Cách cảm thụ và phân tích một bài thơ trong Văn học lớp 9

Học sinh hiện nay không được dạy phương pháp phân tích tác phẩm một cách tổng quan. Mà chỉ được dạy cách phân tích đơn lẻ từng tác phẩm. Điều này khiến cho môn văn trở nên khô khan, nặng nề. Novateen sẽ giúp bạn nắm được cách cảm thụ và phân tích một bài thơ trong Văn học lớp 9.

5 lưu ý cần biết khi làm bài cảm thụ và phân tích một bài thơ trong Văn học lớp 9

Học sinh cần nắm vững những kiến thức sau:

  • Thông tin về tác giả ( Tên, bút danh, năm sinh, quê quán, sự kiện chính trong đời có ảnh hưởng đến phong cách sáng tác,..)
  • Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm ( Có những sự kiện nào tác động/ ảnh hưởng đến sự ra đời của tác phẩm?)
  • Thể thơ (thể tự do, lục bát, thất ngôn bát cú, thơ 5 chữ,…)
  • Giọng điệu của bài thơ, ngôn ngữ được sử dụng (ngôn ngữ bình dân hay ngôn ngữ bác học,…)
  • Bố cục của bài thơ ( Bài thơ nên chia thành mấy phần? Nội dung chính của từng phần? )

Đọc thêm>>> Cách làm bài phân tích nhân vật trong Ngữ Văn lớp 9

Học giỏi Ngữ Văn phụ thuộc vào cách cảm thụ và phân tích tác phẩm văn học
Học giỏi Ngữ Văn phụ thuộc vào cách cảm thụ và phân tích tác phẩm văn học

Không thể làm bài văn phân tích nếu thiếu những yếu tố sau:

Sau khi nắm vững 5 lưu ý khi cảm thụ và phân tích một bài thơ. Các em cần chuẩn bị cho mình những thông tin sau trước khi tiến hành viết bài:

  • Thuộc thơ và nắm được nội dung chính của tác phẩm
  • Ý nghĩa chi tiết nghệ thuật trong việc thể hiện giá trị nội dung của tác phẩm
  • Liên hệ một số tác phẩm cùng đề tài/ thời đại để so sánh. Làm bật giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.

Cách cảm thụ và phân tích một bài thơ trong Văn học lớp 9

Mục đích sau cùng của cảm thụ văn học là học sinh phải biết phân tích cái hay của nghệ thuật văn chương. Nếu đưa cho các em một tác phẩm ngoài sách giáo khoa rất ít học sinh chủ động phân tích được.

Nguyên nhân là các em lớp 9 không được dạy phương pháp phân tích tổng quan. Mà chỉ được dạy cách phân tích đơn lẻ từng tác phẩm. Hoặc máy móc học thuộc ý chính giáo viên đưa ra. Khiến cho môn văn trở nên khô khan, nặng nề.

Như vậy, học văn sai phương pháp sẽ làm mất khả năng cảm thụ và phân tích tác phẩm văn học.

Thế nào là cảm thụ và phân tích một bài thơ?

  • Cảm thụ là học sinh dựa vào giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Lựa chọn những câu thơ đắt giá để cảm nhận, lí giải. Khi cảm thụ một bài thơ học sinh cần thiên về cảm xúc. Đặt mình vào cái tôi tác giả để cảm nhận tác phẩm theo ý hiểu của học sinh.
  • Phân tích: Học sinh dựa vào câu từ của tác phẩm để tìm ra nội dung chính. Phân tích, lí giải giá trị tư tưởng của tác phẩm.

Quy trình phân tích một tác phẩm thơ

  • Xác định yêu cầu đề bài
  • Xây dựng luận điểm chính
  • Xây dựng các luận cứ dựa vào từng luận điểm
  • Vận dụng các thao tác (bình luận, phân tích, chứng mình,…)
  • Lựa chọn kiến thức cần vận dụng phù hợp với yêu cầu của đề.
  • Lập dàn: Đảm bảo đầy đủ về bố cục 3 phần của bài viết

– Mở bài:

Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm. Dẫn dắt vào yêu cầu của đề. Có thể mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp.

– Thân bài:

+ Triển khai luận điểm thành các đoạn văn

+ Triển khai thành ít nhất 4 đến 5 đoạn văn theo hình thức diễn dịch hoặc quy nạp

+ Sắp xếp các đoạn văn theo thứ tự logic hợp lí

+ Khái quát giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Cần biết lựa chọn các từ ngữ “ đắt ” tác giả sử dụng. Phân tích làm nổi bật giá trị nội dung/ giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

– Kết bài:

Khẳng định lại vấn đề vừa cảm thụ/ phân tích

Hướng dẫn bài văn mẫu cảm thụ và phân tích một bài thơ trong Văn học

Đề bài: Cảm thụ và phân tích đoạn trích “Cảnh ngày xuân” trích “Truyện Kiều” (Nguyễn Du)

Hướng dẫn lập dàn ý:

I. Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm. Dẫn dắt vào yêu cầu của đề.

– Nguyễn Du (1765-1820) tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê ở Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

– Bằng tài năng nghệ thuật thiên phú và tấm lòng nhân đạo sâu sắc, ông đã để lại cho đời những tuyệt tác văn chương lỗi lạc. Tiêu biểu nhất phải kể đến tác phẩm “Truyện Kiều”. Truyện Kiều là truyện thơ Nôm gồm có ba phần chính.

– Đoạn trích “Cảnh ngày xuân” nằm ở phần một: Gặp gỡ và đính ước. “Cảnh ngày xuân” là bức tranh thiên nhiên, lễ hội mùa xuân tươi đẹp được vẽ nên nhờ bút pháp miêu tả giầu chất tạo hình của Nguyễn Du.

II. Thân bài: Cảm thụ và phân tích đoạn trích Cảnh ngày xuân
  1. Vị trí đoạn trích:

– Cảnh ngày xuân nằm ở phần mở đầu của tác phẩm Truyện Kiều: Gặp gỡ và đính ước.

– Nội dung chính: miêu tả cảnh ngày xuân vô cùng xinh đẹp và náo nhiệt. Đoạn trích cũng hàm ẩn dự báo về những bi kịch cuộc đời của nàng Kiều “hồng nhan bạc mệnh”.

  1. Khung cảnh ngày xuân:

Hình ảnh “con én”: tác giả vừa gợi tả mùa xuân đến, vừa nói là thời gian trôi qua nhanh.

– Những hình ảnh cỏ xanh, hoa trắng làm cho bức tranh mùa xuân hiện lên diễm lệ và tươi đẹp.

– Không gian thoáng đạt, nhộn dịp của lễ hội. Cảnh mùa xuân hiện ra rất xinh đẹp và thơ mộng.

  1. Cảnh lễ hội trong tiết thanh minh:

– Không khí rất rộn ràng, náo nhiệt

– Tâm trạng con người nô nức

– Nổi bật lên không khí của tiết thanh minh đầu xuân. Đó cũng là lễ tảo mộ – một truyền thống của người Việt.

  1. Cảnh chị em Kiều chơi xuân trở về:

– Cảnh vật nhạt dần, bớt ồn ào náo nhiệt. Trả lại không gian thơ mộng , trữ tình.

– Con người càng thưa thớt hẳn

– Linh cảm những bi kịch cuộc đời của nàng Kiều “hồng nhan bạc mệnh”.

III. Kết bài:

Nêu cảm nghĩ của em về đoạn trích cảnh ngày xuân

Truyện Kiều là bài thơ hay được sử dụng trong các đề thi vào lớp 10
Truyện Kiều là bài thơ hay được sử dụng trong các đề thi vào lớp 10

Triển khai thành bài văn mẫu:

Nguyễn Du (1765-1820) tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê ở Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Bằng tài năng nghệ thuật thiên phú và tấm lòng nhân đạo sâu sắc, ông đã để lại cho đời những tuyệt tác văn chương lỗi lạc. Tiêu biểu nhất phải kể đến tác phẩm “Truyện Kiều”. Truyện Kiều là truyện thơ Nôm gồm có ba phần chính. Đoạn trích “Cảnh ngày xuân” nằm ở phần một: Gặp gỡ và đính ước. “Cảnh ngày xuân” là bức tranh thiên nhiên, lễ hội mùa xuân tươi đẹp được vẽ nên nhờ bút pháp miêu tả giầu chất tạo hình của Nguyễn Du.

Đoạn trích “Cảnh ngày xuân” nằm ở phần mở đầu của tác phẩm Truyện Kiều: “Gặp gỡ và đính ước”. Qua đoạn thơ, Nguyễn Du đã vẽ lên bức tranh thiên nhiên và lễ hội mùa xuân trong tiết Thanh minh thật tươi sáng, sống động. Đây là đoạn thơ dẵn dắt hoàn cảnh để Thúy Kiều gặp Kim Trọng và bắt đầu mối tình đầy sóng gió.

Trước hết, ở bốn câu thơ đầu, với nghệ thuật chấm phá độc đáo tả ít gợi nhiều. Nguyễn Du đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp, giàu sức xuân:

Ngày xuân con én đưa thoi

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi

Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Hai câu thơ đầu vừa có sức gợi về thời gian, lại vừa có sức gợi về không gian. Ngày xuân thấm thoát trôi qua thật nhanh như thoi đưa. Cả mùa xuân có chín mươi ngày thì nay đã qua tháng giêng, tháng hai và bước sang tháng thứ ba. Ánh sáng của ngày xuân nhẹ nhàng, trong veo, lan tỏa, trải dài khắp muôn nơi. Trên nền trời cao là những đàn chim én mùa xuân đang chao nghiêng bay lượn. Dưới mặt đất là một thềm cỏ xanh non bất tận chạy ra xa tít tắp.

Động từ “tận” làm cho không gian mùa xuân như đang giãn nở. Ngày càng mở rộng ra biên độ và bao trùm cả không gian xuân là một màu xanh biếc của cỏ lá. Trên nền cỏ xanh tươi ấy là những bông hoa lê điểm vài sắc trắng gợi lên sự tinh khôi, mới mẻ. Biện pháp đảo ngữ có tác dụng tô đậm thêm và làm nổi bật hơn sức trắng của hoa lê trên nền cỏ mùa xuân. Chỉ bằng bốn câu thơ ngắn gọn nhưng dưới ngòi bút và cách miêu tả thần tình, Nguyễn Du đã tạo nên một bức tranh xuân tinh khôi, trong trẻo, thanh khiết và giàu sức sống, mang đậm hơi thở của hồn xuân đất Việt.

Tám câu thơ tiếp theo khung cảnh lễ – hội trong tiết thanh minh mùa xuân được vẽ nên thật chân thực. Trong hai câu thơ đầu, tác giả đã giới thiệu khái quát về hoạt động chính của mùa xuân: Lễ tảo mộ và hội đạp thanh trong tiết tháng ba mùa xuân.

Thanh minh trong tiết tháng ba

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh

Lễ tảo mộ là một nét đẹp văn hóa. Nó biểu trưng cho đạo lí biết ơn, tri ân tiên tổ. Thông qua việc sửa sang phần mộ của gia đình người thân đã khuất. Sau khi lễ hội tảo mộ diễn ra xong. Thì đây cũng là cơ hội cho những trai tài gái sắc được gặp gỡ, hẹn hò, giao duyên trong lễ hội đạp thanh. Không khí tưng bừng, nhộn nhịp và tấp nập trong những ngày lễ hội mùa xuân đã được Nguyễn Du miêu tả qua hệ thống những từ ngữ giàu tính tạo hình và biểu cảm:

Gần xa nô nức yến anh

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân

Dập dìu tài tử giai nhân

Ngựa xe như nước áo quần như nêm.

Từ ghép “gần xa”, “yến anh”, “chị em”, “ngựa xe”, “áo quần” kết hợp với các từ láy “nô nức”, “dập dìu”, “sắm sửa” có tác dụng gợi nên không khí hội xuân hết sức đông vui, rộn ràng. Hình ảnh ẩn dụ “nô nức yến anh” gợi lên hình ảnh từng đoàn người nhộn nhịp đi du xuân như chim én, chim oanh xôn xao, náo nức, tình tứ. Phép so sánh “Ngựa xe như nước; áo quần như nêm” miêu tả những đoàn người trong hội xuân rất nhộn nhịp. Từng đoàn, từng đoàn người chen vai ních cánh đi trẩy hội, đông vui, rộn ràng.

Bằng việc sử dụng các biện pháp tu từ ẩn dụ, so sánh, kết hợp với hệ thống những từ ngữ giàu tính chất tạo hình và biểu cảm. Nhà thơ đã gợi lên một không khí mùa xuân vừa đông vui, tấp nập. Lại vừa tình tự và duyên dáng khi có sự góp mặt của các nam thanh nữ tú, trai tài, gái sắc.

Trong ngày hội xuân ấy không chỉ có niềm vui. Mà còn có những khoảng lặng của lễ tảo mộ thể hiện qua hai câu thơ:

Ngổn ngang gò đống kéo lên

Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay

Nếu Hội đạp thanh hiện lên với không khí hết sức tươi vui, rộn rã, náo nức. Thì Lễ tảo mộ lại gợi một chút đượm buồn và hướng tới đạo lí tốt đẹp ở đời qua hành động rắc thoi vàng và đốt vàng mã cho người đã khuất. Đó là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và lối sông ân nghĩa, thủy chung tốt đẹp của văn hóa dân tộc.

Qua tám câu thơ, tác giả đã khắc họa thành công truyền thống văn hóa lễ hội mùa xuân của dân tộc. Đồng thời, đây cũng là một dụng ý nghệ thuật sâu sắc của tác giả. Tác giả đã mượn ngày hội lớn làm bối cảnh, tiền đề để miêu tả cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa Thúy Kiều và Kim Trọng.

Đến sáu câu thơ cuối, bằng nghệ thuật “tả cảnh ngụ tình”, Nguyễn Du đã miêu tả thời điểm kết thúc của ngày hội xuân thấm đượm hồn người một chút buồn xao xuyến. Đó là khung cảnh chị em Kiều du xuân trở về:

Tà tà bóng ngả về tây

Chị em thơ thẩn dan tay ra về

Bước dần theo ngọn tiểu khê

Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh

Nao nao dòng nước uốn quanh

Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

Muốn cảm thụ và phân tích tốt cần nhiều yếu tố
Muốn cảm thụ và phân tích tốt cần nhiều yếu tố

Cảnh vẫn mang cái dịu nhẹ, êm đềm của ngày xuân nhưng bóng dương đã “tà tà ngả về tây”. Khung cảnh náo nức, tưng bừng của ngày hội xuân cũng đã kết thúc. Trong lòng người xen lẫn những xúc cảm bâng khuâng, xao xuyến. Cảnh vật không gian đã được co gọn lại trong bước chân của người ra về, của dòng nước tiểu khê và chiếc cầu nho nhỏ.

Những từ láy “nao nao”, “tà tà”, “thơ thẩn”, “thanh thanh” không chỉ có tác dụng miêu tả trạng thái của cảnh vật. Mà còn biểu lộ tâm trạng của con người: lưu luyến, bịn rịn, bâng khuâng hoàn toàn đối lập với không khí với ngày lễ hội mùa xuân vào buổi sáng sớm. Đồng thời gieo vào lòng người đọc những linh cảm về một điều sắp sửa xảy ra. Đó là sự dự báo trước cuộc gặp gỡ nấm mồ Đạm Tiên. Và sự gặp gỡ của hai con người trai tài gái sắc: Thúy Kiều – Kim Trọng.

Với bút pháp tả cảnh ngụ tình, kết hợp với việc sử dụng hệ thống những từ láy, hình ảnh giàu tính tạo hình và biểu cảm. Tác giả đã khắc họa bức tranh chiều tà trong ngày hội xuân thấm đượm tâm trạng của con người nhân vật. Qua đó cho thấy được tài năng miêu tả tâm trạng con người của Nguyễn Du.

Nếu như trong “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân. Tác giả chỉ có đúng một câu dẫn dắt “một hôm nhằm vào tiết Thanh minh…” Để rồi sau đó kể về cuộc gặp gỡ nấm mồ Đạm Tiên và Kim Trọng. Nhưng Nguyễn Du đã dựa vào đó vẽ lên một bức tranh xuân thắm bằng thơ, với vẻ đẹp riêng, mang đậm cảnh xuân đất trời nước Việt.

Như vậy, qua đoạn trích “Cảnh ngày xuân”, chúng ta thấy được tài năng nghệ thuật tả cảnh ngụ tình hết sức độc đáo của Đại thi hào Nguyễn Du. Dưới ngòi bút sáng tạo thần tình, cùng những dung cảm nghệ thuật độc đáo về mùa xuân. Nguyễn Du đã phác họa thành công một bức tranh thiên nhiên, lễ hội mùa xuân tươi đẹp, trong sáng và sống động, thấm đượm lòng người.

Để tránh học Văn sai phương pháp. Học nhiều như kiến thức chẳng được bao nhiêu. Trên đây, Novateen đã giúp bạn nắm được cách cảm thụ và phân tích một bài thơ trong Văn học.

NovaTeen – Học là Giỏi Thi là Đỗ

Địa điểm: Novaedu – Tầng 2 – Tòa A – số 22 – Thành Công – Ba Đình – Hà Nội.

ĐẶC BIỆT: Trải nghiệm 2 buổi học đầu tiên miễn phí.

Hotline tư vấn miễn phí: 098.949.2020