn sẽ thường xuyên gặp phải nhiều nhất, các máy in khi sử dụng thời gian dài, xuống cấp. Việc giấy in bị kẹt trong máy có nhiều nguyên nhân như: giấy nạp vào bị lệch, giấy quá ẩm dính liền nhau, sensor tách giấy bị hỏng,…

Vậy nếu như gặp tình trạng giấy in bị kẹt trong máy in thì sẽ làm như thế nào? Trước tiên bạn cần mở nắp máy in và rút hộp mực ra nhẹ nhàng => Tiếp đến bạn kéo tờ giấy bị kẹt (kéo nhẹ nhàng và từ từ để giấy không bị rách vụn) về phía mình. Nếu máy vẫn báo kẹt giấy thì bạn nên kiểm tra lại thật kỹ những mẩu giấy nhỏ xíu bị rách đâu đó trên đường đi của máy in. Trường hợp giấy in bị kẹt nhiều và khó lấy ra thì bạn nên rút nguồn điện và gọi cho nơi sửa chữa, bảo hành để đảm bảo không làm hư các linh kiện bên trong máy in nhé.

Tổng hợp các lỗi về in ấn thường gặp và cách khắc phục

Khi để xấp giấy in vào trong khay giấy thì bạn nên kiểm tra khay xem có bị ẩm không và nên tách đồng loạt các tờ giấy in bằng cách vỗ hay quạt để chúng không quá dính vào nhau, thuận tiện và dễ dàng hơn khi in.

2. Văn bản trên giấy in mờ nhạt, chữ không nét và không đậm

Cũng có nhiều nguyên nhân làm cho văn bản máy in bị mờ nhạt như: Mực sắp hết, giấy quá ẩm, quá nhám hoặc các nguyên nhân liên quan đến bộ phận bên trong của máy in như gương phản xạ hay trục từ,… Nếu gặp trường hợp trên bạn nên thay mực cho máy in hay kiểm tra khay giấy và kiểm tra các bộ phận bên trong. Có một số trường hợp máy in của bạn đã thiết lập chế độ tiết kiệm mực thì bản in cũng sẽ bị mờ. Bạn có thể kiểm tra chế độ máy in nếu có phím Economy thì tắt đi.

3. Bản in xuất hiện nhiều chấm nhỏ hoặc các vệt đen ngang

Nguyên nhân của sự xuất hiện những chấm mực nhỏ hoặc các vệt đen khắp tờ giấy in là vì trống, trục cao su của máy in sử dụng nhiều, hết tuổi thọ hay là bị hỏng. Trống là một linh kiện quan trọng trong máy in, nó quyết định chất lượng của bản in. Nếu gặp các trường hợp này thì bạn nên thay trống và thay trục cao su ngay nhé.

4. Bản in bị đen, mực lem ra bản in

Sự cố này chủ yếu là do mực bị đầy hoặc mực kém chất lượng nên bị tràn ra bản in. Ngoài ra còn có thể do bạn đổ mực in không phù hợp với máy in. Bạn cần kiểm tra lại khoang chứa mực thải, nếu bị đầy thì cần đổ ngay đi, ngoài ra cần mua mực in chất lượng và phù hợp với máy in để cho ra bản in tốt nhất.

5. Bản in bị trắng toàn bộ

Trường hợp bản in bị trắng toàn bộ là do lò xo ở trục cao su bị lỗi như gãy hoặc lệch. Lúc này bạn cần tháo hộp mực ra để kiểm tra lại lò xo, nếu bị lệch, méo thì nên nắn lại cho ngay ngắn hoặc nếu bị gãy thì nên thay trục mới cho máy in nhé.

6. Máy in không hoạt động

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng máy in không hoạt động, nhưng nguyên nhân thường thấy có thể là do người dùng quên cấp nguyên điện cho máy in, cáp nối dữ liệu bị hư hỏng, hoặc quên chưa đóng nắp máy in. Với các nguyên nhân này thì bạn cần kiểm tra dây cắm nguồn máy in đã được cắm vào ổ điện hay chưa? Dây hay giắc cắm có vấn đề gì không? Sau đó xem máy in đã được khởi động hay chưa (xem nút Power có sáng không) Nếu các vấn đề đó đều bình thường thì bạn nên gọi nhân viên kỹ thuật đến xem và sửa chữa. Ngoài ra, đối với máy in văn phòng trường hợp máy in không hoạt động có thể là do máy tính chủ kết nối với máy in chưa được bật nên các máy in còn lại sẽ không in được. Vậy nên hãy kiểm tra cẩn thận nhé.

7. Máy in bị treo

Phải thực hiện quá nhiều lệnh in khiến máy in không kịp load sẽ dẫn đến tình trạng treo máy. Nếu gặp trường hợp này bạn nên thực hiện các bước sau:

– Đăng nhập vào mục printer trên máy tính, các danh sách tệp in sẽ hiện ra.

– Nhấn vào từng tệp và nhấn cancel để xóa bỏ một số lệnh in hoặc nhấn cancel all documents để xóa toàn bộ.

– Sau đó khởi động lại máy in và in bình thường.

8. Máy in bị kêu to

Nếu đặt máy in ở những nơi không bằng phẳng sẽ dẫn đến khay giấy và quả đào bị nghiêng, phát tiếng kêu bất thường khi máy hoạt động. Một số nguyên nhân như dàn cơ trong máy in khô dầu mỡ do sử dụng lâu ngày, dàn cơ trong máy bị mòn, hay hộp mực bị lỗi cùng gây ra tiếng kêu. Bạn nên đặt máy in ở những nơi bằng phẳng và an toàn, thường xuyên kiểm tra động cơ bên trong máy và sửa chữa kịp thời.

Còn nhiều lỗi về có thể gặp phải khi in nhưng ở đây chúng tôi chỉ có thể liệt kê những lỗi thường gặp nhất để các bạn có thể tham khảo và sửa chữa kịp thời nếu xảy ra vấn đề. Bạn nên thường xuyên kiểm tra và bảo hành máy in, sử dụng những loại máy in và mực chính hãng, an toàn để tránh những lỗi thường xảy ra, tiết kiệm thời gian và công sức khi in ấn.

Liên hệ ngay An Lộc Việt để được hỗ trỡ sớm nhất