Trẻ sơ sinh ngậm núm giả có tốt không? Cách cho bé ngậm núm vú giả

Bé cưng nhà bạn dù đã bú no nhưng khi rời vú mẹ lại hay quấy khóc, rất khó dỗ? Bé hay có tật mút ngón để thay cho núm vú? Điều này khiến nhiều cha mẹ lo lắng, tự hỏi không biết có nên cho con cho bé ngậm ti giả hay núm giả hay không vì sợ bé nghiện ti giả.

Bài viết sau Hello Bacsi sẽ giúp bạn hiểu hơn về việc dùng ti giả cho bé cũng như giải đáp một số băn khoăn thường gặp như trẻ sơ sinh ngậm núm giả có tốt không, khi nào cho bé ngậm núm giả, núm vú giả có tác dụng gì…

Trẻ sơ sinh ngậm núm giả có tốt không?

Núm ti giả, núm vú giả cho bé đã và đang trở thành lựa chọn phổ biến của nhiều mẹ bỉm. Dù trẻ sơ sinh dùng ti giả có thể ít quấy khóc và yên tâm hơn khi ngủ nhưng bạn đừng nên quá lạm dụng để tránh gặp tác dụng ngược.

Dưới đây là một số thông tin về ưu và nhược điểm của việc sử dụng ti giả để bạn phần nào có câu trả lời cho câu hỏi có nên cho bé ngậm ti giả không.

Tác dụng của ti giả khiến nhiều người bất ngờ

Một số bé chỉ cần được mẹ âu yếm, vuốt ve và ngậm núm vú trong lúc bú mẹ là đã thoải mái và thích thú. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bé không thể xa rời ti mẹ, ngay cả khi không đói. Lúc này núm ti giả sẽ hỗ trợ mẹ xoa dịu bé bởi núm vú giả giống vú mẹ, giúp bé hết khóc, quấy nhiễu.

Bên cạnh đó, vật dụng này còn mang lại một lợi ích khá bất ngờ. Một số nghiên cứu cho thấy dùng ti giả cho trẻ sơ sinh vào giờ đi ngủ và nghỉ trưa sẽ làm giảm nguy cơ mắc Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).

Dù nghiên cứu không chỉ ra cách núm vú giả giúp ngăn ngừa SIDS nhưng nó khẳng định mối liên hệ chặt chẽ giữa việc sử dụng núm vú giả cho trẻ sơ sinh và nguy cơ SIDS. Ngoài ra, khi con lớn hơn, việc cai ti giả cũng sẽ dễ hơn so với việc chấm dứt thói quen mút tay ở trẻ.

Cẩn thận với những tác hại khi dùng ti giả cho bé

Sử dụng núm ti giả có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tai giữa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Khi bé dưới 18 tháng tuổi, nguy cơ bệnh này thường rất thấp, do đó bạn nên cho bé sử dụng núm ti giả cho đến khi bé được khoảng 1 tuổi rưỡi (khi nhu cầu được ngậm núm vú của bé lớn nhất) và sau đó bắt đầu cai cho bé thì sẽ tốt hơn.

Nếu cho con bú mẹ, bạn nên đợi cho đến khi bé bú mẹ thành thạo rồi mới cho con sử dụng ti giả. Một số quan điểm cho rằng việc dùng núm vú giả cho bé quá sớm sẽ khiến bé từ chối núm vú thật. Ngoài ra, sử dụng ti giả thường xuyên còn khiến bé trở nên phụ thuộc, nếu không có ti giả sẽ không ngủ hoặc khó chịu.

Nhiều mẹ cũng lo lắng cho bé dùng ti giả có thể không tốt cho sự phát triển của răng. Thực tế, trẻ nhỏ sẽ ít có khả năng bị hư răng nếu bé ngừng sử dụng vào thời điểm 2 hoặc 3 tuổi. Thông thường các bé sẽ bỏ được từ trước đó (khi mà bé chỉ có răng sữa mà thôi), thế nên răng bé sẽ không bị ảnh hưởng. Điều này cũng có nghĩa là, nếu trẻ sử dụng càng lâu, nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của răng càng lớn.

Cách cho bé ngậm núm giả: 6 nguyên tắc cần nhớ

1. Đừng ép bé ngậm núm vú giả

Mẹ hãy để con quyết định thay vì cứ đưa trực tiếp ti giả vào miệng bé. Nếu con nhận ngay thì không sao nhưng nếu con từ chối thì mẹ cũng đừng nên ép. Mẹ có thể thử lại lần sau hoặc đơn giản là tìm cách khác để bé vui vẻ và thích thú hơn.

2. Chỉ dùng núm vú giả khi bé không đói

C ách sử dụng ti giả tốt nhất là bạn nên cho bé ngậm giữa các bữa ăn khi biết chắc là con không đói và tránh sử dụng vật dụng này như một cách để trì hoãn việc cho bé bú hoặc thay thế sự quan tâm, chăm sóc của mẹ.

Thay vào đó, núm ti giả sẽ hữu ích trong những trường hợp bé cần được vỗ về, ví dụ như trong lúc đi mua hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại hoặc ngồi trên xe.

3. Cho bé ngậm núm vú giả không phải là cách duy nhất để dỗ dành con

Mẹ hãy thử cho bé ngậm ti giả khi ngủ trưa và buổi tối. Nếu nó rơi ra khỏi miệng khi bé ngủ, mẹ đừng gắn trở lại vào miệng con. Lúc con quấy khóc, trước tiên mẹ hãy cố gắng dỗ bằng những cách khác, chẳng hạn như âu yếm, ẵm bé lên hoặc ca hát rồi hẵng nghĩ đến việc dùng núm vú giả.