Cua là thực phẩm được các chuyên gia khuyên dùng cho trẻ ăn dặm vì giàu dưỡng chất. Vậy, mẹ đã biết cách nấu cháo cua cho bé không bị tanh, cháo cua nấu với rau gì phù hợp chưa? Nếu chưa, hãy cùng Nutrihome tham khảo ngay các món cháo cua cho bé ăn dặm dưới đây nhé!
Bài viết có sự tư vấn chuyên môn của BS Trần Thị Trà Phương, Bác sĩ Dinh dưỡng, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng – Y học vận động Nutrihome
Cháo cua cho bé ăn dặm là một trong những lựa chọn của nhiều mẹ vì hương vị thơm ngon và giàu dinh dưỡng
Dinh dưỡng từ món cháo cua cho bé ăn dặm
Cua là một trong những thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho trẻ ăn dặm. Do đó, các món cháo cua biển hay cháo cua đồng luôn được nhiều mẹ lựa chọn, bổ sung vào danh sách các món cháo ăn dặm cho trẻ. Dưới đây là những dưỡng chất có trong thịt cua mà theo các chuyên gia, chúng tốt và giúp tăng cường sức khỏe, thể trạng của trẻ:
Chất đạm
Hàm lượng đạm trong thịt cua không hề thua kém so với các loại thịt khác. Tuy nhiên, nó lại chứa ít hoặc thậm chí không chứa các chất béo bão hòa, vì vậy ăn thịt cua giúp giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh như béo phì, tim mạch… Ngoài ra, thịt cua giàu đạm nhưng không chứa các mô liên kết chặt chẽ nên rất dễ tiêu hóa.
Axit béo omega
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy omega 3 mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ. Chất này giúp tăng cường trí tuệ, cải thiện giấc ngủ, giảm các biểu hiện tăng động ở trẻ, giảm triệu chứng trầm cảm…
Chất khoáng
Thịt cua chứa rất nhiều chất khoáng thiết yếu tốt cho cơ thể như canxi, natri, kali, sắt, kẽm, đồng… Do vậy, thêm thịt cua vào khẩu phần ăn hàng ngày giúp quá trình chuyển hóa của bé diễn ra tốt hơn, xương cơ phát triển chắc chắn và mạnh khỏe.
Vitamin B12
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên bổ sung ít nhất 2,4mg vitamin B12 cho trẻ mỗi ngày. Trong khi đó, 75gr thịt cua đã chứa đến 9,78mg vitamin B12. Chất này sẽ giúp các tế bào máu phát triển bình thường, chống thiếu máu, tăng cường trí não, hỗ trợ tiêu hóa, chống oxy hóa…
Bí quyết giúp mẹ biết cách nấu cháo cua cho bé không bị tanh
Cua chứa rất nhiều chất dinh dưỡng quý giá, tuy nhiên, mẹ cần nắm một số típ sau để biết cách nấu cháo cua cho bé không bị tanh:
Cách chọn cua
Cua tươi sống luôn là lựa chọn hàng đầu của các mẹ vì độ ngọt, độ săn chắc của thịt và an toàn vệ sinh so với cua đông lạnh. Mẹ hãy lưu ý một số đặc điểm sau để chọn được cua tươi ngon:
- Khi kiểm tra cua, mẹ có thể quan sát vỏ cua có cứng cáp không, lớp vỏ cua không nên quá mềm và xốp, vỏ cua có màu xám, các bộ phận còn nguyên.
- Nếu mẹ muốn cho bé ăn gạch cua thì nên chọn cua cái, nếu mẹ muốn cho bé ăn nhiều thịt cua hơn thì nên chọn cua đực.
Nên chọn mua cua tươi sống thay vì cua đông lạnh khi nấu cháo cua cho bé ăn dặm mẹ nhé!
Sơ chế cua
Mẹo nhỏ để cua không bị rụng càng khi luộc chín là mẹ hãy làm cua chết thật nhanh trước khi cho vào nồi. Cách làm như sau:
- Đầu tiên, đông lạnh cua để cua “bất động” hoặc dùng dao đâm vào yếm cua (là phần hình tam giác ở phía dưới cua) và giữ cho đến khi cua không còn giãy giụa. Mẹ hãy cẩn thận ở bước làm này để tránh bị cua kẹp tay đấy nhé!
- Sau đó, rửa lại cua cho sạch bùn đất còn dính lại trong càng, yếm, thân cua bằng bàn chải dưới vòi nước chảy mạnh. Đây là giai đoạn rất quan trọng để loại bỏ các mầm bệnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe bé. Sau đó tách bỏ phần yếm và lông cua.
- Tiếp theo, rửa và sắt nhỏ củ gừng và sả. Cho các nguyên liệu này dưới đáy nồi, xếp cua lên trên đó và cho nước dừa và xấp ngang mặt cua rồi thêm chút gia vị vào nồi, đậy nắp nồi lại và bắt đầu luộc cua trên lửa vừa.
Khi vỏ cua chuyển sang màu đỏ sáng nghĩa là cua đã chín. Lúc này mẹ không nên để nồi khô sạch nước sẽ gây ra khét thịt cua cũng như làm rụng càng cua. Sau khi thịt cua chín, lấy cua ra, để cho bớt nóng và tách thịt cua ra khỏi vỏ. Vậy là mẹ đã sơ chế xong phần thịt cua rồi đấy.
6 công thức nấu cháo cua cho bé ăn dặm
Với bất cứ món cháo cua nào cho bé dưới đây, để tiết kiệm thời gian nấu nướng và đảm bảo món ăn thơm ngon, bổ dưỡng mẹ nên:
- Nấu cháo trắng sẵn và bảo quản trong tủ lạnh để dùng trong ngày. Mỗi lần chế biến món cháo cua cho bé ăn dặm hãy múc 1 chén cháo trắng (tương đương 50gr gạo) để nấu.
- Thịt cua sơ chế theo các bước trên, sau khi cua chín tách lấy thịt và băm nhỏ, xé tơi hoặc để nguyên tùy vào độ tuổi ăn dặm, sở thích của bé.
- Thêm 1 muỗng dầu ăn dặm vào cháo để bổ sung chất béo cho cơ thể trẻ đồng thời kích thích bé ăn uống ngon miệng hơn.
Và bây giờ, chúng ta hãy cùng bắt tay vào chế biến món cháo cua cho bé yêu thôi nào!
Cháo cua biển bí đỏ
Cháo cua biển bí đỏ dễ ăn, thơm ngon và màu sắc rất hấp dẫn. Ngoài ra, món ăn này còn cung cấp cho bé rất nhiều vitamin A, vitamin K và nhiều chất xơ.
Nguyên liệu nấu cháo cua bí đỏ:
- 50gr gạo đã nấu cháo
- 30gr thịt cua đã chế biến, xé tơi
- 50gr bí đỏ
- 1 muỗng dầu ăn dặm cho trẻ
- Gia vị
Cách nấu cháo cua bí đỏ:
- Rửa sạch bí đỏ, gọt vỏ và xắt hạt lựu, hấp chín hoặc tán nhuyễn tùy vào độ tuổi ăn dặm của trẻ.
- Xào cua với chút tỏi thơm để thịt cua săn lại và ngon hơn.
- Bắc nồi cháo trắng đã nấu sẵn lên bếp làm nóng, sau đó cho bí đỏ và thịt cua vào khuấy đều tay để cháo không bị khét ở đáy nồi.
- Cuối cùng, mẹ nêm nếm cháo cho vừa ăn. Lưu ý, nếu bé nhỏ hơn 1 năm tuổi thì tốt nhất mẹ không nên nêm nếm gia vị để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
Cháo cua bí đỏ cung cấp cho trẻ nhiều chất xơ và các loại vitamin tốt cho sức khỏe
Cháo cua hạt sen
Hạt sen chứa nhiều khoáng chất như magie, kali, phốt pho, natri… Ngoài ra, hạt sen còn có vị bùi và ngọt rất dễ ăn. Do đó, mẹ có thể nấu kết hợp hạt sen với thịt cua biển hoặc cua đồng để tạo nên món cháo cua hạt sen hấp dẫn cho bé.
Nguyên liệu nấu cháo cua hạt sen:
- 50gr gạo đã nấu cháo
- 30gr thịt cua đã chế biến, xé tơi
- 20gr hạt sen
- 1 muỗng canh dầu ăn dặm cho trẻ
- Gia vị
Cách nấu cháo cua hạt sen:
- Hạt sen tươi rửa sạch, tách bỏ tim sen để bé ăn không bị đắng (nếu mẹ sử dụng hạt sen khô, cần ngâm nước trước để hạt sen nở và mềm ra). Sau đó hấp chín hạt sen, tán nhuyễn nếu bé mới bắt đầu ăn dặm.
- Bắt chảo và phi tỏi cho vàng thơm rồi cho thịt cua đã xé tơi vào xào.
- Tiếp đến, cho cháo trắng đã nấu sẵn vào cùng hạt sen đã hấp chín nấu cho cháo cua hạt sen sôi lên khoảng 5 phút.
- Tắt bếp, thêm vào nồi cháo 1 muỗng canh dầu ăn dặm và nêm nếm gia vị vừa ăn (hoặc có thể không nêm tùy độ tuổi của bé), để nguội và cho bé thưởng thức.
Cháo cua cải bó xôi
Cháo cua cải bó xôi cung cấp cho bé nhiều chất dinh dưỡng như carotene, vitamin C, vitamin K, sắt, axit folic và nhiều chất xơ tốt cho sức khỏe trẻ.
Nguyên liệu nấu cháo cua cải bó xôi:
- 50gr gạo đã nấu cháo
- 30 – 50ml nước dùng gà (nếu có)
- 30gr thịt cua đã chế biến, xé tơi
- 30gr cải bó xôi
- 1 muỗng canh dầu oliu cho bé ăn dặm
- Gia vị
Cách nấu cháo cua cải bó xôi:
- Nhặt bỏ phần cải bó xôi bị hư, rửa sạch dưới vòi nước và xắt nhỏ vừa miệng trẻ.
- Múc 1 chén cháo trắng đã nấu sẵn cho vào nồi, nếu muốn cháo loãng và ngon hơn mẹ có thể cho thêm nước hầm gà vào và bắc lên bếp nấu sôi.
- Tiếp đến, cho thịt cua đã chế biến và cải đã xắt nhỏ vào nồi cháo nấu sôi khoảng 5 phút, tắt bếp.
- Thêm 1 muỗng canh dầu oliu vào cháo cua cải bó xôi đã nấu chín và nêm nếm gia vị vừa ăn (có thể không nêm), để nguội và cho trẻ thưởng thức.
Màu xanh bắt mắt và vị ngon, béo của cháo cua cải bó xôi “hứa hẹn” một bữa ăn ngon miệng cho bé
Cháo cua rau dền
Mẹ muốn cung cấp thêm vitamin và chất xơ cho bé nhưng lại hay băn khoăn cháo cua nấu với rau gì. Vậy thì mẹ hãy tham khảo ngay cách nấu cháo cua rau dền nhé! Đây là loại rau rất phổ biến, dễ tìm và dễ mua, đặc biệt nó lại chứa rất nhiều chất dinh dưỡng và được nhiều mẹ chọn để bổ sung thêm canxi, vitamin B1, niacin, chất xơ và nhiều dưỡng chất khác cho trẻ.
Nguyên liệu nấu cháo cua rau dền:
- 50gr gạo
- 30gr thịt cua đã chế biến, xé tơi
- 20g rau dền rửa sạch và cắt nhuyễn
- 1 muỗng canh dầu oliu ăn dặm cho trẻ
- Gia vị
Cách nấu cháo cua rau dền:
- Vo gạo nhiều lần với nước sạch và rang trên chảo để gạo vàng, thơm hơn. Sau đó, cho gạo và một lượng nước vừa đủ vào nồi để nấu chín mềm. Lưu ý, lượng nước phụ thuộc vào độ đặc mẹ mong muốn, tuy nhiên không nên nấu đặc quá vì sẽ khiến bé khó ăn.
- Phi tỏi trong chảo cho thơm rồi cho thịt cua vào xào đến khi thịt cua săn lại.
- Cháo chín mềm, cho thịt cua vừa xào và rau dền đã băm nhuyễn vào nồi cháo, để lửa to vừa và đảo đều liên tục để các nguyên liệu hòa quyện vào nhau, chín đều.
- Sau 5 phút, tắt bếp, cho vào nồi cháo cua rau dền 1 muỗng dầu oliu ăn dặm cho bé để bổ sung chất béo và giúp bé tiêu hóa tốt hơn. Mẹ có thể nêm thêm gia vị hoặc không tùy vào độ tuổi ăn dặm của trẻ.
- Múc cháo ra bát, để cháo nguội bớt và cho bé ăn.
Cháo cua biển nấu với khoai tây
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, khoai tây không chỉ giàu calo, chất xơ mà còn chứa một lượng lớn các vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe như: kali, chất xơ, vitamin C, B6, sắt… Tuy nhiên, để món cháo cua biển nấu với khoai tây tốt cho sức khỏe, đảm bảo tối đa nguồn dưỡng chất, khi nấu cháo cho trẻ mẹ nên chọn những củ khoai tây tươi, không bị dập, mọc mầm nhé!
Nguyên liệu nấu cháo cua khoai tây:
- 30gr thịt cua biển đã xé tơi
- 100 – 200gr khoai tây
- 10gr thịt nạc và mỡ heo xay nhuyễn
- 1 muỗng canh dầu oliu cho bé ăn dặm
- Gia vị
Cách nấu cháo cua khoai tây:
- Phi thơm hành tím, cho thịt nạc và mỡ heo đã xay nhuyễn vào xào cho săn lại. Sau đó, cho thịt cua đã chế biến, xé sợi vào xào cùng.
- Khoai tây, gọt vỏ, rửa sạch, cắt nhuyễn.
- Đun sôi 250ml nước, cho khoai tây vào nấu chín.
- Khoai tây chín sệt, cho thịt nạc và thịt cua đã xào vào nấu cùng, đảo đều tay cho các nguyên liệu trộn đều nhau và nấu trên lửa lớn 5 phút.
- Tắt bếp, múc cháo cua biển nấu với khoai tây ra bát, cho 1 muỗng canh dầu oliu vào khuấy đều, để nguội và cho bé ăn khi cháo còn ấm.
Cháo cua biển nấu với khoai tây dễ ăn và cung cấp nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe trẻ
Cháo cua mồng tơi
Bên cạnh rau dền, mồng tơi cũng là loại rau giàu dinh dưỡng như: sắt, canxi, vitamin A, vitamin C, vitamin B và chất xơ. Đặc biệt, rau mồng tơi lành tính có thể cho bé 6 tháng ăn dặm. Vậy làm sao để chế biến một bát cháo cua mồng tơi cho bé 6 tháng thật thơm ngon, mẹ tham khảo ngay cách nấu dưới đây nhé!
Nguyên liệu nấu cháo cua mồng tơi:
- 50gr gạo đã nấu cháo
- 30g thịt cua đã chế biến, xé tơi
- 20g rau mồng tơi rửa sạch và xắt nhuyễn
- 1 muỗng canh dầu oliu dành cho trẻ ăn dặm
Cách nấu cháo cua mồng tơi:
- Múc 1 chén cháo trắng đã nấu sẵn ra nồi bắt lên bếp nấu sôi.
- Tiếp đến, cho thịt cua và rau mồng tơi đã xắt nhuyễn vào nồi, khuấy đều, nấu trong 5 phút với lửa to cho mồng tơi chín đều, tắt bếp.
- Vì bé mới 6 tháng tuổi nên mẹ không cần nêm nếm thêm gia vị vào cháo cua mồng tơi để tránh ảnh hưởng hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ bé. Thay vào đó, mẹ có thể thêm 1 muỗng canh dầu oliu vào cháo để bổ sung chất béo cho cơ thể trẻ.
- Múc cháo ra bát, để nguội và cho trẻ thưởng thức.
Vậy là mẹ đã biết cách nấu cháo cua cho bé không bị tanh cũng như biết cháo cua nấu với rau gì tốt cho trẻ ăn dặm. Hy vọng với 6 công thức nấu cháo cua cho bé đơn giản, dễ nấu, giàu dinh dưỡng trên mẹ sẽ có thêm nhiều lựa chọn các món ăn dặm giúp bé ăn ngon, chóng lớn, phát triển toàn diện thể chất và trí não.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!