Điều kiện học thạc sĩ từ 15/10/2021 theo Thông tư 23

1. Điều kiện học thạc sĩ

Điều 5 Quy chế tuyển sinh và đào tạo thạc sĩ ban hành kèm Thông tư 23 yêu cầu ứng viên dự tuyển thạc sĩ phải đáp ứng các điều kiện sau:(1) Đã tốt nghiệp hoặc đủ điều kiện tốt nghiệp đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) ngành phù hợp. Riêng đối với chương trình định hướng nghiên cứu thì yêu cầu hạng tốt nghiệp từ khá trở lên hoặc có công bố khoa học liên quan đến lĩnh vực sẽ học tập, nghiên cứu.

Trong đó, ngành phù hợp là ngành đào tạo ở trình độ đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) trang bị nền tảng chuyên môn cần thiết để học tiếp chương trình đào tạo thạc sĩ của ngành tương ứng, được quy định cụ thể trong chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo thạc sĩ.

Cơ sở đào tạo quy định những trường hợp phải học bổ sung trước khi dự tuyển.

Đối với các ngành quản trị và quản lý được đào tạo theo chương trình thạc sĩ định hướng ứng dụng, ngành phù hợp ở trình độ đại học bao gồm các ngành liên quan trực tiếp tới chuyên môn, nghề nghiệp của lĩnh vực quản trị, quản lý.

(2) Có năng lực ngoại ngữ từ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Cụ thể, ứng viên phải có một trong các văn bằng, chứng chỉ sau:

  • Bằng tốt nghiệp độ đại học trở lên ngành ngôn ngữ nước ngoài; hoặc bằng tốt nghiệp đại học trở lên mà chương trình được thực hiện chủ yếu bằng ngôn ngữ nước ngoài;
  • Bằng tốt nghiệp đại học trở lên do chính cơ sở đào tạo cấp trong thời gian không quá 02 năm mà chuẩn đầu ra đã đáp ứng yêu cầu ngoại ngữ đạt trình độ từ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

  • Một trong các văn bằng hoặc chứng chỉ ngoại ngữ đạt trình độ tương đương từ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

(3) Đáp ứng các yêu cầu khác của chuẩn chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục ban hành và theo quy định của chương trình đào tạo.

Trường hợp ứng viên là người nước ngoài

Ngoài các điều kiện trên, khoản 4 Điều 5 còn quy định, nếu công dân nước ngoài đăng ký theo học thạc sĩ bằng tiếng Việt thì phải đạt trình độ tiếng Việt từ Bậc 4 trở lên theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài hoặc đã tốt nghiệp đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) giảng dạy bằng tiếng Việt.

Bên cạnh đó, có thể còn phải đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ thứ hai theo quy định của cơ sở đào tạo (nếu có).

Đối với chương trình đào tạo bằng tiếng nước ngoài

Bên cạnh các điều kiện chung, theo khoản 5 Điều 5, trong trường hợp chương trình đào tạo được dạy và học bằng tiếng nước ngoài, ứng viên phải có một trong những văn bằng, chứng chỉ sau đây:

– Bằng tốt nghiệp đại học trở lên ngành ngôn ngữ sử dụng trong giảng dạy; hoặc bằng tốt nghiệp đại học trở lên mà chương trình được thực hiện chủ yếu bằng ngôn ngữ sử dụng trong giảng dạy;

– Một trong các văn bằng, chứng chỉ của ngôn ngữ sử dụng trong giảng dạy đạt trình độ tương đương từ Bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

2. Quy định về tổ chức tuyển sinh đào tạo sinh thạc sĩ

Theo Điều 6 Quy chế ban hành kèm Thông tư 23, cơ sở đào tạo quyết định có thể tổ chức tuyển sinh trình độ thạc sĩ một hoặc nhiều lần trong năm khi đáp ứng đủ điều kiện bảo đảm chất lượng thực hiện chương trình đào tạo thạc sĩ theo quy định hiện hành.

Trong đó, phương thức tuyển sinh do cơ sở đào tạo quyết định bao gồm thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.

Ngoài ra, khi đáp ứng những điều kiện bảo đảm chất lượng để kết quả đánh giá tin cậy và công bằng như đối với tuyển sinh trực tiếp, thì cơ sở đào tạo được tổ chức tuyển sinh trực tuyến.

Trên đây là các quy định về điều kiện học thạc sĩ từ ngày 15/10/2021. Nếu có thắc mắc cần giải đáp về lĩnh vực giáo dục, bạn đọc liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.

>> 11 điểm mới trong Quy chế tuyển sinh đào tạo thạc sĩ theo Thông tư 23