Mệt mỏi áp lực vì điểm số là tình trạng rất phổ biến ở học sinh. Tình trạng này thường bắt nguồn từ việc bố mẹ đặt nặng thành tích, thường xuyên so sánh trẻ với những học sinh ưu tú,…
Mệt mỏi, áp lực vì điểm số và dấu hiệu nhận biết
Điểm số là thang đo năng lực học tập của học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, yếu tố này không quyết định hoàn toàn năng lực của mỗi người và trong một số trường hợp chỉ có tính chất tương đối. Mặc dù vậy, nền giáo dục nước ta khá xem trọng thành tích nên không ít học sinh phải đối mặt với áp lực điểm số dẫn đến mệt mỏi và suy nhược.
Áp lực vì điểm số khiến không ít học sinh bị stress, mệt mỏi và mất đi niềm vui khi học tập. Về lâu dài, tình trạng này còn ảnh hưởng đến kết quả học tập và gia tăng các hành vi, suy nghĩ lệch chuẩn.
Các dấu hiệu cho thấy bạn đang bị áp lực, mệt mỏi vì điểm số:
- Luôn nghĩ đến điểm số và thường có tâm lý lo lắng trong thời gian chờ kết quả thi.
- Khi đối mặt với điểm số không được như mong muốn, bạn sẽ có tâm lý buồn bã, chán nản, thất vọng về bản thân và đôi khi cảm thấy sợ hãi trước những lời trách móc nặng nề của gia đình, thầy cô. Thực tế, những lời nói dù nhẹ nhàng nhưng ý nghĩa sâu xa có thể khiến học sinh bị tổn thương và stress.
- Mất đi niềm vui trong học tập và thường có tâm lý bất an, lo sợ vì sợ không nắm vững bài học.
- Cơ thể mệt mỏi, suy nhược, đôi khi bị mất ngủ, suy giảm trí nhớ do căng thẳng quá mức.
Nguyên nhân dẫn đến áp lực điểm số
Điểm số được xem là thước đo khả năng hiểu bài và năng lực của mỗi học sinh. Tuy nhiên, kiến thức trong đề thi chủ yếu là kiến thức được giảng dạy trong sách giáo khoa. Một số học sinh có thể không giỏi về lý thuyết nhưng am hiểu mọi thứ xung quanh cuộc sống và luôn tìm tòi, sáng tạo để chế tạo ra các máy móc hỗ trợ cho cuộc sống của con người.
Về cơ bản điểm số chỉ có tính chất tương đối và không hoàn toàn phản ánh được năng lực của mỗi học sinh. Tuy nhiên với môi trường giáo dục đặt nặng thành tích và sự kỳ vọng quá lớn của gia đình, học sinh khó có thể tránh khỏi áp lực điểm số.
Các nguyên nhân có thể gây mệt mỏi, áp lực vì điểm số:
1. Thầy cô, bố mẹ đặt nặng thành tích
Thầy cô, bố mẹ đặt nặng thành tích là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng mệt mỏi và áp lực vì điểm số. Thực tế, bất cứ ai cũng muốn con cái học tập tốt và giỏi giang. Tuy nhiên, năng lực của mỗi người là khác nhau. Do đó, ngay cả siêng năng và chăm chỉ, con trẻ cũng có thể không đạt được thành tích như mong muốn.
Trong trường học, thầy cô luôn đặt nặng thành tích đối với những cá nhân xuất sắc với hy vọng học sinh của mình đạt giải cao trong các kỳ thi cấp quận, cấp thành phố,… Sự kỳ vọng quá mức từ thầy cô và gia đình vô tình tạo ra áp lực lớn khiến học sinh luôn cảm thấy mệt mỏi, chán nản.
2. Do thường xuyên bị so sánh
Thói quen thường thấy ở các bậc cha mẹ Việt Nam là luôn so sánh con cái với người khác. Sự so sánh này vô tình khiến cho trẻ cảm thấy khó chịu, mệt mỏi và áp lực vì điểm số. Như đã đề cập, năng lực của mỗi người là không giống nhau nên việc đạt thành tích cao không chỉ dựa vào sự siêng năng và chăm chỉ.
Hiện nay, rất nhiều bậc phụ huynh chì chiết và so sánh con cái khi con không đạt được kết quả như mong muốn mặc dù học thêm khá nhiều. Tuy nhiên, phụ huynh không hiểu được rằng, học tập là quá trình tiếp thu và dung nạp kiến thức. Ép trẻ học quá nhiều đôi khi không phải là cách hay mà ngược lại còn khiến trẻ có tâm lý sợ học, chán học và kết quả học tập ngày một đi xuống.
3. Tâm lý muốn khẳng định bản thân
Ở tuổi đến trường, kết quả học tập là điều quan trọng nhất đối với học sinh. Hơn nữa, đây là giai đoạn trẻ có nhiều thay đổi về tâm sinh lý dưới tác động của hormone. Do đó, một số trẻ mong muốn khẳng định bản thân bằng thành tích học tập ấn tượng.
Tuy nhiên, kết quả học tập không phải lúc nào cũng được như mong muốn. Nếu đặt áp lực quá nặng, bạn có thể mắc phải một số sai lầm như đọc không kỹ đề, làm sai đề,… Vì vậy, tâm lý thoải mái vẫn là điều cần thiết nhất khi học tập và đặc biệt là khi trải qua các kỳ thi.
4. Do tự đặt áp lực cho chính mình
Rất nhiều học sinh giỏi luôn tự đặt áp lực cho chính mình để duy trì được vị trí dẫn đầu. Tuy nhiên, việc tự tạo áp lực lại vô tình gây ra tình trạng mệt mỏi và suy nhược. Bởi khi thành tích giảm sút, trẻ sẽ phải đối mặt với những câu hỏi từ giáo viên và gia đình. Quan trọng một số trẻ có tính cách cầu toàn luôn muốn bản thân đạt kết quả tốt nhất trong các kỳ thi.
Cách vượt qua mệt mỏi vì áp lực điểm số
Mệt mỏi vì áp lực điểm số có thể dẫn đến stress và nhiều vấn đề tâm lý, tâm thần. Chính vì vậy, bạn cần biết cách vượt qua tình trạng này để tìm lại niềm vui và sự hứng thú trong quá trình học tập. Có như vậy mới có thể tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất mà không bị chi phối bởi áp lực hay bất cứ cảm xúc tiêu cực nào.
Cách vượt qua mệt mỏi vì áp lực điểm số:
1. Hiểu đúng ý nghĩa của việc học tập
Học tập là một quá trình dài với mục đích dung nạp kiến thức, trau dồi kỹ năng và cải thiện khả năng tư duy. Đây chính là hành trang để phục vụ cho cuộc sống hiện tại và tương lai. Trong đó, điểm số là tiêu chí để thầy cô có thể đánh giá được năng lực và khả năng tiếp thu bài giảng của mỗi học sinh.
Điểm số hoàn toàn không phản ánh 100% năng lực của mỗi người. Do đó, bạn không nhất thiết phải nỗ lực để đứng ở vị trí cao nhất mà cần nhận thức được rằng, học để nâng cao kiến thức giúp bản thân tự tin hơn và có nhiều cơ hội khi tìm kiếm việc làm trong tương lai.
Thực tế, có nhiều môn học không được chú trọng trong chương trình giảng dạy như thể thao, nghệ thuật, âm nhạc,… nhưng rất nhiều học sinh khi trưởng thành lại đạt được thành tựu ở những lĩnh vực này.
Đối với các bộ môn học tốt, bạn nên tìm tòi, nghiên cứu thêm để gia tăng kiến thức thực tế. Song song, nên trau dồi thêm các môn học còn yếu kém để cải thiện kết quả học tập. Tuy nhiên, không nên đặt áp lực quá lớn khiến bản thân trở nên mệt mỏi và căng thẳng.
2. Thay đổi suy nghĩ
Rất nhiều học sinh tự đặt mục tiêu cho bản thân để nỗ lực đạt được thành tích cao. Nhìn chung, đây là hành động tốt vì có thể tạo được nguồn động lực để ngày một hoàn thiện và nâng cao năng lực bản thân. Tuy nhiên dù kết quả có ra sao, bạn không cũng nên tự trách móc vì bản thân đã cố gắng hết sức.
3. Chia sẻ với thầy cô, bố mẹ
Phần lớn những trường hợp bị mệt mỏi, áp lực vì điểm số đều do bố mẹ và thầy cô đặt nặng thành tích. Vì vậy nếu cảm thấy quá mệt mỏi, hãy chia sẻ thẳng thắn với thầy cô và bố mẹ. Khi trò chuyện, nên giữ tâm thế bình tĩnh và thoải mái để người lớn hiểu rằng, những điều bạn đang cảm nhận là hoàn toàn đúng và không phải là hành động nông nổi.
Thực tế, việc thay đổi suy nghĩ của người lớn về thành tích học tập không phải điều dễ dàng. Vì vậy, quá trình này sẽ mất khá nhiều thời gian và đôi khi có thể dẫn đến một số tình huống không mong muốn. Nếu bố mẹ quá cứng nhắc về vấn đề thành tích, bạn có thể tìm đến những người tâm lý hơn như anh chị, ông bà,… để chia sẻ và giải tỏa áp lực.
4. Lên kế hoạch học tập khoa học
Dù điểm số không phải yếu tố quyết định tất cả nhưng tiêu chí này phần nào phản ánh được năng lực của mỗi học sinh. Thực tế, nhiều học sinh rất siêng năng, chăm chỉ nhưng không nhận được kết quả cao trong các kỳ thi do học trước quên sau, học không có kế hoạch.
Để đạt được thành tích tốt, bạn nên lên kế hoạch học tập cụ thể. Trước tiên, cần ghi chép lại dặn dò của giáo viên để hoàn thành bài tập đúng hạn và tránh tình trạng quên làm bài, học bài. Khi học tập, nên chú ý nghe giảng để nắm vững kiến thức, điều này sẽ giúp bạn tránh phải học đi học lại, từ đó có thể tiết kiệm thời gian để tìm tòi thêm kiến thức và thư giãn, nghỉ ngơi.
Vào cuối kỳ, bạn nên tổng hợp kiến thức để ôn tập dễ dàng và tránh tình trạng thiếu sót. Khi nắm vững kiến thức, cần làm bài tập thường xuyên, bắt đầu từ các bài tập đơn giản đến nâng cao. Nếu cần thiết, có thể nhờ sự hỗ trợ của bạn bè và thầy cô để nắm vững hơn cách giải bài tập.
Với những môn học cần phải học thuộc, nên chia nội dung ôn tập thành nhiều phần và sắp xếp thời gian ôn tập sớm để tránh tình trạng học một lúc quá nhiều vào sát kỳ thi dẫn đến việc nhanh quên và bài thi đạt kết quả không cao. Ngoài ra khi học bài cũ, nên học thật kỹ để nhớ những kiến thức cơ bản. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều khi ôn tập vào cuối kỳ để chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng.
5. Trau dồi thêm các kỹ năng cần thiết
Ngoài kiến thức được giảng dạy, bạn cũng cần trau dồi thêm các kỹ năng mềm như kỹ năng tin học, kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp và xử lý vấn đề. Thực tế, trường học chủ yếu giảng dạy các kiến thức chuyên môn và ít khi trang bị các kỹ năng mềm cho học sinh. Tuy nhiên, những kỹ năng này cũng giữ vai trò quan trọng không kém.
Sau thời gian học tập, bạn có thể tự tìm hiểu kỹ năng tin học cơ bản và kỹ năng giao tiếp, thuyết trình. Hiện nay, các nội dung này đều có tài liệu trên google và youtube. Ngoài ra, bạn cũng nên học thêm ngoại ngữ để rèn khả năng giao tiếp thay vì chỉ tập trung vào kiến thức trong sách giáo khoa. Những kỹ năng này có thể không giúp bạn tăng điểm số trong kỳ thi nhưng sẽ là hành trang cần thiết khi lên đại học và tìm kiếm việc làm.
Mệt mỏi, áp lực vì điểm số là vấn đề nhiều học sinh phải đối mặt. Nếu không biết cách giải tỏa, tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến căng thẳng thần kinh và tâm lý sợ học, chán học. Ngoài những nỗ lực từ chính học sinh, gia đình cũng cần quan tâm đến con trẻ và tránh đặt nặng thành tích .
Tham khảo thêm:
- 8 Tác hại của việc học quá nhiều có thể ảnh hưởng đến trẻ
- Cyberbullying (bắt nạt qua mạng) là gì? Thực trạng và hậu quả khó lường
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!