Quan điểm của V.I.Lênin về chuyên chính vô sản trong một số tác

V.I Lênin (tên thật là Vladimir Ilyich Ulyanov) là một nhà tư tưởng Xô-viết vĩ đại, chính trị gia kiệt xuất, người thầy của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới. V.I.Lênin cũng là người sáng lập đảng Bolshevik Nga, tham gia thành phần tổ chức và lãnh đạo Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917; và là nhà lãnh đạo nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới: Nhà nước Xô-viết.

V.I.Lênin, sinh ngày 22/4/1870, ở Simbirsk (nay là Ulianovsk), trong một gia đình nhà giáo tiến bộ. Cha Lênin là Ilya Nikolaevich Ulyanov, thanh tra trường trung học dân lập, sau trở thành Hiệu trưởng trường trung học, là một người có tư tưởng tiến bộ, có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục. Mẹ Lênin là Maria Alexandrovna Ulyanova, sinh ra và lớn lên trong một gia đình thầy thuốc. Bà biết nhiều ngoại ngữ, am hiểu văn học nghệ thuật và dành hết tâm huyết vào việc giáo dục con cái.

Thời thơ ấu Lênin sống trong không khí gia đình đầm ấm. Tính cách và quan điểm của Lênin thời trẻ được hình thành dưới ảnh hưởng của nền giáo dục gia đình mẫu mực, nền văn học Nga tiên tiến cùng cuộc sống lao động xung quanh.

V.I.Lênin đã sớm đến với chủ nghĩa Mác. Đồng thời, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác vào thực tiễn nước Nga, dưới sự lãnh đạo của V.I.Lênin, Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917 đã thắng lợi trọn vẹn. Sự kiện này đã đặt ra nhiệm vụ mới đối với V.I.Lênin – nhiệm vụ lãnh đạo Đảng Cộng sản Nga, nhân dân Nga bảo vệ chính quyền công – nông, xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Nga, lãnh đạo cách mạng vô sản đang hình thành và phát triển ở nhiều nước trên thế giới. V.I.Lênin đã dành toàn bộ phần còn lại của cuộc đời thực hiện nhiệm vụ này.

Có thể nói, trong cuộc đời hoạt động cách mạng, V.I.Lênin đã cống hiến cho nhân loại nhiều thành tựu vĩ đại. Kỷ niệm 152 năm ngày sinh của Lênin (22/4/1870 – 22/4/2022), chúng ta nghĩ về những di sản mà Người để lại cho hậu thế. Đó là những di sản của bậc vĩ nhân thiên tài, đặc biệt, chuyên chính vô sản là nội dung quan trọng trong lý luận và thực tiễn cách mạng của V.I. Lênin sau Cách mạng Tháng Mười.

Chuyên chính vô sản (hay nền chuyên chính vô sản) là một lý thuyết của chủ nghĩa Mác-Lênin là một bộ phận quan trọng của chủ nghĩa cộng sản khoa học theo đó chuyên chính vô sản là việc giai cấp công nhân nắm quyền lực nhà nước và sử dụng quyền lực nhà nước trấn áp giai cấp tư sản để tiến hành xây dựng một xã hội không giai cấp. Đây là sự thống trị về chính trị của giai cấp công nhân với chức năng thực hiện dân chủ đối với nhân dân, tổ chức xây dựng và bảo vệ chế độ mới, chuyên chính với những phần tử thù địch, chống lại nhân dân. Chuyên chính vô sản được những người cộng sản cho là một trong những tư tưởng đặc sắc và trọng yếu nhất của chủ nghĩa Mác về vấn đề Nhà nước.

V.I.Lênin đã chỉ ra rằng: cái chủ yếu trong học thuyết của C.Mác không phải là đấu tranh giai cấp mà là chuyên chính vô sản, do đó, thừa nhận hay không thừa nhận chuyên chính vô sản là “hòn đá thử vàng” để nhận ra những người mácxít và những người giả danh mácxít: “Kẻ nào chỉ thừa nhận có đấu tranh giai cấp không thôi, thì kẻ đó vẫn chưa phải là một người mác xít… Chỉ người nào mở rộng việc thừa nhận đấu tranh giai cấp đến mức thừa nhận chuyên chính vô sản thì mới là người mácxít”[1]. Chính vì vậy, những kẻ thù của chủ nghĩa Mác – Lênin ra sức tấn công xuyên tạc, hòng phủ nhận vai trò của chuyên chính vô sản để đi đến phủ nhận học thuyết Mác – Lênin nói chung. Do đó, việc trở về với những quan điểm của V.I.Lênin về chuyên chính vô sản để hiểu đúng, hiểu đủ tinh thần của các nhà kinh điển, trên cơ sở đó có những luận cứ khoa học trong đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch là một việc làm cần thiết.

Nếu như tư tưởng đập tan nhà nước quan liêu của C.Mác hình thành từ 1852 trong “Ngày 18 tháng Sương mù của Lu-i Bô-na-pác-tơ” và đến “Nội chiến ở Pháp” C.Mác mới có thể trả lời tiếp việc đập tan nhà nước cụ thể như thế nào và lấy gì để thay thế nó? Thì đến tác phẩm“Nhà nước và cách mạng”[2] viết năm 1917, V.I.Lênin trên cơ sở phân tích nguồn gốc, tính giai cấp và nhất là tính chất quyền lực xã hội của nhà nước, đã đi đến nhấn mạnh quan điểm mácxít về con đường bạo lực cách mạng của giai cấp công nhân để giành chính quyền “không có cách mạng bạo lực thì không thể thay nhà nước tư sản bằng nhà nước vô sản được”[3].

Trong tác phẩm, ngoài việc nhấn mạnh tính tất yếu của chuyên chính vô sản, V.I.Lênin đã nêu lên hầu hết các thuộc tính cơ bản của chuyên chính vô sản. Từ đó chúng ta có thể định nghĩa về chuyên chính vô sản:

Về tính tất yếu của chuyên chính vô sản, V.I.Lênin chỉ rõ: “Chỉ những người đã hiểu rằng chuyên chính của một giai cấp là tất yếu không những cho mọi xã hội có giai cấp nói chung, không những giai cấp vô sản sau khi đã lật đổ giai cấp tư sản, mà còn cho suốt cả thời kỳ lịch sử từ chế độ tư bản chủ nghĩa đến “xã hội không có giai cấp”, đến chế độ cộng sản chủ nghĩa, chỉ những người đó mới thấm nhuần được thực chất học thuyết của Mác về nhà nước”[4].

Về những thuộc tính cơ bản của chuyên chính vô sản: V.I.Lênin đặc biệt nhấn mạnh tính chất dân chủ của nhà nước chuyên chính vô sản, sự khác biệt cơ bản của nó với dân chủ tư sản: chuyên chính vô sản là nhà nước nửa nhà nước, nhà nước không theo nghĩa đen, nhà nước kiểu mới … Nhà nước ấy không còn là lực lượng đặc biệt để trấn áp đa số nhân dân lao động mà để trấn áp thiểu số bóc lột, mở rộng dân chủ cho nhân dân lao động trên mọi lĩnh vực. chuyên chính vô sản là nền dân chủ cao nhất trong lịch sử. Thuộc tính cơ bản nhất của chuyên chính vô sản là tính giai cấp của nó: chuyên chính vô sản là sự lãnh đạo hay sự thống trị về chính trị của giai cấp vô sản. Sự thống trị ấy không chia sẻ với ai, và trực tiếp dựa vào lực lượng vũ trang của quần chúng. Cơ sở và nguyên tắc cao nhất của chuyên chính vô sản là sự liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và toàn thể nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Nếu không có sự liên minh ấy thì không thể có dân chủ vững bền, không thể có cải tạo xã hội chủ nghĩa được.

Về chức năng cơ bản của chuyên chính vô sản: “Giai cấp tư sản chỉ có thể bị lật đổ, khi nào giai cấp vô sản trở thành giai cấp thống trị đủ sức trấn áp sự phản kháng không thể tránh khỏi, tuyệt vọng của giai cấp tư sản, và đủ sức tổ chức hết thảy quần chúng lao động và bị bóc lột để xây dựng một chế độ kinh tế mới”[5].

V.I.Lênin tiên đoán về những hình thức chính trị khác nhau của chuyên chính vô sản: “Bước chuyển từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản, cố nhiên không thể không đem lại rất nhiều hình thức chính trị khác nhau, nhưng thực chất của những hình thức ấy tất nhiên sẽ chỉ là một, tức là: chuyên chính vô sản”[6].

Trong tác phẩm “Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô Viết”[7] viết năm 1918, V.I.Lênin đã đề cập đến những nhiệm vụ của chuyên chính vô sản sau khi được thiết lập, đó là, tổ chức quản lý đất nước, kiểm kê, kiểm soát phục vụ phát triển kinh tế, tăng cường kỷ luật, tăng năng suất lao động và tổ chức thi đua thực hiện chuyên chính. Ông cũng nêu lên những đặc trưng của chính quyền Xô Viết, coi đó như một trong những hình thức của chuyên chính vô sản.

Trong tác phẩm “Kinh tế và chính trị trong thời đại chuyên chính vô sản”[8] viết năm 1919, V.I.Lênin nhấn mạnh tính tất yếu của chuyên chính vô sản. Tính tất yếu ấy bắt nguồn từ mối quan hệ biện chứng giữa thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản và chuyên chính vô sản. Vì bản chất của thời kỳ quá độ ấy là quá độ về chính trị, vì vậy chuyên chính vô sản là bản chất của thời kỳ quá độ. Do đó, thời kỳ quá độ là tất yếu như thế nào thì chuyên chính vô sản tất yếu như thế. Chính vì vậy, V.I.Lênin đã gọi thời kỳ quá độ là thời đại chuyên chính vô sản.

Người chỉ rõ, chuyên chính vô sản là công cụ chủ yếu và sắc bén để tiến hành cuộc đấu tranh nhằm xóa bỏ giai cấp. Nhưng không thể nào ngay một lúc có thế xóa bỏ được giai cấp và các giai cấp đã và sẽ tồn tại suốt trong thời đại chuyên chính vô sản. Đó chính là mối quan hệ giữa chuyên chính vô sản và thủ tiêu giai cấp: chuyên chính vô sản sẽ mất đi ý nghĩa là công cụ chuyên chính khi không còn giai cấp nói chung, chuyên chính vô sản sẽ trở nên vô nghĩa khi các giai cấp không còn; các giai cấp sẽ không bao giờ biến mất nếu không có chuyên chính vô sản.

Trong tác phẩm, từ sự phân tích những biến đổi của các giai cấp và mối quan hệ giữa các giai cấp trong thời kỳ quá độ, V.I.Lênin đã đề cập đến hai chức năng cơ bản của chuyên chính vô sản: Chức năng bạo lực trấn áp “trấn áp sức phản kháng ngày càng tăng của bọn bóc lột”[9]. Nhưng chức năng cơ bản vẫn là chức năng tổ chức và xây dựng. Chức năng này nhằm “cải tạo lại toàn bộ nền kinh tế xã hội, bằng cách chuyển từ nền kinh tế hàng hóa nhỏ, cá nhân, riêng lẻ, sang nền kinh tế tập thể lớn”[10], trên cơ sở đó để “xóa bỏ giai cấp”. V.I.Lênin cũng khẳng định, nhiệm vụ này không thể làm ngay một lúc, làm một lần mà xong ngay được, mà đó là một nhiệm vụ khó khăn và lâu dài.

Có thể thấy rõ quan điểm của Lênin về chuyên chính vô sản. Tư tưởng cơ bản nhất về chuyên chính vô sản là sự lãnh đạo chính trị của giai cấp vô sản. Giai cấp vô sản thực hiện sự lãnh đạo chính trị của mình đối với toàn xã hội thông qua chính đảng của mình. Đó là sự lãnh đạo không chia sẻ cho bất kỳ giai cấp nào. Chính điều này đã quy định sự khác nhau về bản chất giữa chuyên chính vô sản và chuyên chính tư sản. Chuyên chính vô sản không phải chỉ là bạo lực, không phải chủ yếu là bạo lực, mà chủ yếu là tổ chức, xây dựng kinh tế. Chuyên chính vô sản không phải chỉ là và chủ yếu là trấn áp mọi sự phản kháng của kẻ thù giai cấp, mà là sự mở rộng dân chủ đối với người bị áp bức. Tuy nhiên, phải hiểu rằng, mặc dù không phải là chức năng cơ bản, chức năng bạo lực trấn áp nhằm chống lại sự phản kháng của kẻ thù giai cấp, chống lại công cuộc tổ chức, xây dựng xã hội mới của giai cấp công nhân và nhân dân lao động vẫn hết sức cần thiết. Bởi như C.Mác cho rằng, do chính giai cấp tư sản không cần đắn đo trong việc sử dụng những biện pháp cứng rắn nhất nhằm khôi phục lại trật tự tư bản chủ nghĩa của chúng. Về mặt thực tiễn, nếu không nắm vững chức năng bạo lực của nhà nước chuyên chính vô sản thì giai cấp công nhân có nguy cơ để mất những thành quả của cách mạng. Ngược lại, Nhà nước chuyên chính vô sản nào biết nắm vững chức năng ấy thì không những bảo vệ mà còn phát triển được những thành quả cách mạng. Hay nói cách khác, chuyên chính càng thực hiện tốt bao nhiêu càng đảm bảo cho dân chủ được rộng rãi bấy nhiêu. Chuyên chính vô sản không đối lập với dân chủ xã hội chủ nghĩa mà nó là điều kiện, tiền đề để thực hiện và mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nắm vững quan điểm này để chúng ta không mơ hồ, mất cảnh giác trước những luận điệu sai trái, thù địch./.

Khoa Triết học & CNXHKH