Viêm phế quản cấp và mạn tính – Suckhoetoandan.vn

1. Khái niệm

Viêm phế quản là một bệnh lý của đường hô hấp, khi bị viêm, niêm mạc phế quản bị kích thích sẽ dầy lên và làm hẹp hoặc tắc nghẽn các tiểu phế quản, gây ra khó thở, ho và có thể kèm theo đờm đặc.

2. Các thể nhiễm bệnh

Viêm phế quản được chia thành 2 dạng là cấp tính (kéo dài ngắn hơn 6 tuần) và mạn tính (tái phát thường xuyên trong vòng hơn 2 năm).

3. Nguyên nhân

a. Viêm phế quản cấp tính:

– Vi rút và nhóm vi khuẩn không điển hình: chiếm 50 – 90% các trường hợp. Các vi rút hay gặp: Rhino vi rút; Echo vi rút; Adeno vi rút; Myxo vi rút influenza và Herpes vi rút.

Ở trẻ em hay gặp vi rút hợp bào hô hấp và vi rút á cúm. Các vi khuẩn không điển hình như: Mycoplasma Pneumonia, Chlamydia.

– Vi khuẩn: thường viêm lan từ đường hô hấp trên xuống, các vi khuẩn gồm: liên cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, Heamophilus influenzae, Moraxella catarrhalis. Những vi khuẩn này thường bị bội nhiễm thứ phát sau nhiễm vi rút. Ngoài ra viêm phế quản cấp còn có thể gặp trong các bệnh: sởi, thuỷ đậu, ho gà, thương hàn, bạch hầu.

– Các yếu tố hoá, lý: hơi độc (Clo, Amoniac), bụi nghề nghiệp, khói thuốc lá, không khí quá khô, ẩm, lạnh, hoặc quá nóng.

– Dị ứng: ở trẻ em, người lớn bị dị ứng nặng phù Quink, mày đay.

– Yếu tố thuận lợi: thay đổi thời tiết, bị nhiễm lạnh, thể địa yếu, mắc bệnh đường hô hấp trên.

b. Viêm phế quản mạn tính:

– Hút thuốc lá, thuốc lào: 88% số người nghiện hút thuốc bị viêm phế quản mạn tính. Khói thuốc lá làm giảm vận động tế bào có lông của niêm mạc phế quản, ức chế chức năng đại thực bào phế nang, làm phì đại và quá sản các tuyến tiết nhầy, làm bạch cầu đa nhân giải phóng men tiêu Protein. Khói thuốc lá còn làm co thắt cơ trơn phế quản.

– Bụi ô nhiễm: SO2, NO2. Bụi công nghiệp, khí hậu ẩm ướt, lạnh.

– Nhiễm khuẩn: vi khuẩn, virut, những ổ viêm nhiễm ở đường hô hấp trên và viêm phế quản cấp là cơ sở thuận lợi cho viêm phế quản mạn tính phát triển.

– Cơ địa và di truyền: dị ứng, người có nhóm máu A, thiếu hụt IgA…

– Yếu tố xã hội: cuộc sống nghèo nàn, lạc hậu.

4. Triệu chứng

a. Viêm phế quản cấp:

– Viêm phế quản cấp thường xuất hiện cùng lúc hoặc ngay sau viêm đường hô hấp trên: hắt hơi, sổ mũi, ho khan, rát họng.

– Hai giai đoạn của viêm phế quản cấp:

+ Giai đoạn đầu (3 – 4 ngày) (còn gọi là giai đoạn viêm khô).

+ Sốt 38 – 390C, có thể tới 400, mệt mỏi, đau đầu, nhức mỏi xương khớp, cảm giác nóng rát sau xương ức. Khó thở nhẹ, có thể có tiếng rít, ho khan, có ho thành cơn về đêm. Nghe phổi có ran rít, ran ngáy.

+ Giai đoạn sau: (6 – 8 ngày) còn gọi là giai đoạn xuất tiết.

– Các triệu chứng toàn thân và cơ năng giảm, ho khạc đờm nhầy, hoặc đờm mủ (khi bội nhiễm). Nghe phổi có ran ẩm. X quang phổi: có thể bình thường hoặc huyết phế quản đậm (rốn phổi đậm).

b. Viêm phế quản mạn tính:

– Thường ở người trên 40 tuổi, nghiện thuốc lá, thuốc lào. Thường xuyên ho khạc về buổi sáng. Đờm nhầy trong, dính hoặc màu xanh, vàng đục, mỗi ngày không quá 200ml. Mỗi đợt kéo dài 3 tuần, tăng về mùa đông và đầu mùa thu.

– Đợt bùng phát của viêm phế quản mạn tính, thường xảy ra ở người già, yếu, do bội nhiễm. Có thể sốt, ho, khạc đờm và khó thở, có thể tử vong do suy hô hấp và tâm phế mạn.

– Ở người mắc bệnh lâu năm (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), lồng ngực biến dạng hình thùng, hình phễu, khó thở rút lõm cơ hô hấp, rút lõm kẽ gian sườn, phần đáy bên của lồng ngực co hẹp lại khi hít vào, rút lõm hõm ức, khí quản tụt xuống khi hít vào. Có thể có hội chứng ngừng thở khi ngủ.

– Chụp phổi hay gặp hình ảnh “huyết phế quản đậm” ở vùng rốn phổi lan tỏa xuống đáy phổi, hay 2 đáy phổi quá sáng (KPT), hình ảnh nhiều hạt cục nhỏ dọc theo phế quản xuống đáy phổi.

– Xét nghiệm đờm thấy nhiều loại vi khuẩn. Rất khó xác định vi khuẩn nào gây bệnh là chính (trong miệng có rất nhiều vi khuẩn), trong thực hành hằng ngày lấy đờm làm kháng sinh đồ ít có giá trị.

– Xét nghiệm công thức máu: Số lượng hồng cầu, bạch cầu ít thay đổi trừ phi đợt viêm cấp sẽ có số lượng bạch cầu, bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao.

– Soi phế quản thấy niêm mạc phế quản đỏ, phù nề, tăng tiết đờm, co thắt phế quản. Xét nghiệm dịch phế quản tìm tác nhân gây bệnh tương đối có giá trị nhưng cũng dễ nhầm lẫn.

5. Biến chứng

a. Viêm phế quản cấp tính:

– Viêm phổi, phế quản phế viêm: thường xảy ra ở người già và trẻ em suy dinh dưỡng.

– Tăng tính phản ứng của phế quản với lạnh, khói và bụi, kéo dài vài tuần sau viêm phế quản cấp. Biểu hiện bằng ho khan kéo dài hàng tuần lễ.

b. Viêm phế quản mạn tính:

– Khí phế thũng trung tâm tiểu thuỳ.

– Tâm phế mạn, cao áp động mạch phổi.

– Bội nhiễm: viêm phổi, áp xe phổi, lao phổi…

– Suy hô hấp: cấp và mạn.

6. Điều trị

* Tây y:

a. Viêm phế quản cấp tính:

– Khi ho khan: dùng thuốc giảm ho như: Terpin-codein, Paxeladine. Giai đoạn ho khạc đờm dùng thuốc long đờm: ho Cam thảo, Mucomyst, Mucitux.

– Kháng sinh: khi có bội nhiễm hoặc người có nguy cơ biến chứng.

– Khi có co thắt phế quản: Dùng thuốc chống co thắt

– Thuốc an thần, kháng Histamin.

– Có thể dùng Prednisolon cho những trường hợp ho kéo dài có co thắt phế quản một đợt ngắn 5 đến 10 ngày.

b. Viêm phế quản mạn tính:

* Đối với viêm phế quản mạn, không có tắc nghẽn:

Khi có bội nhiễm phế quản:

– Dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ.

– Long đờm: Natribenzoat 3% , hoặc Acemuc, Bisorven, Mucosolvan, RhDnase.

– Vỗ rung và dẫn lưu theo tư thế. Ngày 2-3 lần. Mỗi lần 15 phút-30 phút.

– Chống co thắt phế quản: xịt Salbutamol hoặc uống Theophylin, nếu nhiều đờm xịt trovent.

* Đối với viêm phế quản mạn tính tắc nghẽn :

Ngoài các biện pháp trên cần thêm:

– Chống viêm bằng nhóm Corticoid: xịt Budesonide (Pulmicort) hoặc uống Prednisolon

– Thở Oxy, thở máy, đặt nội khí quản hút rửa, chống suy tim khi có tâm phế mạn.

Ngoài đợt bùng phát: cần điều trị dự phòng và tập thở bụng.

7. Phòng bệnh

– Bỏ các yếu tố kích thích: Thuốc lá, thuốc lào.

– Có biện pháp bảo hộ lao động cho những người tiếp xúc với môi trường có nhiều bụi.

– Phát hiện yếu tố di truyền, giảm miễn dịch ở những người có nghề nghiệp dễ bị bệnh.

– Chống nhiễm virus: Tiêm chủng chống cúm mùa vào mùa thu, đông.

– Cho kháng sinh vào những tháng mùa lạnh, mỗi đợt 10 ngày.

– Điều trị tốt bệnh tai mũi họng

– Dùng vitamin A, C, E.

– Uống nước từ 1.5 lít đến 2 lít nước/ 1 ngày.

– Nhà ở phải thoáng, mùa lạnh phải được che kín các khe hở, nên đóng cửa để tránh bụi.

Đối với người già và trẻ em cần giữ ấm chân, cổ, ngực nhất là khi ngủ và ra ngoài trời.

Mùa rét không tắm nước lạnh, nơi tắm phải kín, không có gió lùa.

– Rửa tay thường xuyên.

– Đeo khẩu trang khi phải thường xuyên tiếp xúc với bụi, người bị ho hoặc hắt hơi.