Cách chọn chim chích chòe lửa tốt – Dogily Petshop – Bán chó mèo cảnh, thú cưng Tphcm, Hà nội

Nuôi một con chim hót, dù biết cái “thân phận” nó nhỏ nhoi, nhưng ai cũng coi đó là thứ quí hiếm, là vật trang trí góp phần làm tăng sự sang trọng cho ngôi nhà nhỏ của mình.

Khi chọn một con chim để nuôi, dù là giống chim gì, nghệ nhân nào cũng cố chọn cho mình một chú chàng có vóc dáng điệu bộ thật tốt đúng với sở thích của mình mới mãn nguyện!

Với Chích Chòe Lửa, người ta lại càng chọn lựa kỹ hơn, vì Chích Chòe Lửa khác với Chích Chòe Than, có con đuôi dài, có con đuôi ngắn; có con thân lớn, có con lại thon mình… Mà khổ nỗi, để riêng ra từng’con một thì con nào cũng có vẻ đẹp riêng, chim nào cũng xứng đáng để cho mình nuôi cả!

Với Chích Chòe Lửa, thường giới chơi chim cảnh phân loại như sau:

– Chim nhỏ con (thân mình thon nho).

– Chim lớn con (vì có thân to).

– Chim đuôi dài (từ mười lăm phân trở lên).

– Chim đuôi ngắn (từ mười lăm phân trở lại).

Đó là cách chọn từng phần. Nhưng ý thích của người nuôi chim không chịu dừng ở đó:

– Có người muôn chọn con chim thân mình nhỏ mà đuôi thật dài, vì cho như vậy nó mới có vẻ đẹp thướt tha.

– Có người thích chọn con chim minh to nhỏ gì cũng được, miễn là đuôi ngắn để mỗi khi chim kêu “pặc! pặc!” thì cái đuôi giựt mạnh lên cao ra vẻ hùng dũng, mạnh bạo (chim đuôi dài vì nặng, nên đuôi không thể đánh cao lên được).

– Có người lại thích nuôi Chích Chòe Lửa mình nhỏ đuôi ngắn, cho như vậy mới đồng thanh đồng thủ…

Ý thích chọn con chim Chích Chòe Lửa quả thật là mỗi người mỗi khác, không ai giống ai.

Thật ra, chọn được con chim để nuôi đúng với ý muốn của mình là việc nên làm. Vì một khi có ưng ý ta mới tận tâm chăm sóc cho con chim đến nơi đến chốn được.

Thế nhưng, chúng ta nên nhớ một điều, chủ quan như vậy không phải là một điều hay, vì nếu đi dự thi hót, con chim thí sinh được chấm đồng điểm trong cả ba phần:

– Giọng hót.

– Điệu bộ.

– Vóc dáng.

Giọng hót là tài riêng của mỗi con chim, hay hoặc dở là điều ai cũng có thể nhận ngay được. Nhưng phần điệu bộ và vóc dáng thì liệu đánh giá chủ quan theo cách của mình có được hay không? Con chim của mình nuôi, tự mình cho là đẹp, nhưng khi ra trường, trước Ban Giám Khảo, trước hàng trăm khán giả đố dồn mắt vào để phân tích, liệu mình lúc đó có bảo vệ được quan điểm chủ quan của mình cho con chim được hay không? Hỏi tức là đã trả lời rồi vậy.

Vì vậy, khi chọn cho minh con Chích Chòe Lửa để nuôi (hay bất kỳ một con chim nuôi thi hót, thi đá nào khác cũng vậy), ta cần phải có những nhận định khách quan. Như vậy có lẽ cũng chưa đủ, nên cần có sự góp ý của những người có nhiều kinh nghiệm trong nghề hơn mình, thì may ra mới chọn được con chim tốt mọi mặt để nuôi cho khỏi phí công, tốn của.

– Chọn vóc dáng: Vóc dáng con chim tốt xấu như thế nào là do trời sinh ra nó như vậy. Chủ nuôi dù tài tình khéo léo đến đâu cũng không sao sửa đổi được, dù là một chi tiết nhỏ nào đó. Theo kinh nghiệm của số đông nghệ nhân nuôi chim lâu năm thì họ đánh giá vóc dáng con Chích Chòe Lửa gọi là đẹp theo những tiêu chuẩn sau đây:

– Phải là chim ngũ trường: tức là năm phần đầu, mỏ, chân mình, đuôi đều dài cả mới là chim có dáng đẹp.

– Nếu không ngũ trường thì ngũ đoản cũng tốt. Tức là năm phần đầu, mình, chân, đuôi, mỏ đều ngắn hết. Con chim vóc dáng như vậy trông rất gọn gàng.

– Chim thon mỏ nhỏ đầu: Chim đầu nhỏ trông nhanh nhẹn hơn. Còn thon mỏ là mỏ ngắn mà đầu chót mỏ không cong quặp xuống như mỏ diều hâu. Mỏ chim như vậy thường dày và mạnh, vừa hót hay vừa đá giỏi.

– Bộ lông toàn thân mượt mà vì là lông mới thay. Bộ lông này ép sát vào mình khiến con chim thon mình trông gọn gàng đẹp đẽ hơn. Lông cánh và lông đuôi không gãy. Đuôi to bản mới tốt.

Như vậy là đầu chim to hay nhỏ, đuôi dài hay ngắn không được coi là chi tiết quan trọng.

– Chọn điệu bộ: Điệu bộ của mỗi con chim cũng chẳng khác nào thói tật của con người. Có con điệu bộ tốt có con điệu bộ xấu.

Một phần là do bẩm sinh, một phần là do chim học hỏi được ở những chim khác, theo kiểu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Vì vậy, nếu chủ nuôi kiên tâm trì chí và khéo léo trong việc tập tành sửa đổi thì có thể giúp chim bỏ dần được những điệu bộ xấu mà học hỏi được những điệu bộ tốt được. Với chim con nuôi lên, thì điều này không khó lắm, nhưng với chim bổi mua về thì chỉ có cách loại bỏ mà thôi.

Chích Chòe Lửa có điệu bộ sau đây, được đánh giá là tốt:

– Khi đứng hót đầu ngẩng cao, tỏ khí thế tự tin ở tài sức của minh.

– Cánh xệ như gà tre sung độ, nói lên sự hùng dũng, không khuất phục trước đối thủ nào.

– Giựt đuôi (đánh đuôi) mạnh bạo. Tiếng kêu “pặc!pặc” đanh thép.

– Khi hót, hai chân đứng thẳng lên (cao cầu) và dạng chân ra, tạo thế đứng vững vàng.

– Không bay loạn xạ trong lồng như chim bổi, chim nhát, khiến bộ lông đuôi bị tưa, xước.

– Không đứng trên cóng, hoặc ngủ trên cóng.

– Không đứng mãi một chỗ trên cầu mà phải xoay trở linh động.

– Không cắn phá lông đuôi (trừ trường hợp chim có rận mạt tấn công…)

– Về việc sửa đổi tính xấu của chim thì mỗi nghệ nhân có cách riêng của họ. Nhưng, thường là do áp dụng những mẹo vặt để giúp chim bỏ thói quen cũ mà tập tành thói quen mới.

Chẳng hạn trừ bỏ việc chim đứng cóng, thì hạ thấp cóng ăn có cóng uống xuống mức thấp, bằng hay dưới mức cao của cần đậu. Giống chim thì thích đậu nơi cao ráo chứ không chịu đậu cành thấp. Nếu cóng bị hạ xuống thấp thì nó lại đậu trên cầu, và đậu lâu ngày sẽ quen. Cũng như chim Sơn Ca, nhiều con không chịu bay lên dù mà đứng, thế mà cũng có cách tập cho nó bỏ tánh xấu này được không khó khăn lắm (Xin đón đọc Kỹ thuật nuôi chim Sơn Ca của Việt Chương).

Vóc dáng của con chim thì có thể nhìn sơ qua một đôi lần là có thể đánh giá tốt xấu ra sao được dễ dàng. Nhưng, chọn điệu bộ thì phải “tiếp cận”con chim nhiều lần, hoặc nhiều ngày thì mới nắm vững được. Vì nhiều con có ẩn tướng cả tốt lẫn xấu thỉnh thoảng mới xuất đầu lộ diện ra.

Tất nhiên, ta không nên vội tin vào lời lẽ của người bán, vì cả tin vào lời “thật thà lái trâu” thì có… khả năng rước con chim xấu về nuôi!

Ngoài ra, ta phải chọn con chim nào có giọng hót thật hay mà nuôi, hay ít ra cũng đoán biết được giọng hót của nó có triển vọng đến mức nào trong tương lai.

Con chim có giọng hót hay không chỉ là con chim siêng hót, mà hót được nhiều giọng, và chuyển đổi giọng một cách tài tình, khiến người nghe phải say mê theo dõi mãi. Phải chịu khó theo dõi con chim để nghe nó hót nhiều lần trong ngày như sáng, trưa, chiều ra sao. Có khi phải theo dõi liên tiếp nhiều ngày để biết rõ được mặt xấu mặt tốt ở điểm nào… để khi mua về còn liệu cách mà tập dượt có hiệu quả hơn.

Điều sau cùng, chúng tôi xin được phép đề nghị với quí vị là nên chọn con chim tốt mà nuôi, nếu mình có đủ khả năng để làm việc đó.

Thà là nuôi ít mà toàn là chim tốt, còn hơn là nuôi số nhiều mà con nào cũng không được vừa ý…