Tổn thương thần kinh giữa

Điều trị không dùng thuốc VLTL – PHCN Nguyên tắc : Tổn thương thần kinh giữa nói riêng và thần kinh ngoại biên nói chung được chia thành 3 mức độ nặng khác nhau theo Seddon. Thái độ xử trí phụ thuộc nhiều vào mức độ tổn thương:

  • Độ 1: Điều trị bảo tồn. Thường hồi phục hoàn toàn.
  • Độ 2: Điều trị bảo tồn là lựa chọn ban đầu. Nếu không có dấu hiệu phục hồi thần kinh sau một thời gian điều trị thì nghĩ đến phẫu thuật thăm dò và điều trị. Thường bệnh nhân hồi phục không hoàn toàn.
  • Độ 3: Phẫu thuật là bắt buộc. Thần kinh sẽ không hồi phục nếu không được phẫu thuật nối thần kinh.Quá trình phục hồi phụ thuộc nhiều vào phương pháp phẫu thuật và khả năng tái phân phối thần kinh sau phẫu thuật.

Điều trị Tổn thương thần kinh giữa trong hội chứng ống cổ tay

Nhiều bệnh nhân bị hội chứng ống cổ tay đáp ứng tốt với điều trị bảo tồn nếu được phát hiện sớm. Mang máng nâng đỡ cổ tay, giữ ở tư thế trung tính, mang khi ngủ và khi thực hiện những hoạt động đòi hỏi sự vận động cổ tay nhiều. Sử dụng thêm kháng viêm NSAIDs đường uống.

Thay đổi tư thế và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý khi làm việc để tránh làm nặng thêm tình trạng bệnh. Chương trình PHCN sau phẫu thuật ống cổ tay giải phóng thần kinh giữa:

  • Tuần 1: Tập ngay sau mổ. Gấp duỗi cổ tay nhẹ nhàng, các ngón gấp duỗi tối đa. Mang nẹp cổ tay hỗ trợ;
  • Tuần 2: Cắt chỉ và chăm sóc sẹo mổ. Bắt đầu tập mạnh cơ và thực hiện các hoạt động sinh hoạt hằng ngày;
  • Tuần 3-4: Tiếp tục tập mạnh cơ. Bệnh nhân được phép thực hiện những hoạt động mạnh hơn và quay trở lại làm việc.

Châm các huyệt: Thiếu hải, Thanh linh, Hậu khê, Ngoại quan, Nội quan, Lao cung, Bát tà, Dương trì, Trung chữ, Uyển cốt, Thần môn Mỗi ngày châm 1 lần từ 20-30 phút. Đợt điều trị 7-10 ngày, nghỉ 2-3 ngày lại châm đợt khác kết hợp xoa bóp, thủy châm.

Nhiệt trị liệu: hồng ngoại, xông thuốc, cứu ngải…thường sử dụng trong giai đoạn bán cấp

Điện phân dẫn thuốc chống viêm giảm đau như Natrisalicylat 3% hay Nivalin đặt tại vùng tổn thương.

Siêu âm hoặc siêu âm dẫn thuốc dòng xung vùng tổn thương.

Điện xung dòng kích thích phục hồi thần kinh cơ: Faradic, Diadinamic, dòng giao thoa…

Xoa bóp vùng cẳng tay, bàn tay bên tổn thương: có tác dụng tăng cường chuyển hóa dinh dưỡng, lưu thông khí huyết, thư cân giải cơ, kích thích phục hồi nhanh

Điều trị Tổn thương thần kinh giữa bị tổn thương do vết thương vùng cánh tay, cẳng tay

Giai đoạn cấp: ngay sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật.

  • Bất động chi tổn thương: thời gian tùy thuộc vào tình trạng tổn thương và phương pháp phẫu thuật.
  • Vận động: tần suất và cường độ tập cũng phụ thuộc vào tình trạng tổn thương và phương pháp phẫu thuật.
  • Mang máng nẹp.
  • Tư vấn cho bệnh nhân biết cách bảo vệ an toàn cho vùng thương tổn, đặc biệt là sau phẫu thuật nối thần kinh. Tránh gây tổn thương cho vùng chi bị mất cảm giác.

Giai đoạn hồi phục: khi có dấu hiệu tái chi phối thần kinh:

  • Tái rèn luyện vận động: tập mạnh cơ theo chương trình tăng tiến;
  • Giảm tình trạng tăng cảm giác: quá trình tái chi phối thần kinh thường đi kèm với tình trạng tăng cảm giác. Cho bệnh nhân tiếp xúc với nhiều vật làm bằng chất liệu khác nhau để giảm tình trạng trên;
  • Châm cứu: châm các huyệt: Thiếu hải, Thanh linh, Hậu khê, Ngoại quan, Nội quan, Lao cung, Bát tà, Dương trì, Trung chữ, Uyển cốt, Thần môn; mỗi ngày châm 1 lần từ 20-30 phút. Đợt điều trị 7-10 ngày, nghỉ 2-3 ngày lại châm đợt khác kết hợp xoa bóp, thủy châm.
  • Nhiệt trị liệu: hồng ngoại, xông thuốc, cứu ngải…thường sử dụng trong giai đoạn bán cấp;
  • Điện phân dẫn thuốc chống viêm giảm đau như Natrisalicylat 3% hay Nivalin đặt tại vùng tổn thương;
  • Siêu âm hoặc siêu âm dẫn thuốc dòng xung vùng tổn thương;
  • Điện xung dòng kích thích phục hồi thần kinh cơ: Faradic, Diadinamic, dòng giao thoa…;
  • Xoa bóp bấm huyệt trị liệu vùng cẳng tay, bàn tay bên tổn thương: có tác dụng tăng cường chuyển hóa dinh dưỡng, lưu thông khí huyết, thư cân giải cơ, kích thích phục hồi nhanh

Điều trị dùng thuốc YHHĐ

  • Dùng thuốc tăng cường dẫn truyền thần kinh và thuốc phục hồi tổn thương dây thần kinh như nivalin hoặc paralys, nucleo CMP;
  • Vitamin nhóm B liều cao;
  • Tăng cường tuần hoàn ngoại vi;
  • Thuốc chống viêm, giảm đau;
  • Nếu bệnh nhân không hề có đáp ứng khi điều trị bảo tồn với máng nẹp cổ tay thì lựa chọn tiếp theo là tiêm steroid vào ống cổ tay.

Điều trị dùng thuốc YHCT

  • Do phong nhiệt: Khu phong, thanh nhiệt, giải độc
  • Do huyết ứ: Hoạt huyết hóa ứ,, thông kinh hoạt lạc
  • Do phong hàn: Khu phong, tán hàn, thông kinh hoạt lạc

Điều trị ngoại khoa: Phẫu thuật được chỉ định khi bệnh nhân không đáp ứng với việc mang máng nẹp, uống thuốc kháng viêm NSAIDs và tiêm steroid vào ống cổ tay hoặc khi bệnh nhân bị giảm đáng kể các hoạt động sinh hoạt hằng ngày hoặc có tình trạng teo cơ rõ. Phẫu thuật cắt dây chằng ngang giải phóng thần kinh giữa có tỷ lệ thành công cao và giai đoạn hồi phục sau mổ cũng nhanh.