Của cho không bằng cách cho – Tuổi Trẻ Online

Bảng hiệu của cà phê Trung Nguyên ở Đắk Lắk – Ảnh: Trung Tân

Một điều đáng mừng là có rất nhiều doanh nhân không chỉ đọc sách mà còn chia sẻ các suy nghĩ của mình về sách cho nhân viên và mọi người khác biết đến qua mạng xã hội và các cuộc gặp.

Thậm chí có người như ông Đặng Lê Nguyên Vũ, ông chủ Tập đoàn cà phê Trung Nguyên, còn tuyên bố sẽ tặng sách “Đổi đời” cho thanh niên Việt.

Có không ít người nói ông Vũ quá ảo tưởng, nhưng có lẽ ông ấy là người mơ mộng thì đúng hơn. Ông Vũ cũng đã tặng nhiều cuốn sách sau hai năm triển khai và dù không biết chúng có được đọc hay không, nhưng sự thành tâm của những người chủ chương trình là có thật, cần được ghi nhận.

Tuy nhiên, người xưa có câu: của cho không bằng cách cho. Đừng tưởng cho không người khác cái gì mà họ đã mang ơn mình, không biết cách thì nhiều khi vừa mất tiền vừa mang họa.

Gần đây dư luận bắt đầu râm ran về việc chương trình tặng sách lấy thông điệp là “Những cuốn sách đổi đời do chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ chọn cho thanh niên Việt”. Những panô quảng cáo khổng lồ cùng những chiếc xe chạy khắp đất nước đang mang thông điệp này đến với toàn dân.

Và đáng tiếc là không phải ai cũng thấy thoải mái khi nhìn thấy dòng chữ này. Thậm chí, UBND tỉnh Đắk Lắk phải ra quyết định thu hồi một số bảng hiệu của Tập đoàn cà phê Trung Nguyên do chữ nghĩa gây hiểu lầm.

Quả thật, nếu xét đoán theo ngữ cảnh thì chữ “chủ tịch” trong thông điệp này dễ gây ra những suy luận không phù hợp. Nếu tặng sách cho thanh niên làm việc tại Tập đoàn cà phê Trung Nguyên thì chức danh chủ tịch có thể hiểu được. Mà nếu chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên tặng sách cho toàn bộ thanh niên Việt thì có lẽ cũng không ai thắc mắc gì.

Nhưng cắt ngắn, dù là một cách vô tình hay cố ý, các từ liên quan đã làm thông điệp, nói thẳng ra là khá chướng tai gai mắt. Nhất là trong văn hóa Việt, nơi người ta luôn hiểu ngầm các ẩn ý trong câu và dù các đại từ danh xưng vô cùng phong phú, nhưng người ta chỉ có thể xưng bố với con mình, chứ không thể xưng bố với con người khác.

Thường thì các doanh nhân thành đạt luôn có đội ngũ tư vấn về hình ảnh và thông điệp cá nhân. Khi bạn giàu đến mức nào đó thì bạn không thể nói với nhân viên giống như nói với người nhà của mình, không thể mắng khách hàng như mắng con.

Về mặt nào đó, các bảng hiệu này đang hết sức thành công, làm ai cũng phải biết đến, nhưng nếu như chúng làm cho người dân thấy phản cảm, các cơ quan quản lý nhà nước phải can thiệp vào để thay đổi nội dung và nếu người được tặng sách cảm thấy mình ở một vị thế chịu ơn thì có lẽ hiệu quả của chương trình sẽ giảm đi đáng kể và đó thật là một điều đáng tiếc, không của riêng ai.