Lỗi chống người thi hành công vụ và mức xử phạt | | Cục cảnh sát giao thông

Người thi hành công vụ là công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, cán bộ được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao quyền hạn, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, người thi hành công vụ được pháp luật bảo vệ để phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân, xã hội (theo Nghị định 208/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2014).

Tội chống người thi hành công vụ

Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã nêu rõ quy định về tội chống người thi hành công vụ. Theo đó, chống đối người thi hành công vụ được hiểu là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác để cản trở, tấn công người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép họ thực hiện hành vi trái pháp luật.

Tùy vào mức độ phạm tội, người vi phạm sẽ phải chịu phạt hành chính, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù lên đến 03 năm.

Mức xử phạt hành vi chống người thi hành công vụ

Khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự nêu rõ người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, dùng thủ đoạn để cản trở người thi hành công vụ, hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật sẽ bị cải tạo không giam giữ 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng – 03 năm.

Đối với một trong những trường hợp chống đối người thi hành công vụ sau đây sẽ bị phạt tù từ 02 – 07 năm:

  • Chống người thi hành công vụ có tổ chức.
  • Phạm tội từ 02 lần trở lên.
  • Xúi giục, lôi kéo và kích động người khác phạm tội.
  • Hành vi gây thiệt hại về tài sản từ 50 triệu đồng trở lên.
  • Tái phạm với tính chất nguy hiểm.

Theo Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ phải chịu các mức phạt như sau:

  • Phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng cho hành vi môi giới, tiếp tay, chỉ dẫn cho cá nhân hoặc tổ chức vi phạm trốn tránh việc kiểm tra, thanh tra, kiểm soát của người thực hiện công vụ.
  • Phạt tiền từ 2.000.000 – 3.000.000 đồng đối với các hành vi:
    • Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
    • Có lời nói, hành động lăng mạ, đe dọa, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người thi hành công vụ.
    • Xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra của người thi hành công vụ.
  • Phạt tiền từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng đối với các hành vi:
    • Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống đối người thi hành công vụ.
    • Gây thiệt hại về phương tiện, tài sản của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ.
    • Đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất cho người thi hành công vụ để trốn tránh xử lý vi phạm hành chính.

Lỗi chống người thi hành công vụ giao thông

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ, hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.

Bên cạnh đó, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức xử phạt đối với người điều khiển xe không chấp hành hướng dẫn, hiệu lệnh của người kiểm soát giao thông hoặc người điều khiển giao thông cụ thể như sau:

Phương tiện

Lỗi vi phạm

Mức phạt

Căn cứ điều luật

Ô tô và các loại xe tương tự ô tô

Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông

Từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng

điểm b, khoản 5, Điều 5

Điều khiển xe đánh võng, lạng lách, chạy quá tốc độ, dùng chân điều khiển vô lăng khi xe đang di chuyển mà không chấp hành theo hiệu lệnh của người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn giao thông

Từ 18.000.000 – 20.000.000 đồng

khoản 9, Điều 5

Xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy

Không chấp hành hướng dẫn, hiệu lệnh của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông

Từ 600.000 – 1.000.000 đồng

điểm g, khoản 4, Điều 6

Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn, chất ma túy của người thi hành công vụ

Từ 6.000.000 – 8.000.000 đồng

điểm g, khoản 8, Điều 6

Máy kéo, xe máy chuyên dùng

Không chấp hành hiệu lệnh hoặc hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông

Từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng, có thể tước GPLX

điểm d, khoản 5, Điều 7

Xe đạp, xe đạp điện, xe thô sơ

Không chấp hành hiệu lệnh hoặc hướng dẫn của người điều khiển giao thông

Từ 100.000 – 200.000 đồng

điểm b, khoản 2, Điều 8

Người đi bộ

Không chấp hành hiệu lệnh hoặc hướng dẫn của người điều khiển giao thông

Từ 60.000 – 100.000 đồng

điểm c, khoản 1, Điều 9

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Việc thành lập các chốt kiểm soát dịch bệnh tại khu vực cửa ngõ địa phương là rất cần thiết. Bên cạnh sự đồng tình hưởng ứng và chấp hành của đại đa số người dân thì vẫn còn nhiều người chủ quan, chưa tuân thủ các quy định về phòng chống dịch. Một số trường hợp không chấp hành quy định khi qua chốt kiểm soát mà còn có các hành vi chống lại người đang thi hành công vụ.

Tại khoản 3, Điều 5 của Nghị định 208/203/NĐ-CP quy định những hành vi bị nghiêm cấm đối với cá nhân, tổ chức gồm:

  • Không chấp hành các quy định của pháp luật, sự điều hành, hướng dẫn của người thi hành công vụ hoặc chống đối, cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ.
  • Lợi dụng quyền tự do, tín ngưỡng và tôn giáo để lôi kéo, xúi giục, kích động người khác chống lại người thi hành công vụ.
  • Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người thi hành công vụ,…

Theo đó, các hành vi cản trở, chống đối người thi hành công vụ phòng, chống dịch Covid-19 sẽ bị xử lý hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ, tính chất sự việc.

Bên cạnh đó, nhiều người thắc mắc lỗi chống người thi hành công vụ phòng chống dịch Covid-19 bị phạt bao nhiêu tiền? Sau đây là các thông tin cụ thể theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội,…

Quy định xử phạt vi phạm hành chính:

  • Khoản 1, Điều 20: Phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng đối với những hành vi môi giới, tiếp tay, chỉ dẫn cho các cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh kiểm tra, thanh tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
  • Khoản 2, Điều 20: Phạt tiền từ 2.000.000 – 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:
    • Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra, thanh tra, kiểm soát, thi hành công vụ.
    • Có lời nói hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm đối với người thi hành công vụ.
    • Xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
  • Khoản 3, Điều 20: Phạt tiền từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng đối với những hành vi sau đây:
    • Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực chống lại người thi hành công vụ.
    • Gây thiệt hại về phương tiện, tài sản của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ.
    • Đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính.

Quy định xử lý hình sự:

Nếu người vi phạm có những hành vi đe dọa, dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác để cản trở, chống lại việc kiểm tra, kiểm soát người thi hành công vụ trong quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì hành vi này có đủ yếu tố cấu thành tội chống người thi hành công vụ. Người vi phạm có thể bị xử phạt tù cao nhất lên đến 07 năm theo quy định tại khoản 2, Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm lỗi chống người thi hành công vụ mà người phạm tội có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu hình sự theo quy định của pháp luật. Do đó, người dân cần có sự hiểu biết nhất định về tội chống người thi hành công vụ để nhìn nhận đúng và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật.

BBT