Chủ nghĩa xã hội không tưởng là gì? – LyTuong.net

Chủ nghĩa xã hội không tưởng là gì? Các giai đoạn phát triển, giá trị và hạn chế lịch sử của Chủ nghĩa xã hội không tưởng.

1. Khái niệm chủ nghĩa xã hội không tưởng

Chủ nghĩa xã hội không tưởng là một hệ thống những quan điểm, tư tưởng về giải phóng xã hội, giải phóng con người; xây dựng một xã hội mới tốt đẹp không có áp bức, bóc lột, đảm bảo cho mọi người thực sự có cuộc sống bình đẳng, hạnh phúc, nhưng lại đưa ra con đường, biện pháp sai lầm, đó là bằng giáo dục, thuyết phục và tuyên truyền hòa bình…cho lý tưởng của họ.

Chính sự xuất hiện chế độ tư hữu, xuất hiện giai cấp thống trị và bóc lột mà xuất hiện các phong trào và tư tưởng xã hội chủ nghĩa.

2. Các giai đoạn phát triển của chủ nghĩa xã hội không tưởng

Giai đoạn thứ nhất: Những mầm mống và khuynh hướng tư tưởng xã hội chủ nghĩa thời cổ đại.

Chế độ chiếm hữu nô lệ là bước phát triển tất yếu của lịch sử. Giai cấp quý tộc chủ nô và giai cấp nô lệ là hai giai cấp cơ bản mang tính chất đối kháng quyết liệt.

Mâu thuẫn giai cấp và cuộc đấu tranh giai cấp là miếng đất làm nảy sinh những mầm mống tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng xã hội chủ nghĩa thời cổ đại thể hiện trong dòng “văn học chưa thành văn”. Thông qua các câu chuyện dân gian như: các chuyện thần thoại, chuyện cổ tích, chủ nghĩa xã hội không tưởng một mặt, phản ánh những sự bất bình của đông đảo quần chúng lao động đối với các hành vi áp bức, bóc lột của giai cấp thống trị; mặt khác, nêu lên ước mơ, khát vọng của công chúng bị bóc lột, bị áp bức về một xã hội bình đẳng, công bằng, bác ái, nhưng rất mơ hồ, vụn vặt, thậm chí muốn trở về với thời đại “hoàng kim nguyên thuỷ”.

Giai đoạn thứ hai: Tư tưởng xã hội chủ nghĩa từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVIII

Chủ nghĩa tư bản ra đời và sau đó phát triển ở một số nước, trước hết là ở châu Âu. Sự phân hóa giai cấp diễn ra mạnh mẽ và kèm theo đó là những xung đột giai cấp cũng diễn ra quyết liệt. Giai cấp tư sản từng bước thiết lập địa vị thống trị của mình và đã dùng nhiều thủ đoạn áp bức, bóc lột tàn bạo đối với người lao động. Trong bối cảnh lịch sử đó, đã xuất hiện các nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng. Thông qua các tác phẩm “văn học nhân đạo” của mình, các nhà nhân đạo thời cận đại đã lên án, phê phán chế độ xã hội dựa trên chế độ tư hữu, đòi hỏi phải thay thế chế độ xã hội đó bằng một xã hội mới thực sự công bằng, bác ái.

Giai đoạn này có rất nhiều đại biểu ưu tú, điển hình là những đại biểu sau:

+ Tômát Morơ (1478 – 1535) là tác giả của tác phẩm văn học xã hội chủ nghĩa không tưởng đầu tiên, tác phẩm “Không tưởng” (“Utôpi”).

+ Tômađô Campanenla (1568 – 1639) là tác giả của tác phẩm “Thành phố mặt trời”.

+ Grắccơ Babớp (1760 – 1797) và những người bạn chiến đấu cùng chí hướng của ông, lần đầu tiên trong lịch sử, đã nói đến vấn đề đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội với tính cách một phong trào thực tiễn, chứ không chỉ là tư tưởng. “Tuyên ngôn của những người bình dân” của chủ nghĩa Babớp được coi là một cương lĩnh hành động chưa từng có trong lịch sử trước đây của tư tưởng xã hội chủ nghĩa với những nhiệm vụ, những biện pháp cụ thể cần thực hiện ngay trong quá trình hành động dẫn đến xã hội mới công bằng.

Giai đoạn thư ba: Chủ nghĩa xã hội không tưởng – phê phán đầu thế kỷ XIX

Từ cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX, cuộc cách mạng công nghiệp về cơ bản hoàn thành ở nước Anh và sau đó tiếp diễn ở một số nước Tây Âu. Đây là giai đoạn chủ nghĩa tư bản chiến thắng chế độ phong kiến, giai cấp tư sản đã bắt đầu bộc lộ bản chất cố hữu của nó: phản động và bóc lột áp bức nhân dân lao động vì quyền lợi của giai cấp mình; Đây cũng là giai đoạn giai cấp vô sản hiện đại hình thành và bắt đầu thức tỉnh về chính trị.

Trong điều kiện lịch sử ấy, đã xuất hiện những đại biểu mới của chủ nghĩa xã hội không tưởng. Đó là các nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng – phê phán vĩ đại: C.H. Xanh Ximông, Ph.S. Phuriê, R Ôoen…. Trong thời kỳ này, các tư tưởng xã hội chủ nghĩa được thể hiện như là một học thuyết. Chủ nghĩa xã hội không tưởng – phê phán đã tố cáo, phê phán sâu sắc xã hội tư bản chủ nghĩa, phủ định nó, đồng thời đề xuất con đường, biện pháp và những dự đoán thiên tài về xã hội tương lai.

Đại diện chủ nghĩa xã hội không tưởng

+ Côlôđơ Hăngri Đơ Xanh Ximông (1760 – 1825)

C.H. Xanh Ximông xuất thân từ một gia đình quý tộc Pháp. Ông là một nhà tư tưởng vĩ đại, một nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng – phê phán nổi tiếng.

Một trong những nội dung quan trọng trong học thuyết của C.H. Xanh Ximông là lý luận về giai cấp và xung đột giai cấp. Ông có sự nhận xét khá độc đáo về cuộc Cách mạng tư sản Pháp. Tai họa của nó là ở chỗ giai cấp tư sản đã thay thế giai cấp phong kiến và giành quyền thống trị xã hội, nó chưa thiết lập được một chế độ phù hợp với quyền lợi “giai cấp đông đảo nhất và nghèo khổ nhất”.

Ông đòi hỏi phải làm một cuộc cách mạng mới vì hạnh phúc của toàn xã hội nhằm xóa bỏ những điều kiện bất công và phi lý, song ông lại chủ trương giải quyết bằng con đường thuần túy hòa bình, thực hiện sự tuyên truyền để thúc đẩy các vua chúa sử dụng quyền lực mà nhân dân giao phó cho họ để thực hiện những biến đổi. Ông muốn xây dựng xã hội mới trên nguyên tắc điều hòa giai cấp và không chủ trương xóa bỏ chế độ tư hữu. Nhưng với những tư tưởng bình đẳng xã hội, nhân đạo chủ nghĩa và nhiều dự kiến độc đáo về xã hội tương lai mà C.H. Xanh Ximông được thừa nhận là một nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng vĩ đại.

+Phrăngxoa Mari Sáclơ Phuriê (1772 – 1837)

Ph.S. Phuriê là một nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng, một nhà phê phán và lên án xã hội tư sản một cách xuất sắc, một nhà tư tưởng tiến gần đến chủ nghĩa Mác.

Một trong những tư tưởng nổi bật của chủ nghĩa Phuriê là sự phê phán và lên án xã hội tư sản một cách sâu sắc. Ph.S. Phuriê thẳng tay lột trần cảnh khốn cùng, sự nghèo nàn về vật chất và tinh thần của xã hội tư sản. Ông cho rằng, sự nghèo khổ sinh ra từ chính bản thân sự dồi dào, hạnh phúc của thiểu số người này gây ra sự khổ ải cho đa số người khác. Từ đó, Ph.S. Phuriê đòi hỏi phải thay thế xã hội tư sản bằng một xã hội mới cao hơn. Xã hội mới, trong đó có sự thống nhất giữa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể, mỗi con người riêng biệt chỉ có thể tìm thấy điều có lợi cho họ trong cái lợi của toàn thể mọi người, mọi người đều có quyền lao động và quyền sống.

Ph.S. Phuriê là người đầu tiên đã cho rằng, trình độ giải phóng phụ nữ là mực thước tự nhiên để đo trình độ giải phóng chung. Ông quan niệm về lịch sử xã hội phát triển qua bốn giai đoạn: mông muội, dã man, gia trưởng, văn minh.

Ph.S. Phuriê chủ trương xây dựng xã hội mới vẫn còn chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Ông phản đối bạo lực cách mạng, xã hội mới hình thành bằng thực hiện việc tuyên truyền cho người ta hiểu biết những “dục vọng” của mình.

+ Rôbớt Ôoen (1771 – 1858)

R. Ôoen là một nhà tư tưởng nổi tiếng, một nhà nhân đạo chủ nghĩa, một nhà cộng sản thực nghiệm.

Khác với C.H. Xanh Ximông và S. Phuriê, điểm nổi bật của học thuyết Ôoen là khuynh hướng phủ nhận và lên án chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất một cách toàn diện và sâu sắc nhất. Ông cho rằng, chế độ tư hữu đã và đang là nguyên nhân của vô số tội phạm và tai họa mà con người phải chịu đựng. Nó là nguyên nhân gây ra sự lừa đảo, gian lận, nạn mãi dâm, đói nghèo, tội lỗi, đau khổ và bao nhiêu tệ nạn xã hội khác. Đó là một xã hội bất chính và bất hợp lý trong thực tiễn cần phải xóa bỏ, thay thế bằng một xã hội hoàn mỹ – xã hội xã hội chủ nghĩa.

R. Ôoen đã tiến hành thực nghiệm xã hội, bằng cách xây dựng các công xã lao động. Nổi bật là ở Niu La Nác (Anh) và Inđiana (Mỹ). Trong tổ chức cơ sở của xã hội mới, mọi thành viên sẽ sống như trong một gia đình. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của công xã được xây dựng trên cơ sở lao động tập thể, cộng đồng sở hữu, bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi giữa tất cả các thành viên…

Nhưng để có xã hội mới tốt đẹp, R. Ôoen cho rằng, cần phải có sự giúp đỡ của những người lãnh đạo đất nước, những người giàu có.

3. Những giá trị và những hạn chế lịch sử của chủ nghĩa xã hội không tưởng

a. Những giá trị của chủ nghĩa xã hội không tưởng

Chủ nghĩa xã hội không tưởng có một quá trình phát triển lâu dài, từ chỗ là những ước mơ, khát vọng thể hiện trong các câu chuyện dân gian, các truyền thuyết tôn giáo đến những học thuyết xã hội – chính trị. Cống hiến lớn lao của chủ nghĩa xã hội không tưởng:

Một là, chủ nghĩa xã hội không tưởng đã thể hiện tinh thần lên án, phê phán kịch liệt và ngày càng gay gắt, các xã hội dựa trên chế độ tư hữu, chế độ quân chủ chuyên chế và chế độ tư bản chủ nghĩa; góp phần nói lên tiếng nói của những người lao động trước tình trạng bị áp bức, bị bóc lột ngày càng nặng nề.

Hai là, chủ nghĩa xã hội không tưởng đã phản ánh được những ước mơ, khát vọng của những giai cấp lao động về một xã hội công bằng, bình đẳng, bác ái. Nó chứa đựng giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc thể hiện lòng yêu thương con người, thông cảm, bênh vực những người lao khổ, mong muốn giúp đỡ họ, giải phóng họ khỏi nỗi bất hạnh.

Ba là, chủ nghĩa xã hội không tưởng bằng việc phác họa ra mô hình xã hội tương lai tốt đẹp, đưa ra những chủ trương và nguyên tắc của xã hội mới mà sau này các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học đã kế thừa một cách có chọn lọc và chứng minh chúng trên cơ sở khoa học. Ví dụ như những luận điểm: về tổ chức sản xuất và phân phối sản phẩm; về xóa bỏ sự đối lập giữa lao động trí óc với lao động chân tay; về vai trò của công nghiệp; về giáo dục; về sự nghiệp giải phóng phụ nữ; về vai trò lịch sử của nhà nước,…

Với những giá trị lịch sử trên mà chủ nghĩa xã hội không tưởng, chủ yếu là của chủ nghĩa xã hội không tưởng – phê phán đầu thế kỷ XIX, được các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học thừa nhận là một trong ba nguồn gốc lý luận của chủ nghĩa Mác.

b. Những hạn chế của chủ nghĩa xã hội không tưởng và nguyên nhân của

– Những hạn chế:

Một là, chủ nghĩa xã hội không tưởng không giải thích được bản chất của các chế độ nô lệ làm thuê. Đặc biệt là nó không thấy được bản chất của chế độ tư bản chủ nghĩa, chưa khám phá ra được quy luật ra đời, phát triển và diệt vong của các chế độ đó, đặc biệt là chủ nghĩa tư bản nên cũng không chỉ ra được con đường, biện pháp đúng đắn để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới.

Hai là, chủ nghĩa xã hội không tưởng đã không phát hiện ra lực lượng xã hội tiên phong có thể thực hiện cuộc chuyển biến cách mạng từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản-lực lượng xã hội đã được sinh ra, lớn lên và phát triển cùng với nền đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa, đó là giai cấp công nhân.

Ba là, chủ nghĩa xã hội không tưởng muốn cải tạo xã hội bằng con đường cải lương chứ không phải bằng con đường cách mạng.

– Nguyên nhân của những hạn chế:

Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế trên của chủ nghĩa xã hội không tưởng một phần là do bản thân các nhà chủ nghĩa xã hội không tưởng, nhưng cơ bản là do điều kiện kinh tế – xã hội lúc bấy giờ quy định. Đó là, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa chưa phát triển đến độ chín muồi, công nghiệp lớn chỉ mới xuất hiện ở nước Anh, nên chưa bộc lộ mâu thuẫn kinh tế cơ bản trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa; giai cấp công nhân hiện đại chưa trưởng thành, cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân còn ở trình độ thấp, nên mâu thuẫn xã hội còn ẩn dấu chưa bộc lộ hẳn, quan hệ giai cấp và sự đối lập giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản còn ít phát triển. Chính vì vậy, Ph. Ăngghen đã chỉ rõ: ”Hoàn cảnh lịch sử ấy cũng đã quyết định quan điểm của những người sáng lập ra chủ nghĩa xã hội. Tương ứng với một trình độ chưa trưởng thành của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, với những quan hệ giai cấp chưa chín muồi, là một lý luận chưa chín muồi”.

Ngày nay, người ta không thể đòi hỏi gì hơn ở những nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng khi mà những hạn chế của họ hoàn toàn do những điều kiện lịch sử khách quan quy định.

Mặc dù chủ nghĩa xã hội không tưởng có nhiều giá trị, song nó mắc phải những hạn chế nên nó chỉ có vai trò tích cực trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Khi cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân chống giai cấp tư sản phát triển tới quy mô rộng lớn, đòi hỏi phải có một lý luận khoa học và cách mạng soi đường, khi chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời thì các trào lưu của chủ nghĩa xã hội không tưởng trở nên lỗi thời, bảo thủ, thậm chí còn mang tính chất phản động, cản trở phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động chống giai cấp tư sản.

Xem thêm: Chủ nghĩa xã hội khoa học là gì?