4 Ý Chính của Chủ Nghĩa Nhân Đạo và Cảm Hứng Nhân Đạo

Cảm Hứng Nhân Đạo là gì?

Cảm Hứng Nhân Đạo là cảm hứng của tình thương con người theo từng giai đoạn, thời điểm. Cốt lõi của cảm hứng nhân đạo là tình yêu, lòng thương nhân loại. Bản chất của cảm hứng nhân đạo là chữ tâm đối với con người.

Trong tác phẩm mang cảm hứng nhân đạo khi ta thấy sự ca ngợi phẩm chất cao đẹp của con người với con người, không những thế phải đồng cảm xót thương cho những số phận bi ai bị chà đạp, lên án tố cáo những thế lực thù địch, đồng thời cũng phải biết đồng tình với khát vọng và ước mơ của con người.

Chủ nghĩa nhân đạo (Tiếng Anh: humanism), còn gọi là chủ nghĩa nhân văn, là toàn bộ những tư tưởng quan điểm, tình cảm quý trọng các giá trị của con người như trí tuệ, tình cảm, phẩm giá, sức mạnh, vẻ đẹp.

Chủ nghĩa nhân đạo không phải là một khái niệm đạo đức đơn thuần , mà còn bao hàm cả cách nhìn nhận, đánh giá con người về nhiều mặt (vị trí, vai trò, khả năng, bản chất…) trong các quan hệ với tự nhiên, xã hội và đồng loại.

Thế giới sáng tạo ra trong văn học và bằng văn học nghệ thuật từ xưa đến nay là một thế giới mà trong đó con người luôn đấu tranh chống lại mọi thế lực thù địch luôn xuất hiện dưới mọi hình thức, để khẳng định chính mình, khẳng định quyền năng và sức mạnh của mình, đồng thời thể hiện khát vọng làm người mãnh liệt và cao đẹp của mình.

Lòng yêu thương, ưu ái đối với con người và thân phận của nó từ trước đến nay vẫn là sự quan tâm hàng đầu của các nhà văn, nhà nghệ sĩ trong cảm hứng sáng tạo của nghệ thuật.

BIỂU HIỆN CỦA CHỦ NGHĨA NHÂN ĐẠO

Biểu hiện của chủ nghĩa nhân đạo rất đa dạng, là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm quý trọng các giá trị của con người, nhưng trong văn học có thể phân ra bốn biểu hiện chính, đó là: thông cảm, thấu hiểu cho số phận con người; khám phá và tôn vinh vẻ đẹp con người; tố cáo, phê phán những thế lực chà đạp lên con người; nâng niu ước mơ của con người hay mở ra một tương lai tươi sáng cho con người.

1.THÔNG CẢM, THƯƠNG XÓT CHO SỐ PHẬN ĐAU KHỔ CỦA CON NGƯỜI

Chủ nghĩa nhân đạo trước hết bắt đầu tự sự thương yêu con người, mà hạt nhân của nó chính là trái tim giàu lòng yêu thương của nhà văn. Balzac đã từng nói: “nhà văn là thư kí trung thành của thời đại”, Nam Cao thì nói: “sống đã, rồi hãy viết, hãy hòa mình vào cuộc sống của quần chúng nhân dân”, Enxa Triole: “Nhà văn là người cho máu”.

Đúng như vậy, quá trình sáng tạo là một quá trình gian khổ và quang vinh, đòi hỏi mỗi nhà văn phải dốc toàn bộ mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu của mình, dốc hết bầu máu nóng trong tim để giao cảm với đời, mở rộng tâm hồn để đón nhận những vang vọng tha thiết của cuộc đời.

Hơn ai hết họ đã khóc với những nỗi đau của thời đại, đã mỉm cười cùng nỗi hân hoan của thời đại, và hơn ai hết họ hiểu thấu những ước mơ tha thiết, những khát khao cháy bỏng của con người thời đại. Mỗi nhà văn, trong quá trình sáng tác, trước hết phải là “nhà nhân đạo” từ trong cốt tủy“(Sêkhov).

Bởi nếu không phải nhà nhân đạo, nếu không có tấm lòng yêu thương con người và sẵn sàng hy sinh cho con người, thì làm sao anh ta có thể viết, làm sao anh ta có thể, như loài phượng hoàng lửa trong truyền thuyết, trầm mình vào lửa đỏ để làm nên sự hồi sinh của cuộc sống – chính là những tác phẩm thẫm đẫm tính nhân đạo, thấm đẫm tình yêu thương con người, những tác phẩm như phập phồng hơi thở của thời đại, như đang chảy trong từng vân chữ những giọt máu của thời đại.

Những tác phẩm mà, mỗi trang giấy là một số phận được trải ra trước mắt người đọc, từng số phận là những tiếng kêu khóc đau đớn cho những kiếp người, từng con chữ cất lên đều ám ảnh, day dứt khôn nguôi.

Như vậy chúng ta thấy rằng, biểu hiện trước tiên của chủ nghĩa nhân đạo chính là sự thông cảm, thấu hiểu cho số phận con người. Điều này có ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc. Như nhà văn Nam Cao đã từng nhận xét, tác phẩm văn học chân chính là tác phẩm văn học làm cho con người “gần người hơn”.

Người đọc tìm đến tác phẩm văn học với nhiều mục đích, nhưng cao cả hơn cả vẫn là để thanh lọc tâm hồn, để tâm hồn mình phong phú hơn, trong sạch hơn.

Đến với những số phận gửi gắm trong văn học, họ được sống nhiều hơn, được trải nghiệm nhiều hơn, nhưng hơn cả là, họ được xúc cảm nhiều hơn, suy tư nhiều hơn, họ được khóc với nỗi đau của đồng loại, được reo vui với niềm vui của đồng loại. Văn học giúp cho trái tim mỗi con người trở nên nhạy cảm hơn, bao dung hơn, nhân hậu hơn.

Chủ nghĩa nhân đạo không chỉ là những tư tưởng, quan điểm tôn vinh cái đẹp của con người, mà hơn hết, chủ nghĩa nhân đạo chính là sự tạo dựng nên cái đẹp trong tâm hồn của con người, mà ở trong trường hợp này, chính là người đọc.

Quá trình thanh lọc tâm hồn này của người đọc là quá trình tự ý thức, từ đồng cảm, thương xót cho đồng loại mà bồi đắp, luyện rèn lên những giá trị trong tâm hồn mình (lòng nhân hậu, lòng nhân ái…).

Như vậy chúng ta thấy, nhờ có chủ nghĩa nhân đạo, văn học không chỉ phát hiện hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn người, mà còn giúp cho hạt ngọt ấy sáng hơn, đẹp hơn, và gieo vào từng tâm hồn những hạt ngọc long lanh, sáng ngời.

2. TRÂN TRỌNG, TÔN VINH VẺ ĐẸP CỦA CON NGƯỜI

Đối tượng phản ánh của văn học chính là con người, Maxim Gorki từng nói: “Văn học là nhân học”, còn với Nguyễn Minh Châu thì: “cuộc đời và nghệ thuật là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm chính là con người”. Văn học không thể không phản ánh con người. Nhưng vấn đề là, phản ánh con người ở phương diện nào, và phản ánh con người như thế nào?

Văn học quan tâm đến con người trên phương diện xã hội, văn học, thông qua các mối quan hệ xã hội để dựng nên hình tượng con người như những tính cách, đó là con người đạo đức, con người chính trị, con người tâm trạng, con người hành động v.v.

Nhưng quá trình phản ánh con người này cũng không hề giản đơn, khuôn mẫu, loại bỏ những chỉ tiết để khái quát thành những định lí, định đề, những quy tắc, chuẩn mực như lịch sử, triết học, đạo đức học.

Văn học phản ánh con người vừa trực quan vừa khách quan, một mặt miêu tả con người sống động như chính nó trong đời sống, mặt khác lại nhìn nó với cái nhìn thấm đẫm sự cảm thông, yêu thương – cái nhìn đậm chất nhân đạo của người nghệ sĩ.

Hình tượng con người trong văn học luôn là sự tổng hòa của cái chung và cái riêng, cái khái quát và cái cụ thể, cái chủ quan và cái khách quan, nó là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, là con người sống động của hiện thực dưới cái nhìn giáu tình cảm, giàu sự thấu hiểu của người nghệ sĩ.

Nhưng điều khác biệt cơ bản nhất giữa văn học và các ngành khoa học xã hội khác đó chính là sự phản ánh con người trên phương diện cái đẹp. Dovtopxki từng nói: “Cái đẹp cứu chuộc thế giới”. Đúng như vậy, muôn đời, văn học nghệ thuật chân chính là văn học “tôn vinh con người”.

Văn học là sản phẩm của quá trình sáng tạo theo quy luật của cái đẹp, con người trong văn học cũng chính là con người được sáng tạo theo quy luật của cái đẹp. Con người bước vào văn học với nhiều vẻ đẹp rất đa dạng.

Đó có thể là nhan sắc tuyệt mỹ của nàng Kiều “hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”, đó có thể là cái đẹp tài năng như của người nghệ sĩ Vũ Như Tô khi xây Cửu Trùng Đài, có thể “điều khiển gạch đã như người tướng khiến bỉnh”, có thể xây lên những công trình tranh tài cùng hóa công.

Nhưng văn học, quan tâm nhất vẫn là vẻ đẹp tâm hồn của con người, nhiệm vụ hàng đầu của văn học vẫn là tìm kiếm hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn con người. Quá trình tìm kiếm vẻ đẹp ấy đòi hỏi rất nhiều công sức, trí tuệ, tình cảm của người cầm bút.

Người nghệ sĩ trước hết phải là những con người biết dấn thân, biết đạp lên những định kiến cố hữu của con người và xã hội để nhìn con người một cách người nhát.

Nam Cao, để khám phá được khao khát sống trong Chí Phèo, đã phải cùng nhân vật của mình quằn quại trong cuộc lột xác đầy đau đớn từ một con quỷ thành một con người, để làm nên từng trang văn dữ dội như lửa cháy, đồng thời, nhà văn tài ba ấy cũng phải đạp lên những định kiến của người đời, phải tách rời khỏi những kẻ nhìn Chí Phèo như quỷ dữ, để nhìn anh như một con người.

Chỉ ở góc nhìn đó, nhà văn mới có thể đau đớn đến tận cùng cùng với nỗi đau của nhân vật, mới có thể từ cùng cực của bi kịch gạn lọc nên viên ngọc tươi trong: khát khao sống, khát khao lương thiện của một con người.

Có thể nói quá trình tìm kiếm hạt ngọc trong tâm hồn con người là quá trình khó khăn nhất. Bởi con người là một thực thể phức tạp, tâm hồn con người vốn là một mảnh đất hãy còn bị phủ bởi lớp sương mờ kín.

Con người ta cũng chẳng thể hiểu được chính bản thân mình, thì làm sao người khác có thể hiểu kín kẽ, cùng tận? Để khám phá được những vẻ đẹp bên trong của con người, cần đến những tài năng thật sự.

Mỗi nhà văn trong cuộc ngụp lặn vào thế giới sâu kín của tâm hồn với những biến thái tinh vi, phức tạp, phải có một sự nhạy cảm thiên bẩm và một trái tim hừng hực yêu thương.

Đôi mắt của anh ta phải là đôi mắt tinh tường, đôi mắt xuyên thấu, đôi mắt thấu hiểu, anh ta phải nhìn thấy được từ những biểu hiện bên ngoài nhỏ nhất của con người những biến động tinh vi của tâm hồn bên trong, và anh ta phải biết cách tạo cho những phát hiện của mình một hình hài sắc vóc tương xứng – lớp ngôn từ nghệ thuật sinh động, hấp dẫn.

3. TỐ CÁO, PHÊ PHÁN CÁC THẾ LỰC CHÀ ĐẠP LÊN CON NGƯỜI

Văn học đồng cảm, xót xa cho số phận của con người, văn học trân trọng, tôn vinh vẻ đẹp của con người, thì văn học cũng tố cáo, phê phán những thế lực chà đạp lên con người.

Quá trình đồng cảm, quý trọng con người và quá trình tố cáo, phê phán những thế lực chà đạp lên con người là hai mặt của một đồng xu, luôn đi liền với nhau, có mối quan hệ mang tính biện chứng.

Càng đồng cảm, xót xa cho số phận con người, sẽ càng căm ghét, phẫn nộ với những thế lực đày đọa con người. Càng trân trọng, nâng niu vẻ đẹp của con người, sẽ càng khinh ghét, kinh tởm những thế lực chà đạp, làm vấy bẩn vẻ đẹp ấy.

Chủ nghĩa nhân đạo, do vậy, không chỉ là sự nâng niu trân trọng những vẻ đẹp của con người, mà còn muốn biến văn học thành một thứ vũ khí đấu tranh cho quyền sống của con người.

Một khía cạnh không thể không nhắc đến của chủ nghĩa nhân đạo chính là tính chiến đấu rất cao của nó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắn nhủ với các nghệ sĩ: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận/Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy.”

Phương thức chiến đấu của văn học là sự phản ánh, bóc trần, là sự tố cáo. Đỉnh cao của tính chiến đấu chính là bút pháp trào phúng. Nhưng văn học, ngay cả khi không sáng tác bằng bút pháp trào phúng, cũng có tính chiến đấu nhất định của nó.

Bản thân sự phản ánh của văn học đã có ý nghĩa riêng của nó. Văn học phản ánh cái xấu xa, cái tàn nhẫn, cái vô nhân, cái giả dối, bao giờ cũng đặt nó trong đối sánh với cái tốt đẹp, cái lương thiện, cái nhân hậu, cái chân thật. Nhà văn Nguyễn Khải từng nói: “”Văn chương có quyên nhưng không chỉ miêu tả cái xấu xa ghê tởm, hèn nhát.

Thanh nam châm thu hút mọi thế hệ văn là cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thủy chung”. Văn học nghệ thuật, dù là trong văn học dân gian hay văn học hiện đại, vẫn luôn tồn tại sự phản ánh thiện – ác, tốt – xấu, thật – giả trong sự đối chiếu, so sánh này, cũng ví như thiện – ác, tốt – xấu, thật – giả trong đời sống luôn song hành, giao tranh dữ dội để loại trừ lẫn nhau vậy.

Nhiệm vụ muôn đời của văn học chính là tô đậm cái xấu, phát giác cái xấu để con người có thể nhận biết nó, và từ từ hình thành trong con người sự căm ghét cái xấu xa, cái đê hèn, cái giả dối. Quá trình này luôn phải diễn ra song song với quá trình tôn vinh cái tốt, căm ghét cái xấu xa, cái đê hèn, cái giả dối cũng chính là nâng niu, quý trọng cái tốt đẹp, cái cao cả, cái chân thật.

Để làm được điều này, người nghệ sĩ đồng thời cũng phải là người chiến sĩ, và đòi hỏi đầu tiên của họ chính là sự dũng cảm. Như nhà văn vĩ đại, người phản biện duy nhất của văn học Xô Viết, đồng thời cũng là người có số phận đầy đau đớn, Mikhail Bulgakhov đã từng tâm niệm, nhà văn là không có quyền im lặng.

Một nhà văn dốc bầu máu nóng để yêu thương con người, để lòng mình lắng lại với những nỗi đau đời đau người tha thiết, là nhà văn không thể câm lặng trước cường quyền, trước bạo lực, trước tàn nhẫn, là nhà văn không thể thản nhiên khi nhìn thấy con người bị chà đạp, bị vùi dập, là nhà văn không thể câm lặng trước giọt nước mắt của con người!

Ngôn từ chính là vũ khí, trí tuệ chính là vũ khí, tình cảm chân chính chính là vũ khí – những nhà văn chân chính từ bao đời nay vẫn chiến đấu cho cuộc sống của con người như thế. Họ chính là những nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn, là những nghệ sĩ vĩ đại.

4. THẤU HIỂU, NÂNG NIU ƯỚC MƠ CỦA CON NGƯỜI

Theo quy luật của quá trình sáng tạo, điểm đến cuối cùng của văn học bao giờ cũng là cuộc đời. Tố Hữu từng nói: “Cuộc đời là điểm khởi đầu và là điểm đi tới của văn chương” . Tác phẩm không kết thúc khi trang sáng đóng lại, mà đó là lúc tác phẩm mở ra, để bước vào cuộc đời, để cải tạo cuộc đời.

Tác phẩm nghệ thuật có sức sống lâu dài phải là tác phẩm có ích cho xã hội. Thế nào là có ích? Đó là tác phẩm phải làm con người trở nên tốt đẹp hơn, phải thông qua mỗi con người để “dùng lực lượng vật chất đánh đổ lực lượng vật chất”, để cải tạo và làm cuộc sống tươi đẹp hơn, đáng sống hơn.

Để thực hiện được nhiệm vụ cao cả của văn chương, trước hết mỗi nhà văn phải là một nhà tư tưởng. Đỉnh cao nhất của mỗi tác phẩm chính là thông điệp tư tưởng của nó.

Qua tác phẩm của mình, nhà văn phải bày tỏ quan điểm của mình về một vấn đề nào đó trong cuộc sống, đóng góp một giải pháp, hoặc chí ít, phải gợi ra được những vấn đề cấp thiết của xã hội và khiến chúng ám ảnh người đọc, lôi kéo người đọc vào quá trình suy nghĩ trăn trở của nhà văn, đối thoại cùng nhà văn để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nhà văn Ý Claudio Magrid đã từng nói: “Văn chương không cần những câu trả lời mà nhà văn đem lại, văn chương chỉ cần những câu hỏi mà nhà văn đặt ra, mà những câu hỏi này, luôn rộng hơn bất kì câu trả lời tường tận, cặn kẽ nào”.

Việc đưa ra giải pháp của mình cho các vấn đề của cuộc sống không gì trực quan hơn là thông qua tác phẩm, thông qua số phận nhân vật. Đó là lúc văn học có những nhân vật có tương lai tươi sáng, có những hành động dũng cảm thay đổi nghịch cảnh, để cứu chính bản thân mình.

Văn học chúng ta đã có cả một thời kì sáng tác theo khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa với Mỵ, với Tràng… họ đề là những nhân vật điển hình của phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, đều là những con người, hoặc có những hành động táo bạo để thay đổi số phận, hoặc có sự thức tỉnh cần thiết tất yếu sẽ dẫn đến những hành động thay đổi số phận.

Chúng ta cũng có cả một thời kì văn học khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn cách mạng với cái nhìn lạc quan hướng về tương lai tươi sáng mang âm hưởng anh hùng ca hào hùng của thời đại.

Những hình tượng nhân vật có cái nhìn về tương lai tươi sáng, rộng mở, chính là những minh chứng cụ thể nhất cho cái nhìn của chủ nghĩa nhân đạo: cái nhìn lạc quan hướng đến tương lai, hướng về một cuộc sống xán lan, đầy hứa hẹn.

Tuy vậy, văn học không bao giờ là loa phát ngôn tư tưởng của nhà văn, nhân vật bao giờ cũng có những sự vận động nội tại riêng của nó, chịu sự chi phối của các quy luật khách quan của thời đại, chịu sự chi phối của sự vận động khách quan của lịch sử.

Hay nói cách khác, có những nhân vật, đặt trong thời đại sống của mình, không bao giờ có thể có được một cái kết có tương lai tươi sáng. Solokhov không mong muốn Grigori trong “Sông đông êm đềm” có số phận bi kịch đau khổ đến tận cùng, mất hết tất cả, gia đình, cuộc sống và hoàn toàn lạc lối, nhưng thời đại của nhân vật không cho phép nhân vật có cái két khác đi.

Cái gọi là chủ nghĩa hiện thực nghiêm nhặt không nằm ở chỗ đẩy nhân vật vào tận cùng bi kịch, tạo cho nhân vật cái kết đau đớn bi thảm cùng cực, mà nó nằm ở chỗ, vì nhà văn tôn trọng sự vận động của hiện thực khách quan nên không thể không phản ánh nó một cách chân xác (dù nó dẫn đến những tấn bi kịch đầy đâu đớn).

Nhưng vấn đề đặt ra là, liệu rằng khi chịu sự chi phối của chủ nghĩa hiện thực nghiêm nhặt như vậy, liệu rằng nhà văn ấy có thể trở thành nhà nhân đạo chủ nghĩa?

Khi hoàn cảnh không thể cho nhân vật một tương lai tươi sáng, một cái nhìn lạc quan vào tương lai, thì nhà văn vẫn phải có một cái nhìn vào tương lai, với một niềm mong mỏi vào một sự thay đổi.

Đó chính là sự khám phá ra những ước mơ của con người và kêu gọi sự thay đổi để con người có thể thực hiện được ước mơ của mình, để có thể sống người nhất. Bi kịch vỡ mộng và bi kịch tinh thần của Hộ trong “Đời thừa” của Nam Cao là tấn bi kịch không có lối thoát.

Dù nhân vật có thức tỉnh thế nào, một khi hoàn cảnh không thay đổi, một khi anh ta còn là “kiếp người bị cơm áo ghì sát đất” thì tấn bi kịch của anh ta sẽ còn tiếp diễn, thậm chí sẽ phát triển theo hình xoắn ốc, lặp lại và ngày một tồi tệ hơn, để rồi cái đỉnh của nó sẽ là cái chết của anh ta: sự tha hóa tận cùng của nhân cách.

Chủ nghĩa hiện thực phê phán không thể vượt qua những hạn chế nhận thức của chính thời đại mình, nó xem con người là nạn nhân của hoàn cảnh, chính vì vậy con người luôn bế tắc, bi kịch. Nhưng như vậy không có nghĩa Nam Cao không phải là nhà nhân đạo chủ nghĩa.

Cái nhân đạo của nhà văn thể hiện ở chỗ, nhà văn đã khám phá ra được những ước mơ tốt đẹp của văn sĩ Hộ, đó là ước vọng sáng tạo nghệ thuật chân chính của một người nghệ sĩ đam mê, ước muốn có một tác phẩm “vượt qua mọi bờ cõi và giới hạn” để trở thành tác phẩm chung cho loài người.

Cái nhân đạo của Nam Cao còn ở bức thông điệp dội vào cuộc sống: Cuộc sống cần phải thay đổi, để mỗi con người có hoài bão, có ước mơ được sống đúng với hoài bão và ước mơ của mình, để được sống và cống hiến, sống trở thành con người có ích cho xã hội, chứ không phải là những con người đau đớn, những kiếp sống mòn, ngày ngày nhìn ước mơ của mình đổ vỡ, và bản thân mình thì dẫn tha hóa, trở thành kẻ tồi tệ, giày vò hành hạ những người yêu thương của mình.

Như vậy, dù nhà văn có đứng ở điểm nhìn nào, dù anh ta chịu sự chi phối của thi pháp nào, dù anh ta có thể mang đến tương lai tươi sáng cho nhân vật hay không, chỉ cần anh ta còn hiểu được những ước vọng hướng về tương lai của con người, chỉ cần bản thân anh ta cũng có cái nhìn hướng về tương lai và đấu tranh cho tương lai tốt đẹp, tươi sáng của con người, thì anh ta chính là nhà nhân đạo chủ nghĩa.

Nguồn tham khảo: https://www.facebook.com/vanhocvanhungcamnhan/posts/1486315768178056/

Duy Trần, blog chuyên văn