Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã

THIÊN THẦN SA NGÃ GỒM NHỮNG LOẠI NÀO? Thiên thần sa ngã là những thiên thần bị tước bỏ thánh ân của Chúa và trừng phạt, cấm không được đặt chân lên Thiên Đường, trở thành quỷ dữ. Ba phiên bản của cuốn Sách Enoch đồng nhất thiên thần sa ngã với các Grigori (Watchers), 200 thiên thần bị trục xuất khỏi thiên đàng vì gian dâm với phụ nữ, làm bại hoại phẩm hạnh con người và bị Chúa trừng phạt. Sách Enoch 2 nói về bốn cấp bậc của thiên thần sa ngã: 1. Satanail, hoàng tử của những kẻ sa ngã. Satanail từng là một thiên thần cấp bạc cao nghĩ rằng mình tốt đẹp hơn Chúa và vì thế bị đuổi khỏi thiên đàng trong ngày sáng thế thứ 2. Hắn bị giam giữ ở thiên đàng thứ năm. 2. Grigori (The Watchers), những kẻ cũng bị giam giữ ở thiên đàng thứ năm, chán nản và kín tiếng. 3. Những thiên sứ tông đồ (hoặc thiên sứ từ đạo) đi theo Satanail, lên kế hoạch cùng hắn ta và quay lưng lại với những yêu cầu của Chúa. Chúng bị giam giữ ở thiên đàng thứ hai, nơi “màn đêm đen hơn bất cứ bóng tối nào ở trái đất.” Chúng họat động dưới sự canh gác, chờ đợi ngày “phán xét không hồi kết”. Những thiên thần sa ngã thường xuất hiện trong bộ dạng tăm tối, chúng khóc lóc không ngừng, xin Enoch cầu nguyện cho mình. 4. Thiên thần – có lẽ là một vài Grigori – nhận án bị giam cầm ở nơi “bên dưới mặt đất.” Trong Cơ Đốc Giáo, Lucifer là thiên thần ngạo mạn, kiêu hãnh bị đày đọa khỏi thiên đàng, được nhắc đến ngắn gọn trong Isaiah là “Con trai của bình minh”, “Sao Mai.” Một phần ba thiên thần sa ngã cùng với hắn – 133,306,668 thiên thần theo truyền thuyết. Chúng rơi xuống mất 9 ngày. Các nhà thần học cho rằng 9 cấp bậc thiên thần chia ra và rơi theo từng ngày; một số nói các thiên thần sa ngã còn tự tạo ra cấp bậc thứ 10. Những thiên thần này trở thành quỷ dữ, khao khát tìm kiếm sự bại hoại trong linh hồn con người, đây là một quan điểm được củng cố bởi sự ảnh hưởng của nhà thần học St. Thomas Aquinas. Lucifer sau đó được biết tới là Satan.

NHỮNG SỰ THẬT VỀ SATAN VÀ CÁC THIÊN THẦN SA NGÃ

Sự kiêu căng của Lucifer và bè lũ

Thiên Chúa, bằng quyền năng vô biên của mình, đã tạo ra vô số các thiên thần, không sao đếm được. Một ngày nọ, trong một buổi trừ tà, Cha Candido Amantini, là một Linh mục Dòng Thương Khó và cũng là cha giáo đáng kính của tôi, đã hỏi một con quỷ rằng: “Các ngươi có bao nhiêu đứa?”. Con quỷ trả lời: “Bọn ta có nhiều đến nỗi nếu được hiện hình thì bọn ta sẽ che khuất cả bầu trời”. Thật vậy, chúng ta không có lý do gì để không tin vào thông tin mà tên quỷ này cung cấp vì điều này đã được xác nhận trong Kinh Thánh.

Một số lượng lớn các thiên thần sa ngã bởi vì chúng đã phản nghịch Thiên Chúa. Chúng ta nhớ lại rằng trước khi được vào thiên đàng, Thiên Chúa đã buộc các thiên thần phải chịu một thử thách về đức vâng phục và khiêm nhường, đây là điều mà chúng ta chỉ biết được bản chất chứ không biết chi tiết cụ thể ra sao. Tội lỗi của các thiên thần sa ngã là kiêu ngạo và bất tuân phục Thiên Chúa. Satan, thiên thần xinh đẹp nhất trong số các thiên thần, nhận biết được trí tuệ cực độ của mình, đã chối bỏ tư tưởng phải chịu tùng phục một ai đó. Hắn quên rằng chính hắn cũng chỉ là một thụ tạo được dựng nên bởi Thiên Chúa. Nhiều thiên thần khác cũng đi theo sự điên rồ này của hắn.

Những tội lỗi nguyên thủy của các thiên thần sa ngã cũng giống với tội của những kẻ âm thầm hoặc công khai ủng hộ tôn thờ Satan. Thiên thần cũng như những kẻ theo chủ nghĩa Satan thường đặt sự hiện hữu của mình dựa trên những quy tắc: bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn, nghĩa là, không cần chịu khuất phục trước những lề luật của Thiên Chúa; bạn không phải vâng theo một người nào; và chính bạn làm chủ cuộc đời của mình.

Những điều xảy ra giữa các thiên thần đã được thuật lại trong chương 12 của sách Khải Huyền: một cuộc chiến lớn giữa các thiên thần trung thành với Thiên Chúa và những thiên thần phản nghịch Ngài, hay ngắn gọn hơn, đó là trận chiến giữa thiên thần và ác quỷ. Ở đoạn này, Thánh Kinh đã cho chúng ta biết rằng Tổng lãnh thiên thần Micae đã dẫn đầu đạo binh thiên thần, còn Con Mãng Xà thì chỉ huy các thiên thần sa ngã (và đã bị đánh bại). Kết quả là “cả bọn không còn chỗ trên trời nữa” (Kh 12,8).

Ma quỷ có đọc được suy nghĩ của con người không?

(Bài viết được trích từ cuốn sách của Cha Gabriele Amorth: An Exorcist Explains the Demonic tạm dịch: Một nhà trừ quỷ giải nghĩa về ma quỷ)

Bây giờ, chúng ta đến với các hành động cụ thể của ma quỷ, và bắt đầu với câu hỏi đầu tiên: Ma quỷ có biết được những suy nghĩ của chúng ta hay không? Liệu chúng có thể hiểu được những gì chúng ta đang nghĩ tại một khoảnh khắc nào đó trong cuộc sống không? Câu trả lời rất đơn giản: hoàn toàn không. Nền thần học cũng đồng ý với vấn đề này. Chỉ có duy nhất Thiên Chúa – với bản tính của Ngài, một Thiên Chúa toàn tri, thấu suốt mọi bí ẩn của con người và các thiên thần, thậm chí kể cả thực tại chưa được dựng nên – mới biết được tận sâu bên trong suy nghĩ của mỗi người.

Mặc dù là một thụ tạo thiêng liêng, nhưng ma quỷ không hiểu được những thứ ở trong tâm trí và tâm hồn chúng ta; chúng chỉ có thể phỏng đoán nó thông qua quan sát hành vi của chúng ta. Với một trí thông minh vượt bậc, đó không phải là một quá trình phức tạp đối với chúng. Ví dụ, khi thấy một thanh niên hút cần sa, ma quỷ có thể suy luận ngay rằng trong tương lai anh ta sẽ sử dụng loại thuốc mạnh hơn. Cụ thể hơn, từ tất cả những gì chúng ta đọc, nhìn, nói, và trải nghiệm, thậm chí từ những ánh nhìn lướt qua, hay từ những người bạn mà chúng ta đồng hành, ma quỷ có thể nhận định được nơi nào hoặc thời điểm nào chúng sẽ cám dỗ chúng ta. Và đó là cách mà ma quỷ làm.

Điều này làm tôi nhớ đến một đoạn trong thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông Đồ: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (x. 1Pr 5, 8-9). Nhiều học giả cũng đã đồng ý với cách chú giải của tôi về đoạn văn này: “Anh chị em hãy thật cảnh giác. Ma quỷ luôn rảo quanh từng người trong anh chị em và tìm kiếm “vị trí” để cắn xé”. Từ “vị trí” rất quan trọng, vì ma quỷ nhìn vào điểm yếu của mỗi người một cách chính xác và “làm việc” với nó để tạo ra dịp tội tiếp theo. Với sự tự do của mình, chính người bị nhắm đến sẽ phạm tội sau khi đã bị “nấu chín” bởi cám dỗ của ma quỷ.

Thời gian qua đi, những điểm yếu thường gặp nhất của con người vẫn luôn giống nhau: kiêu căng, tiền của, và ham muốn nhục dục. Và, chúng ta hãy lưu ý rằng không hề có giới hạn lứa tuổi cho việc phạm tội. Khi giải tội, tôi thường nói với các hối nhân, một cách hơi bông đùa rằng: những cám dỗ của họ sẽ chấm dứt sau khi họ trút hơi thở cuối cùng được năm phút. Vì thế, chúng ta tuyệt đối không được hy vọng hay cho rằng khi cao niên chúng ta sẽ miễn nhiễm với tội. Một tật xấu được nuôi dưỡng từ lúc còn trẻ sẽ không giảm đi khi về già nếu không có một sự can thiệp hay thay đổi nào. Như khi xét về sự ham muốn, tôi đã nghe nhiều lời thú nhận và không có gì lạ khi một người già thú nhận rằng họ thường xem nội dung khiêu dâm nhiều hơn lúc còn trẻ. Ý chí chiến đấu chống lại tội lỗi phải được tôi luyện cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời.

Ma quỷ có sợ con người không?

Chúng ta tiến đến câu hỏi thứ hai: Ai là kẻ phải sợ hãi, ma quỷ hay con người? Thánh Giacôbê Tông Đồ đã nói trong thư của mình rằng: “Anh em hãy phục tùng Thiên Chúa. Hãy chống lại ma quỷ; chúng sẽ chạy xa anh em” (Gc 4,7). Ma quỷ luôn giữ khoảng cách với những ai biết nuôi dưỡng đức tin của mình, hằng chạy đến lãnh nhận các bí tích và luôn ao ước sống chân thành. Tại sao vậy? Nói một cách đơn giản, ma quỷ căm ghét và khiếp sợ Thiên Chúa cũng như bất cứ thứ gì mang hương thơm thánh thiện. Nếu chúng ta suy nghĩ về điều này, thì chúng ta có thể gợi nhớ lại những giai đoạn cuộc đời mà chúng ta đã đào sâu đời sống nội tâm và cảm thấy mạnh mẽ hơn trong việc chống lại những cơn cám dỗ. Mặt khác, chúng ta phải tránh trở nên kiêu ngạo và luôn luôn nhớ rằng ma quỷ chẳng bao giờ ngừng cám dỗ chúng ta cho đến ngày tận cùng của cuộc đời.

Tôi cũng nên đề cập đến những nơi thánh thiêng có tác dụng tương tự như vậy, đặc biệt là những nơi có lòng sùng kính Đức Mẹ Maria mạnh mẽ. Tôi có thể kể một vài địa điểm nổi tiếng đã đem đến cho Satan những cảm giác thất bại như: Loreto, Lộ Đức, Fatima,… Rất nhiều cuộc giải thoát khỏi ma quỷ đã được diễn ra ở những nơi này.

Satan khiếp sợ con cái Thiên Chúa, những người luôn kiếm tìm phương thế để nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu. Ma quỷ nhận thức được rằng chúng mạnh mẽ và thông minh hơn con người rất nhiều, thế nhưng, chúng cũng biết con người không bao giờ đơn độc trong cuộc chiến chống lại chúng. Đơn cử như trong những năm tháng cuối đời, Cha Thánh Gioan Bosco, một trong những vị thánh vĩ đại nhất của thế kỷ XIX, đã giải thoát cho một thiếu nữ bị quỷ ám chỉ đơn giản bằng cách vào nhà nguyện, mặc áo lễ và dâng Thánh Lễ. Ma quỷ luôn sợ những vị thánh và sự thánh thiện của các ngài.

Ma quỷ ở đâu trong thân xác của con người?

Nói một cách đơn giản nhất có thể, ma quỷ gây ảnh hưởng đến toàn bộ hoặc một phần cơ thể của chúng ta mà không nằm cố định ở một cơ quan hay bộ phận cụ thể nào. Khi người bị quỷ ám rơi vào trạng thái hôn mê và ma quỷ sẽ nắm “quyền kiểm soát” bằng một cách nào đó – xui khiến người đó gây ra những cử động không kiểm soát được hoặc nói sảng hoặc chửi rủa – nó giống như ma quỷ bao trùm toàn bộ cơ thể của người bị ám, khiến người ấy mất kiểm soát bản thân. Đôi khi, có vẻ như có một con quỷ ngự trị trong cổ họng, trong dạ dày, ruột hoặc ở đầu, nơi các cơn đau và tổn thương được tỏ lộ. Thực tế, ma quỷ không hề ở trong bất kỳ cơ quan cụ thể của cơ thể mà chỉ ảnh hưởng lên chúng trong thời điểm đó.

Nếu mọi chuyện diễn ra như vậy, thì liệu rằng việc bị chiếm hữu bởi ma quỷ và thần khí xấu khác có loại trừ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần không?

Chúng ta chẳng thể lý luận về các thần khí theo cách của con người. Những khoảng trống bên trong cơ thể con người sẽ không được rút cạn hoặc đổ đầy như cách mà chúng ta làm với một ly nước. Trong trường hợp của ma quỷ và Chúa Thánh Thần, hai thực thể đối nghịch này có thể cùng tồn tại bên trong một cơ thể, nhưng luôn luôn xung đột. Mặt khác, chúng ta biết rằng nhiều thánh nhân đã bị đeo bám bởi thần khí xấu, ngay khi họ hiển nhiên được đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần. Làm thế nào để giải thích điều này nếu ma quỷ không chiếm giữ được các không gian thể lý? Chắc chắn, Chúa Thánh Thần có thể đánh đuổi ma quỷ, nhưng Ngài làm điều đó trong ranh giới ý chí tự do của chúng ta, vì thế cho phép chúng ta đưa ra lựa chọn của riêng mình. Tin Mừng theo Thánh Máccô nói rằng: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi.” (Mc 9,29)

Những người nào phải ăn chay và cầu nguyện? Tất cả mọi người – người bị tấn công bởi thần khí của ma quỷ và cả những người thân cận. Trước hết, đây là một thử thách cho đức tin phi thường, một lời đáp trả cho tiếng kêu mời nên thánh. Tiếp đến, nó như một lời mời gọi để biểu lộ đức ái Kitô giáo một cách cụ thể. Quả thật, lời cầu nguyện của những thành viên trong gia đình rất hữu hiệu; sự cộng tác này có thể rất có ích trong việc tạo ra một bầu khí tích cực trong gia đình. Đó là những điều tôi muốn chia sẻ với những người tôi đã trừ tà, những mục tử, bạn bè và bất cứ ai chung tay giúp sức trong việc giải thoát những người bị quỷ ám.

Ma quỷ trông như thế nào?

Câu hỏi được lặp đi lặp lại nhiều lần, cũng như theo quan điểm của tôi, là câu hỏi thú vị nhất, đó là: ma quỷ xuất hiện như thế nào hoặc hình dạng của chúng ra sao? Ma quỷ chỉ là những hữu thể thiêng liêng, chúng không hề có hình dáng thể xác, vì thế, chúng không thể hiện diện trước mắt chúng ta với một hình dạng thể xác nhất định được. Điều này giống với các thiên thần: nếu muốn xuất hiện trước mắt con người, họ phải khoác lấy một hình dạng gần gũi với chúng ta. Thánh Kinh cho thấy rất nhiều hình ảnh thiên thần hiện ra với hình ảnh của con người. Thí dụ, trong sách Tobia, Tổng lãnh thiên thần Raphael đã đồng hành với chàng trai Tobia trong sứ vụ của mình với hình dạng của một chàng thanh niên.

Trở lại với hình dạng của ma quỷ, nhiều người cho rằng, tự bản chất của mình, ma quỷ xấu xí hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể hình dung về chúng. Vẻ ngoài gớm ghiếc này là hậu quả trực tiếp của việc tự tách rời bản thân mình với Thiên Chúa, cũng như của lựa chọn phản nghịch dứt khoát và không thể quy hồi của chúng. Chúng ta có thể suy ra được kết quả này từ một lý lẽ hợp lý: nếu Thiên Chúa là Đấng Toàn Mỹ, thì bất cứ kẻ nào tự tách biệt mình khỏi Thiên Chúa chắc chắn phải hoàn toàn ngược lại. Tất nhiên, đây chỉ là một sự khai triển thần học mà chúng ta nhận thấy dựa trên mặc khải và sự trợ giúp của lý trí tự nhiên khi nó được soi sáng bởi đức tin.

Và nếu tiếp tục bàn về vấn đề này, chúng ta mong muốn đặt ra cho ma quỷ một hình dạng theo một cách thức nào đó? Để bắt đầu, chúng ta nhất thiết phải gạt qua một bên những hình tượng miêu tả được bắt nguồn từ truyền thống xa xưa về ma quỷ với cặp sừng nhọn, đuôi, cánh dơi, nanh vuốt và đôi mắt rực lửa. Là một hữu thể thiêng liêng, chúng rõ ràng không thể hiện thân với những đặc điểm như vậy. Nếu những hình ảnh đó có thể giúp chúng ta sợ hãi các hành động của ma quỷ đối với chúng ta, thì chúng ta có lý do để hoan nghênh những hình ảnh này. Nhưng, có một mối nguy hiểm to lớn khi quá tin vào những hình ảnh này, và chúng có thể có ích cho ma quỷ! Ở một khía cạnh khác, chúng ta cũng dễ rơi vào nguy cơ coi ma quỷ như là một di tích cổ xưa, một mảnh vải sờn cũ theo năm tháng và một món đồ của những kẻ ngốc.

Ma quỷ, vốn rất khôn ngoan, cũng có thể giả vờ khoác lấy những hình dạng bình thường. Trường hợp của Cha Thánh Piô thành Pietrelcina (hay còn gọi là Cha Thánh Piô Năm Dấu) là một điển hình. Đôi khi, ma quỷ hiện ra trước mắt Cha với hình ảnh của một con chó hung tợn, lúc khác thì lại là hình ảnh Chúa Giêsu hoặc Đức Maria, lần khác nữa là cha giải tội hoặc cha giám quản của tu viện để ra lệnh cho ngài phải làm điều gì đó. Thế nhưng, sau khi đã xác minh lại mệnh lệnh mà ngài nhận được từ bề trên, Cha Thánh đã hiểu được mình đã nhìn thấy ma quỷ. Thậm chí, có một vài lần ma quỷ xuất hiện như một cô gái khỏa thân xinh đẹp.

Cuối cùng, ma quỷ có thể hiện diện cùng với những mùi khó chịu, chẳng hạn như mùi lưu huỳnh hoặc chất thải động vật (điều này thường xảy đến khi linh mục làm phép nhà), hoặc đối với những người đặc biệt nhạy cảm với tiếng động đáng sợ, ví dụ như tiếng gió xào xạc được cảm nhận rõ ràng, hay các cảm nhận xúc giác bị quấy rối.

Giáo hội nói gì về các linh hồn lang thang?

Bây giờ, chúng ta hãy đối diện với một chủ đề khác: Có người làm chứng rằng đã nhìn thấy và nhận thức được “các linh hồn”. Liệu rằng đây chỉ là những điều tưởng tượng? Nó có liên quan đến “các linh hồn lang thang” hay không? Về vấn đề này, chúng ta nhất định phải thật cẩn trọng và sáng suốt. “Những sự hiện diện”, của các quỷ thần hoặc hồn ma, đã được xem thấy trong các bản văn đặc biệt hoặc các cuộc trừ tà tập thể lớn. Chúng ta có thể nói gì về những điều này?

Trước hết, có những điều xác tín trong Đức tin của chúng ta. Xác tín đầu tiên là chúng ta chỉ có một cuộc đời, và chúng ta đang sống ở trần gian này. Sau khi chết, chúng ta sẽ bị phán xét trước toà Chúa, nếu xứng đáng chúng ta sẽ được đưa về sống bên Thiên Chúa, còn không, phải xa cách Ngài vĩnh viễn.

Niềm xác tín thứ hai là có một hình thức thông truyền tồn tại giữa những tín hữu đã qua đời và chúng ta: đó là nguyên lý Nhiệm Thể của Hội Thánh, nguyên lý thông truyền bên trong Hội Thánh. Cụ thể, có một sự hiệp thông thiêng liêng qua lại giữa các Thánh trên thiên đàng, các linh hồn trong luyện ngục và chúng ta là những kẻ vẫn còn đang trên đường lữ hành trần thế. Sự hiệp thông này được thể hiện qua những lời cầu bầu. Đặc biệt, các linh hồn trong luyện ngục, những người đang trải qua sự thanh luyện, có khả năng dâng những đau khổ của mình để đền tạ một cách đặc biệt cho chúng ta; đến lượt họ, họ cũng được hưởng rất nhiều lợi ích từ những lời cầu nguyện của chúng ta. Ngoại trừ những linh hồn bị đọa đày trong hỏa ngục, họ không thích (và cũng không mong muốn) những lời cầu nguyện của chúng ta.

Trở lại với các linh hồn lang thang: theo quan điểm của tôi, nếu sau khi chết, chúng ta lập tức lên thiên đàng, hoặc xuống hỏa ngục hay vào luyện ngục, thì không chắc rằng linh hồn lang thang có tồn tại. Trong một nghi thức trừ tà cổ xưa, người ta được cảnh báo để chống lại những việc quỷ ám “giả tạo” hoặc những việc nhiễu loạn tâm linh thường quy gán cho linh hồn bị đọa đày của một người đã khuất gây ra. Thật ra, đó có thể là do ma quỷ ngụy trang tạo thành. Một trường hợp đã xảy ra với tôi, trong một buổi lễ trừ tà, một linh hồn đã tự xưng là một trong những linh hồn lang thang. Một cuộc thẩm tra kỹ càng hơn đã cho thấy hắn ta là một con quỷ. Tuy nhiên, những nhà trừ tà khác lại tin vào điều ngược lại: theo họ, sự hiện diện của những linh hồn lang thang như vậy là có cơ sở. Vì đây là một vấn đề vẫn còn tranh luận, nên các nhà thần học sẽ cần phải nghiên cứu chuyên sâu qua Kinh thánh, Huấn quyền của Giáo hội, và qua kinh nghiệm của các nhà thần bí và tiên tri.

hdgmvietnam.com/St