Hột gạo trên móng tay có ý nghĩa gì

Có lẽ, bạn vẫn thường thấy hạt gạo trên móng tay ở những người xung quanh mình. Đa phần chúng ta hay bỏ qua do nghĩ đây là tình trạng bình thường. Tuy nhiên, móng tay ở hạt gạo có thể là dấu hiệu của những bệnh nguy hiểm. Hãy cùng các bác sĩ YouMed tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây.

Hiểu đúng về hạt gạo trên móng tay

Những đốm trắng trên móng tay được dân gian gọi là hạt gạo. Tuy nhiên, thuật ngữ đúng để chỉ tình trạng này là Leukonychia. Có thể thấy, cả người trưởng thành hoặc trẻ em đều có thể nổi hạt gạo trên móng tay.

Hạt gạo có thể xuất hiện dưới dạng những đốm nhỏ ở khắp móng tay. Cũng có trường hợp đốm trắng to hơn và tạo thành mảng trên móng. Ở một số người, những đốm trắng ngày càng lan rộng và chiếm hết diện tích móng tay. Hiện tượng này thường ảnh hưởng vài ngón, hoặc cũng có khi cả bàn tay.

hạt gạo trên móng tay
Những đốm trắng trên móng tay được dân gian gọi là hạt gạo.

Nguyên nhân móng tay nổi hạt gạo

Hạt gạo trên móng tay xuất hiện chủ yếu do chấn thương ở móng. Tổn thương có thể xảy ra do móng tay bị ảnh hưởng bởi lực mạnh, khiến móng bị dập. Việc thường xuyên giũa, cắt không đúng cách hoặc dùng gel sơn cũng khiến móng tay bớt “khỏe mạnh”. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng dẫn đến hiện tượng này.

Dị ứng

Dị ứng với các chất hóa học có trong sơn móng tay, nước tẩy trang là yếu tố làm móng tay nổi hạt gạo. Do đó, bạn nên sử dụng các sản phẩm này với tần suất phù hợp để giúp móng tay luôn cứng cáp, khỏe mạnh.

Nấm móng tay

Biểu hiện ban đầu của nhiễm nấm là vài đốm trắng ở móng tay hoặc móng chân. Nếu không được điều trị, những đốm này sẽ lan rộng dần và khiến người bệnh đau đớn. Móng tay, chân thường trở nên dày hơn, nhưng cũng giòn và dễ gãy.

Móng tay bị tổn thương

Khi bị tác động bởi lực mạnh, móng tay có thể bị tổn thương và để lại những đốm trắng. Một vài chấn thương xuất hiện khá trễ, thậm chí là sau vài tuần. Những nguyên nhân phổ biến ảnh hưởng đến móng tay bao gồm:

  • Kẹp ngón tay vào cửa khi đóng.
  • Đập nhầm vào ngón tay khi dùng búa đóng đinh.
  • Tay đập vào cạnh bàn quá mạnh.

Thiếu chất dinh dưỡng

Cơ thể bạn có đủ chất dinh dưỡng hay không được thể hiện khá rõ trên móng tay. Móng tay hồng hào, cứng cáp là biểu hiện của cơ thể khỏe mạnh. Do đó, hạt gạo trên móng tay là dấu hiệu cảnh báo bạn đang thiếu hụt các chất như kẽm, kali, canxi và protein.

hạt gạo trên móng tay
Thiếu chất dinh dưỡng là nguyên nhân khiến móng tay nổi hạt gạo

Những nguyên nhân khác

Ngoài ra, một số bệnh lý khác cũng góp phần hình thành nên các đốm trắng trên móng tay:

  • Các bệnh tim mạch.
  • Sức khỏe kém.
  • Bệnh thận.
  • Ngộ độc arsen.
  • Bệnh vẩy nến hoặc bệnh chàm.
  • Viêm phổi.

Tuy nhiên, tần suất móng bị ảnh hưởng do những nguyên nhân trên là khá hiếm.

Khi nào nên đến gặp bác sĩ

Nếu các hạt gạo trên móng tay chỉ xuất hiện thỉnh thoảng, bạn không cần gặp bác sĩ. Song nếu những đốm trắng xuất hiện thường xuyên và ngày càng nhiều, bạn nên liên hệ nhân viên y tế. Đa phần các yếu tố dẫn đến hiện tượng này có thể dễ dàng khắc phục.

Bác sĩ sẽ quan sát tình trạng móng của bạn để đưa đơn thuốc. Tuy nhiên, một số trường hợp có hạt gạo nhưng lại không rõ nguyên nhân. Khi đó, bạn cần thực hiện một vài xét nghiệm nhỏ để hỗ trợ chẩn đoán.

Làm gì khi có hạt gạo trên móng tay?

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra các liệu pháp điều trị phù hợp.

Dị ứng

Bạn nên ngưng tác động hóa chất lên móng tay nếu nhận thấy dấu hiệu dị ứng. Nếu bạn vẫn gặp phải các biểu hiện tương tự dù đã ngưng dùng các sản phẩm trên, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

hạt gạo trên móng tay
Bạn nên ngưng dùng sơn móng tay nếu nhận thấy dấu hiệu dị ứng

Nhiễm nấm móng

Thuốc trị nấm móng đường uống là lựa chọn phù hợp cho vấn đề của bạn. Một số bác sĩ sẽ kê thuốc dạng bôi để làm giảm các triệu chứng. Thời gian điều trị nấm móng kéo dài khoảng 3 tháng. Bạn cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của nhân viên y tế để loại bỏ nấm móng triệt để.

Tổn thương móng tay

Hạt gạo trên móng tay xảy ra chủ yếu do các tổn thương. Ở trường hợp này, bạn chỉ cần chờ móng tay mọc đủ dài để cắt. Khi đó, các đốm trắng cũng sẽ biến mất.

Thiếu chất dinh dưỡng

Móng tay nổi hạt gạo cho thấy cơ thể bạn đang thiếu dinh dưỡng. Do đó, bạn cần tăng cường bổ sung:

  • Protein và canxi: đây là 2 thành phần cấu tạo nên móng tay, giúp móng chắc khỏe hơn. Các thực phẩm giàu protein như cá hồi, cá ngừ, thịt bò hoặc các loại hạt là lựa chọn tốt. Sữa, đậu phụ, tôm,… giúp cung cấp 1 lượng canxi cần thiết.
  • Nên chú ý bổ sung các nguyên tố vi lượng như đồng, kẽm, magie,…
  • Không nên bỏ qua vitamin C trong các bữa ăn hằng ngày. Bạn nên chú ý cách chế biến do vitamin C rất dễ bị hòa tan. Các loại rau quả tươi, rau cải, rau thơm, mồng tơi chứa hàm lượng lớn vitamin C.

Điều trị thẩm mỹ

Nếu bạn cảm thấy những đốm trắng khiến móng tay của bạn kém “xinh đẹp”, bạn có thể dùng sơn móng tay để che lại. Cần thận trọng nếu bạn có tiền sử dị ứng với các sản phẩm này.

Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy móng tay, móng chân xuất hiện đốm trắng kèm theo hiện tượng chán ăn, đau thắt ngực, mắt thâm quầng,… thì cần nhanh chóng liên hệ bác sĩ. Đây có thể là những dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khỏe đang nguy hiểm.

Hạt gạo trên móng tay là vấn đề khá phổ biến. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta vẫn chưa thật sự hiểu rõ về tình trạng này. Hi vọng qua bài viết dưới đây, bạn đọc đã hiểu thêm về hiện tượng nổi hạt gạo trên móng tay. Khi gặp phải những biểu hiện lạ, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và thăm khám kịp thời.