Khi gặp phải một đề văn, có lẽ phần mở bài thường khiến nhiều bạn cảm thấy khó khăn nhất. Nhiều bạn chưa biết bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào. Hãy tham khảo các cách mở bài sau để có thêm nhiều ý tưởng khi viết văn.
1.Nguyên tắc viết mở bài
– Hai nguyên tắc mở bài mà các bạn phải luôn tâm niệm là:
+ Nêu đúng vấn đề đặt ra trong đề bài.
+ Chỉ được phép nêu những ý khái quát về vấn đề cần nghị luận.
-Một mở bài hay và đúng cần có các yếu tố sau:
+ Ngắn gọn (khoảng 3-4 câu). Phần mở bài quá dài dòng không những khiến bạn mất thời gian mà còn khiến bạn bị … cạn kiệt ý tưởng cho phần thân bài. Hãy hé mở những gì mình định viết ở phần thân bài thôi nhé.
+ Đầy đủ: phải nêu được vấn đề cần nghị luận; phạm vi tư liệu, thao tác nghị luận chính).
+ Độc đáo: gây được sự chú ý cho người đọc về vấn đề cần nghị luận bằng cách nêu, cách liên tưởng khác lạ, bất ngờ cho người đọc. Bạn sẽ dễ chiếm cảm tình của người viết nhất bằng cách này, bởi nó làm bạn nổi bật giữa hàng trăm bài văn khác.
+ Tự nhiên: ngôn từ giản dị, mộc mạc, tránh sáo rỗng, tránh gượng ép. Điều này sẽ gây cho người đọc cảm giác mơ hồ, khó chịu về sự giả tạo.
2.Cách viết mở bài
– Xác định vấn đề cần nêu trong mở bài: Xác định vấn đề cần nêu trong mở bài bằng cách đặt và trả lời câu hỏi: “Bài làm cần viết về vấn đề gì?” Từ đó xác định nội dung, phạm vi kiến thức vận dụng. Bạn hãy dùng bút tô đậm những từ ngữ được xem như chìa khóa trong đề bài và lấy đó làm từ để nhấn ở phần mở bài của mình nhé.
– Cách xác định vấn đề: Xác định vấn đề bàn luận là điều căn cốt nhất vì nếu xác định sai thì coi như toàn bộ nội dung bài viết sẽ chệch hướng hoàn toàn (lạc đề). Muốn xác định được vấn đề cần phải t́ìm hiểu đề bài. Thông thường đề bài có hai dạng:
+ Dạng nổi (lộ thiên): Là dạng đề mà các yêu cầu về nội dung, h́ình thức, cách thức, phương hướng, phạm vi, mức độ nghị luận được nêu ra trực tiếp và rõ ràng ngay ở đề bài. Với đề bài này vấn đề cần bàn luận đã có sẵn, không khó để các bạn xác định.
+ Dạng chìm: Là dạng đề trong đó người ra đề không cho dữ kiện rõ về các yêu cầu của nội dung cũng như cách thức, phạm vi… nghị luận. Bởi thế người viết phải phân tích, tổng hợp, khái quát nội dung vấn đề từ chính nội dung của đoạn văn, đoạn thơ, hoặc tác phẩm, câu trích…
-Xác định cách nêu vấn đề trong mở bài
Bạn có thể viết mở bài theo 1 trong 3 cách sau:
Mở bài trực tiếp: Là cách giới thiệu ngay vào vấn đề cần.
Ưu điểm của cách mở bài trực tiếp:
+ Đi thẳng vào vấn đề nên tránh được sự lan man, xa đề hoặc lạc đề.
+ Dễ vận dụng đối với các học sinh có kỹ năng lập luận yếu.
+ Tiết kiệm được thời gian suy nghĩ cho người viết.
– Nhược điểm:
+ Ít tạo được không khí lôi cuốn cho người đọc.
Ví dụ: Mở bài cho đề bài: Phân tích bài thơ “Chiều tối” trong tập thơ Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh.
“Chiều tối” là một bài thơ trong tập thơ “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh. Bài thơ được Bác sáng tác ngay trên đường bị giải đi từ nhà ngục Tĩnh Tây đến nhà lao Thiên Bảo vào lúc chiều tàn. Ra đời trong hoàn cảnh ấy, bài thơ đã ghi lại bức tranh thiên nhiên và cảnh sinh hoạt của con người ở vùng rừng núi một cách sinh động.
Mở bài gián tiếp: Là cách mở bài đi từ xa đến gần, nói chuyện khác để dẫn vào chuyện của mình, nêu ra những ý liên quan đến vấn đề cần nghị luận để dẫn đến vấn đề cần nghị luận.
Một số cách mở bài gián tiếp :
+ Mở bài theo lối diễn dịch: nêu những ý khái quát hơn vấn đề đặt ra trong đề bài rồi mới bắt vào vấn đề ấy. Ví dụ: “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận là một “bài thơ cuộc đời”. Bài thơ được sáng tác năm 1958 nhân một chuyến đi thực tế ở vùng mỏ Hòn Gai, Cẩm Phả. Thông qua một đêm đánh cá của đoàn thuyền lớn trên biển, tác giả ca ngợi kiểu lao động mới mẻ của người lao động tràn đầy lạc quan tin tưởng, làm chủ thiên nhiên, biển cả bao la. Qua bài thơ ta cảm nhận được không khí lao động khẩn trương, hăng say, nhộn nhịp của miền Bắc thời kì xây dựng CNXH.
+ Mở bài theo lối quy nạp: nêu lên những ý nhỏ hơn vấn đề đặt ra trong đề bài rồi tổng hợp lại thành vấn đề cần nghị luận. Ví dụ: Cảm nhận về bức tranh xuân trong đoạn trích “Cảnh ngày xuân”.
Thời gian vẫn trôi đi và bốn mùa luôn luân chuyển. Con người chỉ xuất hiện một lần trong đời và cũng chỉ một lần ra đi mãi mãi vào cõi vĩnh hằng. Nhưng những gì là thơ, là văn, là nghệ thuật đích thực… thì vẫn còn mãi mãi với thời gian. “Truyện Kiều” của Nguyễn Du là một tác phẩm nghệ thuật như thế, đặc biệt là đoạn thơ viết về “Cảnh ngày xuân” – một mùa xuân mới mẻ, tinh khôi và giàu sức sống.
+ Mở bài theo lối tương liên (tương đồng). Tìm 1 vấn đề tương tự (đề tài, chủ đề, hình ảnh, tác phẩm…) làm cầu nối so sánh với vấn đề của đề bài để tạo đoạn dẫn. Ví dụ: Khi đọc “Mùa Lạc” của Nguyễn Khải ta gặp nhân vật Đào, cô gái có quá khứ đau thương nhưng đã trỗi dậy mạnh mẽ khi đón nhận cuộc sống mới và những con người mới; nhưng đau thương hơn và sự vươn dậy quyết liệt hơn phải kể đến nhân vật phụ nữ trong tác phẩm viết cùng thời của nhà văn Tô Hoài.
+ Mở bài theo lối tương phản (đối lập): nêu lên một ý trái ngược với ý trong đề bài rồi lấy đó làm cớ chuyển sang vấn đề nghị luận hoặc nêu lên các ý kiến đối lập nhau về vấn đề cần nghị luận. Ví dụ: Chúng ta đã gặp không ít những số phận người phụ nữ bi thương trong các tác phẩm văn học Việt Nam, đó là một nàng Vũ Nương oan khuất, một nàng Kiều bi kịch, một Chị Dậu tủi hờn… Nhưng khi tiếp cận với dòng văn học cách mạng, vẫn những người phụ nữ ngày xưa ấy lại trỗi dậy mạnh mẽ đứng dậy làm chủ đời mình. Một trong những nhân vật văn học nữ tiêu biêu biểu là Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của Nhà văn Tô Hoài.
+ Mở bài bằng cách đặt câu hỏi nghi vấn: người viết tự đề xuất câu hỏi về vấn đề cần bàn. Trả lời câu hỏi chính là cách giải quyết vấn đề, nêu lên được vấn đề cần bàn bạc.
Ví dụ: Đ. Điđrô đã nói: “Nếu không có mục đích, anh không làm được gì cả. Anh cũng không làm được cái gì vĩ đại nếu mục đích tầm thường”. Em hãy bình luận câu nói trên.
Mở bài: Trong xã hội, ai cũng muốn thành đạt trong mọi hoạt động, trong công việc cũng như trong cuộc sống. Vậy cái gì tạo nên sự thành đạt đó? Có thể nói, có nhiều yếu tố tạo nên sự thành đạt. Một trong những yếu tố có giá trị tiên quyết là mục đích sống. Nhà văn Pháp Đ. Điđrô đã nêu ra kết luận: “Nếu không có mục đích, anh không làm được gì cả. Anh cũng không làm được cái gì vĩ đại nếu mục đích tầm thường”.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!