Ăn quả nhót cần đúng cách
Tháng 4 là mùa nhót chín ở miền Bắc, từ quả nhót xanh tới nhót ương, nhót chín đỏ đều rất hấp dẫn. Ăn quả nhót có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe, bởi theo Đông y quả nhót có những công dụng tốt, giúp điều trị các bệnh phổ biến của cơ thể người mà không gây tác dụng phụ.
Cây nhót được trồng phổ biến ở các tỉnh miền Bắc, thu hoạch quả để ăn và chế biến thực ăn. Trong lá nhót chứa tanin, saponozit, polyphenol.
Quả nhót chứa nhiều acid hữu cơ, có nước 92%, protid 1,25, acid hữu cơ 2%, glucid 2,1%, cellulose 2,3%, calci- um 27mg%, phosphor 30mg%, sắt 0,2mg%.
Quả nhót có vị hơi chua và chát là khẩu vị rất ưa thích của phụ nữ, được chế biến thành nhiều món trộn, dầm làm món quà vặt rất ưa thích của các bạn tuổi ô mai, và các bà bầu thì kỳ nghén.
Tuy quả nhót rất nhiều hợp chất có lợi, tăng cường sức khỏe cho cơ thể… nhưng ăn quá nhiều quả nhót – nhất là nhót xanh đều sẽ có thể ảnh hưởng tới sức khỏe.
Vị chua, vị chát nổi bật ở những quả nhót xanh làm gia tăng lượng axit trong dạ dày, hệ tiêu hóa, làm ảnh hưởng, thậm chí gây đau dạ dày, viêm loét dạ dày… cho người ăn nhiều.
Vì vậy quả nhót tuy lành tính, tương đối an toàn cho sức khỏe, có nhiều lợi ích cho cơ thể nhưng vẫn cần ăn đúng cách để không gây bất lợi sức khỏe.
Lưu ý là quả nhót xanh thì bụi phấn dày và khó làm sạch, nhưng với những quả nhót chín thì lớp bụi phấn mỏng hơn, rất dễ chà sạch.
Khi ăn nhót dù xanh hay chín cũng cần làm sạch lớp bụi phấn ở phía ngoài để tránh gây đau họng, rát họng.
Những ai không nên ăn nhót
Khi ăn quả nhót có những lưu ý sau:
1. Trẻ nhỏ: Trẻ nhỏ – nhất là trẻ dưới 1 tuổi không nên cho ăn quả nhót, vì dễ gây hóc.
Trẻ lớn hơn cũng hạn chế cho ăn quả nhót – bởi dạ dày và hệ tiêu hóa quá non nớt, chưa thích nghi được với vị chua của quả nhót. Lứa tuổi này vừa ăn vừa nghịch ngợm, chạy nhảy, hay ngậm hạt trong miệng nên cũng rất dễ bị hóc, nguy hiểm tới tính mạng.
Vì vậy người lớn cho trẻ ăn cần giám sát kỹ, lỡ trẻ ăn chẳng may bị hóc thì còn cấp cứu kịp thời.
Ngoài ra những người có các triệu chứng sau cũng cần hạn chế, hoặc không nên ăn quả nhót, cụ thể:
2. Người bị viêm loét dạ dày: Quả nhót có hàm lượng axit cao, có thể làm tăng các cơn đau dạ dày, khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.
3. Người bị hội chứng ruột kích thích: Người có các triệu chứng như bị táo bón xen lẫn với tiêu chảy, đau bụng, đầy bụng, trướng hơi… không nên ăn quả nhót.
4. Người đang mắc bệnh, cơ thể phát lạnh: Không ăn nhiều quả nhót và những hoa quả có vị chua chát khác.
4. Người đang đói: Người đang đói cũng không nên ăn nhót, bởi vị chua, chát trong quả nhót vào bụng khi đang đói rất dễ gây kích ứng dạ dày.
Tốt nhất nên ăn quả nhót sau bữa cơm khoảng 30 phút là hợp lý nhất.
Cách dùng quả nhót chữa bệnh
Quả nhót là một dược liệu quý, nhưng cần biết dùng hợp lý. Theo Đông y quả nhót có vị chua, chát, tính bình, kích thích vào các kinh phế đại tràng, có tác dụng trong việc trị ho, trừ đờm, bình suyễn, chữa lỵ, tiêu chảy…
BS Nguyễn Xuân Hướng – nguyên Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam (đã chia sẻ trên GiadinhNet), các bộ phận của cây nhót từ lá đến rễ, hạt nhót được dùng để chữa bệnh rất hiệu quả trong đông y. Tất cả các bộ phận của cây nhót, từ lá đến quả, hạt, rễ đều có tác dụng chữa một số bệnh lý thông thường như:
– Trị ho, khó thở: có thể dùng quả nhót 6 – 12g/ngày, dưới dạng thuốc sắc, thuốc hãm, hay thuốc bột. Uống nhiều ngày, tới khi các triệu chứng thuyên giảm.
– Chữa kiết lỵ mạn tính: Quả nhót chín 7 quả, lá mơ lông 25g, lá khổ sâm 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần, uống liên tục trong vòng một tuần đến 10 ngày.
– Bài thuốc chữa tiêu chảy: Quả nhót xanh 10 quả, rễ cây nhót 4g, rễ cây mơ 2g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Lá nhót: Vị chát, có tác dụng trị ho, bình suyễn, giảm sốt, kháng khuẩn (với nhiều chủng), chống viêm cấp và mãn tính, tăng cường sức co bóp của tử cung… Lá nhót có thể dùng tươi hay sấy khô chữa cảm sốt, hen suyễn, nhiều đờm, chữa lị.
Trị ho, hen, khó thở: Dùng quả nhót 6-12g/ngày, dưới dạng thuốc sắc, thuốc hãm, hay thuốc bột. Uống nhiều ngày, tới khi các triệu chứng thuyên giảm.
Trị ho đờm, hen suyễn: Lá nhót 16g đem sao vàng, lá táo ta (táo chua) 12g sao vàng, hạt cải củ, hạt cải bẹ, mỗi thứ 6g, sao vàng và giã giập.
Hoặc dùng lá nhót dưới dạng bột khô, ngày 2-3 lần, mỗi lần khoảng 8-12g, uống với nước cơm, hoặc phối hợp đồng lượng với bột của vỏ cây đỗ trọng nam.
Lưu ý: Khi uống, cần kiêng các thức ăn tanh, lạnh như cá cua, ốc, ếch…
Hạt nhót: Nhân hạt nhót có công dụng chính là sát khuẩn và trừ giun sán.
Khi ăn nhót mà nhai nhân hạt bên trong, cũng rất tốt cho sức khỏe.
Hạt nhót còn dùng trong chữa gan lách sưng đau: Hạt nhót 10g, đem giã nhỏ, nghệ đen 8g. Đem sắc lấy hỗn hợp nước uống hàng ngày.
Rễ nhót : Có tác dụng cầm máu, giảm đau, thường được dùng dưới dạng thuốc sắc, dùng riêng lẻ hoặc có thể phối hợp với các vị thuốc khác.
Rễ nhót còn trị ho ra máu, hoặc nôn ra máu, chảy máu cam: rễ nhót 16g sao đen, sắc uống mỗi ngày một thang.
Có thể phối hợp với cỏ nhọ nồi, ngải diệp và trắc bách diệp. Tất cả đều đem sao đen, sắc uống ngày một thang, chia làm 3 lần uống trước bữa ăn 1,5 giờ.
Trong khi uống thuốc, cần kiêng các thứ cay nóng như: rượu, bia, ớt…
Rễ nhót có thể dùng để nấu nước tắm, chữa mụn nhọt.
Cả quả nhót vị chua, chát khá kích thích vị giác, có thể dùng ngoài dưới dạng nước tắm, rửa mụn nhọt, với bất kể liều lượng.
Theo Gia đình và Xã hội
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!