Rút tủy răng (root canal)

Rút tủy răng (root canal) là gì?

Rút tủy răng là một phương pháp được sử dụng để điều trị và giữ lại những chiếc răng bị sâu nặng hoặc nhiễm trùng. Trong quá tình rút tủy, dây thần kinh và tủy răng sẽ được loại bỏ, sau đó phần trong răng sẽ được làm sạch và hàn lại. Nếu không được điều trị. Các mô xung quanh răng sẽ bị nhiễm trùng và dẫn đến hình thành áp-xe.

“Root Canal” – “ống tủy răng” vốn là một thuật ngữ để chỉ phần ống tự nhiên nằm bên trong răng. Tủy và buồng tủy là phần mềm ở bên trong ống tủy răng. Các dây thần kinh răng nằm trong ống tủy răng.

Dây thần kinh răng là phần không quá quan trọng đối với sức khỏe và chức năng của răng sau khi răng đã mọc ra khỏi lợi. Chức năng duy nhất của dây thần kinh răng là tạo ra cảm giác cho răng khi tiếp xúc với nhiệt độ nóng hoặc lạnh. Việc có hay không có dây thần kinh sẽ không ảnh hưởng đến chức năng của răng.

Tại sao tủy răng cần được loại bỏ?

Khi mô dây thần kinh răng hoặc tủy bị tổn thương, răng sẽ bị vỡ và vi khuẩn bắt đầu sinh sôi bên trong buồng tủy. Vi khuẩn và phần răng bị sâu có thể gây nhiễm trùng hoặc áp-xe răng. Áp-xe răng là những bọc có chứa mủ hình thành ở phần đầu của chân răng. Áp-xe xảy ra khi vùng nhiễm trùng lan ra vùng bên ngoài phần đầu của chân răng. Ngoài áp-xe, hiện tượng nhiễm trùng ở phần ống tủy răng còn có thể gây ra những vấn đề khác như:

  • Sưng. Hiện tượng này có thể lan ra những vùng khác trên mặt, cổ và đầu
  • Mất xương quanh phần đầu của chân răng.
  • Các vấn đề khác lây lan từ chân răng. Lỗ thủng có thể hình thành xuyên qua răng đến lợi, hoặc xuyên qua má đến phần da bên ngoài.
  • Dây thần kinh và tủy răng có thể bị kích ứng, viêm, và nhiễm trùng do sâu răng, các phương pháp can thiệp liên tục lên răng, do vùng trám răng quá lớn, nứt răng hoặc do tổn thương vùng mặt.

Quá trình lấy tủy răng

Phương pháp lấy tủy răng có thể đòi hỏi bệnh nhân phải đến phòng khám một hoặc nhiều lần và có thể được tiến hành bởi nha sĩ hoặc bác sĩ chỉnh nha thẩm mỹ. Bác sĩ chỉnh nha cũng là bác sĩ nha khoa nhưng có chuyên môn về nguyên nhân, chẩn đoán, cách ngăn ngừa và điều trị các bệnh và chấn thương liên quan đến tủy và dây thần kinh răng. Việc lựa chọn bác sĩ chỉnh nha hay bác sĩ nha khoa tổng quát sẽ tùy thuộc vào mức độ phức tạp của việc rút tủy trong từng trường hợp và kinh nghiệm của bác sĩ nha khoa tổng quát. Bác sĩ nha khoa sẽ cho bạn biết ai là người thích hợp nhất để tiến hành quá trình rút tủy trong trường hợp của bạn.

Bước đầu tiên của quá trình rút tủy là chụp X-quang để xem hình dạng của ống tủy và xác định xem có dấu hiệu của sự nhiễm trùng ở phần xung quanh không. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành gây tê tại chỗ để làm tê vùng xung quanh răng. Đôi khi việc gây tê có thể không cần thiết, vì các dây thần kinh đã chết nhưng đa số bác sĩ đều sẽ gây tê để giúp bệnh nhân thấy thoải mái hơn.

Tiếp theo, để giữ cho vùng rút tủy khô và không có nước bọt trong khi điều trị, bác sĩ sẽ sử dụng một tấm vách cao su bao quanh răng.

Sau đó, bác sĩ sẽ khoan một lỗ vào răng và loại bỏ tủy cùng với vi khuẩn, mô thần kinh bị sâu và các mảnh mụn khỏi răng. Quá trình dọn sạch này sẽ được thực hiện bằng trâm lấy tủy răng. Trâm lấy tủy răng là bộ dụng cụ gồm nhiều chiếc với đường kính tăng dần, được đưa lần lượt vào trong phần lỗ khoan trên răng và đi sâu xuống toàn bộ chiều dài của răng để dọn sạch thành của ống tủy răng. Sau đó, bác sĩ sẽ dùng nước hoặc sodium hypochlorite để rửa sạch.

Khi răng đã được làm sạch thì sẽ được hàn lại. Một số bác sĩ thường chờ khoảng 1 tuần rồi mới hàn răng. Ví dụ, nếu như răng bị nhiễm trùng thì bác sĩ sẽ đưa thuốc vào bên trong răng để làm sạch răng trước. Một số bác sĩ khác có thể hàn răng ngay sau khi rút tủy. Nếu quá trình rút tủy không thể hoàn thành trong ngày thì mối hàn tạm thời sẽ được đặt ở bên ngoài lỗ khoan để giữ cho nước bọt và thức ăn không lọt vào bên trong.

Vào lần điều trị tiếp theo, để lấp phần bên trong răng, bác sĩ sẽ sử dụng một chất keo hàn và hợp chất cao su gọi là guttapercha để đưa vào bên trong ống tủy răng. Ngoài ra, bác sĩ sẽ sử dụng miếng hàn răng để lấp phần miệng lỗ khoan được tạo ra khi bắt đầu điều trị.

Bước cuối cùng là khôi phục lại răng. Vì sau khi được rút tủy, răng sẽ có một miếng hàn lớn hoặc yếu đi, nên có thể sẽ cần bọc răng sứ hoặc các phương pháp khác để bảo vệ răng, ngăn răng không bị vỡ và khôi phục cá chức năng bình thường của răng. Bác sĩ sẽ cho bạn biết nếu như cần đến các phương pháp hỗ trợ sau khi rút tủy răng.

Rút tủy răng gây đau ở mức độ nào?

Phương pháp lấy tủy răng thường được cho là sẽ gây đau. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân đều cho biết rằng phương pháp này chỉ gây đau giống như phương pháp hàn răng.

Điều gì sẽ xảy ra sau khi rút tủy răng?

Trong một vài ngày đầu sau khi rút tủy răng, răng sẽ trở nên nhạy cảm hơn do phản ứng viêm tự nhiên, đặc biệt là khi răng bị đau và nhiễm trùng từ trước khi rút tủy. Hiện tượng nhạy cảm này thường có thể được điều trị bằng các loại thuốc giảm đau không kê đơn ví dụ như ibuprofen hay naproxen. Đa số bệnh nhân đều có thể đi làm trở lại ngay ngày hôm sau.

Trước khi quá trình rút tủy hoàn thành và trám răng hoặc mão răng sứ được gắn lên răng thì tốt nhất bạn nên hạn chế nhai ở vùng răng đang được điều trị. Điều này sẽ giúp tránh hiện tượng nhiễm khuẩn và ngăn răng không bị vỡ trước khi răng được khôi phục hoàn toàn.

Sau khi rút tủy, bạn cần chăm sóc răng miệng hàng ngày bằng cách đánh răng, dùng chỉ nha khoa, nước xúc miệng kháng khuẩn và đi khám nha khoa thường xuyên.

Mức độ hiệu quả của phương pháp rút tủy răng

Phương pháp rút tủy răng có tỉ lệ thành công rất cao, trên 95%. Trong nhiều trường hợp, những chiếc răng được điều trị bằng phương pháp này có thể trụ vững suốt cả cuộc đời.

Ngoài ra, vì bước cuối cùng của quá trình rút tủy là khôi phục răng bằng phương pháp bọc răng sứ hoặc trám răng nên người ngoài khi nhìn vào sẽ không thể phát hiện răng đã được rút tủy.

Các biến chứng sau khi rút tủy răng

Mặc dù bác sĩ sẽ dọn sạch và hàn lại răng nhưng răng vẫn có thể bị nhiễm trùng sau khi rút tủy. Nguyên nhân dẫn đến điều này có thể là:

  • Số ống tủy răng nhiều hơn dự đoán, khiến cho một trong số đó không được dọn sạch
  • Chân răng có vết nứt không được phát hiện
  • Các vật liệu phục hồi răng bị hỏng hoặc không vừa với răng, khiến cho vi khuẩn có thể xâm nhập vào bên trong răng và gây nhiễm trùng
  • Vật liệu hàn bên trong răng bị vỡ sau một thời gian, khiến cho vi khuẩn xâm nhập vào trong

Đôi khi, việc điều trị lại vẫn có thể thành công nhưng trong nhiều trường hợp, bệnh nhân sẽ cần được phẫu thuật để khắc phục vấn đề. Phương pháp phẫu thuật phổ biến nhất là cắt bỏ cuống chân răng. Phương pháp này giúp làm giảm tình trạng viêm và nhiễm trùng ở phần xương quanh chân răng. Trong quá trình phẫu thuật, lợi sẽ được rạch ra, phần mô bị nhiễm tùng bị loại bỏ và đôi khi phần đầu của chân răng cũng bị loại bỏ. Bác sĩ có thể dùng một miếng trám nhỏ để hàn lại phần ống tủy răng.

Chi phí rút tủy răng

Mức giá sẽ có sự chênh lệch tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vấn đề và loại răng cần rút tủy. Nhiều công ty bảo hiểm có chính sách bảo hiểm nha khoa có thể hỗ trợ một phần chi phí điều trị.Chi phí cho phương pháp rút tủy (không bao gồm khôi phục răng) được thực hiện bởi bác sĩ nha khoa tổng quát là khoảng $500 – $1000 đối với răng cửa và $800 – 1500 đối với răng hàm. Tuy nhiên, chi phí khi được điều trị bởi bác sĩ chỉnh nha thẩm mỹ có thể sẽ cao hơn 50%.

Các phương pháp thay thế

Nếu có thể thì giữ lại được chiếc răng ban đầu sẽ là giải pháp tốt nhất. Răng tự nhiên sẽ cho phép bạn có thể ăn nhiều loại đồ ăn để duy trì sự cân bằng dinh dưỡng cho cơ thể. Rút tủy là một phương pháp không bắt buộc, tùy vào lựa chọn của từng người.

Phương pháp thay thế duy nhất cho phương pháp rút tủy là nhổ răng và thay thế bằng cầu răng, trồng răng giả hoặc dùng răng giả tháo lắp để khôi phục lại chức năng nhai và ngăn các răng gần đó không bị lệch. Những phương pháp này không chỉ đắt hơn mà còn kéo dài lâu hơn phương pháprút tủy răng, hơn nữa còn can thiệp đến cả những răng và phần lợi xung quanh.

Cách ngăn ngừa

Vì nguyên nhân khiến dây thần kinh và tủy răng bị viêm và nhiễm trùng là do sâu răng, can thiệp thường xuyên đến răng và mảng trám quá lớn nên một thói quen chăm sóc răng miệng hàng ngày (đánh răng, dùng chỉ nha khoa và nước xúc miệng) sẽ giúp giảm thiểu khả năng cần đến phương pháp rút tủy. Ngoài ra, bạn nên dùng miếng bảo vệ răng để hạn chế chấn thương khi chơi thể thao.