Thông tin về Cookies

Cựu tổng thống Nam Phi, Nelson Mandela đã từng nói “Giáo dục là thứ vũ khí mạnh mẽ nhất mà bạn có thể sử dụng để thay đổi thế giới”. Bên cạnh đó, theo một bài phân tích của tờ Guardian, nghề giáo được xếp trong top những công việc hạnh phúc nhất thế giới. Vì những lý do đó, nhiều bạn đã lựa chọn theo đuổi ngành Giáo dục học, với mong muốn được góp phần trong thay đổi nền giáo dục của đất nước trong tương lai. Để hiểu rõ hơn về ngành này, đừng bỏ qua bài viết dưới đây nhé!

Giáo dục học là ngành gì?

Nhìn chung, ngành Giáo dục học tập trung nghiên cứu các đối tượng và vấn đề giáo dục cũng như giải thích những quy luật của giáo dục. Nó giúp chúng ta hiểu và mở rộng kiến ​​thức của mình về cách mọi người ở mọi lứa tuổi học tập và các yếu tố có thể tác động tích cực và tiêu cực đến điều này.

Ngành Giáo dục học bao gồm các nền tảng lý thuyết về lịch sử, nhân loại học, xã hội học và kinh tế học của giáo dục, tâm lý học và phát triển con người cùng các khóa học ứng dụng về phương pháp giảng dạy. Theo đuổi ngành học này, bạn sẽ được trang bị rất nhiều kỹ năng như khả năng làm việc và giao tiếp với trẻ em, giao tiếp hiệu quả, kỹ năng nghiên cứu và phân tích, khả năng làm việc nhóm,…

Ngành giáo dục học học gì?

Mục đích của ngành Giáo dục học là trang bị những kiến thức cần thiết về tâm lý giáo dục; quản lý giáo dục, giúp xây dựng và bồi dưỡng năng lực xây dựng kế hoạch; thiết kế, triển khai và đánh giá các hoạt động giáo dục; tư vấn, quản lý trường học, các cơ quan, cơ sở, trung tâm về giáo dục,…

Sau đây là một số môn học tiêu biểu trong ngành Giáo dục học:

  • Tâm lý giáo dục.

  • Các lý thuyết và kỹ thuật giáo dục.

  • Nghiên cứu giáo dục.

  • Giáo dục trong xã hội.

  • Lịch sử giáo dục.

  • Các lý thuyết về học tập.

Các chuyên ngành trong ngành giáo dục học

Tư vấn học đường

Những người theo học chuyên ngành này sẽ dành phần lớn thời gian của họ để trực tiếp phục vụ và tiếp xúc với học sinh. Nhiệm vụ của cố vấn học đường là tập trung vào việc tư vấn cho học sinh về những trường cao đẳng và đại học phù hợp với cả mục tiêu nghề nghiệp và tài chính của họ.

Tâm lý giáo dục

Một chuyên ngành rất thú vị trong ngành Giáo dục học là Tâm lý giáo dục. Với chuyên ngành này, bạn sẽ được học về cách phân tích hành vi, tâm lý, sau đó sử dụng các kỹ năng phân tích để tìm ra nguyên nhân, giải pháp cũng như tư vấn phương pháp, chương trình học phù hợp cho từng đối tượng khác nhau.

Sư phạm

Nếu bạn muốn trở thành giáo viên, đam mê nghiên cứu phương pháp và thực hành giảng dạy, thì Sư phạm chính là chuyên ngành học dành cho bạn. Theo Salary.com, mức lương trung bình hàng năm cho cho chuyên ngành này lên tới $130,000.

Công nghệ giáo dục

Công nghệ và giáo dục là 2 lĩnh vực tiềm năng và không thể thiếu trong tương lai, vì thế, sự thành thạo trong cả 2 lĩnh vực này chắc chắn sẽ đem đến rất nhiều cơ hội cho bạn. Chuyên ngành Công nghệ giáo dục sẽ dạy bạn cách đánh giá nhu cầu và tối đa hóa việc sử dụng tiềm năng của công nghệ để giải quyết vấn đề và thúc đẩy học tập.

Lãnh đạo giáo dục

Tất cả các cơ sở giáo dục, từ mầm non, tiểu học, trung học, đại học hay các cơ sở dạy nghề đều cần có những nhà lãnh đạo trình độ cao và am hiểu ngành giáo dục. Vì thế, nếu bạn mong muốn trở thành hiệu trưởng, hiệu phó hay giám đốc của các cơ sở đào tạo thì hãy theo đuổi chuyên ngành này nhé!

Giáo dục đặc biệt

Nếu mơ ước từ nhỏ của bạn là thay đổi cuộc sống, tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của người khác thì Giáo dục đặc biệt có lẽ chính là một chuyên ngành thú vị dành cho bạn. Theo đuổi chuyên ngành này, bạn sẽ có cơ hội trò chuyện, tâm sự, thiết kế cũng như trực tiếp giảng dạy một chương trình phù hợp hơn cho những trẻ khuyết tật, chậm phát triển,…

Giáo dục người lớn

Bạn yêu thích giáo dục nhưng lại thích làm việc với người lớn hay trẻ em? Vậy, hãy thử tìm hiểu về chuyên ngành này nhé. Theo báo cáo của Princeton Review, “Nhiều sinh viên tốt nghiệp trở thành cố vấn người lớn, làm việc với khách hàng ở một số cấp độ bao gồm quản lý gia đình, tài chính và khủng hoảng. Nhiều người cũng tiếp tục dạy người lớn trong môi trường lớp học, tại các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề hoặc các trung tâm giáo dục khác. Họ cũng có thể làm quản lý trường học, giúp quản lý đội ngũ giáo viên và chương trình giảng dạy của trường”.

> 5 chuyên ngành tâm lý học phổ biến cho sinh viên

Vì sao nên chọn ngành giáo dục học?

Ngành Giáo dục học sẽ đem đến cho bạn các lợi ích như sau:

  • Luôn luôn học tập và nghiên cứu: Nếu bạn yêu thích học tập và nghiên cứu, chuyên ngành giáo dục sẽ mang đến cho bạn một con đường sự nghiệp mà việc học là một phần trong mô tả công việc của bạn. Bạn sẽ cần liên tục nghiên cứu tài liệu mới, học các kỹ năng, kỹ thuật và công nghệ lớp học mới,…

  • Khả năng giúp đỡ và thay đổi cuộc sống của nhiều người: Là nhà giáo dục, công việc của bạn sẽ góp phần giúp những đứa trẻ thành công, cả về mặt học tập cũng như xã hội và tình cảm. Đối với nhiều người, đây cũng chính là động lực to lớn khiến họ vui vẻ đi làm mỗi ngày.

  • Cơ hội việc làm rộng mở: Dù ở bất cứ đâu, dù là nước đang phát triển hay đã phát triển, nghề giáo hoặc các công việc liên quan đến giáo dục cũng đều cần thiết. Theo Cục Thống kê lao động, việc làm của giáo viên mẫu giáo và tiểu học được dự báo sẽ tăng 7% từ năm 2020 đến năm 2030, nhanh bằng mức trung bình của tất cả các nghề. Các bậc giáo dục khác cũng sẽ chứng kiến tốc độ tăng tương tự. Ngoài ra, bên cạnh việc trở thành giáo viên, sinh viên tốt nghiệp Giáo dục học cũng có thể làm các ngành nghề khác bao gồm thiết kế chương trình giảng dạy, nhà tâm lý học giáo dục và cán bộ giáo dục trong các viện bảo tàng hoặc dịch vụ cộng đồng.

Bạn có phù hợp với ngành giáo dục học không?

Đôi khi, chỉ yêu thích thôi là chưa đủ mà bạn cần phải có một số kĩ năng nhất định để có thể theo đuổi ngành Giáo dục học lâu dài. Vậy, hãy cùng tìm hiểu một số những yêu cầu cần thiết của ngành học này nhé!

Tính kiên nhẫn

Hiệp hội Giáo dục Trung cấp đã nói rằng “Kiên nhẫn là chìa khóa trong tất cả các khía cạnh của việc giảng dạy”. Các bạn cần phải kiên nhẫn giảng giải, xây dựng kiến thức và kĩ năng cho học sinh. Kỹ năng này thực sự quan trọng, nhất là khi bạn phải làm việc với những đứa trẻ khiếm khuyết hoặc chậm phát triển.

Kỹ năng giao tiếp và giải quyết vấn đề

Là một nhà giáo dục, trước tiên bạn cần biết quan sát, lắng nghe để hiểu câu chuyện của học sinh, sau đó tìm cách giải quyết vấn đề cho chúng hoặc trao đổi với phụ huynh. Một người làm giáo dục không chỉ cần ăn nói với học sinh, với đồng nghiệp, nhà trường mà còn cả với phụ huynh học sinh. Với mỗi nhóm đối tượng khác nhau, bạn cần phải có những kỹ năng giao tiếp khác nhau.

Khả năng đồng cảm

Kiến thức là vô nghĩa nếu bạn không có mong muốn sử dụng nó vì sự tốt đẹp và hạnh phúc của người khác. Sự khoan dung, lòng trắc ẩn và khả năng đồng cảm với người khác là những yếu tố quan trọng của một nhà giáo dục hiệu quả.

Học ngành giáo dục học ở đâu?

Nếu bạn mong muốn du học ngành giáo dục, tham khảo danh sách một số trường đại học & khóa học uy tín đào tạo trên thế giới:

  • Các khóa đào tạo ngành giáo dục ở Mỹ

  • Các khóa đào tạo ngành giáo dục ở Úc

  • Các khóa đào tạo ngành giáo dục ở Anh

  • Các khóa đào tạo ngành giáo dục ở Canada

  • Các khóa đào tạo ngành giáo dục ở New Zealand

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc chọn trường và khoá học phù hợp, hãy liên hệ với trung tâm tư vấn du học IDP để được tư vấn và hỗ trợ hoàn toàn miễn phí.

Sinh viên ngành giáo dục học làm gì khi ra trường?

Cơ hội việc làm dành cho sinh viên tốt nghiệp Giáo dục học nhìn chung khá rộng mở. Đa phần những người tốt nghiệp ngành Giáo dục học sẽ trở thành giáo viên, giảng dạy mầm non, tiểu học, trung học, hay giáo dục đặc biệt,…

Ngoài ra, nếu bạn là một người quan tâm đến các vấn đề vĩ mô thì bạn cũng có thể lựa chọn tiếp tục công việc nghiên cứu tại các dự án liên quan đến giáo dục, thiết kế chương trình giảng dạy, hoạch định chính sách giáo dục và gia nhập các tổ chức phi chính phủ về giáo dục.

Bên cạnh đó, vẫn tập trung vào sự hình thành của từng đứa trẻ như mục đích vốn có của ngành Giáo dục học, sinh viên tốt nghiệp ngành này cũng có thể trở thành nhà cố vấn nghề nghiệp, nhân viên xã hội, hay thậm chí là nhà trị liệu ngôn ngữ.

Bài viết được viết lại bởi Hoàng Thanh Phương vào ngày 20 tháng 03 năm 2022.