TÓM TẮT:
Dệt may là một ngành quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp 10% giá trị sản xuất công nghiệp, thu hút gần 3 triệu lao động và là ngành đứng thứ 3 trong cả nước cũng như thứ 3 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu.
Bài viết đánh giá lợi thế so sánh của ngành dệt may Việt Nam thông qua hệ số lợi thế so sánh biểu lộ (Revealed Comparative Advantage – RCA) với các dữ liệu về ngành dệt may của nước ta trong giai đoạn 2001 – 2019. Kết quả cho thấy, nhìn chung Việt Nam có lợi thế so sánh ở mức trung bình trong lĩnh vực dệt may và lợi thế này có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây.
Từ khóa: Lợi thế so sánh, lợi thế so sánh biểu lộ, RCA, xuất khẩu, ngành Dệt may, Việt Nam.
1. Khái niệm lợi thế so sánh
Khái niệm lợi thế so sánh được Daivd Ricardo giới thiệu vào năm 1817. Lợi thế so sánh được xác định thông qua việc so sánh chi phí sản xuất của các loại hàng hóa khác nhau trong một nước. Một quốc gia được gọi là có lợi thế so sánh trong việc sản xuất một loại hàng hóa nào đó nếu chi phí để sản xuất ra hàng hóa đó thấp hơn tương đối so với chi phí để sản xuất ra các hàng hóa khác. Theo Ricardo, mỗi quốc gia nên chuyên môn hóa vào việc sản xuất, xuất khẩu những mặt hàng mà quốc gia đó có lợi thế so sánh và nhập khẩu những mặt hàng có ít lợi thế so sánh nhất. Nhờ đó, tổng sản lượng của mỗi sản phẩm trên thế giới sẽ tăng lên và tất cả các quốc gia đều có lợi [1]. Lý thuyết lợi thế so sánh tiếp tục được các nhà kinh tế học khác phát triển và cho đến nay lý thuyết này vẫn được sử dụng làm cơ sở cho hoạt động thương mại giữa các quốc gia.
2. Phương pháp đánh giá lợi thế so sánh
Liesner (1958) đã dựa vào lý thuyết lợi thế so sánh và đưa ra ý tưởng đánh giá sản phẩm có lợi thế so sánh của một quốc gia thông qua việc phân tích kim ngạch xuất khẩu của sản phẩm đó [2]. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của một nước thường là mặt hàng mà nước đó có lợi thế so sánh. Balassa (1965) đã tiếp tục hoàn thiện cách đánh giá này và đưa ra hệ số lợi thế so sánh biểu lộ (Revealed comparative advantage – RCA). Hệ số này thể hiện lợi thế hoặc bất lợi tương đối của một quốc gia đối với một sản phẩm nào đó thông qua việc so sánh tỷ trọng xuất khẩu của sản phẩm này trong tổng kim ngạch xuất khẩu của một quốc gia với tỷ trọng xuất khẩu của sản phẩm này trong tổng kim ngạch xuất khẩu của thế giới.
Hệ số RCA được tính toán theo công thức sau [3]:
Trong đó:
RCA là hệ số lợi thế so sánh biểu lộ trong xuất khẩu sản phẩm j của nước i;
Xij là kim ngạch xuất khẩu sản phẩm j của nước i;
Xi là tổng kim ngạch xuất khẩu của nước i;
Xwj là kim ngạch xuất khẩu sản phẩm j của toàn thế giới;
Xw là tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn thế giới.
Nếu RCA > 1 thì nước i có lợi thế so sánh đối với sản phẩm j. Nếu RCA < 1 thì nước i không có lợi thế so sánh đối với sản phẩm j. Để đánh giá cụ thể về mức độ lợi thế so sánh, hệ số RCA được phân thành 4 nhóm [4] như sau: (Bảng 1)
3. Lợi thế so sánh của ngành Dệt may Việt Nam trong giai đoạn 2001 – 2019
Trong nhiều năm qua, ngành Dệt may Việt Nam đã có những bước phát triển ấn tượng và vươn lên trở thành một trong số các ngành công nghiệp mũi nhọn của cả nước, đóng góp 10% giá trị sản xuất công nghiệp toàn quốc và tạo công ăn việc làm cho gần 3 triệu lao động, chiếm 25% tổng số lao động trong ngành công nghiệp, chiếm 5% tổng số lao động của Việt Nam. Doanh thu dệt may từ thị trường trong nước tăng mạnh từ 300 triệu USD lên khoảng 4,5 tỷ USD sau 20 năm [5]. Từ chỗ phát triển để phục vụ nhu cầu nội địa là chính, đến nay dệt may Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 3 cả nước cũng như đứng thứ 3 thế giới về kim ngạch xuất khẩu với giá trị xuất khẩu đạt gần 40,82 tỷ USD trong năm 2019, tăng 11,35% so với năm 2018 [6, 7]. Khoảng 90% sản xuất dệt may của Việt Nam là để phục vụ xuất khẩu.
Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu dệt may trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước tăng từ 14,74% trong năm 2001 lên mức kỷ lục là 19,23% trong năm 2003. Tỷ trọng này có xu hướng giảm dần và chỉ còn 13,41% trong năm 2019. Trong khi đó, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của toàn thế giới liên tục gia tăng qua các năm từ 0,61% trong năm 2001 lên 2,07% trong năm 2010, 3,54% trong năm 2015 và đạt mức kỷ lục 4,92% trong năm 2019 [6]. Các thị trường xuất khẩu dệt may chính của Việt Nam là Hoa Kỳ (chiếm 45,21% thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam), EU (13,18%), Nhật Bản (12,15%), Hàn Quốc (10,2%) và Trung Quốc (4,48%) [7].
Những thành tựu trong những năm qua đã khẳng định vị trí của Việt Nam trong lĩnh vực dệt may trên thị trường thế giới và cho thấy dệt may là một ngành có lợi thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Điều này được khẳng định thông qua kết quả tính toán hệ số lợi thế so sánh biểu lộ của dệt may Việt Nam. RCA của ngành Dệt may Việt Nam liên tục gia tăng từ 2,5 trong năm 2001 lên mức kỷ lục 4,32 trong năm 2010, sau đó có xu hướng giảm dần và chỉ còn 3,03 trong năm 2019. Hệ số RCA > 2 cho thấy, Việt Nam có lợi thế so sánh trong lĩnh vực dệt may. Về cơ bản, RCA nằm trong khoảng từ 2 – 4 trong giai đoạn 2001 – 2019 cho thấy, lợi thế so sánh của ngành Dệt may Việt Nam đạt mức trung bình. Riêng trong 3 năm (2009-2011) ngành Dệt may có lợi thế so sánh ở mức cao với RCA > 4. (Hình 1)
Hình 2 so sánh hệ số RCA của ngành Dệt may Việt Nam với một số nước xuất khẩu dệt may lớn trên thế giới. Trung Quốc mặc dù là nước có kim ngạch xuất khẩu dệt may lớn nhất, chiếm 31,39% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may trên toàn thế giới nhưng cũng chỉ có lợi thế so sánh ở mức trung bình. Hệ số RCA của dệt may Trung Quốc có xu hướng giảm dần từ 3,18 vào năm 2001 xuống còn 2,35 vào năm 2019. Tương tự như Trung Quốc và Việt Nam, hệ số RCA của ngành Dệt may Ấn Độ và Indonesia cũng giảm dần trong giai đoạn nghiên cứu và lần lượt đạt mức 2,52 và 1,67 trong năm 2019.
Trong khi đó, Campuchia và Bangladesh lại có lợi thế so sánh rất cao trong lĩnh vực này, với hệ số RCA lần lượt là 11,79 và 20,5 trong năm 2019, mặc dù tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu dệt may của 2 nước này chỉ ở mức 1,58% và 5% trong tổng kim ngạch dệt may của toàn thế giới. Thổ Nhĩ Kỳ có lợi thế so sánh ở mức trung bình trong lĩnh vực dệt may với hệ số RCA duy trì tương đối ổn định ở mức 3,36 [6]. Kết quả phân tích cho thấy, lợi thế so sánh về dệt may của Việt Nam cao hơn so với Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia nhưng lại thấp hơn so với Thổ Nhĩ Kỳ và đặc biệt thấp hơn rất nhiều so với Campuchia và Bangladesh. (Hình 2)
Để nâng cao lợi thế so sánh của ngành Dệt may Việt Nam, một trong những yếu tố then chốt là phát triển thị trường. Việc chủ động tìm kiếm thị trường và các đơn hàng phải là ưu tiên hàng đầu đối với các doanh nghiệp. Bên cạnh việc chủ động giới thiệu sản phẩm thông qua các hội chợ, triển lãm quốc tế, các phương tiện truyền thông, internet và tới tận các doanh nghiệp dệt may nước ngoài thì hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác quốc tế của cơ quan thương mại Việt Nam ở các quốc gia khác và Hiệp hội Dệt may Việt Nam trong việc kết nối doanh nghiệp trong nước với thị trường nước ngoài có ý nghĩa quan trọng giúp mở rộng thị trường cho dệt may Việt Nam.
Các hiệp định thương mại tự do liên tục được ký kết tạo ra những cơ hội lớn cho ngành Dệt may tăng trưởng mạnh tại thị trường quốc tế và thuận lợi trong việc tiếp cận các thị trường tiềm năng như Canada và Australia. Để tận dụng được những cơ hội này, các doanh nghiệp cần lưu ý đáp ứng tốt quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do từ khâu vải, sợi vốn đang là những khâu yếu của dệt may Việt Nam.
Như vậy, Việt Nam cần chú trọng phát triển sản xuất vải, sợi và các ngành công nghiệp phụ trợ dệt may hoặc cần chuyển hướng nhập khẩu nguyên, phụ liệu dệt may từ các nước thành viên của hiệp định thương mại tự do và từ các nước có ký hiệp định thương mại tự do với nước nhập khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng cần phải đa dạng hóa các hình thức sản xuất dệt may thay vì chủ yếu gia công xuất khẩu. Cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tạo lợi thế của mình trên thị trường quốc tế khi hoạt động gia công xuất khẩu sẽ được chuyển về những nước có chi phí nhân công rẻ hơn so với Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Ricardo, D. (1817). Principles of political economy and taxation. London, UK: John Murray.
- Liesner, H. H. (1958). The European Common Market and British Industry. Economic Journal, 68, 302-16.
- Balassa, B. (1965). Trade liberalization and revealed comparative advantage. Manchester School, 33(2), 99-123.
- Hinloopen, J. (2001). On the empirical distribution of Balassa index. Reviewed of World Economics, 137(1), 1-49.
- Hiệp hội Dệt may Việt Nam (2020), http://www.vietnamtextile.org.vn/. Ngày truy cập: 24/04/2020.
- International Trade Centre (2020), http://www.intracen.org/. Ngày truy cập: 24/04/2020.
- Hải quan Việt Nam (2020), https://www.customs.gov.vn/. Ngày truy cập: 24/04/2020.
Comparative advantages of Vietnam’s textile and garment industry
PhD. VU DIEP ANH
Faculty of Economics and Business Administration, Hanoi University of Mining and Geology
ABSTRACT:
The textitle and garment industry plays an important role in Vietnam’s economy as it contributes 10% to the whole country’s industrial production value and creates jobs for almost 3 million workers. Besides, the industry ranks 3rd in both Vietnam and the world in terms of export value. It implies that Vietnam’s textitle and garment industry has comparative advantages in the world market. This study is to measure the comparative advantage of Vietnam’s textitle and garment industry by employing Revealed Comparative Advantage (RCA) index with the data set collected for the period of 2001-2019. This study’s results indicate that Vietnam has moderate comparative advantages in the textile and garment field and the industry’s RCA tends to decrease in recent year. Vietnam has higher comparative advantages in textile and garment industry than China, India and Indonesia but lower comparative advantages than Turkey, Cambodia and Bangladesh.
Keywords: Comparative advantage, revealed comparative advantage, RCA, exports, garment and textile industry, Vietnam.
[Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2020]
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!