Đám rối thần kinh và các tổn thương dây thần kinh – Chi tiết bài viết

I. Đám rối thần kinh cánh tay

Đám rối thần kinh cánh tay do nhánh trước của các dây thần kinh gai sống từ cổ 5 đến ngực 1 tạo thành, nằm ở trong hố nách. Cho ra các nhánh bên và 7 nhánh tận cùng để chi phối cảm giác và vân động cho chi trên và vùng vai và ngực.

1. Dây thần kinh nách

Là Dây thần kinhhỗn hợp từ hố nách đi qua lỗ tứ giác vận động cho cơ delta và cảm giác da vùng cùng vai.

2. Dây thần kinh quay

Là Dây thần kinh hỗn hợp. Có nhiệm vụ cảm giác cho mặt sau cánh tay, cẳng tay và nửa ngoài mu bàn tay. Chi phối vận động cho các cơ vùng cánh tay sau và vùng cẳng tay sau để thực hiện động tác duỗi cẳng tay, bàn tay và ngữa bàn tay. Khi bị tổn thương tùy mức tổn thương cao hay thấp mà có các triệu chứng lâm sàng khác nhau như: bàn tay cổ cò, bàn tay rủ.

3. Dây thần kinh cơ bì

Là Dây thần kinh hỗn hợp. Có nhiệm vụ cảm giác cho mặt trước ngoài cẳng tay. Chi phối vận động cho các cơ vùng cánh tay trước, làm gấp cẳng tay.

4. Dây thần kinh giữa

Là Dây thần kinh hỗn hợp. Có nhiệm vụ cảm giác cho 3/4 ngoài gan bàn tay và ngón tay. Chi phối vận động cho các cơ vùng cẳng tay trước ngoại trừ cơ gấp cổ tay trụ và hai bó trong cơ gấp sâu các ngón tay, cơ đối ngón cái, cơ dạng ngắn ngón cái, một nửa cơ gấp ngắn ngón cái, để thực hiện động tác gấp và sấp bàn tay, đối ngón cái và gấp các dốt ngón giữa và đốt ngón xa.

5. Dây thần kinh trụ:

Là Dây thần kinh hỗn hợp. Có nhiệm vụ cảm giác cho mặt nửa trong mu bàn tay. Phần trong gan bàn tay và 1 ngón rưỡi gan ngón tay (ngón út và nửa trong ngón trỏ). Chi phối vận động cho cơ gấp cổ tay trụ và hai bó trong cơ gấp sâu các ngón tay, các cơ gian cốt, cơ giun, các cơ mô út, cơ gấp ngắn ngón cái (một nửa) và khép ngón cái, để thực hiện động tác gấp đốt ngón gần và dạng khép các ngón tay.

6. Dây thần kinh bì cánh tay trong

Là dây thần kinh cảm giác đơn thuần chi phối cảm giác mặt trong cánh tay.

7. Dây thần kinh bì cẳng tay trong

Là dây thần kinh cảm giác đơn thuần chi phối cảm giác mặt trong cẳng tay.

II. Đám rối thần kinh thắt lưng cùng

Đám rối thần kinh thắt lưng cùng là đám rối thần kinh quan trọng chi phối thần kinh cho chi dưới, thành lập ở khoang sau phúc mạc và chậu hông. Do sự họp lại của nhánh trước các dây thần kinh gai sống từ thắt lưng 1 – đến cùng 3. Cho nhiều nhánh quan trọng trong đó quan trọng là các dây thần kinh bịt, đùi và ngồi.

1. Dây thần kinh bịt

Từ chậu hông đi ra lỗ bịt chi phối cho các cơ khu đùi trong, để thực hiện động tác khép đùi và cảm giác một phần da mặt trong đùi

2. Dây thần kinh đùi

Đi theo cơ thắt lưng chậu qua dây chằng bẹn đến tam giác đùi chia những nhánh vận động cho cơ vùng đùi trước (duỗi cẳng chân) và cảm giác mặt trước đùi và mặt trong cẳng chân.

3. Dây thần kinh ngồi

Dây thần kinh hỗn hợp, lớn nhất cơ thể. Dây thần kinh ngồi thật sự là do sự họp lại của hai dây thần kinh là Dây thần kinh chày và dây thần kinh mác chung trong một bao xơ chung.

3.1. Đường đi:

Từ chậu hông dây thần kinh ngồi đi qua khuyết ngồi lớn, dưới cơ hình lê đến vùng mông. Sau đó có hướng đi chếch xuống dưới ra ngoài, nằm giữa cơ mông lớn ở nông các cơ sinh đôi trên, cơ bịt trong, cơ sinh đôi dưới, cơ vuông đùi ở sâu để xuống đùi. Từ nếp lằn mông, dây thần kinh ngồi chạy thẳng xuống dưới, được đầu dài cơ nhị đầu bắt chéo ở nông, phía sâu là cơ khép lớn đến đỉnh hố kheo chia thành hai nhánh tận cùng là dây thần kinh chày và dây thần kinh mác chung. Trên đường đi cho các nhánh vận đoộng cho các cơ vùng đùi sau để thực hiện động tác gấp cẳng chân.

3.2. Dây thần kinh chày:

Dây thần kinh chày tiếp tục đường đi của dây thần kinh ngồi, từ hố khoeo cho các nhánh bên vận động cho cơ tam đầu đi qua cung gân cơ dép vào lớp cơ sâu vùng cẳng chân sau, chia thành các nhánh vận động cho các cơ vùng này. Sau đó chạy vòng mắt cá trong chia thành hai nhánh thần kinh gan chân trong và ngoài chi phối vận động và cảm giác cơ da vùng gan bàn chân. Dây thần kinh chày là dây thần kinh có nhiệm vụ gấp gan bàn chân, xoay trong bàn chân và gấp ngón chân

3.3. Dây thần kinh mác chung:

Dây thần kinh mác chung từ đỉnh hố kheo chạy song song bờ trong cơ nhị đầu vòng lấy đầu trên xương mác, đến vùng cẳng chân trước chia làm hai nhánh là dây thần kinh mác nông và dây thần kinh mác sâu.

– Dây thần kinh mác nông: chạy xuống khu cơ cẳng chân ngoài chi phối vận động cho cơ mác dài và ngắn và cảm giác da phần ngoài cẳng chân và một phần bên trong da mu bàn chân.

– Dây thần kinh mác sâu: đi qua vách gian cơ đến khu cơ cẳng chân trước chi phối vận động cho các cơ khu trước cẳng chân sau đó đến mu chân chi phối vận động cho cơ duỗi ngắn ngón chân.

III. Tổn thương các dây thần kinh (TK) ở chi dưới

Triệu chứng tổn thương các dây thần kinh ở chi dưới.

– Đám rối thần kinh cùng được tạo nên bởi các rễ thắt lưng L4, L5 và các rễ S1, S2, S3.

– Đám rối nằm ở mặt trước xương cùng và cho ra các dây: dây TK hông to; dây TK mông trên; dây TK mông dưới (còn gọi là dây TK hông bé) và dây TK da đùi sau.

– Các dây TK đều chui qua lỗ mẻ hông lớn để ra ngoài.

1. Tổn thương dây thần kinh hông to:

1.1. Đặc điểm giải phẫu:

– Dây TK hông to (n. ischidiacus) là dây TK lớn nhất và dài nhất trong cơ thể, được tạo nên từ đám rối cùng.

– Dây TK hông to sau khi chui qua lỗ mẻ hông lớn ra ngoài nằm dưới cơ tháp và nằm giữa cơ mông lớn ở phía sau và các cơ sinh đôi, cơ vuông đùi, cơ bịt ở phía trước.

– Dây TK nằm giữa khe ụ ngồi và mấu chuyển lớn (khi viêm dây TK hông to, nếu ấn vào vùng này rất đau gọi là điểm Valleix), rồi dây TK chạy dọc chính giữa mặt sau đùi đến hõm khoeo thì chia ra 2 nhánh cùng là: dây TK hông khoeo ngoài (còn gọi là dây thần kinh mác chung) và dây TK hông khoeo trong (còn gọi là dây TK chày). Thực ra dây TK hông to nằm ở trong chậu hông bé đã có sự tách biệt rõ rệt các bó của dây TK hông khoeo trong và hông khoeo ngoài rồi.

– Dây TK hông to chia ra nhánh bên chi phối vận động cơ bán gân, bán mạc và cơ nhị đầu đùi.

1.2. Chức năng sinh lý:

Chi phối toàn bộ vận động của bàn chân; gấp bàn chân về phía mu và về phía gan chân; xoay bàn chân ra ngoài và vào trong; gấp cẳng chân vào đùi.

1.3. Nguyên nhân tổn thương:

Do vết thương hoả khí, vật sắc nhọn; chấn thương gãy xương chậu, gãy sai khớp hông; tai biến trong phẫu thuật vào khớp hông, khi tiêm mông sai vị trí.

1.4. Triệu chứng lâm sàng:

– Tổn thương hoàn toàn dây TK hông to ở nếp mông sẽ có những biểu hiện sau:

+ Liệt hoàn toàn vận động bàn chân và các ngón chân.

+ Mất phản xạ gót; mất cảm giác đau toàn bộ cẳng chân và bàn chân.

+ Động tác gấp cẳng chân vào đùi còn nhưng yếu (là nhờ cơ thẳng trong, cơ may và cơ khoeo trong).

– Tổn thương không hoàn toàn dây TK hông to: liệt không hoàn toàn bàn chân và hay gặp hội chứng bỏng buốt.

2. Tổn thương dây thần kinh hông khoeo ngoài:

2.1. Đặc điểm giải phẫu: Dây TK hông khoeo ngoài (n. peronaeus) (còn gọi là dây TK mác chung) phân ra 2 nhánh: TK mác nông và TK mác sâu.

– Thần kinh mác nông (dây TK cơ bì): chi phối vận động cơ mác dài, cơ mác ngắn (có tác dụng gấp bàn chân về phía mu và xoay bàn chân ra ngoài) và cho nhánh cảm giác.

– Thần kinh mác sâu (dây TK chày trước): chi phối vận động cơ chày trước, cơ duỗi dài ngón cái, cơ duỗi chung các ngón.

2.2. Chức năng sinh lý: Dây TK hông khoeo ngoài có tác dụng gấp bàn chân về phía mu, xoay bàn chân ra ngoài và đứng bằng gót chân.

2.3. Nguyên nhân tổn thương: Do vết thương hoả khí, vật sắc nhọn đâm phải; gãy và sai khớp gối; gãy chỏm xương mác; tai biến do bó bột, phẫu thuật đóng cứng khớp gối.

2.4. Triệu chứng lâm sàng:

– Không gấp được bàn chân về phía mu chân.

– Không xoay được bàn chân ra ngoài; không duỗi được các ngón chân.

– Khi đi bàn chân thõng xuống.

3. Tổn thương dây thần kinh chày (n.tibialis):

3.1. Giải phẫu: Dây thần kinh chày còn gọi là dây thần kinh hông khoeo trong, chi phối vận động cơ tam đầu cẳng chân, cơ gấp dài ngón cái; cơ chày sau; cơ khoeo và cơ gan chân gầy.

3.2. Chức năng sinh lý: Gấp bàn chân về phía gan chân; đứng bằng mũi chân (kiễng gót); xoay bàn chân vào trong và gấp ngón chân

3.3. Nguyên nhân tổn thương: Gãy đầu dưới xương chày có mảnh rời kèm theo sai khớp gối; tai biến trong kết xương chày, can thiệp vào khớp gối

3.4. Lâm sàng:

– Không gấp được bàn chân về phía gan chân.

– Không đứng được bằng mũi chân (không kiễng được gót chân).

– Không xoay được bàn chân vào trong.

– Teo cơ khu cẳng chân sau; mất phản xạ gót; khi đi thường đặt gót chân xuống trước, gọi là “bàn chân gót” (pes calcaneus).

– Giảm và mất cảm giác đau gan bàn chân, bàn chân lạnh, nhớp nháp mồ hôi, loét, trắng bệch, có lúc tím tái.

IV. Hỏi đáp

Hỏi: Mỗi người có bao nhiêu đôi dây thần kinh gai sống?

Đáp:

Mỗi người có tất cả 31 đôi dây thần kinh (TK) gai sống gồm:

– 8 Đôi dây thần kinh gai sống cổ.

– 12 Đôi dây thần kinh gai sống ngực.

– 5 Đôi dây thần kinh gai sống thắt lưng.

– 5 Đôi dây thần kinh gai sống cùng.

– 1 Đôi dây thần kinh gai sống cụt.

Các dây thần kinh gai sống cấu tạo gồm hai rễ: rễ trước là rễ vận động, rễ sau là rễ cảm giác, có thân tế bào cảm giác nằm ở hạch gai.

Hai rễ họp lại thành dây thần kinh gai sống đi qua lỗ gian đốt sống chia thành hai nhánh chính:

– Nhánh sau chi phối cảm giác và vận động cho vùng lưng

– Nhánh trước chi phối cảm giác và vận động cho phần trước thân mình và tứ chi.

Một số nhánh trước của dây thần kinh gai sống đan chéo nhau tạo thành đám rối thần kinh như: dấm rối thần kinh cổ, đám rối thần kinh cánh tay và đám rối thần kinh thắt lưng cùng.