Phân loại nợ và cam kết ngoại bảng trong tổ chức tín dụng là gì?

Phân loại nợ và cam kết ngoại bảng là một trong các cách thức dự phòng rủi ro mà tổ chức tín dụng cần áp dụng. Vậy phân loại nợ và cam kết ngoại bảng là gì?

Cam kết ngoại bảng là chỉ các khoản như cam kết thanh toán, trả nợ, cấp tín dụng… hay các hợp đồng phát sinh tỷ giá của ngân hàng với khách hàng trong tương lai nằm ngoài bảng cân đối kế toán.

Căn cứ pháp lý:

– Luật các tổ chức tín dụng năm 2010

– Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung năm 2017

– Thông tư 02/2013/TT-NHNN

– Thông tư 09/2014/TT-NHNN

1.Phương pháp và nguyên tắc phân loại

– Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng phải sử dụng kết quả phân loại nhóm nợ đối với khách hàng do Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) cung cấp tại thời điểm phân loại để điều chỉnh kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng.

– Toàn bộ số dư nợ và giá trị các cam kết ngoại bảng của một khách hàng tại một tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được phân loại vào cùng một nhóm nợ.

– Đối với khoản cấp tín dụng hợp vốn, từng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia cấp tín dụng hợp vốn phải thực hiện việc phân loại độc lập và có trách nhiệm thông báo ngay cho nhau kết quả phân loại.

– Đối với khoản ủy thác cấp tín dụng mà bên nhận ủy thác chưa giải ngân theo hợp đồng ủy thác, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ủy thác phải phân loại các khoản ủy thác này như là một khoản cho vay đối với bên nhận ủy thác.

– Đối với nợ đã bán nhưng chưa thu được tiền, nợ đã bán nhưng bên mua có quyền truy đòi người bán thì số tiền chưa thu được, số dư nợ đã bán có quyền truy đòi người bán phải được phân loại, trích lập dự phòng rủi ro như trước khi bán nợ.

– Đối với các khoản nợ được mua, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phân loại số tiền đã thanh toán để mua nợ vào nhóm có mức độ rủi ro không thấp hơn nhóm mà khoản nợ đó đã được phân loại trước khi mua.

– Đối với số tiền mua, ủy thác cho tổ chức khác (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải phân loại số tiền mua trái phiếu như là một khoản cho vay không có bảo đảm đối với bên phát hành trái phiếu, trừ trường hợp trái phiếu doanh nghiệp được bảo đảm thanh toán bằng tài sản.

– Đối với khoản chiết khấu dưới hình thức mua có kỳ hạn các công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác của người thụ hưởng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phân loại khoản chiết khấu như là một khoản cho vay đối với người thụ hưởng.

2.Phân loại nợ và cam kết ngoại bảng theo phương pháp định lượng

-Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện phân loại nợ (trừ các khoản trả thay theo cam kết ngoại bảng) theo 05 nhóm như sau:

a) Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn)

b) Nhóm 2 (Nợ cần chú ý)

c) Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn) bao gồm:

d) Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ)

đ) Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn)

– Phân loại cam kết ngoại bảng và khoản trả thay theo cam kết ngoại bảng:

a) Phân loại cam kết ngoại bảng:

(i) Phân loại vào nhóm 1 nếu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng có khả năng thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo cam kết.

(ii) Phân loại vào nhóm 2 trở lên nếu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng không có khả năng thực hiện các nghĩa vụ theo cam kết.

(iii) Phân loại vào nhóm 3 trở lên đối với cam kết ngoại bảng thuộc một trong các trường hợp thuộc nhóm nợ dưới tiêu chuẩn.

b) Phân loại khoản trả thay theo cam kết ngoại bảng:

(i) Ngày quá hạn được tính ngay từ ngày tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nghĩa vụ theo cam kết.

(ii) Khoản trả thay theo cam kết ngoại bảng được phân loại như sau:

– Phân loại vào nhóm 3 nếu quá hạn dưới 30 ngày;

– Phân loại vào nhóm 4 nếu quá hạn từ 30 ngày đến dưới 90 ngày;

– Phân loại vào nhóm 5 nếu quá hạn từ 90 ngày trở lên.

3. Phân loại nợ và cam kết ngoại bảng theo phương pháp định tính

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phân loại nợ, cam kết ngoại bảng theo 05 nhóm như sau:

a) Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn) bao gồm: Các khoản nợ được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi đúng hạn.

Các cam kết ngoại bảng được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là khách hàng có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo cam kết.

b) Nhóm 2 (Nợ cần chú ý) bao gồm: Các khoản nợ được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi nhưng có dấu hiệu khách hàng suy giảm khả năng trả nợ.

Các cam kết ngoại bảng được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là khách hàng có khả năng thực hiện nghĩa vụ theo cam kết nhưng có dấu hiệu suy giảm khả năng thực hiện cam kết.

c) Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn) bao gồm: Các khoản nợ được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là không có khả năng thu hồi nợ gốc và lãi khi đến hạn. Các khoản nợ này được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là có khả năng tổn thất.

Các cam kết ngoại bảng được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là khách hàng không có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo cam kết.

d) Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ) bao gồm: Các khoản nợ được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là có khả năng tổn thất cao.

Các cam kết ngoại bảng mà khả năng khách hàng không thực hiện cam kết là rất cao.

đ) Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) bao gồm: Các khoản nợ được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là không còn khả năng thu hồi, mất vốn.

Các cam kết ngoại bảng mà khách hàng không còn khả năng thực hiện nghĩa vụ cam kết.

>>>Xem thêm Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng là gì?