Liền Anh – liền chị Quan Họ

Là một trong các thể loại hát đối đáp đặc sắc của người Việt, trong Quan Họ, chuyện kết nghĩa giữa những người đi hát lại mang một đặc điểm rất khác biệt so với các hình thức sinh hoạt hát trai gái nói chung. Người Quan Họ chỉ hát đối đáp theo từng nhóm xã hội nhất định – gọi là bọn Quan Họ. Trong đó, chỉ có bọn Quan Họ kết nghĩa mới hát đối đáp với nhau. Nếu không cùng bọn kết nghĩa, các liền anh – liền chị chỉ có thể hát cùng nhau trong các cuộc thi lấy giải ở hội làng ngày xuân.

Ðể hình thành nên nhóm, các chàng trai (hoặc cô gái) cùng làng xã phải trải qua một quá trình học hát dưới sự dìu dắt của các thế hệ đi trước. Khi đã có một vốn liếng bài bản nhất định, họ mới tự kết hợp lại thành từng nhóm liền anh hay liền chị, mỗi nhóm trung bình năm hay sáu người.

Căn cứ vào tuổi đời và thứ tự nhập bọn trước sau, họ sắp xếp các nghệ danh của mình bằng thuật ngữ anh Cả, anh Hai, anh Ba… hay chị Cả, chị Hai, chị Ba… Trong đó, anh Cả (hay chị Cả) thường là những người lớn tuổi, giữ vai trò chỉ đạo, tổ chức, quán xuyến mọi việc. Căn cứ vào chất giọng và tầm cữ âm khu, họ lại phối hợp với nhau thành từng cặp hát đồng giọng, một người hát dẫn, một người hát luồn. Sau khi đã hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết, họ mới bắt đầu đi tìm nhóm kết nghĩa với nguyên tắc nam phải chủ động tìm đến nữ.

Thông thường, mối quan hệ kết nghĩa giữa các bọn Quan Họ được bắt đầu bằng việc các nhóm liền anh từng làng đi chơi hội để chủ động tìm bạn hát. Trong các hội làng, nếu cảm thấy nhóm nào phù hợp với nhóm mình về nghệ thuật, họ sẽ chủ động làm quen và ngỏ ý kết giao. Tất nhiên kèm theo đó phải là các tiêu chuẩn hợp nhất khác như địa bàn cư trú phải xa nhau, tuổi tác không quá chênh lệch…

Nếu Quan Họ bạn ưng thuận, họ sẽ về viện đến sự giúp đỡ của các cụ nghệ nhân có uy tín ở làng mình để tổ chức một lễ kết nghĩa. Ðiều đó đồng nghĩa với việc cộng đồng đã chính thức công nhận mối quan hệ giữa hai bọn Quan Họ. Sau lễ kết nghĩa, các bọn Quan Họ mới bắt đầu hát đối đáp với nhau. Những canh hát thường được tổ chức vào dịp hội làng hay khi có đám cưới, đám khao hoặc mừng thọ…

Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, mối quan hệ đó sẽ được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Tức là khi đã có gia đình, họ có nhiệm vụ truyền dạy lại vốn liếng nghề nghiệp cho con cháu.

Trong các dịp đối đáp giao đãi, họ thường cho con trẻ đi theo để học tập. Và, khi con cháu họ đến tuần cập kê, chúng sẽ tiếp tục kết nghĩa với nhau để duy trì mối giao tình nghệ thuật như cha mẹ mình. Cứ thế, mối quan hệ keo sơn đó được nối tiếp liên tục từ đời này sang đời khác…

Theo tổng kết sơ bộ, Quan Họ có tới khoảng 300 bài khác nhau. Và như thế, Quan Họ đã thật sự vượt tầm của một thể loại hát trai gái dân dã để trở thành một thể loại âm nhạc lớn với hệ thống bài bản đồ sộ. Bên cạnh đó, những phẩm chất kỹ thuật âm nhạc trong Quan Họ đã đạt tới đẳng cấp ngang hàng với những thể loại nhạc cổ truyền chuyên nghiệp như Chèo, Ca trù, Hát văn… Thế nhưng Quan Họ lại không phải là thể loại âm nhạc chuyên nghiệp mà vẫn là âm nhạc của cuộc đời. Tức người ta hát Quan Họ để thỏa mãn nhu cầu cá thể đơn thuần chứ không nhằm mục đích kiếm sống cho bản thân.

Trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam nói riêng cũng như trong kho tàng âm nhạc thế giới nói chung, theo những khảo sát sơ bộ, hiện tượng một vùng dân ca tập trung như Quan Họ quả là hiện tượng rất hiếm thấy. Ðó là một trong những giá trị văn hóa lớn nhất của dân ca Quan Họ Bắc Ninh.

Mặt khác, cũng chính vì đặc tính nghệ thuật cùng với trữ lượng bài bản lớn như vậy nên Quan Họ không chỉ còn là sân chơi của nam thanh nữ tú. Nó thật sự đã theo chân các liền anh – liền chị suốt cả cuộc đời họ. Với hệ thống bài bản được tích đầy theo năm tháng cũng như kỹ thuật thanh nhạc hoàn mỹ, các nghệ sĩ Quan Họ lão thành luôn được cộng đồng biết đến với cấp độ nghệ nhân cổ nhạc. Nói cách khác, chính cấp độ nghệ thuật của dân ca Quan Họ làm cho thể loại đã vượt ra ngoài phạm vi thực hành xã hội nguyên thủy.

Trai thanh gái lịch đi hát Quan Họ với mục đích thuần túy thể hiện tài năng nghệ thuật của cá thể. Họ kết bọn với nhau để chơi nghệ thuật chứ không phải để tìm bạn đời. Trên thực tế, các liền anh – liền chị đã kết nghĩa với nhau thì không được phép lấy nhau.

Dù phương pháp nghệ thuật phát triển ở cấp độ cao song bản chất của Quan Họ lại vẫn là một sinh hoạt nghệ thuật của cuộc đời. Ðiều đó có nghĩa nó không được dùng làm phương tiện mưu sinh như các thể loại nhạc cổ truyền chuyên nghiệp khác. Nói nôm na là người ta đi hát Quan Họ để chơi chứ không phải để kiếm sống. Theo đó, trong một gia đình, nếu hai vợ chồng cùng hành nghề hát Chèo hay hát Chầu văn…, dù có giận nhau đến mấy thì vẫn phải luôn sát cánh bên nhau trong nghệ thuật, bởi đấy là miếng cơm manh áo của cả gia đình. Nhưng với trường hợp liền anh – liền chị Quan Họ thì lại không thể như vậy! Không lấy nhau là để bảo vệ và duy trì mối quan hệ nghệ thuật.

Theo đó, về mặt lô-gíc, chuyện yêu đương đơn thuần cũng là điều kiêng kỵ giữa các liền anh – liền chị kết nghĩa. Nói cách khác, trong bọn Quan Họ, để “chặn đứng nguy cơ dẫn dụ” đến hôn nhân và gia đình, mọi quan hệ luyến ái giữa liền anh và liền chị đương nhiên là chuyện cấm kỵ. Ðiều này dẫn đến sự chọn lựa trong nam thanh nữ tú, đã yêu nhau thì không đi hát với nhau. Ðó là truyền thống đạo đức – nghệ thuật của người Quan Họ vùng Kinh Bắc.

Về mặt khách quan, cần phải thấy rằng, muốn duy trì kho tàng bài bản đồ sộ của Quan Họ, rất cần đông đảo sự góp mặt của cả một cộng đồng nghệ sĩ. Nó tương đương như lực lượng phường hội của các thể loại âm nhạc chuyên nghiệp. Ðể có thể trình diễn một khối lượng bài bản phong phú cũng như để đạt được một chất giọng có đẳng cấp của Quan Họ, một người có năng khiếu trung bình phải mất độ mười năm rèn luyện. Do đó, cũng như các thể loại cổ nhạc chuyên nghiệp, người Quan Họ cũng thường dành cả một đời cho nghiệp hát xướng. Ðấy là lô-gíc tất yếu để tạo dựng và duy trì một thể loại âm nhạc có tầm cỡ như Quan Họ.

Mối quan hệ của các bọn Quan Họ là một mối quan hệ keo sơn, một kiểu nghĩa tình hết sức đặc biệt. Một tình cảm có thể nói là độc nhất vô nhị chỉ có ở người Quan Họ. Trong giao tiếp, người Quan Họ gọi nhau bằng anh, bằng chị và tự xưng là em hay tôi. Cách xưng hô này cũng là một nét văn hóa độc đáo, và được coi như một phần của phép ứng xử mà người ta thường gọi là lịch sự Quan Họ.

Về địa bàn cư trú, các bọn Quan Họ kết nghĩa bao giờ cũng ở rất xa nhau. Quan Họ cùng làng cùng xã không bao giờ kết nghĩa với nhau – tức là không bao giờ hát với nhau. Theo thời gian, mối quan hệ kết nghĩa giữa các bọn Quan Họ đã dần định hình thành mối quan hệ tình bạn nghệ thuật keo sơn. Người Quan Họ kết nghĩa coi nhau như anh em cùng thân tộc. Họ được làng xã công nhận và họ liên kết với nhau như một tổ chức xã hội nghệ thuật thực thụ. Những liền anh – liền chị tài danh, có khả năng sáng tạo nhiều bài bản khi về già được tôn vinh như bậc thầy, có nơi gọi là cụ trùm. Với bối cảnh làng xã thời xưa, các bọn Quan Họ đương nhiên là những đại diện ưu tú của cộng đồng. Theo đó, về mặt tâm lý, họ phải sống sao để làm gương cho đám con trẻ noi theo.

Mối quan hệ kết nghĩa giữa các bọn Quan Họ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Quan hệ khăng khít, chặt chẽ giữa hoạt động nghệ thuật với cuộc sống thường ngày đã tạo nên một liên kết làm nền tảng cho sự ra đời, tồn tại, phát triển của một vùng địa – văn hóa nghệ thuật mang tên Quan Họ, nói cách khác là làm nên một vùng dân ca tập trung – vùng văn hóa Quan Họ.