VÔ SINH PHÁP NHẪN LÀ GÌ ? | Duy Lực Thiền

Khái niệm Vô sinh pháp nhẫn

Vô sinh pháp nhẫn無生法忍(Sanskrit:anutpattika-dharma-kṣānti)là một thuật ngữ Phật giáo xuất phát từ Kinh Đại Bát Nhã大般若經 quyển 449 Phẩm Chuyển Bất Chuyển轉不轉品

Vô sinh nghĩa là không có sinh khởi, không có bắt đầu, không do cái gì sinh ra cũng tức là không có thật mà cũng không phải là giả. Đó là một trạng thái tuyệt đối bất nhị, bất biến, không có chuyển động, không thay đổi. Trạng thái đó gọi là pháp nhẫn. Nhẫn tức là bất biến, không có chuyển động, không lay động, không thay đổi (constant). Thuật ngữ này để diễn tả Tâm bất nhị vô sinh vô diệt không thay đổi.

Người tu theo Phật giáo là muốn phát hiện cái tâm này, đó mới thực sự là ta cũng là nguồn gốc của vũ trụ vạn vật.Trong lịch sử thiền tông, Ngài Động Sơn Lương Giới (807-869), khi kiến tánh có làm bài kệ :

切忌从他觅 Thiết kị tòng tha mích (mịch) Rất kị tìm cầu ở người khác

迢迢与我疏 Điều điều dữ ngã sơ Như vậy là xa với chính mình

我今独自往 Ngã kim độc tự vãng Nay ta tự mình đến

处处得逢渠 Xứ xứ đắc phùng cừ Khắp nơi đều gặp nó

渠今正是我 Cừ kim chính thị ngã Nó chính là mình đây

我今不是渠 Ngã kim bất thị cừ Mà mình không phải là nó

应须恁么会 Ưng tu nhẫm ma hội Phải ngộ được như thế

方得契如如 Phương đắc khế như như Mới khế hợp với chân như

Thầy Duy Lực đã giảng như sau (câu 1242)

1242 Xin Sư phụ giải thích bài kệ của ngài Động Sơn Lương Giới

Cái tâm này vô hình, vô thể, vô tướng nên không thể nắm bắt, không thể định nghĩa được, sự suy tư của bộ não con người không thể quan niệm, không thể hiểu được nó. Chính vì vậy Tổ Sư Thiền mới nêu ra tôn chỉ : Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự. Ngôn ngữ có giới hạn, nó diễn tả một khái niệm của ý thức, đó là tưởng tượng, suy tưởng, nghĩ ngợi trong khi tâm là một thực thể vô thể, thực tướng vô tướng không bị giới hạn.

Ngay từ thời Đức Phật không phải là không có văn tự nhưng Phật đã không cho ghi chép. Để hiểu về việc Phật giáo đã không được ghi chép thành văn bản trong thời Đức Phật tại thế và cả mấy trăm năm sau khi Phật nhập diệt, chúng ta cần xem qua về lịch sử kết tập kinh điển.

Ngôn ngữ của Đức Phật và các lần kết tập kinh điển

Theo các nhà nghiên cứu Phật học thì Đức Phật Thích ca đã dùng tiếng Magadhi để thuyết Pháp. Tiếng Magadhi là ngôn ngữ thuộc xứ Magadha (Ma Kiệt Đà摩竭陀) ở vùng trung lưu sông Ganges (Hằng hà).

Đây là xứ Magadha ngày nay là bang Bihar của Ấn Độ nơi có Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya).

Vương quốc Magadha (Ma Kiệt Đà)

Rất nhiều sắc lệnh của Đại đế Asoka được khắc trên các tảng đá lớn và các cây cột lớn được tìm thấy có thể cho chúng ta biết một phần nào về ngôn ngữ mà Đức Phật đã nói như thế nào.

Trụ đá của vua A Dục (Ashoka) khắc bằng chữ viết Magadhi

Vào thời Đức Phật Thích ca thì Kinh Vệ-đà (Vedas) đã có, xuất hiện muộn nhất khoảng 1.500 trước CN, đó là kinh của Bà-la-môn giáo, đã được truyền bá bằng tiếng Sanskrit -Vệ-đà (Vedic Sanskrit). Các nhà khảo cổ đã tìm thấy có bản Kinh đã viết vào khoảng 1.500 trước CN. Các Kinh văn Vệ-đà đã sử dụng cả tiếng Sanskrit Vệ-đà và Sanskrit cổ điển (Classical Sanskrit), đây là các ngôn ngữ rất thanh nhã, uyển chuyển linh động và văn hoa của giai cấp cao trong xã hội. Còn tiếng Magadhi là ngôn ngữ của giới bình dân, đại chúng, nhưng ngôn ngữ này vào thời vua A Dục (304-232 Trước CN) đã có chữ viết khá hoàn chỉnh.

Đoạn ghi chép sau đây trong Luật tạng Nam truyền cho chúng ta thấy quan điểm của Đức Phật về ngôn ngữ kinh điển: “Vào lúc bấy giờ, hai Tỳ-kheo tên Yamelu và Tekula là hai anh em xuất thân dòng dõi Bà-la-môn có lời nói nhã nhặn với âm điệu ngọt ngào. Họ đã đi đến gặp Đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, các Tỳ-kheo ấy đã nói với Đức Thế Tôn điều này:

– Bạch Ngài, hiện nay các Tỳ-kheo có tên gọi khác nhau, có dòng dõi khác nhau, có giai cấp khác nhau, có gia tộc khác nhau đã xuất gia. Các vị ấy đang làm hỏng lời dạy của Đức Phật bằng tiếng địa phương của chính họ. Bạch Ngài, hãy để chúng con hoán chuyển lời dạy của Đức Phật sang dạng có niêm luật.”

Hoán chuyển lời dạy của Đức Phật sang dạng có niêm luật, có vần có điệu, tức là sử dụng ngôn ngữ tiếng Phạn Vệ-đà (Vedic Sanskrit), thứ ngôn ngữ vốn dành riêng cho giai cấp Bà-la-môn mà hầu hết mọi người dân bình thường thuộc các giai cấp thấp hơn không được quyền học. Do đó, Đức Phật đã bác bỏ ngay đề nghị của hai Tỳ-kheo. Ngài khiển trách rằng:

“Này những kẻ rồ dại kia, vì sao các ngươi lại nói như vầy: ‘Bạch Ngài, hãy để chúng con hoán chuyển lời dạy của Đức Phật sang dạng có niêm luật?’ Này những kẻ rồ dại kia, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, và làm thay đổi niềm tin của một số người đã có đức tin.”

“Này các Tỳ-kheo, ta cho phép học tập lời dạy của Đức Phật bằng tiếng địa phương của chính họ.”

Đức Phật thường nhắc đi nhắc lại, sự giác ngộ tối hậu không dính dáng đến văn tự, người hành giả phải lìa hết mọi văn tự ngôn ngữ mới có thể đi đến giác ngộ tuyệt đối, vào cửa là “học giả” sau đó phải là “hành giả” kiên trì thực tập mới có thể đạt đến “giác giả”. Thời đó, Ngài đã quở trách những kẻ tu hành mà chỉ là những học giả ưa tìm tòi ghi nhớ kiến thức nhưng không hề thực hành, Ngài cho đó là vô ích, gọi họ là “đa văn”, xem đó là tệ đoan và những người như vậy không thể vào Đạo. Khi còn tại thế, vì không muốn đệ tử chấp vào văn tự, Ngài đã từng nói những lời như : “Trong 49 năm ta chưa từng nói một chữ.” (Kinh Kim Cang), “Phàm là lời nói đều không có nghĩa thật.” (Kinh Lăng Nghiêm), “Ta từ đêm được Chánh giác tối thượng cho đến đêm nhập Niết bàn, trong khoảng thời gian ấy, chưa hề thuyết một chữ nào, cũng không đang thuyết hay sẽ thuyết. Không thuyết mới là Phật thuyết.” (Kinh Lăng Già)…

Như vậy trong suốt thời kỳ Đức Phật còn tại thế, Phật giáo không hề có kinh điển ghi chép bằng văn tự. Phật dùng tiếng Magadhi (Ma Kiệt Đà 摩竭陀) là thứ tiếng thông dụng của vương quốc Ma Kiệt Đà để giảng, các đệ tử thấu hiểu và giảng lại cho tín đồ bằng nhiều ngôn ngữ địa phương của họ.

Sau khi Phật nhập diệt 3 tháng thì các tu sĩ tổ chức cuộc Kết tập Kinh điển lần thứ nhất với khoảng 500 tu sĩ tại ngoại thành Vương Xá (王舍Rajagaha) do Đại Ca Diếp chủ trì, A Nan đọc lại bài giảng, Ưu Bà Ly đọc các giới luật. Thời Đức Phật, tại Ấn Độ, mặc dù đã có văn tự Vedic của giới quý tộc, và có lần hai Đại Đức Yamelu và Tekula xin phép Phật cho ghi chép bài giảng bằng văn tự nói trên nhưng Phật không đồng ý, vì kinh điển chỉ là phương tiện, e rằng người tu cứ bám chặt vào phương tiện mà quên mất cứu cánh, nên các bài giảng của Phật chỉ được các tu sĩ ghi nhớ thuộc lòng và truyền khẩu cho nhau mà thôi. Kết tập tức là gom lại, cùng nhau tụng đọc, rà soát lại cho thống nhất. Sau lần kết tập này, Kinh Tạng và Luật Tạng được đúc kết. Kinh Tạng có bốn bộ : Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng Bộ và Tăng Chi Bộ. Tuy có đúc kết nhưng kinh điển cũng chưa được ghi chép bằng văn tự.

Một trăm năm sau, cuộc Kết tập Kinh điển lần thứ hai được tổ chức với khoảng 700 tu sĩ tại thành Vesali (Tỳ Xá Ly 毗舍離sa. vaiśālī) và Vajji (Bạt Kỳ跋耆). Lần này Kinh Tạng có thêm Tiểu Bộ. Luật Tạng được giữ nguyên với 10 giới luật căn bản. Trong lần kết tập này có sự bất đồng giữa hai khuynh hướng, một là bảo thủ, giữ nguyên giới luật như nguyên thủy, đó là khuynh hướng của Trưởng Lão Thuyết Bộ (Sthaviravada hay Sthaviravadin- còn gọi là Thượng Tọa Bộ hàm nghĩa giáo lý của người xưa hoặc còn gọi là Theravada tức giáo lý nguyên thủy), khuynh hướng thứ hai là cải cách về giới luật của Đại Chúng Bộ (Mahasanghika). Sau lần kết tập thứ hai kinh điển cũng chưa được ghi chép bằng văn tự.

130 năm sau nữa, dưới thời vua A Dục (阿育王Asoka 268-232 trước CN), Đại hội Kết tập kinh điển lần thứ 3 được triệu tập với khoảng 1000 tu sĩ do ngài Mục Kiền Liên Tử Đế Tu (Moggaliputta Tissa) chủ trì. Kinh Tạng vẫn là 5 Bộ kinh như hai lần kết tập trước, nhưng có tách riêng một số bài giảng của Phật về tâm pháp, thể tính và sự tướng của vạn pháp, hình thành Thắng Pháp Tạng còn gọi Vi Diệu Pháp hay Luận Tạng. Vua A Dục rất sùng tín Phật giáo, đã gởi 9 phái đoàn để truyền bá đạo Phật ra các nước chung quanh, trong số đó có phái đoàn do hai cao tăng Uttara và Sona đi bằng đường biển đến Suvannabhumi (xứ của vàng ngày nay là Thái Lan) truyền đạo. Sử của Thái Lan và Myanma có ghi nhận công cuộc hoằng pháp của phái đoàn này. Một đoàn khác do Mahoda, con của vua A Dục cầm đầu, đã đến nước Văn Lang của vua Hùng vào năm 240 trước CN. Trong các đoàn có Đại Đức Mahinda cũng là hoàng tử của vua, cùng với 4 tu sĩ khác, sang đảo Tích Lan (nay là Sri Lanka) hoằng pháp. Mahinda được vua nước Tích Lan giúp đỡ xây dựng chùa Đại Tự Viện (Mahavihara), từ đây phát triển thành phái Đại Tự Viện (Mahāvihāravāsins). Đây là một trong những phái thuộc Thượng Tọa Bộ xuất hiện đầu tiên ở Tích Lan tức Sri Lanka, rồi sau đó được truyền rộng rãi ra nhiều xứ ở Đông Nam Á. Ngày nay, Thượng tọa bộ Phật giáo vẫn rất phổ biến ở Sri Lanka và Đông Nam Á. Thượng tọa bộ ở Việt Nam còn được gọi là Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) dù trong thực tế Thượng tọa bộ chỉ hình thành từ khi Phật giáo phân chia thành các bộ, phái từ Hội nghị kết tập lần thứ hai sau khi Đức Phật nhập diệt 100 năm.

Hội Phật giáo thế giới đã thống nhất quy ước lấy năm 624 trước Công nguyên (TCN) làm năm sinh của Siddhārtha Gautama Tất-đạt-đa Cù Đàm 悉达多瞿曇 tức là Đức Phật và Ngài sống được 80 tuổi, như vậy Ngài nhập diệt năm 544 TCN, đó là năm bắt đầu của Phật lịch và đến nay năm 2019, Phật lịch là năm 2563.

Vào khoảng hai thập niên cuối cùng (năm 20TCN _20 năm trước khi bước vào Công nguyên tức Phật lịch 524, Phật nhập diệt được 524 năm), khoảng 500 tu sĩ của phái Đại Tự Viện họp lại, do vua Vattagamani triệu tập, tổ chức cuộc Kết tập kinh điển lần thứ 4, tại Tích Lan. Một điểm hết sức đặc biệt là trong lần kết tập này, kinh điển sau hơn 500 năm truyền khẩu, lần đầu tiên được viết thành văn bản trên lá bối.

Kinh Phật viết trên lá bối 2000 năm tuổi phát hiện gần 2 pho tượng Phật bị phá hủy tại Afghanistan

Lá bối (palm leaf) là nguyên liệu được chế tác thành từng miếng để chép kinh

Kinh điển chép tay trên lá bối

Đó là bước đầu hình thành Tam Tạng Kinh, gồm có Kinh Tạng với 5 Bộ Kinh lớn như nói trên, riêng Tiểu Bộ có 15 quyển. Luật Tạng gồm 5 quyển : Căn bản giới, Tiểu giới, Đại phẩm, Tiểu phẩm, Yết ma và Truyền pháp giới. Tạng thứ ba là Thắng Pháp Tạng hay Luận Tạng (Adbidamma Pitaka_A Tỳ Đàm hay A Tỳ Đạt Ma) gồm 7 bộ căn bản. Ngôn ngữ được dùng để ghi chép là tiếng Pali, vốn là ngôn ngữ Paishachi ở phía Tây Ấn Độ, phát triển thành tiếng Pali sử dụng phổ biến trên cao nguyên Decan và Nam Ấn , cũng là ngôn ngữ của Mahinda đến Tích Lan từ mấy trăm năm trước. Đây là kinh điển Phật giáo nguyên thủy (Theravada) thuộc truyền thống Nam Tông, được truyền bá ở các nước phía nam nên còn gọi là Nam Truyền, như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia, phía nam Việt Nam.

Kinh điển Đại Thừa và Khoa học

Qua lịch sử 4 lần kết tập kinh điển, hơn 500 năm sau khi Phật nhập diệt, Phật pháp mới được ghi chép thành văn tự. Ngay từ lần kết tập kinh điển thứ hai 100 năm sau khi Phật nhập diệt, giáo lý đã phân hóa thành hai hệ phái chính là : Thượng Tọa Bộ (Sthaviravada) còn gọi là Phật giáo nguyên thủy (Theravada) chủ trương giữ nguyên giới luật và giáo lý như xưa. Phái kia là Đại Chúng Bộ (Mahasanghika) chủ trương cải cách để phù hợp với thời thế. Mặt khác trong lần kết tập thứ ba, các vị sư đã tách riêng phần thâm thúy nhất của kinh điển, hình thành Luận Tạng còn gọi là Thắng Pháp Tạng hay Vi Diệu Pháp. Từ đó kinh điển đã có 3 phần rõ rệt là Kinh Tạng bao gồm giáo lý nguyên thủy với nghĩa lý thông thường, Luật Tạng là những quy định và giải thích về giới luật, Luận Tạng là phần Vi Diệu Pháp nói về thắng nghĩa của Phật pháp mà ý nghĩa trung tâm là Tâm, là Tánh Không (ngũ uẩn giai không). Đây chính là chủ đề mà bài viết này nói tới tức là Vô Sinh Pháp Nhẫn cũng tức là Tâm. Long Thọ Bồ Tát nói rằng Tâm như hư không vô sở hữu 心如虛空無所有 nghĩa là tâm giống như hư không, không có thật nhưng nó lại có khả năng tạo ra mọi cảnh giới từ vật chất cho tới tinh thần và tóm tắt trong nhóm chữ “ngũ uẩn giai không” 五蘊皆空 nghĩa là 5 tập hợp : Sắc (vật chất), Thọ (cảm giác), Tưởng (tưởng tượng, suy nghĩ), Hành (chuyển động), Thức (phân biệt) đều là không tức là không có thật.

《金剛經》:“一切有為法如夢幻泡影,如露亦如電,應做如是觀。” Kim Cang Kinh : “Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện, ưng tố như thị quán” (Tất cả pháp hữu vi đều như mộng huyễn bọt bóng, như sương hay như điện, nên xem xét như vậy)

Pháp hữu vi là pháp có tạo ra, tức là pháp sinh diệt, chẳng hạn con người có sinh lão bệnh tử. Pháp hữu vi là do chuyển động mà phát sinh vọng tưởng chứ không có thật. Chẳng hạn chuyển động của hạt electron khiến ta lầm tưởng là có nguyên tử. Mà bản thân các hạt cơ bản như photon, electron, quark, cũng là do vọng niệm tưởng tượng ra chứ không phải có thật. Trong thí nghiệm hai khe hở (double slit experiment) các nhà khoa học đã chứng thực chỉ khi có người quan sát thì hạt electron mới xuất hiện. Còn khi không có ai quan sát thì hạt electron chỉ là sóng, không phải vật chất và không có vị trí nhất định.

Hai nhà khoa học hàng đầu thế giới là Niels Bohr và Albert Einstein đã tranh luận quyết liệt về vấn đề hạt cơ bản của vật chất, cụ thể là hạt photon hoặc hạt electron có sẵn đặc trưng hay không. Einstein cho rằng hạt cơ bản như photon, electron là có thật, là khách quan luôn có sẵn đặc trưng. Lập trường của Bohr gần với Phật giáo hơn nói rằng hạt cơ bản chỉ xuất hiện khi có người quan sát, nếu không có ai quan sát thì hạt cơ bản chỉ là hạt ảo, trừu tượng (Phật pháp nói Nhất thiết pháp vô tự tính, ý nói hạt electron không có sẵn đặc trưng). Niels Bohr nói “Isolated material particles are abstractions” (Hạt vật chất cơ bản cô lập thì trừu tượng- tức không phải vật thật). Còn Einstein thì nói rằng :

“Tôi thích nghĩ rằng Mặt trăng vẫn ở đó dù cho tôi không đang nhìn nó”

Đây là lập trường thực tại khách quan, lập trường này đã bị Alain Aspect dùng bất đẳng thức của John Bell kết hợp với thí nghiệm liên kết lượng tử (quantum entanglement) chứng minh là sai vào năm 1982 tại Paris. Đó là thời điểm kết thúc của chủ nghĩa duy vật khách quan, nhưng vì có rất ít người hiểu được lập trường của Bohr, cũng tức là hiểu được Phật pháp, nên tuyệt đại đa số người đời vẫn biết đến Einstein nhiều hơn, tin tưởng ở Einstein nhiều hơn, rất ít người biết đến Bohr. Người đời không thể nào hiểu được tại sao vật chất chỉ là vọng tưởng, không có thật, không thể nào tin nổi. Einstein cơ bản là không tin ở cơ học lượng tử, ông cho rằng nó thiếu sót hoặc thậm chí là sai lầm. Chính vì vậy năm 1935, Albert Einstein, Boris Podolsky và Nathan Rosen (EPR) đã công bố một bài báo trên tạp chí Physical Review mà sau này thường được gọi là nghịch lý EPR. Mục đích của họ là bác bỏ cơ học lượng tử.

Trong khi đó Bohr nói rằng : “Mọi thứ chúng ta gọi là có thực được cấu tạo bằng những thứ không được xem là thật. Nếu cơ học lượng tử chưa gây shock một cách sâu sắc cho bạn thì có nghĩa là bạn chưa hiểu gì về nó.”

Nhưng kết quả của nhóm EPR là họ đã không bác bỏ được cơ học lượng tử mà càng thúc đẩy nó phát triển nhanh hơn, do có nhiều người nghiên cứu để giải quyết vấn đề đúng sai của hai lập trường khác nhau này, âu đó cũng là điều tích cực của giả thuyết sai lầm EPR vậy. Smartphone mà chúng ta đang sử dụng hàng ngày hôm nay chính là thành tựu của cơ học lượng tử, của hạt electron và hạt photon vừa là sóng vừa là hạt và vô sở trụ (non locality) không có vị trí nhất định trong không gian.

Đó là lý do trong thời đại của smartphone ngày nay, thông tin như hình ảnh, văn bản, âm thanh, video đã được số hóa. Chúng biến thành những con số, rất nhiều con số và được phát thành sóng wifi, 3G, 4G, 5G. Sóng đó vô hình và ở khắp mọi nơi. Chỉ khi cái điện thoại thông minh của chúng ta bắt được sóng đó, sóng liền biến thành hạt và xuất hiện trên màn hình thành bài báo, hình ảnh, video hoặc phát lại thành sóng âm ra loa mà tai chúng ta nghe được.

Kết luận

Một số nhà khoa học còn suy nghĩ xa hơn nữa, họ nghĩ rằng bản chất nền tảng của vũ trụ vạn vật không phải là vật chất hay năng lượng. Vật chất hay năng lượng chỉ là biểu hiện mà thôi, còn bản chất nền tảng của vạn hữu chính là thông tin, cũng chính là thức của Duy Thức Học Phật giáo, mà thức cũng chính là tâm, mà tâm cũng chính là vô sinh pháp nhẫn vậy.

Tin học đã phát triển qua thời kỳ máy tính điện tử. Những con chíp vi xử lý (processor) ngày càng có nhiều transitor trên một đơn vị diện tích hơn, nghĩa là khoảng cách giữa các transitor ngày càng thu hẹp lại, hiện nay (cuối năm 2019) người ta đã chế tạo được con chip mà giữa các transitor chỉ còn khoảng cách 7 nano mét (nm) và đang tìm cách giảm xuống chỉ còn 5 nm. Chip Snapdragon 875 mà Qualcomm sẽ cho ra mắt vào năm 2021 vẫn do TSMC (công ty gia công chip lớn nhất thế giới của Đài Loan) sản xuất sẽ có quy trình 5nm. Báo cáo cho biết thêm, chip Snapdragon 875 sẽ được sản xuất bằng quy trình 5nm của TSMC. Như vậy, Snapdragon 875 sẽ có 171,3 triệu bóng bán dẫn (transitor) trên mỗi mm vuông.

Nhưng hiện nay các nhà khoa học đang phát triển máy tính lượng tử có tốc độ xử lý còn nhanh hơn nữa, dựa trên nguyên tắc khác với máy tính điện tử. Máy tính điện tử dựa trên đơn vị thông tin là bit. Bit chỉ có hai trị số là 0 và 1. Còn máy tính lượng tử dựa trên đơn vị thông tin là qubit. Qubit ngoài hai trị số 0 và 1 còn trị số thứ ba và thứ tư chồng chập giữa 0 và 1.

Trong Phật pháp có khái niệm tứ cú (4 câu). Bốn câu là 4 mệnh đề luận lý : Có, Không, Vừa có vừa không, Không phải có cũng không phải không.

Qubit là sự ứng dụng tứ cú vào tin học. Bốn mệnh đề luận lý của Phật pháp được ứng dụng trong thực tế đời thường bằng kỹ thuật siêu việt giúp cho tốc độ xử lý thông tin nhanh hơn gấp bội. Sự nhanh hơn này được mô tả như sau : Trong số hàng tỷ tỷ tỷ lựa chọn, chỉ có 1 lựa chọn đúng. Máy tính điện tử phải so sánh tiêu chuẩn đúng lần lượt trong tỷ tỷ tỷ lần để phát hiện ra cái đúng. Còn máy tính lượng tử có khả năng so sánh cùng lúc tỷ tỷ tỷ lựa chọn nên có thể phát hiện ngay ra cái đúng một cách tức thời. Điều đó gọi là ưu thế lượng tử hoặc tối thắng lượng tử (quantum advantage hay quantum supremacy).

Ngày 23-10-2019 Google đã công bố máy tính lượng tử Sycamore có ưu thế lượng tử tuyệt đối tức là tối thắng lượng tử so với máy tính điện tử. Cụ thể là Sycamore có khả năng giải bài toán mà siêu máy tính Summit của Mỹ nhanh nhất thế giới hiện nay phải mất 10.000 năm mới giải xong, nhưng Sycamore chỉ mất 200 giây để giải xong. Sycamore có khả năng xử lý 53 qubit.

Máy tính lượng tử Sycamore

53 of the qubits that form the fundamental data-processing element at the heart of the system (53 qubits là đơn vị dữ liệu cơ bản ở trung tâm của hệ thống tức là con chip vi xử lý). Đối với máy tính điện tử, chúng ta đã từng biết với các khái niệm vi xử lý 32 bit và 64 bit.

Trong kinh Hoa Nghiêm 华严经 có bài kệ :

若人欲了知 Nhược nhân dục liễu tri Nếu người muốn biết rõ

三世一切佛 Tam thế nhất thiết Phật Tất cả Phật ba đời (quá khứ, hiện tại, vị lai)

应观法界性 Ưng quán pháp giới tính Nên quán tính pháp giới

一切唯心造 Nhất thiết duy tâm tạo Tất cả do tâm tạo

Tính pháp giới là gì ? Pháp giới bao gồm Tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới). Tất cả đều là Tâm và vô sở trụ, cũng là Tánh Không [Không có thật (non realism); không có không gian và thời gian (non locality), không có số lượng (non quantity)] Vì vậy nên pháp giới bình đẳng, ở đâu cũng như nhau, mọi sự vật đều như nhau.

Pháp giới tính mà bài kệ đề cập cũng tức là Vô sinh pháp nhẫn với ý nghĩa là tất cả các pháp đều là ảo hóa, không có gì là thật, kể cả thế giới vật chất trong cuộc sống đời thường của chúng sinh.

Vậy vô sinh pháp nhẫn sẽ được ứng dụng trong cuộc sống đời thường như thế nào ?

Đó là lúc tin học phát triển đến trình độ cao, con người sáng chế được máy tính lượng tử có tốc độ xử lý cao gấp hàng tỷ tỷ lần hiện nay. Máy tính đó đủ khả năng phân tích mọi vật thể kể cả thân thể tứ đại của con người thành lượng tử, chuyển đi xa bất cứ đâu, bất cứ khoảng cách là bao xa, chỉ trong thời gian một niệm dù là khoảng cách hàng ngàn năm ánh sáng, theo phương thức liên kết lượng tử, rồi tổng hợp lại thành vật thể như cũ. Nói cho chính xác là không có sự di chuyển, sự vật biến mất ở chỗ này và xuất hiện tức thời ở chỗ khác. Cái đó gọi là viễn tải lượng tử như video sau đây minh họa.

Viễn Tải Lượng Tử- Di Chuyển Vật Thể Di Xa Tức Thời

Mặt khác trình độ in 3D đạt tới siêu việt, có thể sử dụng ánh sáng mặt trời vừa làm nguyên liệu vừa làm năng lượng để in ra mọi thứ cần dùng cho con người từ nhà cửa, xe cộ, lương thực thực phẩm cho tới vật dụng sinh hoạt hàng ngày, không giới hạn, đủ để đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người, không ai cần phải tranh giành nữa. Những phế phẩm có thể biến hoàn toàn thành lượng tử để tái sử dụng nên địa cầu không còn rác thải nữa.

Vô sinh pháp nhẫn có thể giúp con người đi tới cảnh giới đó không ? Chúng ta hãy chờ xem.

Truyền Bình