Gợi ý Top lan tỏa yêu thương là gì hot nhất hiện nay 2023

Thông thường, gia đình là nơi thể hiện tình yêu thương đậm nhất, rõ nhất, thắm thiết nhất. Gia đình không chỉ là nơi các thành viên có quan hệ tình thâm, có những ràng buộc về mặt máu mủ và pháp lý mà còn là nơi thực sự gắn kết, chia sẻ bởi có nhiều mối liên hệ về lợi ích, sự gần gũi về tiếp xúc… Do đó, nhiều người đã gọi là gia đình là “mái ấm”, “tổ ấm” bởi đó luôn có sự ấm áp trong không khí thân tình giữa các thành viên. Chính vì lẽ đó, gia đình còn là nơi gìn giữ và trao truyền lòng yêu thương, tinh thần nhân ái, các đức tính cao quý của con người, các thói quen tích cực… Các hành xử bạo lực, phi văn hóa, phi đạo đức trong gia đình luôn bị xã hội phê phán, lên án và nhiều người lấy đó làm bài học cảnh tỉnh cho gia đình mình và gia đình người khác.

Trong gia đình, quan hệ cha mẹ với con cái là một trong những mối quan hệ gần gũi, thân thiết, bền chặt nhất. Đây là quan hệ huyết thống, đồng thời còn là quan hệ được pháp luật quy định khá chặt chẽ về các quyền và nghĩa của các chủ thể. Mối quan hệ này được cả pháp luật và đạo đức điều chỉnh rất rõ nét và cụ thể; trong một số trường hợp dù pháp luật không chế tài hành vi chưa hợp chuẩn mực nhưng đạo đức cũng sẽ phê phán cá nhân vi phạm. Đồng thời, “thiết chế” đặc biệt là “lương tâm” cũng sẽ góp phần điều chỉnh hành vi, ứng xử của các chủ thể có liên quan.

Thời gian qua, trong bối cảnh đại dịch, nhiều người đã nói đến lòng yêu thương đã được lan tỏa sâu rộng trong các mặt đời sống với sự sẻ chia, giúp đỡ, đồng hành với nhau, đặc biệt ở những người đang chịu tác động nặng nề của dịch bệnh. Càng khó khăn thì lòng yêu thương càng nở rộ hơn, ấm áp hơn, với nhiều trạng thái, nhiều cung bậc.

Và chính vì vậy, người ta càng căm phẫn với hành vi ngược đãi một bé gái, mà những người có liên quan lại sống chung một mái nhà và có mối quan hệ rất gần gũi với cháu bé.

Tuy nhiên, trong khi rất nhiều người cố gắng làm tình yêu thương lan tỏa sâu rộng thì một số người lại làm cái xấu, cái ác, cái thù hận… hằn trong tâm trí, tình cảm của không ít người khác thông qua việc làm lây lan những hành vi xấu xí, những câu chuyện độc ác, những cái ghét bất chấp… Để rồi, có thể người nào đó lại thấy cuộc sống u tối, không còn tin tưởng ở những điều tốt đẹp, không dám trông đợi vào các nghĩa cử được bén rễ hay lòng nhân ái được nở hoa. Có khi cái ghét, cái ác len lỏi trong từng suy nghĩ, lời nói để rồi bất chợt lúc nào đó bùng phát thành hành động, trút vào đâu đó, nhắm vào ai đó, như một sự lặp lại. Và khi ấy, lòng yêu thương, sự thiện lành phải nhường chỗ cho sự phẫn nộ, bức xúc, để rồi cái xấu, cái ác tiếp tục hằn trong tâm trí, tình cảm của ai đó…

Rõ ràng, trên thực tế, không phải ai cũng thể hiện đầy đủ mình là người có lòng yêu thương, ngay cả với người thân trong gia đình; hoặc có người chỉ thể hiện tình cảm đó một cách hình thức để “làm màu” trước người khác, trước xã hội. Khi tình yêu thương liên quan đến sự toan tính thì có lẽ chẳng còn là yêu thương nữa!

Để lòng nhân ái được lan tỏa và nở rộ từ trong gia đình ra đến xã hội, có lẽ mỗi người đều phải hiểu về yêu thương và học cách yêu thương, cũng như phải biết yêu và biết ghét đúng chỗ, đúng mực. Chẳng hạn, người xưa nói “yêu cho roi cho vọt”, nếu ở góc độ rất tích cực thì liệu có thể yêu mà không cần roi vọt được không; “thương người như thể thương thân” thì liệu có lúc nào ta biết hy sinh bản thân, hy sinh tình thân vì đại nghĩa, vì đại cuộc không; “chị ngã em nâng” thì có cần em động viên chị tự đứng dậy… Tức là, cần có sự yêu ghét bằng một nhận thức tích cực chứ không phải theo thói quen, bắt chước cách của người khác hoặc theo số đông… Và, trong mỗi người, lòng yêu thương phải luôn thường trực, không để cái ác, cái xấu hay điều ghét hằn lại, đọng lại, để rồi có lúc nó dày lên, đậm lên, lấn át cả lòng yêu thương, thúc đẩy hành động bất nhân, vô đạo đức!