PHÂN LOẠI CỌC

Có rất nhiều tiêu chuẩn để phân loại cọc, tuy nhiên, dựa vào việc sử dụng phổ biến và đặc tính trong xây dựng, việc phân loại cọc được chia làm 3 loại: cọc bê tông cốt thép, cọc khoan nhồi và cọc bê tông ly tâm ứng lực trước.

1. Cọc bê tông cốt thép

Cọc bê tông cốt thép thường có dạng hình vuông. Cạnh cọc thường gặp ở Việt Nam hiện nay là 0,2 đến 0,4m, chiều dài cọc thường nhỏ hơn 12m vì chiều dài tối đa của một cây thép là 11,7m.

Bê tông dùng cho cọc có mác từ 250 đến 350 (tương đương độ bền B20 đến B25).

Ưu điểm:

Được sử dụng nhiều do tính phổ biến

Cọc được đúc sẵn, việc chọn lựa và thi công nhanh chóng.

Nhược điểm:

Chiều dài cọc nhỏ, nên khi độ sâu ép cọc lớn thì mối nối cọc nhiều khó kiểm soát độ thẳng đứng của cọc.

Do đúc tại công trường, trình độ tay nghề của công nhân không đều, bị phục thuộc vào thời tiết nên chất lượng cọc không ổn định.

Ứng dụng:

Cọc bê tông cốt thép thường sử dụng cho những công trình có sức chịu tải tương đối (80 tấn trở xuống)

Phân loại cọc

2. Cọc khoan nhồi

Đường kính cọc thường là 0,6m; 0,8m; 1,0m;1,2m;1,4m. Chiều dài cọc không hạn chế tùy vào điều kiện địa chất công trình, từng địa điểm xây dựng và quy mô công trình.

Ở thành phố Hồ Chí Minh, cọc nhồi thường cắm vào tầng đất sét pha nửa cứng ở độ sâu 30 đến 50m.

Chiều dài cọc lớn nhất hiện nay là cọc của cầu Mỹ Thuận.

Ứng dụng:

Cọc khoan nhồi có tiết diện và độ sâu mũi cọc lớn hơn nhiều so với cọc đúc sẵn, nên mặc dù sức kháng đơn vị nhỏ đi, nhưng sức chịu tải vẫn lớn, do đó số lượng cọc trong một đài cọc ít, việc bố trí đài cọc trong các công trình ngầm cũng dễ dàng hơn.

Cọc khoan nhồi được sử dụng khi tải trọng của công trình là rất lớn, tầm khoảng 15 tầng trở lên.

Ưu điểm:

Cọc khoan nhồi có thể đặt vào những lớp đất rất cứng, thậm chí tới đá mà các cọc khác đóng không tới được.

Sức chịu tải ngang của cọc nhồi rất lớn.

Việc thi công của cọc nhồi có chấn rung nhỏ hơn nhiều so với thi công cọc đóng, thi công cọc nhồi không gây trồi đất xung quanh, không đẩy các cọc sẵn có xung quanh sang ngang.

Nhược điểm:

Sự lắng đọng bùn khoan kết hợp đất nhão ngay dưới mũi khoan có thể làm hư mũi cọc.

Thân cọc bị oằn, biến hình trong đất yếu.

Thân cọc bị gián đoạn bởi các đoạn bê tông xốp, bới các lớp đất.

Tại một vài vị trí, tiết diện thân cọc có hiện tượng co thắt lại hoặc bị phình ra.

Trong bê tông cọc có lẫn các thấu kính đất.

Phân loại cọc

3. Cọc bê tông ly tâm ứng trước

Cọc có đường kính từ 300 đến 1000mm, được sản xuất bằng phương pháp quay ly tâm có cấp độ bền chịu nén từ B40 đến B60.

Chiều dài và bề dày thành cọc tùy thuộc vào đường kính ngoài của cọc.

Với cọc có đường kính ngoài 300mm, thì chiều dài cọc tối đa là 13m, chiều dày thành cọc là 60mm.

Với cọc có đường kính ngoài 1000mm, chiều dài cọc tối đa là 24m, chiều dày thành cọc là 140mm.

Ưu điểm:

Cọc được sản xuất trong nhà máy bằng quy trình khép kín, chất lượng cọc ổn định, dễ kiểm soát khi thi công và đảm bảo chất lượng.

Do bê tông được ứng suất trước nên cọc bê tông ly tâm ứng suất trước sẽ không bị biến dạng, bị nứt trong quá trình vận chuyển, lắp đặt và sử dụng.

Do bê tông được ứng suất trước kết hợp với quay ly tâm đã làm cho bê tông của cọc đặc chắc chịu được tải trọng cao, không nứt, tăng khả năng chống thấm, chống ăn mòn cốt thép, ăn mòn sulphate trong gai đoạn khai thác công trình.

Do sử dụng bê tông và thép cường độ cao nên giảm tiết diện cốt thép dẫn đến trọng lượng cọc giảm, thuận lợi cho việc vận chuyển và thi công

Nhược điểm:

Việc tìm kiếm và mua được cọc bê tông ly tâm chất lượng không dễ dàng.

Ứng dụng:

Cọc ống ly tâm ứng lực trước có thể cắm sâu hơn nhiều so với cọc bê tông cốt thép thường, nên tận dụng được khả năng chịu tải của đất nền. Do đó số lượng cọc trong một đài ít, việc thi công cũng dễ dàng, tiết kiệm chi phí xây dựng đài móng.

Do sử dụng bê tông và thép cường độ cao nên giảm tiết diện cốt thép dẫn đến giảm trọng lượng thuận lợi cho việc vận chuyển thi công. Vì vậy, cọc bê tông ly tâm ứng trước có ý nghĩa về mặt kinh tế hơn.

Một ưu điểm của cọc bê tông ly tâm ứng trước là sức chịu tải ngang lớn do bê tông trong cọc được ứng lực trước nên tăng khả năng chịu kéo của bê tông, vì thế tăng khả năng chống thấm, chống ăn mòn.

Với việc phân loại cọc, việc ứng dụng và thi công sẽ trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Tùy vào đặc điểm nền đất, sức chịu tải của công trình mà chúng ta nên có lựa chọn cọc cho phù hợp.

Phân loại cọc