Không đau khổ lấy chi làm chất liệu

CON ĐƯỜNG BÌNH YÊN (Khóa tu học Phật pháp tại Hàn Quốc lần thứ 4 – năm 2016)

Không có con đường mang đến sự bình yên Sự bình yên chính là con đường.

Con người sinh ra đều có mưu cầu hạnh phúc, an lạc giữa cõi đời giả tạm, chứ không phải để nhận lấy bất hạnh, chịu đựng khổ đau. Bình yên và hạnh phúc là nỗi khao khát cháy bỏng trong kiếp nhân sinh. Một khi có bình yên nội tại thì lúc ấy chúng ta mới hạnh phúc. Lúc nào chúng ta hạnh phúc, lúc ấy chúng ta đã bình yên. Nhưng thử hỏi, làm thế nào chúng ta được hạnh phúc? Làm thế nào chúng ta được bình yên giữa cuộc đời bão giông này? Để đáp lại sự hoài mong, nỗi khát khao của bao con tim đợi chờ đến nao lòng, với ước nguyện làm mới lại bản thân, tích cực hơn trong nhận thức, Khóa Tu học Phật pháp của Viện Chuyên Tu tổ chức tại Hàn Quốc lần thứ 4 này cũng hướng đến sự khai mở ấy. Đó là: Con đường bình yên.

Trở lại Hàn quốc lần này, Sư phụ trụ trì Viện Chuyên Tu đã mang “Con đường bình yên” đến với chúng ta như là một chìa khóa, mở tung tất cả các cánh cửa của các thân phận, của các mảnh đời tưởng như bị im ỉm khóa kín từ lâu. Cuộc sống tha hương, mưu sinh cầu thực, người Việt Nam sinh sống tại nơi đây đã trả cái giá quá đắt với biết bao biến cố cuộc sống. Nhưng, nhờ có những khóa tu như thế này, chúng con mới có cơ hội nhân duyên tiếp nhận được ánh sáng Phật pháp soi đường chỉ lối; chúng con đã nhận thấy được khổ đau chính là chất liệu làm nên hạnh phúc, chứ không phải là một sự kiếm tìm bế tắt giữa cõi đời này.

khoa-tu-lan-4266

Trước kia chúng con từng nghĩ, hạnh phúc là những điều không phải là khổ đau. Hạnh phúc và khổ đau là hai thứ hoàn toàn trái ngược nhau. Nhưng giờ đây, nhờ Sư phụ khai sáng, chúng con đã nhận ra rằng, hạnh phúc làm bằng chất liệu của khổ đau, và khổ đau cũng làm bằng chất liệu của hạnh phúc. Hạnh phúc cũng vô thường, mà khổ đau cũng vô thường. Vì khổ đau vô thường cho nên khổ đau có thể trở thành hạnh phúc, và hạnh phúc cũng vô thường nên có có thể thành khổ đau. Ta nên biết rằng nếu chưa từng khổ đau, thì chưa chắc chúng ta có cơ hội biết được thế nào là hạnh phúc. Khi có khổ đau mà biết quán chiếu thì chúng ta có thể tạo được hạnh phúc bằng những chất liệu của khổ đau đó. Nói như thế không có nghĩa là ta muốn được hạnh phúc phải tìm kiếm khổ đau, mà là chúng ta nhận diện ra bản chất của khổ đau, và không sợ hãi trước khổ đau. Như vậy, khổ đau và hạnh phúc là hai cặp phạm trù bổ sung cho nhau, làm nhân quả cho nhau.

Không đau khổ lấy chi làm chất liệu Không buồn thương sao biết chuyện con người Không nghèo đói làm sao thi vị hóa Không lang thang sao biết gió mưa nhiều Không hổ thẹn sao biết đời vinh nhục Không đau buồn sao biết nghĩa gian nan Không yêu thương sao biết sầu ly biệt Không hiếu thảo sao biết đạo làm người !!!

Đúng vậy, khi chới với giữa dòng đời bão giông, thì chốn bình yên nhất vẫn là trong bão giông đó, như câu chuyện về sự bình yên: Một vị vua treo giải thưởng cho nghệ sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình yên. Nhiều họa sĩ đã cố công thể hiện tài năng của mình. Nhà vua ngắm tất cả các bức tranh nhưng chỉ thích có hai bức và ông phải chọn lấy một. Một bức tranh vẽ hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ soi bóng những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng mịn màng. Tất cả những ai ngắm bức tranh này đều cho rằng đây là một bức tranh bình yên thật hoàn hảo.

khoa-tu-lan-4447

Bức tranh kia cũng có những ngọn núi, nhưng những ngọn núi này trần trụi và lởm chởm đá. Ở bên trên là bầu trời giận dữ đổ mưa như trút kèm theo sấm chớp. Đổ xuống bên vách núi là dòng thác nổi bọt trắng xóa. Nhưng khi nhà vua ngắm nhìn, ông thấy đằng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của một tảng đá. Trong bụi cây một con chim mẹ đang xây tổ. Ở đó giữa dòng thác trút xuống một cách giận dữ, con chim mẹ đang bình thản đậu trên tổ của mình.

Ta chấm bức tranh này! – Nhà vua công bố: Sự bình yên không có nghĩa là một nơi không có nguy hiểm, bão giông, không tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc. Bình yên có nghĩa ngay chính khi đang ở trong phong ba bão táp ta vẫn cảm thấy sự yên tĩnh trong tâm thức mình. Đó mới chính là sự bình yên đúng nghĩa”.

khoa-tu-lan-4490

Thật đúng là không thể tìm thấy hạnh phúc hay bình yên ngoài xã hội chúng ta đang sống. Như Sư phụ từng dạy:

Tự do là ung dung trong ràng buộc, Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau.

Kính bạch Sư Phụ, con biết rằng, nếu người là thầy thuốc hay, chỉ rõ các bệnh của chúng con, nhưng các con không chịu uống, mà cứ ngồi đọc mãi công dụng và chỉ dẫn của thuốc thì cuối cùng cũng không chữa khỏi bệnh được. Vấn đề bây giờ là của chúng con, phải thực tập, chuyển hóa, khổ đau ngay trong đời này.

khoa-tu-lan-4394

Chúng con biết rằng, con diều muốn lên cao thì phải bay ngược gió. Một mũi tên muốn bay về phía trước thì phải chịu kéo ngược lại phía sau. Sư phụ đã chỉ ra một hướng tư duy mới, một lối sống đầy tích cực cho giới trẻ nói chung và cho các hành giả trong khóa tu lần này nói riêng. Hạnh phúc mà loài người tìm kiếm chính là sự thỏa mãn các dục vọng, nào khác gì đang khát nước lại uống thêm nước biển mặn, chỉ lại càng khát thêm. Hạnh phúc, không phải là một cánh chim bằng xõa cánh trên vùng trời bình yên. Hạnh phúc cũng không phải mảnh trăng đẹp cuối rừng. Đức Phật dạy: hạnh phúc là sự dừng lại trước các dục vọng.

Chúng con đã biết tu học, thực hành theo lời Đức Phật, hiểu rõ nhân quả báo ứng, chúng con không còn than thân, trách phận nữa, không oán trách mẹ cha, không ghen hờn với hoàn cảnh, mà phải biết chuyển hóa nỗi đau khổ thành giải thoát, an lạc ngay trong cuộc sống hiện tại. Lúc này đây, chúng con lại mơ về đóa hoa sen thơm ngát vươn lên từ bùn lầy nước đọng, nở hoa tô thắm giữa cuộc đời.

khoa-tu-lan-4125khoa-tu-lan-4605

Chính nhờ trải nghiệm nhiều nỗi đau khổ trong cuộc sống nên chúng ta dễ cảm thông những nỗi bất hạnh của người khác. Bởi vì, cuộc đời này “sống trong cảnh mới hiểu được người trong cảnh”. Bấy giờ, khi gặp ai đó có nỗi buồn không biết bày tỏ với ai, chúng ta dễ đặt mình trong hoàn cảnh của họ để sẻ chia, để an ủi vỗ về, giúp họ đứng lên sau khi gục ngã. Vì thế, chúng con cảm ơn đau khổ, nhờ đau khổ mà tâm của chúng con rộng mở nhiều hơn, biết quan tâm chia sẻ đến những mảnh đời bất hạnh, và có cơ hội để chúng con tu tập hạnh nhẫn nhục.

khoa-tu-lan-4323

Khóa tu với chủ đề “Con đường bình yên” đã khép lại, nhưng một con đường bình yên mới đã mở ra thênh thang cho bao hành giả. Mỗi hành giả đều luyến tiếc phải chia xa. Vì trong gặp gỡ, đã có mầm mống của sự chia ly. Những nỗi niềm riêng giờ đây là của chung một khi đã được tháo gỡ, trút bỏ, quẳng đi gánh lo âu để sống; lòng nhẹ tênh như những hạt lúa lép phe phẩy trước gió, không như trước đây, chúng con là những hạt lúa nặng trĩu, cam chịu cho thân phận, luôn lặng lẽ cúi đầu. Giờ đây, chúng con lại sợ cảm giác của người ở lại, cảm giác khi nghe tiếng dọn phòng, sắp xếp hành lý, tiếng bước chân khẩn trương, tiếng réo rắt của những cuộc băng keo đang gói chặt những món quà ân tình vang lên khắp các phòng. Chúng con lại phải xa Sư phụ, xa chư tăng Viện Chuyên Tu, lại một lần nữa, chúng con phải tiễn Người.

“Lòng chợt bình yên, mà sao buồn thế”, thưa Sư phụ?!

Incheon, ngày cuối thu

Chúng đệ tử Viện Chuyên Tu tại Hàn Quốc

khoa-tu-lan-4152