Bón thúc là một kỹ thuật khá quan trọng giúp tăng năng suất cây trồng nhất là đối với các loại cây rau. Nếu bón thúc đúng lúc đúng cách thì cây rau sẽ cho năng suất cao hơn so với không bón thúc. Vậy bón thúc là gì và cách bón thúc cho rau như thế nào. Hãy cùng Nông nghiệp Online (NNO) tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây nhé.
- Các loại phân bón cho rau
- Cách bón phân NPK cho cây cảnh
- Cách sử dụng phân đạm cho cây
- Đánh giá máy ấp trứng Mactech 1000 quả
- Cây lan ý có tác dụng gì
Bón thúc cho rau là gì
Bón thúc là kỹ thuật bón phân cho rau nhằm bổ sung thêm các dưỡng chất cần thiết cho quá trình sinh trưởng phát triển của cây (đẻ nhánh, phát triển lá, hay hình thành củ, quả), từ đó tăng năng suất và chất lượng rau, củ, quả. Chính vì thế, bón thúc là một bước quan trọng trong quá trình chăm sóc cây trồng.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng, cây rau không cần bón thúc trong toàn bộ quá trình sinh trưởng phát triển, mà chúng chỉ cần bón vào một số giai đoạn nhất định, và mỗi loại rau khác nhau sẽ có yêu cầu về thời gian và số lần bón thúc khác nhau. Do đó, khi trồng rau, bạn cần nắm chắc thời gian và cách thức tiến hành bón thúc để cung cấp dinh dưỡng cho cây hiệu quả nhất. Nếu bạn bỏ lỡ giai đoạn cần bón thúc cho rau, hoặc bón thúc sai thời điểm sẽ ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng phát triển của cây rau, dẫn tới năng suất và chất lượng bị giảm sút.
Các cách bón thúc cho rau đúng cách
1. Bón theo hốc
Với cách bón theo hốc, bạn cần tiến hành đào xung quanh gốc cây, sau đó bỏ phân bón và lấp đất phủ lên trên. Phương pháp này được thực hiện khá đơn giản, thường áp dụng cho các loại cây như ngô, lạc, giúp cho cây được cung cấp lượng phân một cách đồng đều, đủ lượng.
Tuy nhiên, phân bón sau khi được tiếp xúc với đất sẽ dễ bị chuyển hóa thành hợp chất khó tan nên cây khó có thể hấp thu toàn bộ chất dinh dưỡng mà phân bón cung cấp.
2. Bón theo rãnh, hàng
Cách bón theo rãnh, hàng cũng làm tương tự như bón theo hốc, nhưng với bón cách bón này, bạn cần đào thành các rãnh dọc theo hàng cây trồng, rộng khoảng 20 cm và sâu 10 cm. Sau đó, rải phân đều vào các rãnh rồi lấp đất lên phía trên.
Việc bón phân cho rau theo hàng, rãnh được tiến hành dễ dàng và ít tốn công hơn so với bón theo hốc, tuy nhiên, nó cũng mang hạn chế giống như bón theo hốc, đó là phân bón dễ bị chuyển hóa thành hợp chất khó tan khiến cây khó hấp thụ.
3. Bón vãi
Cách bón vãi là phương pháp bón thúc tiến hành dễ dàng nhất, vì bạn không phải đào hốc, hay hàng, rãnh, mà chỉ cần rải đều phân lên trên mặt đất, nhất là những chỗ gần gốc cây. Để bón vãi đạt hiệu quả cao, bạn nên tưới ẩm mặt đất trước khi bón. Một hạn chế của cách bón này đó là nếu bạn rải phân không đều, hoặc đúng vị trí bộ rễ của cây sẽ khiến cho cây rau không thể hấp thụ được nhiều dinh dưỡng cần thiết cho quá trình sinh trưởng phát triển.
4. Bón lá
Ngoài cách bón phân trực tiếp xuống đất, người ta còn sử dụng các phân bón lá để cung cấp dinh dưỡng cho rau trong quá trình sinh trưởng phát triển. Khi cây mới bén rễ, bạn có thể tiến hành phun phân bón lá. Nồng độ và số lần phun tùy thuộc vào từng loại rau và chế phẩm. Sử dụng phân bón lá cho rau cũng cần đảm bảo thời gian cách ly phân bón, dừng bón phân ít nhất 10 ngày trước khi thu hoạch.
Các giai đoạn bón thúc cho rau
Các loại cây rau trồng để ăn lá, lấy quả hoặc củ thường là những cây trồng ngắn ngày. Việc bón thúc được chia thành 3 giai đoạn khác nhau tương đương với 3 lần bón thúc như sau:
1. Giai đoạn khi cây rau còn nhỏ
Lần bón thúc đầu tiên được tiến hành khi cây con mọc được 2 – 3 lá thật, hoặc sau khi cây được trồng từ 8 – 10 ngày. Việc bón thúc vào giai đoạn này nhằm thúc đẩy sự phát triển của cây và giúp cây khỏe mạnh. Giai đoạn này nên tiến hành bón bằng phân đạm, lân, kali hoặc sử dụng hỗn hợp phân bón NPK với hàm lượng lân và kali vừa phải, hàm lượng đạm cao.
2. Giai đoạn cây ra hoa
Khi cây bắt đầu ra hoa, khoảng 22 – 25 ngày sau khi trồng, ta tiến hành bón thúc lần 2, nhằm cung cấp dinh dưỡng thiết cho cây rau, tạo điều kiện thuận lợi để hoa của cây khỏe, ra nhiều và đồng loạt, đồng thời tăng khả năng chống chịu sâu bệnh gây hại. Bạn cần lưu ý với các loại rau có thời gian sinh trưởng ngắn (ít hơn 60 ngày), kết thúc bón trước khi thu hoạch 12 ngày để đảm bảo rau an toàn cho người sử dụng. Đây là điểm cần đặc biệt lưu ý trong cách bón thúc cho rau các bạn cần biết.
3. Giai đoạn cây tạo quả, củ
Đối với những cây trồng để lấy quả như cà chua, bầu, bí, mướp, bạn cần tiến hành thêm một lần bón thúc nữa vào khoảng 40 – 45 ngày. Vào giai đoạn này, cây bắt đầu ra quả nên cần được bổ sung lượng dinh dưỡng nhất định để quả lớn nhanh, chất lượng tốt.
Đối với cây trồng lấy củ, cây cần tích lũy đường nên khi bón thúc vào giai đoạn này, bạn nên sử dụng các loại phân bón có hàm lượng kali và đạm cao như Kali Sunphat, NPK 15.5.25 hay NPK 15.5.30. Bên cạnh đó, bạn cũng cần kết hợp bổ sung bón phân trung lượng, vi lượng tùy theo đặc điểm của từng loại rau để đảm bảo cây rau phát triển thuận lợi nhất, mang lại năng suất và chất lượng cao.
Một số chú ý khi bón thúc cho rau
- Mỗi một loại rau trồng khác nhau sẽ có cách bón thúc cho rau khác nhau về thời điểm và số lần bón thúc.
- Việc bón thúc cần đảm bảo các nguyên tắc bón phân. Mời các bạn tham khảo bài viết Nguyên tắc bón phân và các cách bón phân cho rau để tìm hiểu kĩ hơn về nguyên tắc bón phân.
- Khi tiến hành bón thúc, người ta thường dùng các loại phân dễ hòa tan, dễ tiêu để cây dễ hấp thụ như phân chuồng ngâm ủ, NPK.
- Khi sử dụng phân bón vô cơ để bón thúc cho rau, bạn cần đảm bảo thời gian cách ly phân bón trước khi sử dụng nông phẩm.
Với những cách bón thúc cho rau vừa kể trên, chúc các bạn áp dụng thành công và có những lứa rau đạt năng suất cao.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!