Mặn đắng nghề làm muối

Nước mắt diêm dân

Với hơn 105 km bờ biển cộng với thời tiết gần như nắng nóng quanh năm, Ninh Thuận được xem là một trong những “vựa” muối lớn nhất nước, sản lượng hằng năm đạt hơn 250 nghìn tấn.

Trong tổng số hơn 2.371 ha đất làm muối của cả tỉnh, có 540 ha muối thực phẩm. Từ đầu năm đến nay, Ninh Thuận không có mưa, cho nên số giờ nắng và nhiệt độ tăng cao, làm cho hơi nước bốc mạnh, muối kết tinh nhanh và đạt sản lượng cao gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, giá muối giảm mạnh khiến diêm dân phải lao đao.

Chúng tôi đến đồng muối thực phẩm (còn gọi là muối đất, muối nền, muối ăn) của diêm dân thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Nắng vừa lên, dưới những ruộng muối đã kết tinh, chủ ruộng và người cào muối thuê đang thu hoạch. Sau hơn một giờ, trên các khoảnh đất nhỏ gần ruộng sản xuất của nhiều diêm dân là những “núi” muối. Các chủ ruộng vội vàng gọi điện thoại thông báo cho chủ “vựa” để bán, nhưng ngay sau đó, nhiều người tỏ vẻ thất vọng, vì chủ “vựa” không thu mua nữa, do không còn chỗ chứa.

Ông Trần Văn Xiên ở khu phố Ninh Chữ 1, thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải than thở: “Muối rớt giá thảm hại thế này chắc phải bỏ ruộng và kiếm việc khác làm thôi”.

Cạnh đó, chị Phan Thị Hương cũng ngán ngẩm nói: “Hiện giá muối chỉ từ 300 đến 400 đồng/kg, diêm dân đang lỗ nặng. Không chỉ rớt giá, muối còn tồn đọng khiến chúng tôi khốn khổ vì không có tiền trả nợ vay ngân hàng và trả tiền thuê cào muối cho nhân công”. Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Bé ở Tri Hải, phân tích cặn kẽ: Tôi làm gần ba sào muối, sẽ cho diện tích thu muối thực phẩm là hơn nửa sào. Chi phí thuê người trang đất, đầm nền cho mặt ruộng bằng phẳng trước khi vào vụ sản xuất là hai triệu đồng. Sau 15 ngày muối kết tinh, phải thuê sáu công (120 nghìn đồng/công) cào muối.

Diêm dân Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi) thu hoạch muối.

Tuy thu được sáu tấn muối nhưng với giá bán 300 nghìn đồng/tấn, tui lỗ đến 920 nghìn đồng/tấn, xót lòng lắm”.

Nổi tiếng không kém đồng muối Ninh Thuận là vùng muối Sa Huỳnh ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi). Cánh đồng muối Sa Huỳnh hiện có diện tích hơn 113 ha với gần 600 hộ tham gia sản xuất, mỗi vụ cho năng suất hàng trăm nghìn tấn muối chất lượng tốt. Từ lâu, hạt muối Sa Huỳnh theo chân người đi khắp mọi miền của đất nước, đượm vào trong câu hát ngọt ngào: “Muối Sa Huỳnh mặn mà tha thiết”… Nhưng giờ đây, hương vị của hạt muối “đắng” hơn rất nhiều.

Đưa tay lau vội giọt mồ hôi hòa với vị mặn của muối trên gương mặt, chị Trần Thị Mỹ Yến, thôn Long Thành 1, xã Phổ Thạnh buồn rầu kể: “Mặt hàng gì cũng lên giá, nhưng riêng muối giá lại xuống thấp. Làm muối vất vả quá mà bán giá thấp nên khó khăn lắm. Mới đầu vụ muối, nhưng hiện giờ giá chỉ còn 175 đến 700 đồng/kg tại ruộng, chỉ bằng 1/4 giá muối mọi năm”.

Không chỉ muối làm theo cách truyền thống, phơi trên nền bùn đất mới rớt giá, mà ngay cả muối được sản xuất trên nền xi-măng hay nền bạt cũng chịu chung số phận. Bà Trần Thị Tân ở thôn Tri Thủy 2, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) là người được đào tạo bài bản và am hiểu kỹ thuật sản xuất muối, người tiên phong thực hiện mô hình “sản xuất muối trải bạt trên ruộng” và đang là tổ trưởng tổ hợp tác muối của xã cho biết: “Mỗi năm, diện tích ruộng muối 10 ha cho thu hoạch hơn 400 tấn muối sạch và cung ứng sản phẩm cho nhiều khách hàng tại Hà Nội, nhưng giá muối năm nay sụt giảm chung, cho nên giá muối sạch cũng rớt theo. Mà mỗi ha muối sản xuất theo công nghệ trải bạt, chi phí đầu tư lên tới hơn một tỷ đồng, cho nên với giá bán muối thấp như hiện nay, khả năng hoàn vốn của chúng tôi rất khó khăn”.

Theo ông Nguyễn Duy Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi), toàn xã có khoảng 11 ha (chiếm 10% tổng diện tích muối) được người dân đầu tư làm muối sạch nhưng năm nay muối sạch cũng khó bán. Một số hộ đã buộc phải gánh muối đi bán dạo để lấy chỗ cho loạt vụ mới.

Quy hoạch lại nghề muối

Để có được những bao muối trắng đem bán, nhiều diêm dân phải ra đồng từ lúc 5 giờ sáng để làm ruộng, đầm đất, té cát rồi đợi khoảng 8 đến 9 giờ sáng dẫn nước vào ruộng. Nước vào ruộng rồi, ngày nào cũng phải liên tục dùng trang đẩy nước để bảo đảm ruộng không bị khô, nếu không hạt muối sẽ đen, giá bán rẻ như cho. Đến ngày thứ 3, khi muối kết tinh đủ, mới bắt đầu cào thu hoạch. Với những nghề khác, người ta làm khi trời râm mát thì với diêm dân, những lúc nắng to nhất là lúc ra ruộng để làm muối. Thậm chí, nhiều người phải mang cơm theo và ăn ngay trên đồng ruộng dưới cái nắng như thiêu đốt. Vất vả như thế, nếu muối được giá, diêm dân cũng phấn khởi, đằng này giá muối rẻ như bèo, khiến nhiều diêm dân phơi ruộng. Thông thường, tháng 4 là tháng làm muối rộ, thế nhưng trên đồng muối Sa Huỳnh giờ cũng chỉ thấy vài chục diêm dân ra đồng làm muối. Ông Nguyễn Văn Ba ở thôn Long Thạnh, nói: “Nghề làm muối, diêm dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cũng chỉ để lấy công làm lời, thế nhưng giá bán muối không đủ công sức bỏ ra thì làm sao mà làm nổi. Tôi hiện có hai sào ruộng muối, do giá thu mua quá thấp nên đành bỏ, chắc phải chờ khi nào giá cao mới làm lại”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nguyên nhân sụt giảm giá muối hiện nay một phần là do lượng muối tồn từ năm trước đến nay lên đến hàng trăm nghìn tấn.

Nhưng nhiều công ty hoạt động ở lĩnh vực này vẫn được phép nhập khẩu muối từ nước ngoài về. Bề ngoài họ cho rằng, chỉ sản xuất muối công nghiệp, nhưng thực tế đều chế biến muối ăn và cung cấp cho nhiều siêu thị kinh doanh.

Chính vì thế, muối truyền thống (gọi là muối ăn, muối hầm) của diêm dân dần bị mất thị trường tiêu thụ. Câu chuyện này đã được nói đến từ hàng chục năm nay nhưng dường như vẫn chưa có câu trả lời xác đáng từ các cơ quan chức năng, cho nên muối nhập vẫn cứ nhập, muối của diêm dân tồn đọng vẫn cứ tồn đọng! Trong khi đó, chủ trương xây dựng các nhà máy chế biến muối chất lượng cao, hoặc chưa được triển khai, hoặc đã hoàn thiện nhưng lại chịu cảnh “đắp chiếu”. Nhà máy muối tinh chất lượng cao ngay cạnh cánh đồng muối Sa Huỳnh là một thí dụ.

Nhà máy được đầu tư năm tỷ đồng xây dựng, công suất 120 nghìn tấn/năm, từng đem đến hy vọng cũng như tạo động lực cho nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư làm muối sạch, nhưng đã ngừng hoạt động từ mấy năm nay. Mặc dù Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh Nguyễn Duy Trinh cho biết, sắp tới, xã sẽ mời các doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh mua lại nhà máy để cho nhà máy có thể tiếp tục hoạt động, nhằm nâng cao năng lực tiêu thụ muối cho bà con. Tuy nhiên, không biết đến bao giờ nhà máy mới hoạt động trở lại.

Để giải bài toán tồn đọng muối hiện nay, theo chúng tôi, trước mắt các địa phương phải có sự chỉ đạo kịp thời. Cụ thể, tại Ninh Thuận, theo tính toán sơ bộ, lượng muối thực phẩm đang tồn đọng gần 100 nghìn tấn. Để giúp diêm dân thoát khỏi cảnh thua lỗ, dẫn đến túng quẫn, nợ nần chồng chất, tỉnh cần sớm chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Quyết định số 2227/QĐ-BNN-CB ngày 26-9-2011 về phê duyệt đề án thu mua muối và sản xuất, cung ứng muối i-ốt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mặt khác, có chính sách tháo gỡ và tạo điều kiện về vốn để giúp diêm dân an tâm sản xuất, tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển bền vững nghề làm muối tại địa phương.

Còn về lâu dài, sự phát triển nghề muối cần có sự chung sức của các bộ, ngành từ T.Ư đến địa phương trong việc ban hành chính sách, cũng như chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển sản xuất muối đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, giữ ổn định diện tích sản xuất muối là 14.500 ha, tập trung phát triển vùng sản xuất muối công nghiệp quy mô lớn và thực hiện cơ giới hóa sản xuất, nhất là khâu thu hoạch muối. Đối với những vùng sản xuất muối thủ công thì gắn chuyển dịch cơ cấu sản xuất với việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nhằm giảm đến mức thấp nhất sự ảnh hưởng của thời tiết, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trên đơn vị diện tích. Đồng thời giải quyết việc làm ổn định cho diêm dân, tăng tỷ lệ muối qua chế biến và bảo đảm an toàn thực phẩm.