Báo Đà Nẵng điện tử

* Gió nồm và gió nam có phải là một? Gió nồm luôn mang lại không khí mát mẻ, nhưng vì sao ở miền Bắc người dân lại rất “sợ” nồm? (Nữ Phương Mỹ, Sơn Trà, Đà Nẵng).

– Theo giải thích của bachkhoatrithuc.vn, gió nồm cũng là gió nam, xuất hiện về mùa hè, thổi từ hướng đông-nam, mang theo hơi nước từ biển, mát mẻ.

Trong thực tế, đối với người miền Trung thì gió nồm và gió nam là hai loại gió khác nhau, như phân tích của tác giả bài viết “Gió nồm” đăng trên trang quangtrionline.org ngày 10-8-2010 như sau:

“Quê tôi có gió nam và gió nồm, gió nam hay gọi là gió Lào, thổi từ Lào qua sau khi trút hết nước xuống bên tê dãy Trường Sơn rồi khô khốc tràn vào quê tôi, người ta nói đó là đặc sản của Quảng Trị quê tôi. Còn gió nồm là gió từ dưới biển thổi lên mang theo hơi nước nên mát lạnh khi chiều buông xuống. Mỗi khi có gió nồm thì không còn gió nam nóng rát, khô khan nữa”.

Theo Wikipedia, gió Lào là hệ quả của hiện tượng foehn (phơn) ở Việt Nam, đó là việc gió sau khi vượt qua núi trở nên khô và nóng. Gió Lào thường xuất hiện từ đầu tháng tư đến giữa tháng chín, thường bắt đầu thổi từ 8-9 giờ sáng cho đến chiều tối, thổi mạnh nhất từ khoảng gần giữa trưa đến xế chiều. Gió khô và nóng, nên làm cho khí hậu các vùng nói trên trở nên khắc nghiệt.

Dân gian miền Trung có từ lại nồm là cụm thành ngữ, chỉ việc gió hướng đông nam mang hơi nước từ đại dương thổi vào lục địa sau khi trời nắng nóng, thường thổi vào khoảng từ sau 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều vào mùa hè, mát rượi. Cũng vì xuất phát từ hướng đông nam thổi vào đất liền nên gió nồm đôi lúc được gọi thành gió nồm nam hay gió nồm đông.

Bài “Vầng trăng quê em” trong sách Tiếng Việt lớp 3 – tập 1, trang 142, có đoạn: “Vầng trăng vàng thắm đang từ từ nhô lên sau lũy tre làng. Làn gió nồm nam thổi mát rượi”. Mát rượi thì chỉ là gió nồm, không thể là gió nam. Ca dao cũng có câu tương tự thế: Gió nồm là gió nồm nam/ Trách chàng quân tử ăn tham chả mời. Gió mát đến độ chàng quân tử cũng phải mê mẩn chuyện ăn mà quên đi lịch sự tối thiểu.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, trong bài thơ “Thiếu nữ ngủ ngày” có câu “Mùa hè hây hẩy gió nồm đông”. Một bài báo lấy câu thơ này làm tít, đăng trên baophuyen.vn ngày 18-3-2012 giải thích: “Gió nồm đông là ăn theo cách gọi của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong bài thơ “Thiếu nữ ngủ ngày”. Kỳ thực, gió nồm đông đích thị là gió nồm, tức gió mùa đông nam thổi từ Biển Đông vào lục địa. Ca dao vùng Bình – Phú (Bình Định, Phú Yên) có câu “Cho dù ăn chín mười heo/ Hổng bằng ngọn gió trong đèo thổi ra…” chính là để chỉ ngọn gió nồm!”.

Nếu gió nồm mang lại không khí mát mẻ cho miền Trung thì miền Bắc phải chịu lắm sự “Khốn khổ vì trời nồm” như tít một bài báo đăng trên báo Người lao động. Độ ẩm không khí quá cao kèm theo mưa phùn, trời nồm, ẩm ướt khiến sinh hoạt của nhiều gia đình ở miền Bắc trở nên khó khăn.

Bài viết “Hiện tượng nồm nguyên nhân và giải pháp khắc phục” đăng trên Báo Khoa học và Đời sống (được trang khoahockythuat.ninhbinh.gov.vn trích đăng ngày 13-3-2012) giải thích hiện tượng này như sau:

“Nồm” là hiện tượng thời tiết khá đặc biệt thường xảy ra ở các địa phương miền Bắc nước ta vào thời gian cuối mùa Đông đầu mùa Xuân, tức là trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 4 hằng năm. Vào thời điểm này hơi nước trong không khí thường bị ngưng tụ và đọng sương trên bề mặt nền, sàn, tường nhà và đồ vật, gây ẩm ướt rất mất vệ sinh và tác hại không nhỏ đến sức khoẻ con người cũng như độ an toàn của các trang thiết bị trong nhà”.

Cùng là “nồm” nhưng thực tế thời tiết giữa miền Trung và miền Bắc là hoàn toàn không giống nhau.

ĐNCT