Cứ đến gần ngày này, người dân khắp nơi lại nô nức về Đền Hùng (Phú Thọ) để dâng lễ, tưởng nhớ công lao dựng nước của vua Hùng.Thế nhưng, nhiều người chưa biết vì sao giỗ tổ Hùng Vương lại là ngày 10/3, vua Hùng họ gì?
Vào thời kỳ Hồng Bàng, truyền thuyết và dã sử cho rằng bắt đầu từ năm 2879 TCN, là niên đại vua Kinh Dương Vương, với quốc hiệu Xích Quỷ. Địa bàn của quốc gia dưới thời vua Kinh Dương rộng lớn, phía Bắc tới sông Dương Tử (cả vùng hồ Động Đình), phía Nam tới nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía Đông là Đông Hải (một phần của Thái Bình Dương), phía Tây là Ba Thục (Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày nay).
Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Vua Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh (nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc), gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con tên là Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc (từ núi Ngũ Lĩnh về phía Bắc), phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam (từ núi Ngũ Lĩnh về phía Nam), xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỉ.
Kinh Dương Vương làm vua Xích Quỉ vào năm Nhâm Tuất 2897 TCN, lấy con gái Động Đình Hồ quân (còn có tên là Thần Long) là Long nữ đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai (con của Đế Nghi), tên là Âu Cơ, đẻ một lần trăm người con trai. Một hôm, Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”. Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền biển (có bản chép là về Nam Hải), phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua.
Theo thuyết này, người ta cho rằng từ Lạc Long Quân về sau, nước Xích Quỉ được chia ra thành những nước nhỏ, gọi là Bách Việt, dù điều này không có ghi chép lịch sử xác nhận.
Đầu thời kỳ đồ đồng, người Việt gồm khoảng 15 nhóm Lạc Việt khác nhau sống trên vùng núi miền Bắc và miền châu thổ sông Hồng và hơn 12 nhóm Âu Việt sống ở vùng Đông Bắc. Để tiện việc trao đổi buôn bán, phòng chống lụt lội, chống lại kẻ thù,… những bộ lạc Lạc Việt dần được gom lại thành một nước lấy tên Văn Lang và người đứng đầu tự xưng là Hùng Vương.
Có ít nhất 18 đời Hùng Vương cai trị trong thời đại Hồng Bàng, cho đến năm 258 TCN. Các thông tin về các đời vua Hùng dựa nhiều trên các truyền thuyết. Cũng có nhiều bằng chứng khảo cổ học như trống đồng Đông Sơn được tìm thấy ở miền bắc Việt Nam có cùng niên đại với thời kỳ Hồng Bàng, thể hiện một nền văn hóa đồ đồng rất phát triển (văn hoá Đông Sơn).
18 đời Vua Hùng gồm:
- Hùng Vương (tức Kinh Dương Vương – Lộc Tục)
- Hùng Hiền (tức Lạc Long Quân – Sùng Lãm)
- Hùng Lân
- Hùng Việp
- Hùng Hy (Hi)
- Hùng Huy
- Hùng Chiêu
- Hùng Vỹ (Vĩ)
- Hùng Định
- Hùng Hy (Hi)
- Hùng Trinh
- Hùng Võ
- Hùng Việt
- Hùng Anh
- Hùng Triều
- Hùng Tạo
- Hùng Nghị
- Hùng Duệ
Như vậy, Vua Đế Minh (không rõ tên họ), sinh ra Lộc Tục (làm vua hiệu là Kinh Dương Vương), Lộc Tục sinh ra Sùng Lãm (làm vua hiệu là Lạc Long Quân). KTS. Lê Minh Hưng mới suy luận là tên họ và hiệu khi làm vua là không giống nhau. Ví dụ: Nguyễn Huệ (họ Nguyễn, có anh là Nguyễn Nhạc), làm vua lấy hiệu là Quang Trung, nên tạm cho rằng họ của Vua Quang Trung là Nguyễn.
Do đó, Vua Hùng đầu tiên của nước ta – hiệu khi đăng quang là Kinh Dương Vương – có tên họ Lộc Tục nên họ sẽ là Lộc.
Theo thông tin trên báo Thanh niên, trước đây, người dân không có đi lễ vào ngày mùng 10 tháng 3 mà tự chọn ngày tốt theo bản mệnh của mình, rồi đến lễ bái các vua Hùng suốt năm. Thời điểm đông nhất thường rơi vào các tháng xuân – thu chứ không định rõ ngày nào.
Người dân tại xã Hy Cương, phủ Lâm Thao thì lấy ngày 11.3, kết hợp với thờ Thổ kỳ, làm lễ riêng.
Do đó, thời gian lễ bái thường kéo dài liên miên, vừa tốn kém tiền của lại không bày tỏ được rõ lòng thành kính, không tập hợp được lòng dân.
Nhận thấy điều này, Tuần phủ Phú Thọ ông Lê Trung Ngọc vào năm 1917 (niên hiệu Khải Định năm thứ nhất) đã làm bản tấu trình lên Bộ Lễ, xin định lệ lấy ngày mùng 10.3 âm lịch hằng năm để nhân dân cả nước kính tế Quốc tổ Hùng Vương, trước một ngày so với ngày hội tế của dân xã bản hạt. Đồng thời, ông cũng xin miễn trừ các khoản đóng góp của nhân dân địa phương vào các kỳ tế lễ mùa thu.
Sau đó, Bộ Lễ đã ban hành công văn phúc đáp và chính thức định lệ ngày quốc lễ Giỗ Tổ HùngVương là ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch và quy định nghi thức, nghi lễ, lễ vật tế Tổ hằng năm.
Việc này được ghi trên tấm bia “Hùng miếu điển lệ bi” do Hội đồng kỷ niệm tỉnh Phú Thọ lập và dựng tại đền Thượng – Khu di tích đền Hùng vào mùa xuân năm 1923.
Cụ thể nội dung trên tấm bia: “Nay phụng mệnh theo Bộ Lễ, chuẩn định ngày quốc tế tại miếu Tổ Hùng Vương là ngày mồng Mười tháng Ba. Chiều ngày mồng Chín tháng Ba hằng năm, các quan liệt hiến trong tỉnh, cùng các quan viên trong cả phủ huyện của tỉnh, đều phải mặc phẩm phục, tề tựu túc trực tại nhà công quán. Sáng hôm sau, tới miếu kính tế…”
Từ đó về sau, vào ngày 10.3 nhân dân cả nước lại hướng về vùng đất cội nguồn – xã Hy Cương, Lâm Thao, Phú Thọ để tôn vinh công lao của các vị vua Hùng.
P.V (tổng hợp)
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!