Mỗi một quốc gia đều có những đặc điểm riêng, những nền văn hóa mang bản sắc dân tộc riêng được thể hiện rõ qua nếp sống cùng với môi trường sinh hoạt. Một trong những yếu tố thể hiện một cách rõ nét nền văn hóa riêng của mỗi dân tộc đó chính là kiến trúc, nhà ở, nơi diễn ra các hoạt động sống chủ yếu của con người. Để có cái nhìn tổng quát hơn về kiến trúc Việt nam qua các thời đại, chúng tôi xin tóm tắt một vài nét khái quát để các bạn đọc thấy rõ sự thay đổi qua các giai đoạn.
Tóm lược kiến trúc Việt nam qua các thời kỳ
Đầu tiên là nền kiến trúc Việt nam được hình thành từ thời kỳ Vua Hùng dựng nước (trước 207 trước công nguyên) với nền văn hóa Văn Lang – Âu Lạc, hay còn gọi là nền văn minh lúa nước, với trình độ kỹ thuật đúc đồng nổi tiếng – thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Thời kỳ này, có thể thấy hai loại hình kiến trúc cổ phổ biến là trống đồng Ngọc Lũ và loại hình nhà sàn. Đó là những kiến trúc truyền thống lâu đời phù hợp với môi trường thiên nhiên của đất nước, phù hợp với khí hậu vùng nhiệt đới nóng ẩm.
Đến thời Bắc thuộc (từ 207 đến 906 trước công nguyên) bao gồm các loại hình thành quách, mộ tang, dinh lũy, nhà ở dân gian. Khi Phật giáo vào Việt nam thì có thêm kiến trúc chùa.
Kiến trúc Việt nam đời nhà Lý (Thế kỷ 11-12):
Kiến trúc phát triển mạnh dưới thời nhà Lý và chịu ảnh hưởng của Phật giáo rất sâu đậm. Cung điện, lâu đài, thành quách, chùa tháp và đền thờ được xây dựng với quy mô lớn. Thành Thăng Long là một công trình xây dựng lớn trong các triều đại phong kiến. Thành gồm hai vòng dài khoảng 25km. Đồng thời, thành có 1 quần thể cung điện, nhiều điện gác cao 3-4 tầng.
Nhìn chung kiến trúc thời Lý có những đặc điểm cơ bản như: tính quần thể cao, hình thức kiến trúc và chi tiết kiến trúc giàu sức biểu hiện (thể hiện ở các bộ phận kiến trúc mái, bộ cửa, bậc cấp, lan can và các tượng tròn, các hình thức hoa văn trang trí gạch, ngói). Tất cả những lối kiến trúc ấy đều mang phong cách nhẹ nhàng, khiêm tốn và phù hợp với khí hậu, tập quán Việt Nam. Riêng phường phố, chợ quán, nhà đất và nhà sàn trong mảng kiến trúc dân gian phát triển song song với kiến trúc cung đình.
Kiến trúc Việt nam đời nhà Trần:
Đến thời nhà Trần, kiến trúc chủ yếu là cung điện, chùa tháp, nhà ở, một số đền và thành quách với một số điểm nổi bật như tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc), chùa và tháp Phổ Minh (Nam Định), chùa Thái Lạc (Hưng Yên). Tháp Bình Sơn là một ngôi tháp tương truyền có 15 tầng tuy hiện chỉ còn lại 11 tầng, được xây dựng từ thời Trần và là ngọn tháp đất nung cao nhất còn lại đến ngày nay. Tháp Phổ Minh cao gần 22m gồm có 14 tầng nối tiếp nhau tạo nên một kiến trúc đặc sắc.
Ngoài ra, kiến trúc cung điện thời đó thường có “các” (gác) và hệ thống hành lang nối các nhà tạo nên một hệ thống không gian mở cần thiết cho sinh hoạt của con người xứ nóng. Phố xá lúc bấy giờ tuy đông vui nhưng nhà cửa vẫn dùng vật liệu tre gỗ là chính.
Kiến trúc Việt nam đời nhà Lê:
Đến thế kỷ 15 khi nhà Lê trị vì, kiến trúc chính thống ghi nhận có 2 loại hình phát triển chính là cung điện và lăng mộ. Công trình kiến trúc độc đáo phải kể đến vào TK 15 là ngôi đình thờ Đức thánh Dương Tự Minh nằm ở xã Xuân Phương, huyện Phú Bình. Đây là một di tích mang đặc trưng kiến trúc thời Lê với mái đình được làm bằng ngói mũi, bốn góc cong vút ẩn hiện dưới tán cây đa cổ thụ. Gác chuông được xây 3 tầng, đình được dựng lên bởi 48 cột lim, trên mái đình được trang trí theo kiểu “Lưỡng long chầu nguyệt”. Ở trong đình, trên dưới các đầu trụ, các xà ngang, xà dọc đều được trang trí hoa văn, chạm trổ các bộ “Tứ linh” rất khéo léo và công phu.
Sang thế kỷ 16 và 17 kiến trúc tôn giáo và kiến trúc thế tục như đền, chùa, đình có những thành tựu mới. Đáng chú ý là chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) với kiến trúc chùa, kỹ thuật xây dựng tháp và trang trí tượng. Còn vào thế kỷ 18, nghệ thuật xây dựng chùa tháp và đình làng tiếp tục được đẩy mạnh lên một mức cao mới. Hai viên ngọc quý của kiến trúc bấy giờ là Đình Bảng và chùa Tây Phương.
Kiến trúc Việt nam đời nhà Nguyễn:
Bước sang thế kỷ 19 hoạt động xây dựng ở Bắc Hà có lắng xuống do Kinh đô được nhà Nguyễn chuyển vào Huế. Ở phía Bắc (Thăng Long) chủ yếu xây dựng lại thành quách, một số công trình văn hóa nổi bật như Khuê Văn Các, đền Ngọc Sơn. Khuê Văn Các là công trình nổi tiếng đề cao học vấn, văn chương thơ phú được xây dựng nhờ công của một vị quan võ – Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Bá Thành vào năm 1805. Đây là công trình có kiến trúc dạng cổ lầu, tầng gác bên trên kết cấu bằng gỗ, bốn góc có hàng lan can bằng gỗ tiện, mái ngói được nâng bởi những giá gỗ đơn giãn, vững chắc mà thanh thoát. Mé trên sát mái phía cửa ngoài vào treo một biển sơn son thiếp vàng 3 chữ Khuê văn các. Mỗi mặt tường gỗ đều chạm một đôi câu đối chữ Hán thiếp vàng rất có ý nghĩa.
Tuy nhiên, trung tâm xây dựng kiến trúc mạnh mẽ nhất lúc bấy giờ là Huế bao gồm các loại hình chủ yếu là thành quách, cung điện và lăng tẩm như kiến trúc cung đình Huế, phủ chúa Nguyễn, Thành Huế… Nền văn hóa Việt nam ở Huế đã phong phú thêm với kiến trúc nhà vườn, khác hẳn với kiến trúc nhà ống ở Hà nội. Có thể nói rằng kiến trúc Huế được coi là tổng kết những giá trị kiến trúc truyền thống, những tinh hoa sắc xảo về các mặt công năng mặt phẳng, kết cấu, quy hoạch thành quách và đô thị, trang trí nội thất và cấu trúc phong cảnh.
Kiến trúc Việt nam cận và hiện đại:
Cuối thế kỷ 19, kiến trúc Việt nam chịu ảnh hưởng bởi sự phát triển theo trào lưu du nhập phong cách xây dựng và quy hoạch đô thị châu Âu và sự giao lưu văn hóa Pháp và văn hóa Á Đông. Từ thời kỳ này nền kiến trúc phát triển với những bước tiến nhảy vọt về nhiều mặt. Đặc biệt từ sau ngày đất nước thống nhất (1975) kiến trúc Việt nam phát triển khá mạnh mẽ với sự ra đời của nhiều đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư, làng xóm mới trong đó có những công trình kiến trúc lớn và có giá trị cao về nghệ thuật.
Xu thế hiện đại mới nhấn mạnh phương cách biểu hiện hình thái kiến trúc bằng những giải pháp công nghệ hiện đại, khả năng biểu hiện của các kỹ thuật mới nhất trong lĩnh vực kết cấu thép, kính, bê tông…được tận dụng triệt để tạo ra những bộ mặt kiến trúc hoàn toàn mới mang tính ấn tượng mạnh. Nói chung kiến trúc từ cận đến ngày nay tập trung ở những mảng lớn như thiết kế nội thất, thiết kế kiến trúc, thiết kế quy hoạch đô thị, thiết kế môi trường và quy hoạch vùng.
Trên đây là một số tóm lược ngắn gọn nhất chúng tôi về kiến trúc Việt nam để cùng tham khảo như là một trong những tài liệu hữu ích. Có thể nói, nền kiến trúc Việt nam trải qua rất nhiều cung bậc thăng trầm khác nhau nhưng đều gắn liền chặt chẽ với các giai đoạn của tiến trình lịch sử. Đáng chú ý là thiết kế kiến trúc qua các thời đại luôn phát triển, luôn đổi mới với những đúc kết tinh hoa từ nền kiến trúc đi trước nhưng đồng thời luôn sáng tạo, đổi mới không ngừng bằng những tài năng, khối óc của những con người sáng tạo ra cái đẹp nói riêng cũng như con người Việt nam nói chung.
BTV: Bích Ngọc
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!