Khách hàng dự án Manhattan Tower 21 Lê Văn Lương kêu cứu

Thu tiền tỷ của khách hàng rồi “mất tích”?

Nghe những lời quảng cáo từ chủ đầu tư và các sàn môi giới bán căn hộ tại dự án Thành An Tower (sau này là Manhattan Tower, tại địa chỉ số 21 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội), nhiều người đã bỏ tiền tỷ mua nhà để ở. Những tưởng sau một vài năm chủ đầu tư thi công xong họ sẽ nhận bàn giao nhà, nhưng đến nay đã hơn 10 năm dự án vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Theo tìm hiểu, dự án Thành An Tower ban đầu do Tổng Công ty Thành An làm chủ đầu tư, được giao đất từ năm 2009 với tổng diện tích đất là 4.182m2, trong đó diện tích xây dựng là 2.104m2, mục tiêu xây dựng tổ hợp thương mại và căn hộ 30 tầng. Tuy nhiên, sau khi được giao đất, Tổng Công ty Thành An không tự triển khai, mà hợp tác kinh doanh với Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Xây dựng Ba Đình.

Mặc dù đã tổ chức lễ khoan nhồi cọc từ năm 2009, nhưng mãi đến tháng 3/2017, dự án mới được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép xây dựng. Dự án này cũng từng vướng phải lùm xùm khi chủ đầu tư huy động vốn của nhiều khách hàng từ trước thời điểm được cấp phép.

Sau gần 10 năm bất động, đầu năm 2018, dự án Thành An Tower đã được tái khởi động với tên gọi mới là Manhattan Tower và đơn vị phát triển dự án cũng là cái tên mới – Công ty Cổ phần Landmark Holding (LMH – HOSE).

Theo hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và các khách hàng, dự kiến tháng 5/2019, dự án sẽ cất nóc và bàn giao căn hộ vào quý IV/2019 (chậm hơn không quá 90 ngày kể từ ngày bàn giao dự kiến). Tuy nhiên, theo phản ánh của một số khách hàng, dự án đã dừng triển khai từ tháng 12/2018 sau khi xây dựng đến tầng 24. Toàn bộ nhân công, máy móc, trang thiết bị thi công đã được rút hết khỏi công trường.

Dù dự án dừng thi công, nhưng ngày 5/1/2019, chủ đầu tư vẫn gửi công văn yêu cầu các khách hàng mua căn hộ thanh toán tiền đợt 4 theo tiến độ trong hợp đồng mua bán. Điều này theo khách hàng, là vi phạm khoản 8.2, Điều 8 của Hợp đồng mua bán căn hộ giữa chủ đầu tư và khách hàng.

Nhiều khách hàng cho biết, trong những lần làm việc, chủ đầu tư nhiều lần hứa hẹn dự án sẽ được triển khai tiếp, nhưng đến nay vẫn “nằm im” bất động. Trước động thái này, khách hàng bày tỏ lo lắng bởi không biết bao giờ mới được nhận nhà, đặc biệt là đối với những khách hàng mua nhà bằng khoản vay ngân hàng hoặc tiền tích cóp để mong có cuộc sống an nhàn tuổi già.

Thậm chí, có những khách hàng còn chưa nhìn thấy căn hộ của mình bởi dự án đã bị dừng thi công, tầng căn hộ ghi trong hợp đồng mua bán vẫn chưa được xây dựng.

Nhiều năm qua, hàng trăm khách hàng mua căn hộ tại dự án Thành An Tower (nay là Manhattan Tower) phải đi tìm chủ đầu tư để đòi quyền lợi, nhiều lần khách hàng tìm đến văn phòng chủ đầu tư và yêu cầu được giải quyết nhưng đổi lại, chỉ nhận được sự im lặng.

“Chúng tôi mua nhà và đóng tiền cho Công ty Ba Đình, thế nhưng mấy năm qua dự án vẫn nằm chết còn chủ đầu tư thì lặn mất tăm. Chúng tôi tìm mọi cách nhưng không thể liên hệ được với chủ đầu tư”, một khách hàng bức xúc cho biết.

Cực chẳng đã, nhiều khách hàng mua nhà dự án Thành An Tower đã phải gửi đơn thư kêu cứu tới Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và hy vọng những vướng mắc này được tháo gỡ trong thời gian sớm nhất. Giờ đây, họ chỉ biết chờ đợi sự vào cuộc của chính quyền địa phương và những chỉ đạo kịp thời từ người đứng đầu Thành phố.

Thận trọng với những nguy cơ “tiền mất tật mang” khó lường trong giao dịch mua bán nhà

Dự án Thành An Tower (nay là Manhattan Tower) là một trong những trường hợp điển hình về những bê bối trong mua bán nhà ở hiện nay tại Hà Nội. Tình trạng này đang ngày càng có nhiều tình huống và diễn biến phức tạp và khó lường bất chấp việc chính quyền địa phương đã nhiều lần vào cuộc giải quyết.

Trên thực tế, hiện nay nhiều dự án chung cư hình thành trong tương lai dù chưa đủ điều kiện bắt buộc theo luật định nhưng các chủ đầu tư đã dùng nhiều cách thức để huy động vốn. Thậm chí, không ít trường hợp còn dùng những chiêu thức “biến tướng” để huy động vốn trái phép, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng.

Hệ quả là có rất nhiều trường hợp chủ đầu tư mất khả năng tài chính và để dự án chết yểu, trong khi đó những doanh nghiệp này đã thu hàng trăm tỷ đồng từ việc bán hàng. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư còn chối bỏ trách nhiệm với các khách hàng và vẫn bình thản trước hàng loạt đơn thư khiếu kiện, thậm chí là tố cáo của người dân đã bỏ hàng tỷ đồng để mua căn hộ.

Các chuyên gia nhận định, hiện nay về mặt pháp lý giữa người dân và các chủ đầu tư dự án đang có quá nhiều rắc rối. Để gỡ được phần rắc rối này, các bên cần ngồi với nhau, chia sẻ và đưa ra phương án tháo gỡ vướng mắc chứ không phải né tránh trách nhiệm. Rõ ràng, chủ đầu tư bán nhà cho khách hàng, rồi hứa một năm giao nhà nhưng đến 5 -10 năm chưa giao thì đó là sai với hợp đồng.

Nhiều khách hàng mong muốn rằng, chính quyền TP. Hà Nội vào cuộc kiểm tra làm rõ mối liên hệ, trách nhiệm giữa Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng Ba Đình cùng các bên đối tác (Tổng Công ty Thành An và Công ty Cổ phần Landmark Holding), trong các thương vụ liên kết, chuyển nhượng, phát triển dự án, bán căn hộ,…

Trong khi hàng trăm khách hàng đang tìm mọi cách để liên lạc với chủ đầu tư, thì ngược lại, không biết ông chủ công ty này đang ở đâu? Lãnh đạo Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng Ba Đình cũng né tránh trả lời báo chí.

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, tính đến 31/3/2021, trên địa bàn thành phố có 2.907 dự án đầu tư ngoài ngân sách, vốn đăng ký 1,65 triệu tỷ đồng, trong đó: đã hoàn thành 967 dự án; đã chấm dứt hoạt động, thu hồi 182 dự án. Dự án mới có chấp thuận triển khai, chưa thực hiện thủ tục đầu tư 466 dự án; đang triển khai 1.292 dự án (378 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất; 977 dự án triển khai chậm tiến độ).

Như vậy, chúng ta có thể thấy được con số khủng khiếp là gần 1.000 dự án triển khai chậm tiến độ. Với những dự án này, không khó để điểm danh hàng loạt chủ đầu tư có năng lực tài chính yếu và từng dính những bê bối liên quan đến nhiều dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn Hà Nội. Điều khó hiểu là có nhiều dự án dù chậm tiến độ nhiều năm và vi phạm các quy định pháp luật đất đai, đầu tư… nhưng chưa bị kiến nghị thu hồi hoặc thu hồi.

Trong buổi làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh nêu rõ, làm sao để gắn trách nhiệm với tất cả các sở ngành khác để kết quả công việc tốt hơn, bởi thực tế công tác phối hợp hiện nay có nơi, có lúc chưa đồng bộ. “Sở Kế hoạch và Đầu tư là “nhạc trưởng” nên phải chú trọng đôn đốc các đơn vị khác, gắn trách nhiệm, có chế tài cụ thể”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh.