Xây dựng và nuôi dưỡng lòng tự tôn lành mạnh từ sớm đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Việc này ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi và tình cảm của con trong suốt quá trình trưởng thành. Vậy làm cách nào để xây dựng lòng tự tôn ở trẻ? Hãy cùng AVAKids tìm hiểu trong bài viết sau nhé!
Cách xây dựng lòng tự tôn lành mạnh ở trẻ. Nguồn: Pexels
1Thế nào là lòng tự tôn lành mạnh?
Lòng tự tôn (Self-esteem) là sự tự ý thức về giá trị bản thân ở mỗi người. Về cơ bản, đây là cách trẻ tự nhìn nhận, đánh giá, tôn trọng và yêu thương chính mình. Lòng tự tôn lành mạnh được hình thành bởi mức độ cảm thấy được yêu thương, hỗ trợ và động viên bởi những người quan trọng trong cuộc đời con như cha mẹ, giáo viên hay bạn bè.
Cần lưu ý là, lòng tự tôn không đồng nghĩa với sự kiêu ngạo hay chứng ái kỷ. Tự yêu thương và có niềm tin vào năng lực bản thân khác với việc cho rằng mình là trung tâm thế giới hay nhu cầu của bạn quan trọng hơn nhu cầu của người khác.
Song song với việc bồi dưỡng lòng tự tôn, cha mẹ cần dạy trẻ học các phẩm cách quan trọng khác như sự đồng cảm, cư xử tử tế, thiện tâm và lòng biết ơn.
Bài viết liên quan: Làm sao để trẻ tự tin? 7 cách đơn giản và hiệu quả cha mẹ có thể áp dụng
2Cách xây dựng lòng tự tôn lành mạnh ở trẻ
Xây dựng lòng tự tôn lành mạnh giúp trẻ bình tĩnh đương đầu với những thất bại, áp lực và những thách thức khác trong suốt cuộc đời. Dưới đây là vài phương pháp đơn giản mà cha mẹ có thể áp dụng.
Thể hiện tình yêu thương với con mỗi ngày
Đừng ngần ngại thể hiện tình yêu thương với con mỗi ngày. Việc cảm nhận cha mẹ yêu mình sẽ mang lại cho trẻ cảm giác an toàn và “được thuộc về”. Tình yêu vô điều kiện từ gia đình đặt nền tảng cho sự phát triển lành mạnh và vững chắc cho trẻ sau này.
Hãy ôm hôn con trước khi đi làm hay trước giờ ngủ, ngồi cạnh nhau đọc sách, hoặc cả nhà quây quần cùng nhau bên mâm cơm. Khi trẻ trưởng thành, nền tảng gia đình sẽ là nguồn sức mạnh giúp con xây dựng các vòng kết nối xã hội và đối mặt với những thử thách cuộc sống.
Dành thời gian chơi đùa cùng con
Cha mẹ nên dành thời gian chơi đùa cùng con. Nguồn: Pexels
Việc chơi đùa cùng con xem chừng đơn giản nhưng lại mang đến vô vàn lợi ích cho cả cha mẹ và bé. Khi được cha mẹ dành thời gian bên cạnh, trẻ sẽ cảm thấy được yêu thương và coi trọng.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ tham gia các trò chơi lành mạnh sẽ giúp tăng tỷ lệ hạnh phúc đồng thời giảm nguy cơ trầm cảm và lo âu. Qua thời gian vui chơi giải trí, trẻ sẽ có không gian phát huy tiềm năng sáng tạo và phát triển khả năng giao tiếp. Hơn nữa, vui chơi cùng con là một liều thuốc giảm căng thẳng tuyệt vời cho cha mẹ sau giờ làm việc mệt mỏi.
Giao con vài công việc nhà đơn giản
Cha mẹ có thể giao vài công việc nhà đơn giản để xây dựng ý thức trách nhiệm cho trẻ. Được giao “trọng trách” sẽ mang lại cho con cảm giác được xem trọng và thúc đẩy tinh thần tự giác hoàn thành công việc. Ngay cả khi trẻ làm không tốt, cha mẹ vẫn nên động viên cho sự nỗ lực của con và trấn an rằng con sẽ làm giỏi hơn theo thời gian. Hơn nữa, việc được giao trách nhiệm sẽ giúp trẻ rèn luyện sự tự tin và mang đến cảm giác kiểm soát được cuộc sống của mình.
Khuyến khích sự tự lập
Thay vì nuông chiều và chăm lo quá mức, cha mẹ nên tạo không gian để trẻ phát triển tính tự lập từ sớm. Ví dụ như để con tự tìm cách đặt câu hỏi và xin trợ giúp từ giáo viên khi gặp vấn đề khó khăn, tự hoàn tất bài tập về nhà, tự xếp gọn chăn gối sau khi thức,… Sự bảo bọc từ gia đình có thể làm suy yếu khả năng tự lập và tác động tiêu cực đến lòng tự tôn của trẻ.
Trước khi cha mẹ muốn can thiệp vào các vấn đề của trẻ, hãy khuyến khích con “tự thân vận động” đặt câu hỏi và tìm hướng giải quyết. Điều này sẽ xây dựng tính tự lập và tự chủ ở trẻ, từ đó khiến con thêm tin tưởng vào khả năng bản thân.
Đừng xúc phạm con
Khi con có những hành vi khiến bạn thất vọng hoặc khó chịu, hãy chú ý kiểm soát cảm xúc của bản thân và đồng thời, tách biệt hành vi đó với con. Đừng la mắng, to tiếng mà hãy nói chuyện với con với thái độ tôn trọng và nhẹ nhàng. Giải thích các hệ quả có thể xảy ra bằng giọng điệu mềm mỏng sẽ khiến con dễ dàng thấu hiểu điều bạn muốn truyền đạt hơn.
Dạy con biết rút kinh nghiệm từ những sai lầm
Cha mẹ nên kiên nhẫn với những lỗi lầm của trẻ. Là con người, ai cũng khôn lớn từ những sai phạm. Hãy dạy con xem những thất bại là cơ hội để hoàn thiện và phát triển bản thân.
Nếu nhận thấy trẻ có vấn đề về hành vi hay cách cư xử, hãy cố gắng biến những tình huống đó thành cơ hội để phát triển. Điều này sẽ giúp xây dựng sự tự tin và cho con thấy rằng phạm sai lầm là điều hết sức bình thường, miễn là con giải quyết nó một cách lành mạnh.
Cho con sáng tạo và thể hiện bản thân
Cho con tự do sáng tạo và thể hiện bản thân. Nguồn Pexels
Hãy cho trẻ cơ hội để “khoe khoang” những gì chúng sáng tạo ra. Khi trẻ vẽ những bức tranh, viết một câu chuyện ngắn hoặc lắp ráp một mô hình, hãy mời con kể bạn nghe về tác phẩm của chúng. Cha mẹ có thể hỏi những suy nghĩ và cảm nhận của con về những tác phẩm ấy, đồng thời động viên con bằng những lời khen ngợi.
Nếu trẻ chỉ thích sáng tạo ở nhà hơn là ở trường, cha mẹ có thể khuyến khích con trưng bày “thành quả”xung quanh nhà. Điều này giúp con cảm thấy “thành quả lao động” của chúng được chú ý và trân trọng. Qua đó trẻ sẽ thấy tự tin hơn vào khả năng của chính mình.
Lòng tự tôn là một trong những phẩm cách quan trọng mà cha mẹ nên chú tâm bồi dưỡng cho trẻ. Xây dựng lòng tự tôn từ sớm sẽ giúp con phát triển toàn diện về tinh thần và thậm chí là thể chất. AVAKids hy vọng rằng những thông tin trên sẽ là hành trang hữu ích cho cả cha mẹ và bé.
Ngọc Tú tổng hợp từ verywellfamily.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!