Kỹ thuật cho cá chép đẻ tự nhiên trong ao

Cá chép thuần chủng có thể tự sinh sản được trong ao. Tuy vậy, ở nhiều nơi, do cá trong ao bị lai tạp và thoái hoá, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cá nuôi. Trong bài này sẽ giới thiệu cách cho cá chép đẻ tự nhiên theo phương pháp đơn giản để các hộ gia đình có thể chủ động sản xuất được con giống chất lượng cao, đúng thời vụ.

1. Mùa vụ cho đẻ:

Mùa đẻ chính của cá chép là mùa xuân và mùa thu. Trong thời gian này, vào những ngày mưa rào, có thể nhìn thấy từng đàn cá chép vật đẻ. Theo từng nhóm, cứ 2 – 3 con đực kèm sát 1 con cái, bơi lội ven bờ sông hoặc đầm ao, nơi có nhiều cây cỏ, rong, bèo để làm chỗ dựa vật đẻ. Các con đực tranh nhau đến cọ thân mình vào con cái. Cá cái được kích thích sinh dục uốn mình vật vã làm cho trứng phọt ra ngoài. Vỏ trứng cá chép có chất dính nên bám vào cỏ cây, rong, bèo. Ðồng thời lúc đó, cá đực phun ngay tinh dịch, tinh trùng bơi trong nước gặp trứng làm cho trứng thụ tinh. Dựa vào tập tính sinh đẻ của cá chép trong tự nhiên, người ta đã nghiên cứu cho cá chép đẻ theo ý muốn bằng cách tạo ra những hoàn cảnh thuận lợi tương tự.

Yêu cầu của phương pháp cho cá chép đẻ tự nhiên: Vào đầu mùa xuân phải tuyển chọn trong ao nuôi vỗ cá chép bố mẹ những cá đạt tiêu chuẩn sau: – Cá bố mẹ phải béo khoẻ, toàn thân trơn bóng, không rách vây, không trớt vảy, không bệnh. Có đủ cá đực và cá cái. – Trứng cá phải căng tròn và rời. Sẹ cá phải trắng và đặc (vuốt xuôi hai bên bụng cá, thấy sẹ trắng chảy ra như sữa).

Thời vụ cho cá chép đẻ tốt nhất vào mùa xuân. Trứng cá vụ xuân thường nhiều và tốt, nên nhân dân thường cho cá chép đẻ vào vụ xuân là chính (vụ thu chỉ tranh thủ cho đẻ những cá tái phát dục).

Những trạm trại cá giống thường ít quan tâm đến kế hoạch sản xuất cá chép giống, vì sản xuất vài chục triệu cá bột mè, trôi, trắm không khó, nhưng để sản xuất vài triệu cá chép bột trong một vụ lại không dễ, vì số lượng trứng của cá chép ít, phải nuôi vỗ một lượng khá lớn cá bố mẹ, gây tốn kém và mất nhiều diện tích ao. Vì thế, các hộ gia đình nuôi cá ở địa phương nên nắm vững kỹ thuật cho cá chép đẻ tự nhiên để chủ động sản xuất giống cá nuôi.

2. Cho cá đẻ tự nhiên:

* Chọn thời tiết thích hợp: Nhiệt độ cho cá chép đẻ thích hợp nhất từ 18- 25oC. Trời lạnh dưới 18oC cá chép không đẻ. Trước khi cho cá đẻ, phải nghe dự báo thời tiết để tránh những đợt có gió mùa đông bắc sắp tràn về. Tốt nhất là những ngày đầu xuân, hôm nào trời ấm áp, đêm nằm chỉ đắp chăn đơn, bên ngoài ếch nhái kêu inh ỏi là hôm ấy cho cá chép đẻ tốt.

* Tuyển chọn cá cho đẻ: Trước khi cho cá đẻ phải kiểm tra cá bố mẹ. Nếu thấy cá có hiện tượng nhô vây, hở đuôi, hay lượn sát ven bờ là trứng, sẹ của cá đã già, cá đã muốn đẻ. Ta bắt vài con lên để kiểm tra cho chính xác. Cách kiểm tra như sau: Con cái: Khi sắp đẻ, bụng to kềnh, lật ngửa cá lên thấy giữa bụng có một ngấn hằn lõm vào kéo dài từ vây ngực đến tận hậu môn (dọc theo giữa hai buồng trứng). Sờ bụng thấy mềm nhũn, da bụng mỏng, nhất là phía cuối. Lỗ sinh dục đỏ thẫm và hơi lồi. Nếu vuốt nhẹ vào thành bụng, trứng sẽ chảy ra, màu vàng sẫm, trong suốt và rời thành từng cái là trứng đã già. Những cá này có thể cho đẻ ngay đợt đầu. Kinh nghiệm ở một số cơ sở cho cá chép đẻ cho biết: Những con cá cái bụng to quá mức bình thường, bành ra như bụng cóc, sờ vào thấy mềm nhão thường rất khó đẻ (cá đã thoái hoá). Ngược lại, những con cá cái khi vuốt thấy trứng màu vàng đục hoặc vàng xanh dính vào nhau từng chùm là trứng còn non.

Cá đực: Lúc sắp phóng tinh trùng, nếu vuốt nhẹ hoặc cầm mạnh cá, tinh dịch cũng chảy ra, có màu trắng như nước vo gạo và đặc sền sệt như sữa hộp. Trường hợp tinh dịch còn loãng, tuy vẫn có màu trắng nhưng không đặc quánh là sẹ còn non.

3. Chọn nơi cho cá đẻ:

* Chọn ao cho cá đẻ: Diện tích ao rộng hay hẹp tuỳ theo số lượng cá cho đẻ nhiều hay ít. Chọn ao có đáy trơ, tốt nhất là cát pha sét. Nguồn nước đưa vào ao phải sạch, không chua mặn, không ô nhiễm. Ao được tẩy dọn kỹ, có mức nước sâu khoảng 1m. Có thể dùng bể đẻ cá mè, trôi, trắm, bể ấp hoặc bể chứa nước để cho cá chép đẻ.

* Chọn ruộng cho cá chép đẻ: Nhiều nơi ở miền núi phía Bắc đã có tập quán cho cá chép đẻ tự nhiên ngoài ruộng. Ruộng cho cá chép đẻ thường có diện tích 150- 200m2, đáy đất pha cát, có thể lấy nước vào dễ dàng và luôn giữ được nước. Ruộng cho cá chép đẻ phải được cày bừa san phẳng và phơi nắng mấy ngày cho se cứng đáy (không được nứt nẻ). Bờ ruộng đắp cao hơn mức nước, cao nhất khoảng 50 – 60cm, có máng dẫn nước và cống tiêu nước thuận tiện. Cửa cống dẫn nước phải chắn phên để ngăn cá tạp theo vào ruộng. Trước khi cho cá đẻ, tháo nước vào ruộng sâu khoảng 40 – 50cm. Nếu ruộng đó còn dùng để ương trứng, nên đào sẵn ở góc ruộng một cái hố khoảng 4m2, sâu 0,6m và có xẻ mương sâu 0,2m làm đường cho cá đi lại lên xuống kiếm ăn. Mặt hố có che lá cọ hoặc làm giàn trồng mướp, bầu, bí để che nắng cho cá.

4. Chuẩn bị ổ đẻ:

Thường chọn các loại xơ mềm có nhiều lông tơ nhỏ để làm ổ cho cá chép đẻ trứng cá dễ bám, như: bèo tây, xơ dừa, sợi nilông. Phổ biến nhất là dùng bèo tây, nếu dùng bèo phải chọn loại rễ bánh tẻ. Bỏ hết rễ bèo thối, rửa sạch đất, cặn bám ở rễ và sát trùng bằng nước muối 5% (0,5kg muối ăn pha trong 10 lít nước) hoặc xanh malachit nồng độ 3mg/lít ngâm 15 phút rồi vớt ra thả vào ổ đẻ. Dùng cây nứa quây bèo thành khung hình chữ nhật, để khi cá vật đẻ không làm bèo tản mát. Kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản I cho thấy: Số lượng trứng của mỗi cá mẹ tỷ lệ thuận với khối lượng cá. Cá nặng 1kg thường đẻ 120.000 – 140.000 trứng; cá nặng 1,5kg đẻ 180.000 – 210.000 trứng. Tỷ lệ trứng nở thành cá bột thường đạt 30- 40% (100 trứng nở được 30 – 40 con cá bột). Một khung bèo rộng 1m2 thường có khoảng 180 cây bèo. Mỗi cây bèo thường có 700 trứng bám, vậy cứ 1 con cá cái cỡ 1kg cho đẻ cần 1m2 khung bèo. Bèo thả kín vào khung, khung đặt cách bờ ít nhất 1m ở chỗ nước sâu để khi cá vật đẻ không làm nước bị đục.

5. Thành lập nhóm cá đẻ:

Sau khi kiểm tra cá thấy trứng, sẹ đạt yêu cầu cho đẻ, chuẩn bị xong ao và ổ cho cá đẻ, nếu thời tiết thuận lợi thì bắt cá cho vào nơi vật đẻ. Trước khi cho cá đẻ, cần xác định tỷ lệ đực cái thích hợp, để lượng tinh dịch đủ đảm bảo cho số trứng đẻ ra được thụ tinh hoàn toàn. Cá chép thụ tinh ngoài, tinh dịch của cá đực phóng vào nước bị pha loãng, nếu ít tinh dịch sẽ không đảm bảo cho tinh trùng gặp được trứng để thụ tinh. Trong điều kiện nuôi vỗ tốt có thể ghép 1 cá cái + 2 cá đực, cũng có nơi ghép 2 cá cái + 3 cá đực, tỷ lệ trứng thụ tinh vẫn cao. Khi ghép cá đực vào nhóm đẻ nên xen kẽ giữa con to và con nhỏ để tăng cường kích thích khi cá vật đẻ, tỷ lệ trứng rơi vãi ít hơn vì bèo không đảo lộn và nước không bị xoáy nhiều như khi dùng toàn bộ cá đực to.

Cho cá chép đẻ tự nhiên cần lưu ý:

– Trước khi cho cá đẻ, phải kiểm tra lại ao, ruộng – nơi cho cá đẻ, xem nguồn nước chảy vào có sạch không, mức nước đủ chưa. Nếu đạt yêu cầu sẽ thả ổ bèo xuống. Theo dõi thời tiết để thả cá bố mẹ đúng lúc. Nếu gặp gió mùa đông bắc, trời rét đột ngột nên tạm ngừng việc thả cá. Thời tiết ấm áp, nhiệt độ nước đạt 18 – 250C mới tiếp tục cho cá đẻ. Khi thả, nên thả cá cái vào buổi sáng, thả cá đực vào buổi chiều cùng ngày. Nếu thời tiết thuận lợi, cá có thể đẻ từ 3 – 4 giờ tới 7 – 8 giờ sáng.

– Nếu 5 giờ sáng chưa thấy cá vật đẻ phải bơm nước vào ao hay ruộng (nếu dùng vòi phun làm mưa nhân tạo càng tốt). Thời gian bơm nước 1 – 2 giờ. Có nước mới, cá được kích thích và đẻ. Cá có thể đẻ 2 đêm liên tục. Khi trứng bám vừa phải thì thay ổ mới. Nếu để 2 đêm liền cá vẫn không đẻ, phải bắt cá trở lại ao nuôi vỗ tiếp, khoảng 20 – 30 ngày sau lại cho đẻ.

– Thời gian từ khi cá đẻ đến khi kết thúc thường kéo dài 2 ngày liền và thường đẻ mạnh vào ngày đầu.

Có thể tính số trứng cá đẻ tự nhiên một cách tương đối bằng công thức sau: Số trứng đẻ được = (P- P’ x 60.000). Trong đó: P là khối lượng tổng số cá cái trước khi đẻ P là khối lượng tổng số cá cái sau khi đẻ.

Có thể ước tính số cá bột thu được bằng 30- 40% số trứng, để quyết định diện tích trứng ương thành cá bột.