TCVN 4085 : 2011 KẾT CẤU GẠCH ĐÁ – TIÊU CHUẨN THI CÔNG VÀ NGHIỆM THU – Học Thật Nhanh

KẾT CẤU GẠCH ĐÁ – TIÊU CHUẨN THI CÔNG VÀ NGHIỆM THU

Masonry structures – Code for construction and acceptance

1. Phạm vi áp dụng TCVN 4085 : 2011

Tiêu chuẩn này được áp dụng khi thi công và nghiệm thu các kết cấu xây bằng gạch đá và gạch đá cốt thép làm từ gạch đất sét nung, gạch gốm, gạch silicát, các loại gạch không nung, đá đẽo, đá hộc và bê tông đá hộc trong xây dựng mới, cải tạo nhà và công trình.

2. Tài liệu viện dẫn TCVN 4085 : 2011

Các tài liệu viện dẫn sau cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).

TCVN 2231 : 1989, Vôi canxi cho xây dựng.

TCVN 4453 : 1995, Kết cấu bê tông cốt thép toàn khối – Tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu.

TCVN 4459 : 1987, Hướng dẫn pha trộn và sử dụng vữa xây dựng.

TCVN 7570 : 2006, Cốt liệu cho bê tông và vữa – Yêu cầu kĩ thuật.

3. Quy định chung trong TCVN 4085:2011

3.1. Khi thi công các kết cấu gạch đá, ngoài những quy định của tiêu chuẩn này cần phải tuân theo các tiêu chuẩn và quy định hiện hành của nhà nước có liên quan.

3.2. Mốc cao độ cơ bản ở nơi xây nhà và công trình phải được xác định theo mốc cao độ cố định. Cho phép xác định mốc cao độ cơ bản theo các mốc có sẵn ở những nhà và công trình lân cận hoặc các mốc đặc biệt khác nếu các mốc này có đủ cơ sở tin cậy.

3.3. Vật liệu và sản phẩm sử dụng để xây dựng các kết cấu gạch đá phải theo đúng các quy định trong các tiêu chuẩn Nhà nước hiện hành, các tài liệu kĩ thuật và các bản vẽ thi công.

Không cho phép di chuyển các kết cấu gạch đá bằng dây.

3.4. Công tác thi công kết cấu gạch đá phải được thực hiện phù hợp với thiết kế.

3.5. Phải sử dụng gạch gốm nguyên viên cho việc xây tầng nửa hầm bằng gạch. Không cho phép sử dụng gạch silicát cho mục đích này.

3.6. Không cho phép tạo lỗ mở, hộc, lỗ thi công làm giảm yếu kết cấu gạch đá mà không tuân thủ thiết kế.

3.7. Tường gạch chèn khung phải được thực hiện phù hợp với các yêu cầu của việc thi công kết cấu gạch đá chịu lực.

4. Công tác chuẩn bị

4.1. Mặt bằng và nền móng

4.1.1. Sau khi mặt bằng đã được chuẩn bị xong, phải tiến hành xác định trục nhà và công trình, xác định tim móng và đường mép hố móng theo bản vẽ thi công.

Trên mặt bằng, độ sai lệch các kích thước theo chiều dài, chiều rộng nhà và công trình được quy định như sau:

– Không vượt quá 10 mm khi các kích thước này tới 10 m;

– Không vượt quá 30 mm khi các kích thước này từ 100 m trở lên;

– Với các kích thước trung gian khác, độ sai lệch cho phép lấy theo nội suy.

4.1.2. Công tác xác định các mốc cao độ, trục nhà và công trình phải được kiểm tra, nghiệm thu và lập thành biên bản. Sau khi được bàn giao và trong quá trình thi công, đơn vị thi công có trách nhiệm bảo vệ các mốc cao độ và các cọc tim đúng theo kích thước và vị trí.

4.1.3. Trước khi xây móng, đáy và thành hố móng phải được kiểm tra và bảo vệ. Nước, rác phải dọn sạch. Khi đất đáy móng nhão chảy hoặc có hiện tượng xấu khác thường phải báo cho thiết kế xử lí.

4.1.4. Sau khi xây xong móng, tường móng và các cột của tầng hầm, phải kiểm tra trục các kết cấu của tầng thứ nhất. Độ sai lệch do xê dịch trục các kết cấu không được vượt quá những trị số cho phép trong tiêu chuẩn đánh giá chất lượng công trình và trong Bảng 1 của tiêu chuẩn này.

4.1.5. Những móng mới đặt sát hoặc gần móng công trình cũ, các khe lún và khe co giãn phải thi công theo chỉ dẫn riêng của thiết kế.

4.1.6. Khi các hố móng gần nhau có chiều sâu chôn móng khác nhau, phải đào thành bậc chuyển từ chiều sâu này sang chiều sâu khác. Tỉ số giữa chiều cao và chiều rộng bậc phải tuân theo những quy định sau:

– Với đất sét hoặc á sét: không lớn hơn 1:1, chiều cao bậc không lớn hơn 1 m;

– Với đất cát hoặc á cát: không lớn hơn 1:2, chiều cao không lớn hơn 0,6 m.

Nếu hố móng có chiều sâu 1 m hoặc lớn hơn, cần có biện pháp bảo vệ hố móng theo chỉ dẫn của thiết kế.

4.1.7. Việc thi công hố móng phải tuân theo đúng những quy định của tiêu chuẩn này và quy định về thi công và nghiệm thu “công tác đất”.

Bảng 1 – Độ sai lệch cho phép do xê dịch của trục kết cấu

Đơn vị tính bằng milimét

Loại khối xây

Độ sai lệch

1. Móng đá hộc

20

2. Móng gạch và các loại đá đẽo

10

3. Tường gạch

10

4. Cột, trụ gạch

10

CHÚ THÍCH 1: Phải kiểm tra nền bằng nivô.

CHÚ THÍCH 2: Độ sai lệch cho phép so với kích thước thiết kế phải được điều chỉnh lại khi xây tiếp.

CHÚ THÍCH 3: Độ xê dịch trục của kết cấu (trong phạm vi cho phép) phải được hiệu chỉnh dần ở các tầng.

4.2. Vật liệu

4.2.1. Các loại cát dùng cho vữa xây, vữa trát phải đáp ứng các yêu cầu quy định theo TCVN 7570:2006.

Kích thước lớn nhất của hạt cát không được vượt quá:

– Đối với khối xây bằng gạch và đá đẽo: 2,5 mm;

– Đối với khối xây đá hộc: 5,0 mm.

4.2.2. Cát đen chỉ dùng cho vữa mác thấp. Không dùng cát đen cho khối xây dưới mực nước ngầm và trong nước ăn mòn.

4.2.3. Cát biển, cát lấy ở vùng nước mặn tuyệt đối không dùng trong khối xây có cốt thép.

4.2.4. Vôi dùng để sản xuất vữa xây, vữa trát phải đáp ứng các yêu cầu quy định trong TCVN 2231:1989. Việc bảo quản và tôi vôi phải tuân theo các quy định về kĩ thuật an toàn trong xây dựng.

4.2.5. Xi măng cung cấp cho công trường phải đảm bảo chất lượng quy định của nhà máy sản xuất và có giấy chứng nhận chất lượng của tổ chức kiểm tra chất lượng sản phẩm.

4.2.6. Xi măng dùng cho vữa xây gạch đá phải đáp ứng các yêu cầu quy định trong các tiêu chuẩn nhà nước hiện hành về xi măng.

4.2.7. Các loại xi măng đặc biệt như xi măng chịu sun phát, xi măng chịu a xít v.v… chỉ được dùng khi có yêu cầu của thiết kế.

4.2.8. Các loại xi măng khác nhau, hoặc cùng mác nhưng do nhiều nhà máy khác nhau sản xuất không nên để chung lẫn lộn.

4.2.9. Các loại gạch xây phải đảm bảo yêu cầu về cường độ, quy cách và tiêu chuẩn kĩ thuật như quy định trong các tiêu chuẩn nhà nước hiện hành về gạch xây.

Các loại gạch đá lát, ốp phải đảm bảo màu sắc theo yêu cầu của thiết kế và phải đáp ứng các tiêu chuẩn kĩ thuật (cường độ, độ thấm nước, độ chịu mài mòn v.v… ).

Nếu không đạt yêu cầu thì phải loại bỏ.

4.2.10. Các loại gạch cung cấp cho công trường đều phải có giấy chứng nhận về quy cách và chất lượng gạch do nhà sản xuất cấp.

4.2.11. Bãi chứa vật liệu trong công trường phải bố trí hợp lí, làm rãnh thoát nước, có rác bẩn phải dọn sạch hoặc lót một lớp gạch, hoặc đầm chặt đất. Quanh đống cát dùng gỗ ván hoặc xếp gạch làm thành chắn cho cát không bị trôi khi mưa, chiều cao thành ít nhất là 0,3 m. Không đổ đống các vật liệu rời lẫn lộn với nhau.

Gạch đá xếp đống phải đảm bảo kĩ thuật an toàn, không được để mọc rêu, mốc, bẩn.

4.2.12. Quy cách và chất lượng các loại vật liệu khác được dùng trong xây dựng công trình gạch đá phải tuân theo quy định của các tiêu chuẩn và quy định nhà nước hiện hành có liên quan.

4.3. Vữa xây dựng

4.3.1. Vữa dùng trong khối xây gạch đá phải có mác và các chỉ tiêu kĩ thuật thỏa mãn yêu cầu thiết kế và yêu cầu của tiêu chuẩn này cũng như các quy định trong tiêu chuẩn TCVN 4459:1987.

4.3.2. Trong nhà máy và trạm trộn vữa, phải kiểm tra chất lượng vữa theo từng đợt, khi giao nhận có ghi biên bản. Mỗi đợt giao nhận vữa phải có văn bản chỉ dẫn: loại vữa, mác và độ dẻo của vữa, ngày, giờ, tháng sản xuất, mác và loại xi măng sử dụng.

4.3.3. Vữa xây dựng sản xuất bằng chất kết dính vô cơ dùng cho các kết cấu gạch đá bao gồm các loại: Vữa vôi, vữa xi măng, vữa xi măng vôi, vữa dùng cho công tác trát thường, trát đặc biệt (trang trí, chống thấm, chống cháy, chịu axit), vữa lát, ốp.

4.3.4. Vật liệu để sản xuất vữa (chất kết dính, cốt liệu) phải đảm bảo yêu cầu và tiêu chuẩn kĩ thuật, đồng thời phải tuân theo các quy định ở 4.2.5 của tiêu chuẩn này.

Nước dùng để trộn vữa không được chứa tạp chất có hại làm cản trở quá trình đông cứng của chất kết dính. Khi dùng nước ngầm tại chỗ hoặc nước của hệ thống cấp nước kĩ thuật để trộn vữa, phải phân tích bằng bằng thí nghiệm, nếu lấy nước trong hệ thống cấp nước sinh hoạt – không cần phải kiểm tra.

4.3.5. Các loại chất kết dính để sản xuất vữa xây cho các kết cấu dưới nền đất có nước xâm thực, phải tuân theo chỉ dẫn của thiết kế.

Khi xây gạch đá ở dưới mực nước ngầm hoặc trong đất ẩm bão hòa nước, phải dùng vữa đông cứng trong nước.

4.3.6. Hỗn hợp vữa khô do nhà máy sản xuất phải có bản chỉ dẫn thành phần và mác vữa đạt được sau khi trộn vữa. Khi vận chuyển hỗn hợp vữa khô, cần bảo quản tránh ẩm ướt, bay, rơi và bị bẩn.

4.3.7. Khi sản xuất vữa xây dựng phải đảm bảo:

– Sai lệch khi đong lường phối liệu so với thành phần vữa không lớn hơn 1 % đối với nước và xi măng; đối với cát không lớn hơn 5 %;

– Mác vữa theo yêu cầu của thiết kế;

– Độ dẻo của vữa (theo độ sụt của côn tiêu chuẩn) phải theo đúng quy định của thiết kế;

– Độ đồng đều theo thành phần và màu sắc;

– Khả năng giữ nước cao.

Để nâng cao độ dẻo và khả năng giữ nước của vữa, trong thành phần của vữa cho thêm các chất phụ gia dẻo theo chỉ dẫn của thí nghiệm và chỉ dẫn của thiết kế.

Tải về file tiêu chuẩn TCVN 4085:2011 đầy đủ tại đây: