Trẻ con không được ăn thịt chó: Cái đói ám ảnh trong từng trang văn

Trẻ con không được ăn thịt chó là truyện ngắn đặc sắc của Nam Cao, được sáng tác năm 1942, thông qua tác phẩm nhà văn đã miêu tả cảnh sống khốn cùng mà người nông dân phải trải qua trước bi kịch của cái đói.

Đôi nét về nhà văn Nam Cao và tác phẩm Trẻ con không được ăn thịt chó

Nam Cao sinh ra trên mảnh đất Nam Định, trong một gia đình nghèo khó và đông con, tên trên giấy khai sinh của ông là Trần Hữu Tri, sau này nhà văn lấy tên tổng và huyện nơi mình sinh ra để ghép thành bút danh như hiện tại.

Tác giả là người duy nhất trong gia đình được cha mẹ cho ăn học đầy đủ vì thế ông lên Sài Gòn với ước mơ và hoài bão lớn lao, thế nhưng do bệnh tật, sức khỏe yếu nên Nam Cao phải trở về quê hương để hành nghề thầy thuốc.

Trước thời kì Cách mạng tháng Tám, ông dạy học tại Hà Nội và tham gia Hội Văn hóa cứu quốc cùng các tên tuổi như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng.

Hình ảnh chân dung nhà văn Nam Cao
Hình ảnh chân dung nhà văn Nam Cao

Khi cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám diễn ra, Nam Cao tham gia chiến đấu ở cả mặt trận chiến trường và mặt trận văn hóa, ông đã góp một phần quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của dân tộc.

Nam Cao hy sinh trên chiến trường khi ngòi bút vẫn còn đang sung sức nhưng với hơn 15 năm cầm bút ông đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam một khối lượng tác phẩm có giá trị.

Mặc dù trong những ngày đầu đến với văn chương, Nam Cao đã viết những tác phẩm thoát ly hiện thực, xa rời thực tế nhưng ông đã nhanh chóng nhận ra sự vô vị và viển vông mà thứ văn này đem lại, vì vậy ông đã chuyển sang dòng văn học hiện thực phê phán với lời tuyên ngôn:

“Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng Điền. Điền chẳng cần đi đâu cả. Điền chẳng cần trốn tránh, Điền cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời.”

– Giăng sáng

Trẻ con không được ăn thịt chó là tác phẩm xuất sắc của Nam Cao, nó đã khắc họa một cách chân thực khung cảnh làng quê nghèo và tình cảnh bi kịch trước cái đói của nhân dân Việt Nam trước năm 1945.

Cốt truyện xoay quanh một gia đình đông con, người bố thì nghiện rượu đi ăn chịu khắp các cửa hàng, thậm chí hắn còn mổ nốt con chó trong nhà và mời bạn bè đến ăn nhậu, trong khi đó vợ con chỉ biết đứng nhìn cùng những giọt nước mắt.

Trẻ con không được ăn thịt chó họa lại hiện thực những năm tháng đói khát

Mở đầu tác phẩm là hình ảnh của một nhân vật không tên, hắn đang thưởng thức điếu thuốc lào, đột nhiên hắn nhìn thấy con chó thui vàng ươm trên trống hàng nhà bà Tam, nên hình ảnh được ngồi ăn thịt chó cùng chai rượu xâm chiếm tất cả suy nghĩ của hắn.

Hắn chẳng có tiền để ăn được một bữa cho đàng hoàng nên hắn tức mình chửi trời, chửi đất rồi cuối cùng quyết định đứng lên và đi ăn chịu. Hắn đi đến cuối con đường hai ngã lại chẳng biết nên rẽ hướng nào bởi một hướng có con mẹ Vụ đã bị hắn lừa, chắc mụ sẽ chẳng cho ăn không, còn quán ở đường bên kia hắn đã ăn nợ đến ba lần rồi.

Hình ảnh miêu tả tác phẩm Trẻ con không được ăn thịt chó
Hình ảnh miêu tả tác phẩm Trẻ con không được ăn thịt chó

Hắn đi về nhà với cái miệng vẫn còn thèm thuồng thì bỗng thấy con chó nhà mình đang nằm ngủ thiu thiu ở bờ rào, hắn bắt đầu tự viện cho mình mọi lí do nghe có vẻ hợp lý để mổ nó.

“Chao ôi! Giá hắn không bận nghĩ đến rượu và thịt chó! Giá hắn không khổ sở vì một cái dạ dày ưa đòi hỏi thì hắn đã sung sướng lắm. Nhưng hắn lại thèm rượu và thịt chó mà không được uống rượu, ăn thịt chó. Bởi vậy hắn cho là đời thật đáng buồn. Kiếp người nản lắm. Trời thì cay nghiệt như một bà già thiếu ăn ngay từ lúc còn thơ.”

– Trẻ con không được ăn thịt chó

Vậy là gã mang con chó ra mổ trong sự háo hức của những đứa con vì chúng tưởng sẽ được một bữa ăn ngon, mặt khác người vợ khi đi chợ về nhìn thấy cảnh tượng ấy thì vô cùng bàng hoàng.

Cái nghèo, cái đói từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh của nhân dân ta bởi vậy nó đi vào trong trang văn của Nam Cao thật tự nhiên, chỉ qua những chi tiết nhỏ nhặt như việc trong nhà của hắn chẳng có bát đũa gì nhiều, hai cái chậu là cả gia tài rồi.

Bìa truyện ngắn Nam Cao trước năm 1945
Bìa truyện ngắn Nam Cao trước năm 1945

Người vợ đau khổ nhìn người chồng giết con chó chỉ để thỏa cái thói tham ăn của hắn, thị than thân phận mình sao khốn nạn mới lấy phải người như thế, chẳng những không biết lo toan cho gia đình mà còn đem nợ về chồng chất.

“Khốn nạn! Khốn nạn cho thị lắm! Cái số thị chẳng ra gì nên vớ phải một thằng chồng không biết lo, biết nghĩ, chỉ thích ăn, thích uống. Con chó to bằng ấy, lúc này bán đâu không nổi ba đồng bạc? Cả nhà ăn gạo hàng nửa tháng. Ấy thế mà cái môi nó vừa máy lên một cái, nó đã phải đè ra mà giết ngay. Ăn hoang, phá hại.”

– Trẻ con không được ăn thịt chó

Thị nghèo lắm, trong nhà đến gạo ăn cũng chẳng có vậy mà để phục vụ cho bữa thịt chó xa xỉ của người chồng, hắn bắt thị phải đi mua chịu gạo, nước mắm và cả rượu. Thị đau đến quặn lòng, thị nghĩ đến những đứa con phải chịu đói khát mà rơi nước mắt.

Nam Cao là cây bút hiện thực, ông thường xuyên viết về cái đói, cốt truyện cũng như những vấn đề đều xoay quanh miếng ăn thế nhưng lại khái quát được cả một thời kì khốn khó của dân tộc.

Nhân phẩm của con người trước bi kịch của cái đói

Trong dòng văn học hiện thực, bên cạnh Nam Cao cũng có một số nhà văn viết về cái đói mà trong đó có Ngô Tất Tố. Nếu như Ngô Tất Tố viết những trang văn về bi kịch của miếng ăn để thay người dân cất lên tiếng kêu cứu đói thì Nam Cao cũng chắp bút về đề tài ấy nhưng là để đòi lại nhân cách con người.

Mặc dù người vợ luôn phải đối mặt với những bi kịch dồn dập của việc thiếu miếng ăn nhưng thị vẫn quan tâm đến các con, dành chút tiền nhỏ để mua quà cho con khi đi chợ về. Chỉ cần nghĩ đến cảnh chúng vui mừng khi thấy mấy cây mía lách mẹ mang về là thị lại tủm tỉm cười suốt dọc đường.

Hình ảnh bìa tuyển tập truyện ngắn Nam Cao
Hình ảnh bìa tuyển tập truyện ngắn Nam Cao

Trong cảnh túng thiếu, những đứa con là niềm vui cũng như động lực sống của thị, mỗi lần thấy chúng nó tiu nghỉu thất vọng vì mẹ về tay không thì thị lại rớt nước mắt. Ở cảnh cuối cùng của tác phẩm, khi những đứa con khóc lóc nhìn mâm cơm rỗng tuếch, mặt người vợ mếu xệch đi không phải bởi thị đói mà do thi xót cho con và thấy tủi cho thân phận mình.

Miếng ăn là thử thách ghê gớm với tính cách con người và người cha trong tác phẩm là nhân vật điển hình không thể vượt qua được chướng ngại vật ấy. Hắn lừa hàng xóm để bán mấy cây chuối, ăn chịu thịt chó nhà mụ Tam đến ba lần và hắn còn mổ nốt con chó trong nhà để thỏa cái miệng thèm ăn.

Hắn ngồi ăn nhậu cùng bạn bè mặc cho người vợ gầy và những đứa con còm cõi nheo nhóc dưới bếp, không hề mảy may thương xót hay động lòng.

“Người mẹ rất còm cõi và bốn đứa con gầy ốm, quây quần với nhau trong xó bếp. Trong gia đình này, năm mẹ con thường giống như một bọn dân hèn yếu cùng chung phận con sâu, cái kiến dưới cái ách một ông bạo chúa.”

– Trẻ con không được ăn thịt chó

Nam Cao so sánh tình cảnh của gia đình này như những thân phận con sâu, cái kiến bị áp bức bởi một ông bạo chúa, để lột tả hết cái cùng cực của thân phận phụ nữ trong xã hội còn trọng nam khinh nữ. Tác phẩm khép lại với những giọt nước mắt vì thất vọng và đói khát của những đứa con cùng với sự đắng cay, chua chát của người vợ.

Ngòi bút của Nam Cao thực sự rất tài tình khi qua tác phẩm Trẻ con không được ăn thịt chó đã khái quát được không chỉ những bi kịch của xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám mà còn nói lên được số phận khốn khổ của con người, đặc biệt là phụ nữ.

Ngọc Linh